TIẾN SĨ NHỮ VĂN LAN - Vị khoa bảng đầu tiên của huyện Tiên Minh, Ông tổ khai khoa họ Nhữ Việt Nam

Nhữ Đình Văn
Tượng thờ Tiến sĩ Nhữ Văn Lan tại Nguyễn Nhữ Từ Đường - thôn Nam Tử, Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng

     Nhữ Văn Lan sinh ngày 5 tháng 8 năm Quý Hợi (1443), mất ngày 19 tháng 10 năm Quý Mùi (1523), quê quán xã An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, Trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân[1a] khoa Quý Mùi (1463). Là vị khoa bảng đầu tiến của huyện Tiên Minh, Ông tổ khai khoa họ Nhữ Việt Nam. Làm quan đến Thượng Thư Bộ hộ, khi mất được phong Phúc Thần.

    Ông Tổ khai khoa và màn sương tâm linh, huyền ảo lưu truyền
    Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, thuần hậu, nhân đức. Từ khi còn nhỏ, Nhữ Văn Lan đã được cho học chữ Thánh hiền, năm 17 tuổi lại cho đi tầm sư, học đạo, dùi mài kinh sử. Ông đã bộc lộ tư chất “thông minh xuất chúng, dĩnh ngộ dị thường, thiên kinh vạn quyển làu thông, ngũ điển tam phần quán triệt…”[1b].
     Năm Quang Thuận thứ tư (1463), nhà vua mở khoa thi, là một trong số những khoa thi có số nho sinh tham dự đông đảo nhất tính từ khi nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên, với 4400 người. Nhữ Văn Lan vừa tròn 20 tuổi, vốn đã nổi tiếng thơ văn trong vùng lại chăm chỉ đèn sách nhiều năm đã ra ứng thí, và Ông đã vinh dự là một trong 44 vị đại khoa, bảng vàng giữa thời kỳ cực thịnh của nền nho học Việt Nam – Triều vua Lê Thánh Tông.
    Cũng như nhiều vị danh nhân văn hóa, lịch sử, khoa bảng nổi tiếng khác, cuộc đời tài năng và nhân đức của Ông được hậu thế bao phủ lên một màn sương tâm linh huyền ảo nhưng đậm chất nhân văn, nhân quả. Chính phả họ Nhữ An Tử Hạ và cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” do người cháu đời thứ 9 là Tiến sĩ, Quốc lão, Thượng thư, Tả Đô đốc Nhữ Công Toản khởi soạn từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đã ghi:
    “Ở trang An Tử Hạ, thuộc Hải Dương có một người lấy thi thư làm nghiệp, lấy hiếu để giữ nhà, họ Nhữ tên Thực, vợ chồng đẹp đôi, nhà vốn nghèo khó trong sạch, vợ chồng rất là trung hậu, thường làm chiếc lều con, dưới bóng cây dừa bên con đường nhỏ, bán trầu nước làm kế sinh nhai. Hai người tích đức tu nhân trong duyên nợ ba sinh, trên từ đường hương hỏa luôn luôn giữ lòng trong sạch, để rủ dài phúc chỉ cho con cháu. Đó thật là một gia đình tích thiện, có thể biết trước là con cháu đời sau sẽ hưng vượng vậy.
    Một đêm gió lớn cây dừa nghiêng ngả, sáng sớm bà quán ra xem, thấy ở gốc câu dừa có chiến nồi chân, liền bưng về báo với chồng. Hai người mở ra coi, thấy toàn vàng tốt, lại đậy nắp lại như cũ và đem chôn chỗ khác cẩn thận, không chút tơ hào. Mấy tháng sau, có mấy người khách ở Bắc sang cứ đi đi, lại lại, quanh chỗ cây dừa đổ, tìm tòi, họ biết rằng số vàng đã mất… 
    Ông Nhữ bèn gọi vào hỏi chuyện. Người Bắc khách kể rõ sự tình rằng: “Tiên tổ chúng tôi có để của gồm một nồi vàng ở gốc cây dừa, nay chúng tôi không lấy nghìn dặm làm xa, tìm đến đây, không ngờ cây dừa đã đổ… Trộm nghĩ vật của tổ tiên để lại, nhiều ít đều là quý, cho nên tư lự triền miên, bước đi chẳng dứt vậy”.
    Ông Nhữ bèn cười mà nói rằng: “tưởng là vật gì chứ vậy ấy thì thật dễ thấy”. Nói xong bèn làm cơm rượu đãi Bắc khách rồi mang nồi vàng ra trả. Người khách rất mừng, mở nồi ra xem thấy dấu vết cha ông để lại, không suy suyển một phân, bèn xẻ một phần của cải để tặng lại, song cả hai ông bà đều cố từ chối, không nhận. Bắc khách ở lại chơi 5, 6 ngày nữa…, lưu vàng một nén, nhưng ông lại sai người đuổi theo để trả.  
    Bắc khách cho ông bà là người trung hậu, ba bốn ngày sau lại trở lại, đặt cho một kiểu đất âm phần để đền ơn và dặn rằng: “Kiểu đất này là kiểu “bần cục” nhưng đời nối đời làm công khanh đấy, vả lại phía trước ngôi mộ có chữ Vương () có thể phát phúc giới đó. Người sau có thơ rằng:
Ký hay tích thiện hựu từ kim
Chân thị hảo nhân hựu hảo tâm
Tha nhật công khanh tương kế tiến
Thử thời đương hữu quí thăng kim
Dịch nghĩa:
Đã hay tích thiện lại hay từ vàng
Đó là người tốt nết lại tốt lòng
Ngày sau con cháu nối nhau làm công khanh
Chính là nhờ tổ tiên biết có thứ (thật thà, nhân đức) còn quý hơn vàng.
    Ông Nhữ ở đất ấy, vừa được ngoài trăm ngày thường nằm mộng thấy một chú bé rừ trên trời xuống, đứng ở đầu giường tự xin làm con. Chú bé đọc một câu thơ rằng:
Cao phụng Hoàng thiên hứa giáng trần
Sinh phù thanh chúa, tử phù dân
Công gia phúc chỉ tòng tư thủy
Tân ký tân hề, hựu nhật tân.
Dịch nghĩa:
Vâng trên Hoàng Thiên cho phép giáng trần
Sống phò thánh chúa, chết phù hộ nhân dân
Nhà ông dấu phúc từ đây bắt đầu
Đã đổi mới, lại càng ngày càng mới.
    Đọc xong chú bé liền nhập vào bụng bà Nhữ… Từ đó bà có mang, đến hẹn kỳ sinh được một con trai, tai to, mặt vuông, mày thanh, mắt đẹp, tam đình bình mãn, ngũ nhạc triều qui”[2]
   Cậu bé “Vâng trên Hoàng Thiên” giáng trần đó chính là Nhữ Văn Lan, sau này lớn lên thành danh tiến sĩ, bảng vàng, trở thành Vị khoa bảng đầu tiên của huyện tiên Minh, Ông tổ khai khoa của họ Nhữ Việt Nam, mở đầu cho truyền thống hiếu học, khoa cử của huyện Tiên Minh và dòng họ Nhữ Việt Nam[3].

    Vị Quan tài năng, thanh liêm, chính trực
    Đỗ tiến sĩ, Nhữ Văn Lan ra làm quan triều Lê Thánh Tông, Ông “lấy đức cương chính mà giữ mình, lấy đức trung cần mà tu dưỡng. Vua rất mực sủng ái ông”, “được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu…, Văn chương được thiên hạ biết đến, đức trung chính được nể trọng trong triều đình”[4]Cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” ghi lại về Ông: “Người thường giữ điều cương chính làm người, trung thần làm tôi, được vua sùng ái, trải thăng nhiều chức rồi lên đến Thương thư Bộ Hộ”[5].
    Ông là một vị quan tài năng, thanh liêm, chính trực, giúp triều đình giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đóng góp nhiều công lao vào sự hưng thịnh của vương triều Lê thời bấy giờ.

Ngôi mộ phát tích của họ Nhữ An Tử Hạ, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng

     Vị Phúc Thần của  quê hương
    Tới khi 60 tuổi, Ông mới xin vua về nghỉ dưỡng nhàn, “Vua bèn ưng cho và ban thưởng gấm vóc, vàng bạc. Người về đến quê hương, đem lộc cửa vua ban chia cho bè bạn cố nhân, rồi xây dựng gia đường làm nơi phụng thờ tiên tổ cha mẹ. Người lại lập một ngôi sinh từ ở khu Đoài để làm nơi hưởng thần trăm năm của mình. Người còn để lại cho dân xã ba nén vàng làm của hương khói về sau. Từ đó người đi về nhàn du ở đất khu Đoài, khuyên bảo mọi người về việc nông trang, khuyên việc tiện lợi, trừ bỏ điều hại, rất là có công đối với dân”[6].
    Hai mươi năm sống trên mảnh đất quê nhà, với tài năng đức độ, ông đã đem phần tâm lực cuối cùng để giúp đỡ dân làng xây đắp truyền thống giáo dục, học hành, hướng dẫn dân làng đào kênh, xây cầu cống dẫn thuỷ nhập điền, khai khẩn hoang hoá. Với tư tưởng bao trùm “khoan nhân- thi đức” Tiến sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan đã cảm hoá thuyết phục mọi người, nêu tấm gương sáng cho các thế hệ ngàn đời [7].
    Ông mất tại chính tẩm, dân ở khu Đoài tưởng nhớ ơn đức, lập miếu để thờ, “được vua Lê ban thưởng cho mĩ tự là Hộ bộ thượng thư Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần...”[8]Ông là vị Thành Hoàng của quê hương An Tử Hạ.
   Mấy trăm năm qua, tứ thời, bát tiết, người dân hương khói phụng thờ. Nhiều các đời vua triều Lê, triều Nguyễn về sau tiếp tục ghi nhận công đức, “chuẩn ban Thần hiệu cho Ông, lệnh cho sửa sang miếu điện để thờ phụng dài lâu. Ai có việc gì tới cầu, cũng thấy linh ứng”[9].
   Khi còn trẻ, Ông đem tài năng phò giúp vua, xây dựng nền thịnh trị, về già thì mang hết tâm sức còn lại giúp quê hương, dân làng học tập, làm ăn sinh sống, khi chết Ông hiển Thánh Thần đêm ngày phù hộ cho dân thôn bình an, thịnh vượng. Công đức của Ông rộng mở, bao chùm. Tiến sĩ Nhữ Văn Lan là một biểu tượng văn hóa lớn của xứ Đông.
 
Mả Nghè - khu lăng mộ Tiến sĩ Thượng thư Nhữ Văn Lan, phu nhân và con gái Nhữ Thị Thục, tại thôn Nam Tử (An Tử Hạ)
  
    Bài sấm ký của Vị Trạng nguyên ghi trên lư hương thờ Ông ngoại
    Tiến sĩ Nhữ văn Lan có ba người con, hai trai, một gái. Người con trai cả, theo lưu truyền thì mất sớm, Hai người con còn lại đều học hành chu đáo, thành danh ở đời. Con trai thứ Nhữ Huyền Minh làm tri huyện Lục Ngạn, sau di cư về xã Lôi Dương, huyện Đường An, trấn Hải Dương[10]. Người con gái Nhữ Thị Thục, sau được vua phong Từ Thục Phu Nhân, là người có học vấn cao, đặc biệt rất giỏi thơ văn, lý số, là người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ khác thường, được đời sau phong cho danh hiệu “Người đàn bà kỳ tài và khả kính”.  Lấy chồng là giám sinh Nguyễn Văn Định ở bên kia sông Hàn (huyện Vĩnh Bảo) và sinh ra Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một nhà thơ triết lý, một danh nhân văn hóa lớn của đất nước.
   Gia phả của họ Nguyễn hậu duệ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở An Tử hạ còn ghi lại: “phu nhân hồi An Tử Hạ, ỷ phụ thân giáo dưỡng đạt nhi tam tuế”[11], cho thấy Tiến sĩ Nhữ Văn Lan và con gái Nhữ Thị Thục là người có công nuôi dạy và hình thành nhân cách Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi còn nhỏ.

    Sau nhiều năm liền hưng thịnh, dưới triều vua Lê Uy Mục (1505 - 1509) nhà Lê bắt đầu giai đoạn cực kỳ suy yếu, trong Đại Việt Sử Ký toàn thư, sư gia Ngô Sĩ Liên đã viết: “Nhà vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm sai, hại giết người tôn thất, giết ngầm tử mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận người đời gọi là Vua Quỷ, điểm loạn hiện ra từ đấy”. Nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc lên thay, rồi những cuộc chiến tranh sảy ra giữa Bắc Triều (nhà Mạc) và Nam Triều (nhà Lê ở Thanh Hóa) do Nguyễn Kim, rồi Trịnh Kiểm phò trợ…
    Do lo sợ sự trả thù của các thế lực phong kiến Mạc - Lê - Trịnh sau một loạt các biến loạn của thời cuộc thay vua đổi chúa thời kỳ này. Con cháu trong gia đình họ Nhữ đi ẩn tích ở mãi huyện Đường An. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cử người con trai thứ 7 là Nguyễn Ngọc Liễn dẫn người cháu nội sang sinh cơ lập nghiệp ở An Tử hạ, để trông coi phần mộ và thờ phụng cụ ngoại.
    Theo lưu truyền, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho đặt một lư hương mầu gan gà ở lò gốm Thủy Nguyên, đề một bài ký lên đó và cho con cháu đội sang thờ Cụ Ngoại. Chiếc lư hương này, đến những năm 1950 vẫn còn, khi chạy loạn Pháp, lư hương đã bị vỡ, một mảnh có chữ vẫn được giữ lại đến những năm 1960 thì thất lạc nốt. Trước đó, bài ký đã được nhiều người ghi chép lại trong nhiều tài liệu khác nhau. Cuốn Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả được khởi thảo từ nhiều thế kỷ trước cũng chép lại bài ký này, nội dung như sau:
Phiên âm:
Tư hiếu dĩ phụng tiên
Vị viên hựu phục viên
Lai tam tam thế hậu
Lịch số sổ bách niên
Thế nhân phùng khuyết liệt
Chu ngũ phục nguyên tuyền
Hữu xương hồ nhân thập
Hữu xí hồ song thiên
Long xà an sở ngộ
Đĩnh xuất tử tôn hiền
Nội ngoại giao để củng
Thủy chung như nhất phiên
Thời lộ huyền vi chỉ
Xuất lô hương vu Tổ
Kiến long phi tại thiên
Dịch nghĩa:
Lo điều hiếu để thờ tổ tiên
Chưa tròn vẹn thì càng tròn vẹn
Sau này ba, ba đời nữa
Trải số vài trăm năm
Người đời gặp khi khuyết liệt
Trọn số năm lại nguyên toàn
Có may gồm mười người
Có mừng là vài ngày
Phúc và lộc khó gặp nhau
Đĩnh xuất nên con cháu hiền hòa
Nội và ngoại cùng chen chân hầu hạ
Trước sau như một lần
Đường ra không chọn cho riêng mình
Cúng lư hương thờ Tổ
Vào năm vua ta lên ngôi[12]
    Bài ký này như một lời sấm truyền rằng con cháu họ Nhữ sau này có nhiều người đỗ đạt, hiển vinh. Con cháu nội, ngoại hiền hòa, đoàn kết, chen chân thờ phụng tổ tiên…

Di tích Đình Đông, thờ "Hộ bộ thượng thư Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần" (Nhữ Văn Lan), hiện chỉ còn Bia đá và nền nhà, Am nhỏ trong ảnh là do Họ Nhữ xây dựng để làm nơi thờ cúng khi Đình bị phá dỡ phục vụ kháng chiến chống Pháp.

Từ Đường Nguyễn - Nhữ, nơi thờ Tiến sĩ Thương thư Nhữ Văn Lan, bà Nhữ Thị Thục, Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm... tại thôn An Tử Hạ (nam Tử).
    Dấu xưa còn đó
    Lăng mộ của vị Tiến sĩ – Thành Hoàng,  phu nhân và con gái Nhữ Thị Thục tại cánh đồng phía Bắc thôn An Tử Hạ là một khu đất rộng lớn, được địa phương gọi là khu mả Nghè. Trải 500 năm, nhưng khu đất linh thiêng này không đổi thay, vẫn to, cao, cỏ mọc dày, không có người dân địa phương nào đặt mộ gần.
    Di tích đình Đông còn gọi là đình hai giáp thờ hai vị Thành hoàng là “Hộ bộ thượng thư Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần”(Nhữ Văn Lan) của giáp Đoài và “Thiên Quan Hoè Vương”[13] của giáp Đông. Đình  được xây dựng ngay trên khuôn viên đất ở của vị Thần họ Nhữ vẫn còn đó với bia đá lớn ghi công đức và nền nhà với hai hàng đá tảng chân cột, dấu tích của một ngôi đình to đẹp, đang chờ được đầu tư khôi phục.
    Từ Đường Nguyễn – Nhữ đã được Thành phố Hải Phòng, con cháu nội ngoại và khách thập phương đóng góp xây dựng lại với quy mô bề thế, theo phong cách kiến trúc cổ đồng bằng Bắc Bộ là nơi thờ Tiến sĩ Thượng thư Nhữ Văn Lan, Bà Nhữ Thị Thục, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm... Đây là công trình  đầu tiên được đầu tư nằm trong dự án khôi phục, trùng tu cụm các di tích Tiến sĩ Thượng thư Nhữ Văn Lan tại làng An Tử Hạ đã được Thành phố Hải Phòng cấp bằng công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 2005 và các quyết định cho phép đầu tư khôi phục, trung tu khác, đó là: Di tích khu mả Nghè, Từ Đường Nguyễn - Nhữ, Đình Đông, Nhà thờ họ Nhữ, Đình Vồng Si...

Lễ rước tại Nhà thờ họ Nhữ Nam Tử (An Tử Hạ) 
    Hàng năm vào ngày 19 tháng 10 (âm lịch) kỷ niệm ngày mất của Tiến sĩ Thượng Thư Nhữ Văn Lan, dân làng lại mở hội, đông đảo con cháu họ Nhữ và họ Nguyễn (hậu duệ Nguyễn Bỉnh Khiêm), khách thập phương lại hội tụ về dâng hương, để ghi nhớ một vị danh nhân đã có công lao với quê hương, đất nước.
    Về làng An Tử Hạ quê hương Tiến sĩ Thượng thư Nhữ văn Lan ngày nay, mọi người sẽ được hưởng những giờ phút thư thái bởi không khí trong lành, cảnh vật làng quê thanh bình, thuần khiết có hơi chút hoài cổ với những ao hồ xen lẫn nhà và cây xanh, cánh đồng thuốc lào bạt ngàn, gió sông Hàn mát rượi… Sự ồn ào phố xá vẫn chưa xâm nhập nhiều vào miền quê này. Đến thăm viếng các di tích tâm linh của của vị Đại khoa - Thượng Đẳng Phúc Thần, thắp nén nhang cầu mong Ngài phù hộ cho gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, học tập và noi gương sáng về sự hiếu học và tâm đức của Ngài. Nơi đây là một địa danh du lịch làng quê – hành hương tâm linh, khuyến học thú vị cho mọi người.
Nhữ Đình Văn
 Chú thích:
[1a]. Tại Văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Nhữ Văn Lan được ghi danh tại bài ký đề tên tiến sĩ Khoa thi Quý Mùi (1463), Bia số 3, do Hàn lâm viện Thị giảng, Đông các Hiệu thư Đào Cử soạn. Bia dựng năm Hồng Đức thứ 15 (1484). 
[1b], [2], [5], [6], [9], [12] .Theo cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” của Nhữ Thượng Chân (tức Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, hay Nhữ Công Toản) bản dịch của GS sử học Hà Văn cầu.

[3]. Sau Nhữ Văn Lan đỗ tiến sĩ, có các vị họ Nhữ sau đây đỗ tiến sĩ: Nhữ Mậu tổ (1526), Nhữ Công Tung (1556), Nhữ Tiến Dụng (1664), Nhữ Đình Hiền (1680), Nhữ Trọng Thai (1733), Nhữ Đình Toản (1736), Nhữ Công Chấn (1772), Nhữ Công Vũ (trúng tiến triều). Tất cả 8 vị này đều quê tại huyện Đường An, tỉnh Hải Dương và theo gia phả thì có 6 vị là hậu duệ trực tiếp của tiến sĩ Nhữ Văn Lan. 
[4], [8]. Theo tài liệu “An Tử hạ xã, Hán Nam tổng,… thần sắc” lưu trữ tại thư viện Khoa học xã hội, Bản dịch của Viện khoa học xã hội (do Ông Nhữ Văn Hùng sưu tầm)
[7], [13]. Theo Vũ Văn Nhân: “Một số tư liệu về đình Hai Giáp – Đình Đông, cụm di tích Lịch sử - Văn hóa Tiến sĩ Thương thư Nhữ Văn Lan.
[11]. An Hương: Cụm di tích Văn hóa – Lịch sử họ ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôn tạo xứng tầm giá trị. (Báo Hải Phòng ngày 29/7/2010)

Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên.
- Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán Triều Nguyễn.
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – cục XB Bộ VH.
- Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú.
- Việt Nam các nhân vật Lịch sử - Văn hóa – Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quỳnh.
- Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả - Nhữ Đình Toản (bản dịch của GS sử học Hà Văn Cầu).
- An Tử hạ xã, Hán Nam tổng,… thần sắc – Tài liệu lưu trữ tại thư viện Khoa học xã hội, Bản dịch của Viện khoa học xã hội (do Ông Nhữ Văn Hùng sưu tầm).
- Văn bia quốc tử giám Hà Nội – Đỗ Văn Ninh dịch
- Họ Nhữ vài nét xưa và nay – Nhữ Đình Văn biên tập (tài liệu lưu hành nội bộ).
- Các bài báo, bài viêt khác trên các báo trung ương, địa phương.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn