Ba nữ danh nhân họ Nhữ thời xưa

Trong tiến trình lịch sử, dân tộc ta đã sinh ra nhiều nữ danh nhân tài ba, có đóng góp lớn cho sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng nền văn hóa của dân tộc. Trong số đó, ba người phụ nữ họ Nhữ là Nhữ Hoàng Đê công chúa (thế kỷ X), Nhữ Thị Thục (thế kỷ XV) và Nhữ Thị Nhuận (thế kỷ XVIII) được ca ngợi về tài năng nổi trội.

Nhữ Hoàng Đê công chúa
    Thế kỷ X, trong buổi đầu đấu tranh giành lại quyền độc lập tự chủ, thống nhất đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc tranh giành lẫn nhau giữa các sứ quân cát cứ, xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền, dân tộc Việt Nam ta đã xuất hiện nhiều nhân vật chính trị, quân sự tài ba, lỗi lạc như Lê Hoàn, Nguyễn Minh, anh em nhà Đinh Điền - Đinh Bang v.v… Trong số đó, bà Nhữ Hoàng Đê được ca ngợi là một người phụ nữ tài năng, người vợ, người bạn chiến đấu luôn sát cánh cùng chồng là Phó Thập đạo Tướng quân Nguyễn Minh dẹp loạn phò giúp vua Đinh gây dựng sự nghiệp lớn.
Lăng mộ Cụ Nhữ Khâm - Cha bà Nhữ Hoàng Đê Công Chúa, tại thôn Thanh Khê, Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam.
      Nhữ Hoàng Đê sinh ngày 15 tháng 8 năm Canh Ngọ, quê tại Trang Thanh Khê (nay là thôn Thanh Khê, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). TS Phan Phương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) qua nghiên cứu thư tịch cổ, truyền thuyết, trong một bài nghiên cứu đã viết: Khi Nguyễn Minh đi tìm bạn đồng chí có đi qua Tốt Khê (nay là xã Thanh Hải, Thanh Liêm) thì gặp bà Nhữ Đê đang cắt cỏ và hát rằng: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Trăm cây ngàn cỏ lại hàng tay ta”. Cảm phục người con gái giỏi đối đáp, ông Nguyễn Minh liền kết bạn trăm năm. Bà Nhữ Đê là con gái của ông Nhữ Khâm - một hào phú người Trang Thanh Khê. Trong buổi đầu còn thiếu thốn, ông Nhữ Khâm đã cung cấp lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân hoạt động.
   “Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê” (tài liệu do ông Hà Văn Lang - Trưởng ban Quản lý di tích xã Liêm Cần cung cấp), đã ghi lại công trạng của bà: Theo chồng, cùng các tướng đánh đông, dẹp bắc, thành tích của bà Nhữ Hoàng Đê rất nổi trội. Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua Đinh mở đại tiệc khao mừng, khen thưởng công lao tướng sĩ, phong Nguyễn Minh là Phó Thập đạo Tướng quân. Đương vui yến tiệc, Nguyễn Minh không bệnh mà mất, bà Nhữ Đê cũng mất theo luôn. Ngày đó là 5 tháng 5. Vua thương tiếc công thần có công lao to lớn đối với đất nước, bèn ban tiền tuất sáu trăm quan và phong cho Nguyễn Minh là: “Quang minh chính trực Đại vương” gia tặng “Anh Triết Hùng đoán thượng đẳng thần”. Tôn phong bà Nhữ Đê là: “Nhữ Hoàng Đê công chúa”, gia tặng “Quốc sắc thiên tài trung đẳng thần”.
     Hiện nay, Thanh Liêm còn nhiều địa danh ghi dấu ấn cuộc đời và công lao của bà như dưới chân núi Bảo Cái, còn khu đất dân vẫn gọi là giàn thề, xưa kia Lê Hoàn, cùng các tướng như Nguyễn Minh, Nhữ Hoàng Đê cho đắp lên làm đàn tế trời đất, thề một lòng một dạ sống chết có nhau để giúp nước. Nhuế thôn, trước kia là nơi Nguyễn Minh và Nhữ Hoàng Đê lập căn cứ trại Nhuế để rèn quân. Đền Lăng, nơi thờ các vị vua Đinh - Tiền Lê và thờ “Tam vị đại vương Nguyễn Minh, Thiên Cương và Nhữ Hoàng Đê”, hàng năm vào ngày 08 tháng 3 (ÂL), hội đền được mở, đón khách thập phương vào dâng hương các bậc minh quân, trung thần, trong đó có người phụ nữ tài ba Nhữ Hoàng Đê công chúa.

Từ Thục phu nhân Nhữ Thị Thục
 Nhữ Thị Thục người làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Bà là con gái quan Thượng thư, Tiến sĩ Nhữ Văn Lan (1443-1523), là thân mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Hầu hết các sách viết về tiểu sử, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến tài học, chí lớn và công lao dưỡng dục của Từ Thục phu nhân. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi căn cứ vào sách “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký” (Nguyễn Văn Đạt là tên khai sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã khẳng định: Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông minh, học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, lại tinh thông cả lý số, thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu.
Tượng thờ Từ Thục Phu Nhân Nhữ Thi Thục, tại Thôn Nam Tử, Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng

Vì có chí phò vua giúp nước cho nên bà muộn lấy chồng, khi gặp ông Nguyễn Văn Định có tướng sinh quý tử mới lấy. Tương truyền, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn và sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác, khi ông lên 4 tuổi, bà đem kinh truyện dạy cho con. Bà có đến hàng trăm bài thơ để dạy con từ việc chơi bi, chơi diều, đánh cờ, cách làm người.., là người thầy dạy dỗ con về thơ ca, kinh sách. Tất cả góp phần hun đúc nên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ - nhà văn hóa lớn của dân tộc. 
Xưa nay các tác giả nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đánh giá cao về vai trò của bà Nhữ Thị Thục trong việc hình thành phẩm cách, tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại Hội thảo khoa học “Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà Nhữ Thị Thục - thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục).
        Bà là người có tầm nhìn chiến lược, đã có công lao to lớn trong việc nuôi dạy, giáo dục con. Dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về tài năng, đức độ, chí hướng của bà. Ngay cả Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Tựa Bạch Vân am cũng đã khẳng định công lao cũng như nhiệt tâm của người mẹ trong việc dạy dỗ con trở thành nhân tài cho đất nước.
       Họ Nhữ là một dòng họ có truyền thống khoa bảng, mở đầu từ Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, thân phụ của bà Nhữ Thị Thục. Về sau, hậu duệ của ông di cư về Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, Bình Giang, Hải Dương). Con cháu họ Nhữ vẫn tiếp nối được truyền thống cha ông, trong dòng họ có tới 5 người đỗ tiến sĩ.
Sinh ra từ dòng họ khoa bảng, lớn lên từ truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương, bà Nhữ Thị Thục không chỉ giỏi văn chương, am tường lịch sử và tinh thông thuật số mà còn là người mẹ biết truyền sang con toàn bộ tâm nguyện, khí phách làm người bằng phương pháp dạy dỗ nghiêm cẩn và lối sống mực thước của mình. Bà đã và mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

Quận Quế phu nhân Nhữ Thị Nhuận
Bà Nhữ Thị Nhuận, hiệu là Diệu Huệ, người làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái thứ hai của Thiềm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu nội Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Gia đình bà là một danh gia vọng tộc. Bà lấy chồng là Cử nhân Vũ Phương Đẩu người làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang), làng nổi tiếng với 36 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến. Thân phụ của bà là một một lương y có tài. Nối nghiệp cha, bà là người rất sành về việc chế biến và sử dụng quế để chữa bệnh.
Mộ Quận Quế Phu Nhân Nhữ Thị Nhuận, tại thôn Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương.


Bia ghi công đức của Quân Quế Phu Nhân Nhữ Thị Nhuận tại Đình làng Mộ Trạch.

Bia ghi công đức và gia phả còn ghi lại nhiều việc làm rất đáng trân trọng của bà cho quê hương. Đó là việc một lần bà được vua Lê Hiển Tông ban tiền, bạc để vào trấn Thanh Hoa tìm mua quế chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu. Tới nơi, thấy dân đói kém, bà đã đem bán vàng bạc của nhà vua để mua thóc phát chẩn cho dân. Hết tiền, việc được vua giao chưa làm, bà quay về quê nhà bán hết đồ đạc, tư trang để lấy tiền tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc dò tìm vất vả trong rừng sâu, đã thành công khi bà tìm được quế quý, với bài thuốc từ quế quý dâng lên mẹ vua, bệnh đau bụng kinh niên của bà được chữa khỏi.
Xứ Thanh Hoa vào cuối thế kỷ 18 gặp hạn hán mất mùa, dân trong vùng làm loạn, triều đình đã hai lần cử quan quân vào trấn dẹp vẫn không yên. Bà Nhuận đã khẩn khoản nhờ người anh họ là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đang là quan tham tụng, thượng thư khải với chúa cho bà vào dẹp. Khi bà vào đến nơi, dân chúng nhìn thấy cờ trướng mang tên hiệu NHỮ THỊ NHUẬN đã hô lớn: “Mẹ ta đã vào!”. Rồi bà đem gạo, vải phát cho người nghèo, kẻ du thủ du thực được bà khuyên điều hơn lẽ thiệt, cấp vốn và đưa về quê làm ăn, ai đã trót phạm lỗi lầm đều được tha bổng. Kết quả sau chuyến đi này, dân xứ ấy đã yên tâm bảo nhau làm ăn, trộm cướp không còn nữa.
Với công tìm thuốc chữa bệnh cho triều đình, công cứu giúp người nghèo được các quan lại vùng Thanh Hoa trình tấu và công thân chinh đi dẹp loạn, bà Nhữ Thị Nhuận được phong “Quế hộ Thượng Quận phu nhân” sánh ngang với các hoàng thân quốc thích.
Cũng vào thời điểm đó, mẹ vua nhà Thanh cũng mắc chứng nan y và quế của nước Đại Việt cũng được cống sang Bắc Quốc đã là vị thuốc chính đẩy lui bệnh trong người bà Hoàng Thái hậu. Nhớ công, vua Càn Long ban thưởng rất hậu, lại phong là “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng thượng Quận phu nhân”.
Đình làng Mộ Trạch - quê chồng bà, thờ Vũ Hồn là Thành hoàng đồng thời là Thần tổ của họ Vũ, bị đổ nát, năm 1757 bà xin với làng tự một mình đứng ra gánh vác việc xây dựng lại. Ngôi đình to đẹp vào bậc nhất tỉnh Hải Dương này sau một vài lần sửa chữa, toàn bộ kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đình làm xong, bà lại cúng 200 quan tiền và 20 mẫu ruộng vua ban cho bà để lấy hoa lợi chi dùng cho việc cúng tế hàng năm. Do bà không có con trai, gia đình bà bên Hoạch Trạch lại thuộc hàng danh gia vọng tộc, nên dân tôn vinh bà là hậu thần, khi bà mất lập bia ghi công đức, lập ban thờ bà ở bên phải toà thiên hương phía trước hậu cung. Mộ của bà đặt gần mộ Thần tổ Vũ Hồn. Tấm lòng nhân hậu của bà Nhữ Thị Nhuận là một hiện tượng văn hoá đặc sắc của xứ Đông. Giỗ của bà vào ngày 30 tháng 7.
Nhữ Dình Văn (2014)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn