Đại lộ kinh hoàng - Tiếp Linh Địa Tạng đài:



“U uất những vong hồn nơi bờ cao, bụi rậm…”
“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa…” 


   Vào đầu những năm 2000, tôi có nhiều năm liền công tác tại Quảng Trị - Thừa Thiên để xây dựng nâng cấp QL1A đoạn từ Đông Hà đến Phú Bài. Điều làm tôi chú ý ngay từ những ngày đầu đến đây là nổi bật trên nền cát trắng mênh mông của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ngay sát QL1A là tượng Bồ Tát đứng trên đài có tên gọi “Tiếp linh Địa Tạng”. Gió Lào nóng rát, lác đác trên biển cát trắng chỉ là những bụi cây lúp xúp, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người dừng xe chắp tay khấn vái một lát rồi lại đi tiếp tạo ra một vẻ rất linh thiêng... Tôi bắt đầu tìm hiểu bằng cách hỏi người dân nơi đây và tin trên internet để rõ đài Tiếp linh Địa Tạng có từ bao giờ và là nơi thờ cúng ai ? Sửng sốt và đau nhói khi tôi được biết: Đây là Đài tưởng niệm mấy nghìn người dân vô tội trong đó phần nhiều là trẻ con, người già đã chết oan uổng bởi súng đạn của chiến tranh và những toan tính của một vài người nào đó mà nhân dân thường khoác vào họ những cái tên nghe rất mỹ miều là “những chính khách…”. 
   Nhằm chiếm ưu thế trên bàn đàm phán, cũng như cần một đô thị làm đại bản doanh cho Chính Phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam khi hội nghị Paris được ký kết. Quân giải phóng đã mở chiến dịch Xuân Hè 1972 với đỉnh điểm là Việt Nam cộng hòa đã thất thủ tại thị xã Đông Hà và thành cổ Quảng Trị.
   Và điều không mong muốn là toàn bộ người dân của khu vực Đông Hà và Quảng Trị đã ồ ạt, gồng gánh, bồng bế tháo chạy vào Huế theo hướng QL1A theo chân những người lính VNCH bại trận. Người dân đã không ở lại đón mừng chiến thắng, đón những người lính giải phóng quân anh dũng kiên cường, họ đã tháo chạy bỏ lại một thị xã, một thành cổ và các xã lân cận thành một thành phố ma, không người ! 
Đã được tính toán trước, quân giải phóng đã bí mật chốt chặn khu vực Hải Lăng, Mỹ Chánh để triệt hạ quân VNCH trên đường rút chạy vào Huế. Hỏa lực mạnh là pháo và cả các vũ khi tác chiến gần như Cối, B40 (tầm hoạt động vài trăm mét) đã được quân giải phóng sử dụng để nã thẳng vào đoàn quân thất trận cùng với mấy chục ngàn dân đang tháo chạy. Một thảm kịch đau lòng với những người dân vô tội đã xảy ra, người dân chết vì đạn, chết vì bị thương không được cứu chữa, chết vì đói, vì cướp bóc, và cả các cái chết tức tưởi khi đang nằm trên xe cứu thương, mình đầy băng bó thì xe bị trúng đạn… Đoạn đường chết chóc đó đã được mọi người gán cho cái tên: Đại lộ kinh hoàng ! 
   “Nước mắt chan hòa, đứng lặng giữa hàng trăm, hàng ngàn xác chết bên cạnh những chiếc xe đạp, xe gắn máy, nằm ngổn ngang, chỏng gọng, những gồng gánh, bao bọc bị đạn pháo đổ ra tung tóe. Những chiếc xe jeep, xe thùng hồng thập tự, vết đạn xuyên lỗ chỗ. Ngọn gió Lào nóng rát mặt đẩy đưa cánh cửa xe cho thấy những xác người nằm trên băng ca, những cọng băng phất phơ chỉ còn bám vào bộ xương khô bởi mấy rẽ xương sườn. Có bộ xương em bé nằm trên bộ xương người mẹ dưới một bụi gai. Có xác khô đét như người tiền sử nằm giữa đám cỏ may bên lề đại lộ. Có xác nằm sấp, có xác nằm co như còn mong bờ đất dưới ruộng che chở cho mình thoát tầm đạn… Tất cả im lặng. Không có tiếng người, không có tiếng chim. Chỉ có những tiếng phành phạch của những tấm bạt xe, những mảnh quần, vạt áo cứng còng vì bê bết máu khô đang bị gió lùa bay lên như những cái vẫy tay kêu cứu. Thỉnh thoảng, có một mảnh vải, một mảnh băng tuột ra, bay bổng theo gió rồi mắc trên những bụi cây gai trên đồng trống khô cằn... Trên mặt lộ, mỗi xác chết như đã in hình dáng của mình trên nhựa đường bằng một quầng đen đậm.” (ghi chép của một người lính VNCH đã nhảy dù xuống khu vực sau khi chiến sự xảy ra). 
   Tháng 8/1973 đã diễn ra một lễ đại cầu siêu kéo dài 7 ngày 7 đêm. Hơn 3.000 tăng ni và hàng nghìn Phật tử đã về đó tìm xác, chôn cất người chết. Chỉ riêng số xác tìm được phải trên 5-6 nghìn. Tất cả đều được chôn cất đàng hoàng và được làm lễ cầu an sinh linh. Mấy chục năm kể từ ngày thống nhất đất nước (1975), những người dân nơi đây cho biết, chưa hề có một cơ quan, hay tổ chức nào của chính quyền mới đứng ra tổ chức lễ cầu siêu cho các oan hồn nơi đây… 
   Các oan hồn nơi đây cũng đã một phần được an ủi khi ngày 04.9.2013 (29 tháng 7 năm Quý Tỵ), theo thông tin trên internet, một đại lễ cầu siêu đã được tổ chức tại chính Đài Tiếp Linh Địa Tạng, một việc làm dù hơi muộn màng nhưng rất có ý nghĩa của ngày hôm nay với những vong hồn người dân vô tội.











Nhữ Đình Văn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn