Ba Vị Thần (Trivikarma) Quyền Năng Tối Thượng của Ấn Giáo : Brahma, Vishnu, Shiva

Lương Văn Hồng
Ấn Độ nguyên là quốc gia Veda, do vương triều quốc gia Veda thành lập thời cổ đại. Người Ấn Độ cổ đặt tên cho một con sông là Hindu (tiếng Ba Tư cổ gọi là Indu, tiếng Hy Lạp cổ gọi là Indi, người La Mã gọi là Indus, người Anh gọi là India và đặt tên đất nước mình theo tên con sông India (sông Ấn). Thời Hán, người Trung Hoa gọi Ấn Độ là Thân Độc, Thiên Trúc. Ấn Độ là một quốc gia thống nhất từ thế kỷ 4 trước Công nguyên. Cộng hòa Ấn Độ có chính thức thành lập ngày 26.1.1950. Khẩu hiệu của CH Ấn Độ là “Sự thật tự nó thắng”.
4.000 năm trước Công nguyên, tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống và đạo lý đã hình thành trong cuộc sống tinh thần của người Ấn Độ cổ đại. Điều đó có ghi trong Kinh Veda. Tín ngưỡng của người Ấn Độ cổ đại mang tính đa thần (thần Trời, thần Đất, thần Lửa, thần Gió, thần Rắn, thần Bò, thần Khỉ v.v…). Theo dòng thời gian cùng với những chuyển biến, thay đổi trong xã hội, những gì không còn thích hợp trong tín ngưỡng bị loại bỏ bớt đi. 3.000 năm trước Công nguyên xuất hiện ở Ấn Độ đạo Veda (Vedaisme). Đạo Veda suy tàn vào năm 1.500 trước Công nguyên. Thay thế vào đó là đạo Balamon (Brahmanisme) với Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Theo Kinh Áo Nghĩa Thư thì Brahman là siêu nhiên tối linh, là linh hồn vũ trụ. Ấn Độ giáo (Hindouism) hình thành trên cơ sở giáo lý cơ bản của đạo Balamon, đạo Veda. Ngày nay, trên thế giới có 811 triệu tín đồ Ấn giáo. Tín đồ Ấn giáo chiếm 80,5% dân số Ấn Độ, 19% dân cư Srilanca, 18%dân cư Bangladet. Ấn giáo đứng hàng thứ ba trên thế giới trong các tôn giáo đông tín đồ.
Ấn giáo là tôn giáo không có người sáng lập (giáo chủ), là tôn giáo của dân tộc Ấn Độ, hình thành khoảng 1.500 tới 1.000 trước Công nguyên trên cơ sở hỗn dung tín ngưỡng của người Aryan (kẻ xâm lược) và của người bản địa Dravidian (người Ấn Độ chính gốc, có nước da sậm, có khuynh hướng thần bí). Ấn giáo mang đặc trưng đa thần. Ba vị thần tối thượng của Ấn giáo là Thần bảo vệ Vishnu; thần hủy diệt và tái tạo Shiva; Thần sáng tạo Brahman. Tín đồ Ấn giáo còn thờ các thần khác và có tục thờ cúng tổ tiên. Theo thuyết luân hồi của Ấn giáo, khi con người chết, linh hồn rời khỏi xác, sẽ hóa kiếp hoặc lên đẳng cấp cao hơn hay thấp hơn, thành người nhà Trời hay phải làm kiếp động vật , thực vật. Theo thuyết Nghiệp của Ấn giáo, số phận mình do chính hành vi của bản thân con người mình tạo nên. Ấn giáo khuyến khích làm phúc, làm việc thiện. Ấn giáo nói, con đường giải thoát cho mỗi người là thiền định Yoga.
Ấn giáo là tôn giáo không có trung tâm lãnh đạo (như Vatican của Thiên chúa giáo) Sự chuyển biến cùng thay đổi lớn trên thế giới cũng như ở Ấn Độ dẫn đến hình thành Ấn giáo mới (Néo-Hindouism): loại bỏ những chuẩn mực đã lỗi thời về quan hệ xã hội giữa các tầng lớp khác nhau.
Ba vị thần tối thượng của Ấn Độ giáo Brahma, Vishnu, Shiva (Trimurti: tam vị nhất thể) có thể được giải thích như là những phương diện của một quyền năng duy nhất. Brahma là là thần sáng tạo ra vũ trụ (thần sáng thế). Vishnu tượng trưng tất cả những gì tích cực và xây dựng trong vũ trụ. Shiva là phản đề (antithesis), biểu thị những lực tiêu cực và phá hoại chung quanh ta. Ba vị thần ở Điện thờ Ấn giáo là những biểu tượng của các nguyên lý trừu tượng. Vũ trụ được điều lý theo nhịp thái hòa. Có vị thần Shiva tàn phá, thì lại có thần bảo lưu Vishnu, không có vị thần nào hiện hữu đơn độc. Shiva không tách rời khỏi Vishnu.

BRAHMA
Là thần của mọi tri thức, thường xuyên mang theo bộ kinh veda thiêng liêng. Thần chui ra từ quả trứng vàng trôi nổi trên làn nước nguyên thủy, dùng hai mảnh vỏ trứng tạo nên trời đất. Brahma là hiện thân của Thượng Đế. Tuổi thọ của thần Brahma được tính là 100 năm trời. Mỗi năm trời có 365 ngày đêm. Mỗi ngày trời (kalpa) bằng 4 triệu 320 ngàn năm trái đất.
Thần Brahma có bốn tay, bốn đầu nhìn bốn phương trời. Thần Brahma phối ngẫu với nữ thần của khôn ngoan Sarasvati, nhưng cũng có khi với nữ thần diễn từ Vach hay với vú nuôi Gayatri.
Thần Brahma đã sống 51 năm trời. Mỗi lần sinh nhật của thần Brahma là một lần vũ trụ bị hủy diệt rồi được xây dựng mới.

VISHNU
Là vị thần cao nhất, là thần sáng tạo, còn được gọi là thần tay phải (tay phải đưa lên,khuỷu tay gấp lại cong lên , lòng bàn tay phải đua ra trước (động tác abhayamudra: không kinh sợ). Những vật thường có ở nơi Vishnu là một ốc tù và, một tràng hạt cầu kinh, một hoa sen. Vishnu là hiện thân của sự ổn định nữ tính và khả năng sinh thành. Vishnu được mô tả với bốn cánh tay, nhiều đầu, có nhiều hóa thân khác nhau (avataras) nhằm gìn giữ đạo đức và văn minh của nhân loại. Narayanna (con cua Nara: người đầu tiên, bằng hữu) được hiểu là “nơi cư ngụ chung của con người”. Trong thiên anh hùng ca Ramayanna, Vishnu xuất hiện là con cua Nara. Trong thiên anh hùng ca Mahabharata Vishnu xuất hiện với danh xưng Krishna để giảng thuyết nền đức lý vĩ đại của người anh hùng Arjuna trong Chí tôn ca (Bhagavad Gita). Vishnu ngủ bốn tháng trong năm, nghỉ ngơi trong vòng cuộn của rắn Ananta hay rắn Sesanaga. Shiva được đánh thức bởi một nghi lễ đặc biệt. Người phối ngẫu thường xuyên với Vishnu là nữ thần may mắn Lakshmi. Đối thủ chính của Vishnu là Yama (thần chết). Vishnu ngồi trên lưng con vật thiêng đầu người mình chim Garuda để di chuyển. Garuda chuyên ăn tươi nuốt sống nuốt sống lũ ác quỷ.

SHIVA
Shiva tượng trưng cho phương diện nam tính của vũ trụ: có tính tàn phá, bất khả tiên liệu, vì thần cũng là một lực sinh hóa. Thần biểu lộ lưỡng tính với những đối cực từ khổ hạnh đến dục lạc cuồng phong. Tùy theo tâm trạng và ý đồ mà Shiva là hiện thân cho Đấng Sáng tạo, Đấng Bảo lưu, Đấng Hủy diệt. Shiva hay trầm tư quán tưởng trong ngôi nhà tâm linh ở trên núi Kailas trong dãy Himalayas. Shiva tay phải cầm đinh ba (trisula), tay phải khác cái trống nhỏ damaru biểu thị cho nhịp điệu sáng tạo. Cả hai đều là những công cụ ma thuật gắn liền với pháp thuật nguyên sơ (primitive shamanism). Một đầu thòng lọng trói buộc linh hồn (pasa) ám chỉ đến quãng đời tu sĩ khổ hạnh lang thang khắp các dãy núi của Himalayas của thần. Cây cung dhanus và quyền trượng gada gắn trên đầu cái đầu lâu tượng trưng cho quyền lực hủy diệt của thần Shiva. Shiva thường được trình bày là dương vật cương cứng (linga), biểu thị khả năng sáng tạo của thần với tư cách là “người cho hạt giống“.Người phối ngẫu của Shiva là Shaktis. Shakis thường được trình bày là yoni, xuất hiện với nhiều khuôn mặt khác nhau: khi là nữ thần Mahadevi vĩ đại đầy năng động, khi là Parvati con gái của Sơn thần Himalayas, khi là Gauri, Sati hay Uma trong lúc khuyến thiện, nhưng cũng có thể xuất hiện là nữ thần Kali hay Durga khủng khiếp trong lúc ra tay trừng ác. Con vật mà thần Shiva cưỡi là bò mộng Nandin. Shiva còn vào vai của Chúa tể của Nghệ thuật múa Nataraja (còn gọi là Người điều lý nhịp điệu vũ trụ).

LỜI BÌNH:
Nói đến Ấn Độ ngày nay, phải nhắc tới Ấn Độ giáo. Đó là tôn giáo cổ xưa nhưng còn tồn tại ngày nay ở Ấn Độ và trên thế giới. Ấn giáo trong lịch sử của mình chưa bao giờ tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo. Ấn Độ tuy lớn nhưng chưa bao giờ tiến hành chiến tranh xâm lược. Sức sống bền bỉ ấy có được là do ý chí mong muốn hòa bình, do khả năng điều chỉnh, loại bỏ những gì không còn phù hợp, để thích ứng, thỏa hiệp, dung hòa, cộng sinh trong hoàn cảnh mới. Ở Ấn Độ, các hoạt động tôn giáo theo nhiều đức tin khác nhau diễn ra trong đời sống xã hội với tinh thần tôn trọng mọi tín ngưỡng . Các giá trị gia đình truyền thống (gia đình là hạt nhân xã hội) Ấn Độ vẫn lưu giữ trong sinh hoạt gia đình, xã hội Người Ấn Độ luôn tìm cách giữ gìn những truyền thống của mình trong suốt thời kỳ lịch sử trong khi vẫn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng từ phía cả những kẻ xâm lược và những người dân nhập cư. Văn hóa Ấn Độ là kết quả của một truyền thống hợp nhất mọi yếu tố từ mọi phần của quốc gia. Dù là người bình dân hay là nhà khoa học, tín đồ Ấn giáo coi niềm tin tôn giáo là một giá trị lớn., niềm tin trong sáng này bắt rễ sâu xa trong chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa vũ trụ phổ quát. Triết học Ấn Độ nằm trong niềm tin tôn giáo nêu trên: Đó là triết học tâm linh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn