TẢN MẠN VỀ HỌ NHỮ CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU ?

Ảnh cuốn Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả của Tác giả Nhữ Đình Toản (đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm)
      Những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3 (2000), khi mà mạng Internet bắt đầu có ở Việt Nam, mọi người “ào” vào “chát chít” (một mạng xh của yahoo). Cao cấp thì lập Blog (một kênh thông tin điện tử cá nhân), Cao cấp hơn nữa (như tôi, hehehe) còn có cả website cá nhân với tên miền nhudinhvan . info/ .com – đã bỏ, chỉ còn “chơi” blog là: nhudinhvan.blogspot. com). Thời điểm này, Anh họa sĩ Nhím, tức Nhữ Đình Ngoạn trên blog cá nhân có đăng bài: gia phả họ Nhữ, anh viết:
      “Từ trước đến nay, nhiều bạn bè thường thắc mắc về cái tên của tui: “Tên ông lạ thật đấy, đảm bảo không đụng hàng”. (cái này thì đúng, cả thế gian này cái tên tui là duy nhất, đố tìm thấy ai trùng cả họ tên với tui). “Cái họ của ông nghe như họ người Bắc… Kinh (không phải Bắc Kỳ sao ta ???!!!). Cái tên theo chiết tự tiếng Hán thì có chữ Vương và chữ Nguyên. Nghĩa là … vua quân Nguyên (?!). Hổng biết có con cháu … Thành Cát Tư Hãn hay … Hốt Tất Liệt gì không đây ?” (hic hic)…. Nghe vậy, ai mà không ấm ức”.
      (i) Anh tán chuyện vui về cái tên của anh: Nhữ Đình Ngoạn 汝 廷 玩. Chữ Ngoạn 玩 gồm chữ Vương 王 ghép với chữ Nguyên 元. Bình là Vua Nguyên, con cháu Thành Cát Tư Hãn… nhưng Anh lại không ghi rõ ra Tên chữ Việt, dịch sang chữ Hán và phân tích chiết tự (như tôi viết), nên nhiều người đọc nghĩ là anh đang nói gốc gác “họ” của anh (có thể) là Mông Cổ !
      (ii) Tán chuyện về cái họ Nhữ 汝 rất lạ của anh: Phần này thì anh “copy” bài trên blog của anh Nhữ Đình Hiệp (người làng Vạc): Anh Hiệp có nhắc đến nhiều nhân vật họ Nhữ thời xưa như: TS Nhữ Văn Lan, TS Nhữ Đình Hiền, TS Nhữ Đình Toản, Nhữ Thị Thục mẹ Trạng Trình… Rồi anh Hiệp dự đoán, họ Nhữ gốc Tầu, qua ví dụ anh thấy một nhân vật họ Nhữ tên Nhữ Dương Vương (thế kỷ 14, TQ) trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung !!!
Họa sĩ Nhím tán vậy, nhưng ngay sau đó, Anh đã viết luôn: “các cụ tổ đã là người Việt từ rất lâu đời rồi, chứ đâu có ở …. Bắc Kinh, hay con cháu …. Thành Cát Tư Hãn”.
      Đến lượt tán chuyện của tôi (Nhữ Đình Văn):
      (1) Một cháu họ Nhữ vừa rồi nói: họ Nhữ (của cháu) gốc Mông Cổ sang Việt Nam từ thế kỷ 13, 14 (đây là thời kỳ quân Nguyên Mông ba lần đánh VN), chắc là cháu đọc cái đoạn tán dóc về tên “Ngoạn 玩” của chú họa sĩ Nhím trên mạng, nhưng lại không đọc kỹ, hiểu kỹ nội dung. Hiện nay nhờ google, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều người họ Nhữ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan… nhưng chẳng có ai họ Nhữ người Mông cổ cả. Người họ Nhữ Việt Nam là bậc danh nhân được sử sách ghi chép sớm nhất là từ thế kỷ 10, trước khi Thành Cát Tư Hãn sinh ra đến 300 năm có lẻ. 
      Theo Ngọc phả Đền Lăng: “Đinh triều nhị vị đại vương, nhất vị công chúa ngọc phả tịch... Quốc Triều Lễ bộ chính bản”, do Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào ngày tốt tháng 10, năm Hồng Phúc thứ nhất (tức tháng 10 năm 1572 triều vua Lê Anh Tông). Ngọc phả ghi về Cụ Nhữ Khâm, kỷ 10, một hào phú ở Trang Thanh Khê (Hà Nam), con gái Cụ là bà Nhữ Đê, cùng chồng là Phó thập đạo Tướng quân Nguyễn Minh phò giúp vua Đinh thống nhất đất nước. Bà Nhữ Đê được vua phong: “Nhữ Hoàng Đê Công chúa – Quốc sắc Thiên tài, Trung Đẳng thần”, được phối thờ tại Đền Lăng (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam).
      (2) Theo tôi: Họ Nhữ là một họ của người Châu Á, giống như các họ khác như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, Phan, Chu, Trịnh, Hồ… các họ này có ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… Cá biệt, họ Đinh còn có ở tộc người Mường Việt Nam. Sự hình thành Họ của các gia tộc cũng đa dạng. Ví dụ: Họ Hồ của vua Hồ Quý Ly có cụ tổ là Hồ Hưng Dật ở Chiết Giang, Trung Quốc, vốn xưa kia là con cháu Nghiêu – Thuấn, được phong ở đất Hồ, nên lấy Hồ làm họ. Họ Tư Mã vốn là quan chức Tư Mã, lấy luôn Tư Mã làm họ. Họ Tôn Thất, vốn là một nhánh con cháu vua chúa họ Nguyễn Phúc. Ở Việt Nam, nhiều chi dòng họ Hoàng, Huỳnh là từ họ Mạc đổi sang, nhiều chi dòng họ Nguyễn là họ Lý đổi sang. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh nhân Trịnh Hoài Đức là người làng Minh Hương (Minh Hương là các làng người Hoa chạy loạn từ Trung Quốc sang Việt Nam được chúa Nguyễn cấp đất cho định cư cách đây từ 200 – 300), đương nhiên không cùng “gốc” với họ Trịnh của Trịnh Kiểm, quê Thanh Hóa trước đó cả hai trăm năm đã lập ra tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài v.v…
      (3) Nếu họ Nhữ là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn thì cũng chẳng có gì xấu cả. Vị Đại Hãn này, theo nghiên cứu hệ gene ĐH Leicester (Anh), hiện nay đang có tới 16 triệu hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Rất tiếc, cho đến nay không có bất cứ chứng nào về người họ Nhữ là gốc Mông Cổ hay là hậu duệ của Đại Hãn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn