Nhữ Đình Văn
(Ban biên tập giới thiệu bài tham luận của tác giả Nhữ Đình Văn tại Hội thảo khoa học "Tế tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản - Con người và sự nghiệp" do Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức ngày 20/12/2013).
Hội nguyên[1], tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1703-1773) quê quán tại xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là làng Hoạch Trạch (hay còn gọi là làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là một danh thần thời Lê - Trịnh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, nổi danh khoa bảng với bốn đời liên tiếp đã có 5 người đỗ đại khoa. Nhữ Đình Toản đỗ Hội Nguyên, Đồng tiến sĩ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông[2]. Làm quan đến: Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu[3], Nhập nội[4]thị Tham tụng[5], Binh Bộ Thượng thư[6], Cải thụ[7] Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân[8], Đô đốc phủ Tả Đô đốc[9], Quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, tước Trung phái Hầu[10] khi về trí sĩ được cho dự vào hàng Quốc lão. Ông có nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế Tửu Quốc Tử Giám[11]. Cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các nhà khoa bảng họ Nhữ đã có nhiều cống hiến về chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự… cho đất nước đồng thời cũng có nhiều các đóng góp cho sự phát triển và văn hiến của quê hương Hoạch Trạch và Đường An được nhân dân các đời tại quê hương ghi nhớ và biết ơn.
Bài tham luận này tác giả chỉ tập trung phân tích một vấn đề đó là các đóng góp của tiến sĩ Nhữ Đình Toản và họ Nhữ với quê hương Hoạch Trạch và Đường An.Hội nguyên[1], tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1703-1773) quê quán tại xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là làng Hoạch Trạch (hay còn gọi là làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là một danh thần thời Lê - Trịnh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, nổi danh khoa bảng với bốn đời liên tiếp đã có 5 người đỗ đại khoa. Nhữ Đình Toản đỗ Hội Nguyên, Đồng tiến sĩ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông[2]. Làm quan đến: Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu[3], Nhập nội[4]thị Tham tụng[5], Binh Bộ Thượng thư[6], Cải thụ[7] Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân[8], Đô đốc phủ Tả Đô đốc[9], Quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, tước Trung phái Hầu[10] khi về trí sĩ được cho dự vào hàng Quốc lão. Ông có nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế Tửu Quốc Tử Giám[11]. Cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các nhà khoa bảng họ Nhữ đã có nhiều cống hiến về chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự… cho đất nước đồng thời cũng có nhiều các đóng góp cho sự phát triển và văn hiến của quê hương Hoạch Trạch và Đường An được nhân dân các đời tại quê hương ghi nhớ và biết ơn.
1. Vài nét về quê hương và dòng họ của tiến sĩ Nhữ Đình Toản
Huyện Đường An
Huyện Đường An thuộc phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vị trí địa lý huyện thuộc khu trung tâm của đồng bằng sông Hồng, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp. Nơi đây dày đặc các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia như: Đình Châu Khê thờ Đại Tướng Quân Phạm Sĩ có công chống quân Nguyên, Đình Cao Xá thờ Phạm Chí, Phạm Khí, Phạm Minh có công đánh giặc Ân, Đình Mộ Trạch thờ Vũ Hồn, Đình Nhân Kiệt thờ Đinh Điền, một tướng của Đinh Bộ Lĩnh, Miếu Đan Loan thờ Độc Tẩu Thiền sư và Triệu Xương (ông tổ nghề nhuộm), nhà thờ họ Nhữ, Đình Ngọc Cục thờ Ất Sơn Đại Vương, chùa Cậy v.v…
Đường An là nơi địa linh, nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân văn hoá, khoa bảng nổi tiếng của đất nước. Nhà bác học Phan Huy Chú trongLịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) đã ghi: “Huyện Đường An, bốn mặt sông ngòi, phía tây tiếp huyện Đường Hào, phía bắc tiếp huyện Cẩm Giàng, phía nam thông đến huyện Thanh Miện, phía đông suốt đến trấn thành Hải Dương. Phong vật trong phủ phần nhiều chuộng văn hoa, tập tục của sĩ phu đều ưa văn nhã. Về khoa mục, ba huyện đều thịnh, mà huyện Đường An nhiều hơn”.
Bài ký trên bia “Đường An văn chỉ”[12] (bia văn chỉ hàng huyện tại làng Hoạch Trạch), dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) triều Nguyễn do Vũ Như Phan đỗ tiến sĩ năm Bính Tuất (1826), làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh, quê tại xã Lương Đường, huyện Đường An, nay là làng Lương Đường, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương soạn thì đến năm 1844 huyện Đường An có 24 xã có người đỗ đại khoa, với tổng cộng 100 người đỗ tiến sỹ nho học, 2 người đỗ khoa thi tam giáo, là một trong số các huyện có nhiều người đỗ đạt nhất cả nước. Nhiều địa danh khoa bảng nổi tiếng cả nước như: Làng Mộ Trạch với 36 người đỗ tiến sĩ và 2 người đỗ tam giáo; làng Lương Đường 8 người đỗ tiến sĩ; làng Ngọc Cục 8 người đỗ tiến sĩ; làng Hoạch Trạch 7 người đỗ tiến sĩ v.v…
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ghi: “Còn những bề tôi có tiếng, những nhà nho học rộng, đời nào cũng có, văn vật tốt đẹp trong các đời trước sau đều có tiếng khen. Như Vũ Tụ ở Hoạch Trạch về đời Hồng Đức, có tiếng là liêm khiết. Lê Nại ở làng Mộ Trạch, về thời Đoan Khánh nổi tiếng văn chương”. Các danh nhân văn hoá nổi tiếng khác như: Vũ Hữu (1437-1530) đỗ Hoàng giáp khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 (1463) đời vua Lê Thánh Tông, được suy tôn là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam (Trạng toán). Vũ Quỳnh (1452-1516) đỗ Hoàng giáp khoa thi Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 9 (1478) đời vua lê Thánh Tông là một trong những người đóng góp xây dựng bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Vũ Huyên (1670 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 8 (1712), đời Lê Dụ Tông, xuất chúng về môn cờ tướng, được mọi người kính trọng gọi là Trạng cờ. Vũ Phương Đề (1697-?) đỗ tiến sĩ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, là một nhà văn cổ đại, tác giả của sách Công dư tiệp ký. Cử nhân Phạm Hổ là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa cổ đại nổi tiếng. Nhiều nhân vật nổi tiếng được suy tôn là trạng như Trạng chạy Vũ Cương Trực, Trạng vật Vũ Phong v.v…
Thời cận, hiện đại cũng là nơi sinh ra nhiều các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà giáo, nhà cách mạng nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho đất nước về văn hóa, khoa học và công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc.
Làng Hoạch Trạch
Làng Hoạch Trạch còn có tên là làng Vạc, thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thời Lê là xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, Phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương. Vị trí địa lý nằm ở là trung tâm của huyện, phủ. Phủ lị trước đây đóng ở phía tây bắc của làng. Hoạch Trạch là một làng cổ, theo văn bia, Nghè và Chùa Thánh Thọ của làng đã có từ triều Lý. Ngoài trồng lúa, Hoạch Trạch còn có nghề thủ công làm lược tre (lược bí) do tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền đi sứ Trung Quốc mang về truyền dạy từ năm 1698.
Hoạch Trạch là đất văn vật, nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hoá nổi tiếng. Phan Huy chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Họ Vũ làng Mộ Trạch, họ Nhữ làng Hoạch Trạch, phát đạt nhất trong một phủ. Làng mộ Trạch từ Vũ Hữu trở xuống đời đời đỗ đạt, gần 30 người. Người Trung Quốc thường khen đất này là cái tổ tiến sĩ. Làng Hoạch Trạch từ Nhữ Tiến Dụng trở xuống, bốn đời đỗ được năm người”.
Là quê hương của nhà thơ cổ đại Cung nữ Nguyễn Thị Điểm Bích[13](triều Trần). Nhà Văn hoá, nhà văn, nhà sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942). Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991), nhà cách mạng tiền bối, cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam v.v...
Trong thời Phong kiến, Hoạch Trạch có 7 người đỗ đại khoa và hơn 60 người đỗ hương cống - cử nhân. Nhiều vị khoa bảng nổi danh như:
Vũ Tụ (1466-?), đỗ hoàng giáp khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 24 (1493), đời vua Lê Thánh Tông. Ông nổi tiếng liêm khiết, trong sạch và cần kiệm, đã được vua Lê Thánh Tông ban cho hai chữ “liêm khiết” để cài lên cổ áo mỗi khi vào chầu. Nhân dân kính trọng gọi Ông là “Trạng liêm”.
Trần Vỹ, đỗ tiến sỹ khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định (1604), làm quan đến Tả Thị Lang[14] Bộ Lại, kiêm Đông Các Đại Học Sĩ[15]. Ông từng đi sứ nhà Minh, khi mất được phong tặng chức Thượng thư, Thiếu Bảo, tước Hương quận công.
Dòng họ Nhữ ở Hoạch Trạch bốn đời liên tiếp trong một nhà đã có 5 người đỗ đại khoa, là một điểm sáng về truyền thống hiếu học.
Hoạch Trạch là làng quê giầu bản sắc văn hoá, đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng và huyết thống. Theo cuốn “Hải Dương xã chí”[16], một công trình điều tra của Hội phong tục năm 1944-1945, hiện đang lưu trữ tại Viện Hán - Nôm và qua điều tra hiện trạng hiện nay thì làng Hoạch Trạch trước đây có rất nhiều địa điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng như Văn chỉ Đường An (văn chỉ hàng huyện), Đình, Nghè, Chùa, Nhà thờ công giáo, nhà bia của làng và khoảng 10 ngôi miếu. Đất lành chim đậu, người dân Hoạch Trạch luôn đoàn kết, hào hiệp và mến khách, theo truyền thuyết khi thành lập làng chỉ vẻn vẹn có vài dòng họ như Hoàng, Nguyễn, Chu, Vũ, Trần…, nhưng đến nay, cả làng có khoảng 70 đầu dòng họ khác nhau về huyết thống với trên 4000 nhân khẩu.
Nguồn gốc dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch
Theo cuốn “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả”[17] do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) thì Thủy Tổ của dòng họ Nhữ Hoạch Trạch là tiến sĩ Nhữ Văn Lan, quê quán xã An Tử hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Ông “sinh ngày 5 tháng 8 năm Quý Hợi (1443), mất ngày 19 tháng 10 năm Quý Mùi (1523)[18]. Đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, năm Quang Thuận thứ 4 (1463), đời vua Lê Thánh Tông[19], làm quan đến Thượng Thư Bộ hộ. Tiến sĩ Nhữ Văn Lan là vị khoa bảng đầu tiên của huyện Tiên Minh, Ông tổ khai khoa họ Nhữ Việt Nam.
Thần tích xã An Tử hạ[20], và Hoạch Trạch Nhữ tộc phả đã ghi chép: Ông là một vị quan tài năng, thanh liêm, có uy tín cao trong triều đình, có công với quê hương An Tử hạ, khi mất Ông được tôn thờ là Thành Hoàng của làng An Tử hạ.
Tiến sĩ Nhữ Văn Lan sinh được ba người con, con trai cả mất từ khi còn nhỏ tuổi, con gái là bà Nhữ Thị Thục - một người đàn bà “kỳ tài và khả kính” với rất nhiều các giai thoại về tài năng thơ phú, kinh sử và lý số - bà là mẹ của Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một nhà văn hóa lớn thế kỷ 16 và tiến sĩ Nhữ Văn Lan là ông ngoại Trạng Trình. Con trai thứ là “Tri huyện Lục Ngạn, tên Nhữ Huyền Minh (di cư) về xã Lôi Dương, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng”[21], nay là thôn Sồi Cầu, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thời gian ứơc tính vào khoảng nửa đầu thế kỷ 16, như truyền khẩu ở làng An Tử hạ là đi “mai danh ẩn tích” để tránh sự trả thù của các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc - Trịnh sau một loạt các biến loạn của thời cuộc. Như vậy, quan tri huyện Lục Ngạn Nhữ Huyền Minh là Cụ Tổ khai nghiệp của dòng họ Nhữ (Hoạch Trạch) tại đất Đường An.
Đến đời thứ 7, năm 1664, Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng chuyển sang sinh sống tại xã Hoạch Trạch (liền kề xã Lôi Dương), nay là làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Tại huyện Đường An (Bình Giang), con cháu hậu duệ của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan hiện nay sinh sống tại các làng Hoạch Trạch (Vạc), Lôi Dương (Sồi Cầu), làng Như, làng Quàn, làng Kiệt và di cư đi nhiều huyện, tỉnh khác.
Huyện Đường An còn hai dòng họ Nhữ nữa, đó là:
Dòng họ Nhữ làng Mộ Trạch (xưa là xã Mộ Trạch), xã Tân Hồng một trong các cụ tổ của dòng họ này là ông Nhữ Mậu Tổ, đỗ tiến năm 1526 triều Lê, làm quan đến Thượng thư.
Dòng họ Nhữ làng Nhữ Thị và An Đông (xưa là xã Nhữ Xá), xã Thái Hoà có ông Nhữ Công Tung đỗ tiến sỹ năm 1556 triều Mạc, làm quan thượng thư cả hai triều Mạc và Lê, đã hai lần đi sứ Trung Quốc.
Theo gia phả, thì hai dòng họ này cũng đã định cư tại huyện Đường An khá nhiều đời và cùng với dòng họ Nhữ Hoạch Trạch, các dòng họ Nhữ đã đóng góp 7 tiến sĩ nho học cho quê hương khoa bảng Đường An.

Lễ dâng hương khai mạc hội thảo
a. Tiếp nối xuất sắc truyền thống hiếu học, khoa bảng và thành tựu quan trường của quê hương
Quan tri huyện Nhữ Huyền Minh (đời 2) đã đưa con cháu mình đến lập nghiệp tại xã Lôi Dương, huyện Đường An. Đây là một làng quê khoa bảng, mấy chục năm trước, giữa thời kỳ cực thịnh của nền nho học - đời vua Lê Thánh Tông - đã có hai người là anh em đều đỗ Hoàng Giáp đó là: Phạm Lỗ đỗ khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 (1463), cùng khoa thi với phụ thân của ông - tức tiến sỹ Nhữ Văn Lan; Phạm Xán[22] đỗ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475) và đặc biệt cả hai đều đỗ cao thứ 4, tức là chỉ sau tam khôi.
Sẵn mang trong mình tinh thần hiếu học của cụ Thuỷ Tổ cộng với không gian văn hoá khoa bảng của đất Đường An, những người con cháu của tiến sĩ thượng thư Nhữ Văn Lan đã tiếp nối xuất sắc truyền thống hiếu học, khoa bảng của Tổ tiên và quê hương Lôi Dương - Hoạch Trạch, Đường An, đóng góp cho quê hương những nhà khoa bảng tài danh, đồng thời là các vị đại quan - danh thần có nhiều công trạng với đất nước, góp phần xây dựng truyền thống văn hiến của quê hương, đồng thời để lại tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo.
Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả, thời kỳ đầu khi mới về huyện Đường An lập nghiệp, từ đời 2 đến đời 6 dòng họ Nhữ con cháu của Tiến sỹ Nhữ Văn Lan sống ở Lôi Dương không có người đỗ đại khoa, nhưng tất cả các thế hệ cha ông giai đoạn này đều rất chăm chỉ đèn sách, kinh thi, có thể nói hầu hết đều đỗ trung khoa và được bổ nhiệm gánh vác các nhiệm vụ triều đình như:
Nhữ Huyền Minh (đời 2) làm tri huyện Lục Ngạn.
Nhữ Văn Xuyên (đời 3) nổi tiếng với sự tích trả lại túi vàng… từng đảm nhiệm các nhiệm vụ như tri phủ Tràng An, tri phủ Bắc Hà.
Nhữ Trung Tông (đời 4) làm tri huyện Giao Thuỷ.
Nhữ Minh Đạt (đời 5) tri huyện Thanh Hà, tri huyện Lương Tài.
Nhữ Văn Lương làm Tán thị thừa chính sứ.
Từ đời thứ 7 trở đi, họ Nhữ Hoạch Trạch nổi tiếng với một nhà, bốn đời liên tiếp có 5 vị đỗ đại khoa, đó là:
Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng (đời 7) sinh giờ Tuất, ngày 22 tháng 9 năm Quý Hợi (1623), mất ngày 20 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1689). Tự Lột Tẩu, hiệu Giới Hiên, húy Lộng, tên đi thi là Tiến Dụng, Ông là cháu 7 đời của tiến sĩ Nhữ Văn Lan. Cha mẹ mất sớm, Ông được ông bà ngoại đưa về nuôi, do hào trưởng trong thôn (Lôi Dương) bức bách, khi đi thi, Ông đăng ký quê quán tại bên ngoại - xã Hoạch Trạch, huyện Đường An. Ông là người họ Nhữ đầu tiên sang định cư tại thôn Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 19 tuổi, thi Hương, trúng tứ trường, đỗ Hương cống. Khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), khi đó đã 42 tuổi, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân[23]. Ông làm quan trải nhiều chức như Giám sát Ngự sử[24] đạo Kinh Bắc, Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, năm Quí Hợi (1683) được giao chức Hộ khoa cấp sự trung, năm Bính Dần (1686) chuyển sang chức Lễ khoa đô cấp sự trung[25]. Sau này, đến đời vua Lê Hiển Tông, ngày 01 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (1761), do có cháu nội là Nhữ Đình Toản làm quan to có công lao, Ông được ban sắc truy phong Công Bộ Thượng thư, tước Liên khê Bá.
Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả, Ông có một số công trạng như:
Năm Kỷ Dậu (1669), phụng mệnh tuỳ giá Chúa đi dẹp giặc giã ở Châu Ô, Ông suy xét mọi việc đều nghiệm sau đó đựơc phong Hàn Lâm viện hiệu thảo.
Năm Tân Dậu (1681), đi điều tra lại đất đai và phúc lại các tên làng cũ do hoàn thành tốt công việc được ban thưởng 20 quan tiền xanh, 2 dật bạc.
Ông giỏi thiên văn, địa lý, năm Nhâm Tuất (1682) có công trong việc xem đất đặt Vương phủ xây dựng Phủ môn chúa Trịnh.
Về giáo dục, khoa cử ông có đóng góp khi tham gia tổ chức, quản lý thành công nhiều khoa thi như: Kỳ thi Hội của các khoa thi Quý Sửu (1673), khoa thi Canh Thân (1680), khoa thi Ất Sửu (1685) v.v…
Còn nữa... xem tiếp phần 2
*. Nhữ Đình Văn: là kỹ sư Cầu Đường, cử nhân Luật hiện công tác trong ngành GTVT.
[1]. Hội nguyên: đỗ đầu kỳ thi Hội trong khoa thi Nho học thời phong kiến.
[1]. Hội nguyên: đỗ đầu kỳ thi Hội trong khoa thi Nho học thời phong kiến.
[2]. Theo “Bài ký đề tên tiến sỹ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2” (bia tiến sĩ số 67) - sách Văn bia QTG Hà Nội, NXB Văn hoá - Thông tin năm 2000, biên soạn Đỗ Văn Ninh.
[3]. Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu: là hàm tản quan, vinh danh cho quan văn Chánh nhất phẩm.
[4]. Nhập nội: Từ thêm cho các đại thần thân tín.
[5]. Tham tụng: chức quan đứng đầu Phủ hiệu trong Phủ đường Chúa Trịnh. Thời Quang Hưng, khi xưng vương, Trịnh Tùng bỏ chức Bình chương, đặt ra chức Tham tụng nắm quyền Tể tướng.
[6]. Binh Bộ Thượng thư: trưởng quan Bộ Binh.
[7]. Cải thụ: chuyển đổi, đổi sang (trường hợp này TS Nhữ Đình Toản đổi từ quan văn sang quan võ).
[8]. Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân: vinh hàm phong cho quan võ Chánh nhất phẩm.
[9]. Đô đốc phủ Tả đô đốc: Theo quan chế nhà Lê từ năm 1471 đặt 5 phủ Đô đốc (gồm Trung, Đông, Tay, Nam, Bắc), quan đứng đầu mỗi phủ có Tả đô đốc, Hữu đô đốc trật Tòng nhất phẩm.
[10]. Toàn bộ các chức, tước của tiến sĩ Nhữ Đình Toản trong đoạn này là theo “Bài ký đề danh tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772)” - Bia tiến sĩ số 79, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (bản dịch của Đỗ Văn Ninh).
[11]. Tế tửu Quốc Tử Giám: Người đứng đầu Quốc Tử Giám, thời Lê trật Tòng tứ phẩm.
[12]. Bia “Đường An văn chỉ”: tức bia Văn chỉ huyện Đường An, dựng năm 1844, vị trí tại làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trước đó văn chỉ huyện Đường An đặt tại làng Lôi Dương, năm 1844 chuyển sang xây dựng mới tại làng Hoạch Trạch tại vị trí trước đó là văn chỉ làng Hoạch Trạch do tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng chọn đất xây dựng năm 1668. Bia hai mặt, mặt trước khắc 4 chữ “Đường An văn chỉ” ghi dưới là quá trình xây dựng, mặt sau khắc chữ “Lịch đại tiên hiền bi” ghi dưới họ tên, học vị, quê quán của 108 vị Tiên hiền huyện Đường An, trong đó có 100 vị tiến sĩ, 2 vị đỗ khoa Tam giáo, 6 vị là tiên hiền không học vị nhưng có công đào tạo, giáo dục, nuôi dưỡng.
[13]. Cung nữ Nguyễn Thị Điểm Bích: là người con gái xinh đẹp, giỏi thơ văn, kinh sử được tiến cử vào làm cung, vua Trần Anh Tông đã cử đi thử thách đạo hành của nhà sư Huyền Quang tại chùa Yên tử, tên thật là Lý Đạo Tái, đỗ trạng nguyên năm 1274. Điểm Bích đã làm bài thơ “Ghẹo tình” nổi tiếng để “thuyết phục” Huyền Quang động lòng trắc ẩn, nhưng đã thất bại. Điểm Bích được xếp vào trong danh sách các nhà thơ cổ đại, tác phẩm của bà luôn có mặt trong các tuyển tập thơ văn cổ đại.
[14]. Tả thị lang: chức quan phó số 1 của Thượng thư, cao hơn hữu thị lang, trật Tòng tam phẩm.
[15]. Đông các Đại học sĩ: trưởng quan của Đông các, trật Tòng tứ phẩm.
[16]. Hải Dương xã chí: Các bản điều tra năm 1944-1945 của Hội phong tục, theo đề mục: Bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, tượng và đồ thờ, lễ hội, cổ tích, địa đồ, công nghệ thổ sản của 15 xã tỉnh thuộc Hải dương. Hiện đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm, ký hiệu AJ.14/1
[17]. Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả: do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745, sau các đời có ghi chép thêm vào. Hiện có nhiều bản với các nội dung viết thêm khác nhau như: Bản đang lưu tại Viện Hán Nôm ký hiệu A.677; MF.1484, bản được PGS Hà Văn Cầu dịch ra quốc ngữ, bản do cụ Nhữ Đình Khánh lưu truyền năm 1922 v.v…
[18] Theo “Thần tích An Tử Hạ, Hán Nam nhị xã” trong cuốn “Kiến An tỉnh, Tiên Lãng huyện, Hán Nam tổng, An Tử hạ, Hán Nam nhị xã thần tích” hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu AE.A12/18.
[19]. Theo Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Quý Mùi (1463), Bia tiến sĩ số 3, Văn Miếu – QTG Hà Nôi, bản dịch của Đỗ Văn Ninh.
[20] Theo cuốn “Kiến An tỉnh, Tiên Lãng huyện, Hán Nam tổng, An Tử hạ, Hán Nam nhị xã thần tích”.
[21]. Theo cuốn “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả”.
[22]. Phạm Lỗ, Phạm Xán: theo Bài ký trên bia tiến sĩ số 3 (1463) và bia tiến sĩ số 5 (1475), Văn miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, bản dịch của Đỗ Văn Ninh.
[23]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và Bài ký đề tên tiến sĩ trên bia tiến sĩ Khoa thi Giáp Thìn 1664 – Bia số 43, bản dịch Đỗ Văn Ninh.
[24]. Giám sát Ngự sử: chức quan thuộc Ngự sử đài tại địa phương, trật Chánh thất phẩm.
[25]. Lễ khoa Đô cấp sự trung: trưởng quan của Khoa Lễ, nhà Lê lập ra 6 Khoa để giám sát 6 bộ, Đô Cấp sự trung trật Chánh thất phẩm.