Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và họ Nhữ với quê hương Hoạch Trạch và Đường An (phần 2)

Nhữ Đình Văn
Ông Nhữ Đình Văn đọc tham luận tại hội thảo.

    Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền (đời 8), sinh ngày 4 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1659), mất ngày 26 tháng 5 năm Bính Thân (1716). Ông là con trai thứ ba của tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Tên đi thi là Tiến Hiền, sau đổi sang Đình Hiền. Đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ Xuất thân khoa thi Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 5 (1680) triều vua Lê Hy Tông[1]. Ông làm quan trải nhiều chức thăng đến Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội thị Bồi tụng[2], Hình Bộ Thượng Thư[3], Thọ nhạc Hầu. Đến đời Cảnh Hưng, do tử ấm, Ông được truy phong Lễ Bộ Thượng thư, Thái phó[4], Thọ Quận Công[5], Thượng Trụ quốc[6] Thượng trật.
    Sách Lịch Triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: Nhữ Tiến Hiền, đỗ Tiến sĩ năm Canh Thân đời Vĩnh Trị (1680), đi sứ, trải làm đến Thượng thư bộ Hình và Bồi tụng. Tiến Hiền xử kiện công bình đúng đắn, chính sự nổi tiếng, bấy giờ ai cũng khen. Cuối đời Vĩnh Hựu (Nhữ Tiến Hiền) chết. Đầu đời Cảnh Hưng, triều đình tặng hàm Thiếu phó, Thọ quận công. 
    Bài chế đại lược rằng: “Lên chức ngự sử, tham dự chốn đô đài, trong sạch như sương; Lên chức thượng thư mà làm tể tướng, thường bày mưu lớn. Công lao trong sử sách ghi chép rõ ràng; Tri ngộ từ triều trước đến giờ vẫn không kém. Địa vị có phần chưa xứng với tài, những mong mơ Phó Duyệt nêm canh; Lộc và phúc để về sau, sẽ được hòe họ Vương tươi tốt…”.
    Nhữ Đình Hiền (Tiến Hiền) tham gia tổ chức quản lý một số kỳ thi, khoa thi nho học, như Ông được giao làm giám thí[7], tức phó chủ khảo kỳ thi Đình, khoa thi Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1710).
   Thành công trong chuyến đi sứ từ tháng giêng năm Đinh Sửu (1697) đến tháng 4 năm Mậu Dần (1698) cũng là một dấu mốc trong sự nghiệp quan trường của Nhữ Đình Hiền. Nhiệm vụ của chuyến đi là “nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa nữa[8]Bằng tài năng và sự khôn khéo, phái đoàn sứ thần đã “đem việc mất 3 động…(ra) tâu bầy và biện luận”[9]. Tuy việc đòi đất trong chuyến đi sứ không thành công nhưng bằng sự kiên trì trong nhiều chục năm liền, của nhiều phái đoàn khác nhau, cuối cùng năm Bảo Thái thứ 9 (1728), nhà Thanh cũng đã trả lại một vài vùng đất đã chiếm như “núi xưởng chì ở Vị Xuyên, núi xưởng đồng ở Tụ Long…”[10]. Khi về nước, mọi người trong phái đoàn đều được thăng chức, Nhữ Đình Hiền được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Trong chuyến đi sứ này Nhữ Đình Hiền đã mang nghề làm lược tre (lược bí) về truyền dạy cho dân làng.
    Nhữ Đình Hiền giỏi chính sự, xử kiện, xét đoán phân minh, cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và sử sách còn ghi lại nhiều vụ điều tra, xử án tài tình của Ông tiêu biểu như vụ “giả mộng tìm kẻ ác”, đương thời có câu ca: “Văn chương Lê Anh Tuấn[11]/ Chính sự Nhữ Đình Hiền”.

     Đình Nguyên, Bảng Nhãn Nhữ Trọng Thai (1696-?): Ông là cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, Con trai nho sinh Chiêu văn quán Nhữ Đình Thiện, cháu gọi tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền là chú ruột, hậu duệ đời thứ 9 của tiến sĩ Thuỷ tổ Nhữ Văn Lan. Đỗ đệ nhất giáp cập kệ, Đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa thi Quý Sửu, niên hiệu Long đức năm thứ 2 (1733) đời vua Lê Thuần Tông[12]. Ông là người đỗ cao nhất khoa thi này (đình nguyên). Làm quan đến Hiến sát sứ.
    Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (quyền 39) của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi: “Tháng giêng năm Tân Dậu, niên hiệu cảnh hưng thứ 2 (1741)… Thanh thế Nguyễn Tuyển rất lừng lẫy. triều đình sai Đặng Đình Luận làm đốc lãnh thương đạo Hải Dương, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai giữ chức hiệp đồng đem quân đi đánh. Bọn này tiến quân ở Đông Triều. Tuyển sai người xin hàng. Đình Luận tin lời, không phòng bị. Đêm đến Tuyển đánh úp doanh trại. Đình Luận, Trọng Liêu và Trọng Thai bị thua, bọn Đình Luận trốn về, đều bị lột hết quan chức và tước phẩm”.Đó là một số ghi chép trong sử sách và gia phả về bảng nhãn Nhữ Trọng Thai.

    Hội nguyên, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (đời 9): Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả: “Ông tên huý là Ban, tự là Thượng Chân, hiệu là Thượng Phác, tên lúc đi thi là Đình Toản (sau chúa Trịnh yêu quý đổi sang Công Toản), biệt hiệu là Hoạch Đình Cư sĩ. Sinh giờ Hợi, ngày 6 tháng 4 năm Quý Mùi (1703), mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Tỵ (1773). Ông là con trai thứ 3 của tiến sĩ Thượng thư, Thái phó, Thọ quận công Nhữ Đình Hiền, cháu nội tiến sĩ Giới hiên công Nhữ Tiến Dụng, Anh em con chú con bác ruột bảng nhãn Hiến sát sứ Nhữ Trọng Thai, cha đẻ Hoàng Giáp Kế Trạch Hầu Nhữ Công Chấn”.
   Là người thông minh, xuất chúng, trong bài ký Nhữ Thượng Chân đường xuất thân ông viết: “Tôi 5 tuổi đã thích chơi bút nghiên, cha tôi thấy vậy khiến tôi đọc sách, 7 tuổi tôi đã cùng các anh làm văn, viết đối nhiều lần được khen thưởng, phê bằng bốn chữ lớn: Khả vọng cao khoa (tức là Hy vọng đỗ cao)”[13]. Đúng như mong đợi của người cha, sau này lớn lên, Nhữ Đình Toản đỗ đại khoa và là một danh thần văn võ đều giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước về chính trị, văn học, giáo dục và quân sự.
    Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Đình Toản lúc trẻ đã thông minh, việc học hỏi sẵn nếp nhà. Năm 18 tuổi vì văn mắc lỗi, rồi vì đó được nổi tiếng. Năm 26 tuổi mới được đi thi, thi Hương đỗ thứ hai, do tập ấm làm chức Tự thừa. Năm 33 tuổi, đỗ Hội nguyên tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê ý Tông”.  
    Ông đã thể hiện tài thao lược của mình trong suốt cuộc đời làm quan với nhiều công trạng được vua Lê, chúa Trịnh và đương thời nể trọng. Phan Huy Chú trong LTHCLC đã ghi: “Đầu đời Cảnh Hưng… làm đến Tham tụng. Bấy giờ nhà nước nhiều việc, ông là người mới lên cùng hai ba vị cố lão cùng làm mọi việc. Ân vương rất yêu mến trọng đãi, cho đổi tên là Công Toản”.
    Sách Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục (quyền 40) ghi: “Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745)… khởi phục Hà Huân và Nhữ Đình Toản cùng vào phủ chúa giữ chức tham tụng…(Trịnh) Doanh thường hỏi chính sách lớn về việc quân việc nước, họ trình bày nhiều ý hợp Trịnh Doanh”. Quyền 41 ghi:“Tháng 6 (năm 1751). Chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị.Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực lục” (hay còn gọi là Bách ti thứ vụ hay Bách ti chức chưởng). Lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách công việc các quan trong kinh, ngoài trấn… Phép tắc kỷ cương… buông lỏng, trăm quan phần nhiều trễ tràng, đến nay đều chẩn chỉnh lại, làm cho chế độ cũ được sáng tỏ, để các quan trong kinh ngoài trấn đều răm rắp tuân theo giữ chức phận của mình”. 
    Ông là tác giả hai bài văn bia đề tên tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là bia tiến sĩ số 72 khoa thi Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), Bia tiến sĩ số 74 khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) và nhuận (sửa) bài ký trên bia tiến sĩ số 79, khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) - Khoa thi này con trai ông là Nhữ Công Chấn đỗ Hoàng Giáp.
    Về thi cử giáo dục, Ông đã có những đóng góp có ý nghĩa. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (quyền 41) ghi: “Năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), tháng 3… Nói về thi cử đầu triều Lê, văn chương quý mạnh mẽ, hồn hậu… Từ khi trung hưng trở về sau, thay đổi thể văn, một lần thay đổi thì dùng theo lối rập theo sáo cũ là quý, lại một lần thay nữa thì dùng lối lựa từng lời, gọt từng câu là hay, thành ra văn thể ngày đi đến bạc nhược… Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi hương, thi hội và thi đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh ý theo”. Về vấn đề này Phan Huy Chú trong LTHCLC cũng viết:“Ông lại cho văn chương đời ấy thường chuộng rườm rỡ, vụn vặt, dần dần mất cả thuần hậu. Ông xin với chúa xuống chỉ dụ khôi phục lại theo như thể văn đời Hồng Đức, thi Hương, thi Hội đều dùng lối văn bình dị, bỏ lối viết vụn vặt. Từ đấy lối văn thi cứ mới thay đổi hết, những người học thức ai cũng khen”. 
    Ngoài việc trực tiếp đảm nhiệm chức vụ Tế tửu Quốc Tử Giám nhiều năm, Nhữ Đình Toản cũng dành nhiều tâm huyết trong việc dạy dỗ, đào tạo ra các trí thức cho đất nước. Ông là người thầy có uy tín của nhiều học trò xuất sắc, tiêu biểu như hoàng giáp Ngô Thì Sĩ[14] - một nhà khoa bảng, nhà sử học, nhà văn nổi tiếng.
    Là người có tài về quân sự, nhiều lần phụng mệnh cầm quân đi dẹp những bất ổn tại Hải Dương và vùng lân cận do cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển và dư đảng. Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: Năm Canh Thân (1740) vâng mệnh đi dẹp giặc ở Đông Hạo, chiêu dụ 2 phủ Kinh Môn, Thượng Hồng bắt được đảng giặc, được thăng Cẩn sự Tá lang, Hàn Lân viện hiệu thảo; Năm Tân Dậu (1741), Minh Vương đi đánh dẹp phương Nam, Nguyễn Tuyển đi tắt đường về bờ sông Nhị Hà, kinh sư náo động, ông bày trận ở bãi sông để bảo vệ kinh thành, bắt được đảng giặc rất đông. Tháng 5, Ông thừa thắng đem quân đi đường Đạo An, luồn xuống các xứ Ân Thi, Kim Động phá các đồn giặc, hội quân được với quan hiệp đồng Nguyễn Nghiễm[15]. Do công trạng ấy Ông được thưởng hai chiếu thẻ bằng bạc. Cũng năm này, trong trận đánh ở La Mát, Ông có công dụ dư đảng của Nguyễn Tuyển ra hàng v.v...
    Sau mấy chục năm làm quan ban văn, trải nhiều chức vụ khác nhau, thăng đến Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội thị Tham tụng, Bộ Binh Thượng Thư. Về cuối đời, vì muốn xa nơi quyền thế, Ông nhiều lần xin chuyển sang ban võ, năm Nhâm Ngọ (1762) được giao chức Hiệu Điểm, giữ việc quản lãnh quân cấm vệ, sau thăng đến Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, tước Trung Phái Hầu. Mười năm làm tướng, Ông “cốt giữ thể thống, ưu chuộng khoan hòa, rộng rãi”, “thời bấy giờ được khen là danh thần”[16]
    Bằng tài năng và sự tận tuỵ cống hiếntrong một bài chế, vua Lê Hiển Tông đã hết lời ca ngợi Ông và gia đình: “...Cây cả nối dấu thơm, trải ba đời tiếng tăm lừng lẫy một mình ông kiêm cả "tác và thuật”; Gốc cam đường rủ bóng, hơn trăm năm mà chính tích như mới, trẫm còn nhớ muôn miệng ngợi khen”[17].
    Hoạch  Trạch  Nhữ  tộc  phả  ghi: “Năm Tân mão, 69 tuổi (1771) Ông dâng tờ khải xin về trí sĩ mấy lần, bề trên chuẩn cho, ban tặng cờ gấm. Tháng ba lại được đãi yến, đặc ban danh hiệu Quốc lão và thơ ngự chế bằng quốc âm”. Lời tựa viết:“Ông chầu chực chốn cung đình mật hầu chính phủ, cần lao hết dạ, ghi vào dạ trẫm. Nay xin về nghỉ, nói chẳng hết lời, đặc ban cho thơ một luật để dãi tỏ lòng trẫm…”
    Vua ban cờ thêu đề:
“Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều trung hiển hoạn
Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn danh”[18]
Dịch nghĩa:
“Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều đình quan lớn
Nước trung thần, nhà hiếu tử, thiên hạ nổi danh”
    Nhữ Đình Toản để lại nhiều trước tác như: Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả, Bách ti chức chưởng, Chế sắc biểu khải văn tập, nhiều thơ, văn, ký.


Đoàn họ Nhữ tham dự hội thảo
    Nhữ Công Chấn (1751-1805) là con trai thứ 4 của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền, chắt nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, hậu duệ đời thứ 10 của tiến sĩ Thuỷ Tổ Nhữ văn Lan. Đỗ Hoàng giáp, Thiếu tuấn khoa thi Đinh sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đời vua Lê Hiển Tông[19]. Làm quan triều Lê đến chức Lại Phiên[20], Hữu Thị Lang Bộ Lễ,sau có ra làm quan triều Tây Sơn – Quang Toản.
    Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú trong phần nhân vật chí viết: “Con trai thứ tư của Ông (Nhữ Đình Toản) là Nhữ Công Chấn, năm 22 tuổi đỗ Hoàng Giáp năm Nhâm Thìn (1772) thi hội, thi đình đều đỗ thứ hai (dưới Hồ Sĩ Đống - quê Quỳnh Lưu) là người ít tuổi nhất, giỏi nhất khoa thi ấy”.
    Nhữ Công Chấn tham gia quan trường từ khá sớm. Theo sắc phong cho Ông ngày 24 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769):“Sắc Đường An huyện, Hoạch Trạch xã, Hoằng Tín đại phu Nhữ Công Chấn. Vi dĩ hương thí trúng tứ trường…”, tức ông đỗ hương cống năm 1769, khi đó 19 tuổi và được bổ dụng làm quan với chức “Quang Lộc tự Tự thừa”[21] (hàm chánh thất phẩm).
    Theo nội dung sắc phong ngày 6 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) cho mẹ của ông: “Sắc Đường An huyện Hoạch Trạch xã Phạm Thị Dao vi dĩ phụng sai Hải Dương An Quảng đẳng sứ đốc đồng hàn lâm viện hiệu lý Nhữ Công Chấn thân sinh mẫu chuẩn tứ phong ấm chính phu nhân…”, thì thời điểm năm 1778 Ông đang làm Đốc đồng xứ Hải Dương - An Quảng.
    Năm Nhâm Dần (1782), là Lễ Bộ Hữu Thị lang, Nhập nội thị Thiêm sai[22], Ông cùng nhóm đại thần như Hoàng Đình Bảo, Trịnh Kiều… phò giúp Trịnh Cán lên ngôi Chúa theo cố mệnh của Chúa Trịnh Sâm. Tháng 12, kiêu binh tam phủ nổi dậy, Trịnh Cán bị phế truất, lập Trịnh Khải  làm chúa. Nhữ Công Chấn khi này đang giữ chức Lại Phiên cùng các quan phò giúp Trịnh Cán bị bãi hết chức về làm dân thường.
    Năm 1786 Nhữ Công Chấn cùng với một số quan đại thần cũ được Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê Chiêu Thống cho mời ra làm quan nhưng Ông đã giả điên từ chối[23].
    Khi đại thắng 29 vạn quân Thanh tại Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu (1789), Quang Trung - Nguyễn Huệ thống nhất cả xứ Đàng ngoài và trở thành một anh hùng lớn của thời đại. Nhữ Công Chấn và một loạt các nhà nho, trí thức tiến bộ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Bá Lan, Phan Lê Phiên, Nhữ Công Liêu… đã ra làm quan[24], giúp triều Tây Sơn quản lý đất nước. Tuy nhiên, năm 1792 vua Quang Trung lại đột ngột qua đời khi sự nghiệp chấn hưng đất nước vẫn còn dang dở. Năm 1802, Vương triều Tây Sơn - Quang Toản nhanh chóng sụp đổ. Sách “Quốc sử di biên”của Thám hoa Phan Thúc Trực soạn đầu triều Nguyễn viết: “Ngày 21 (tháng 6 năm Nhâm Tuất -1802) Thế Tổ (Gia Long) xa giá đến thành Thăng Long… Các quan văn võ triều Lê cũ và quan ngụy Tây (sơn) ra hàng, đến cửa quân bái yết, đều tùy tài bổ dụng. Tiến sĩ Bùi Huy Bích, Nhữ Công Điền (Chấn), Phạm Quý Thích, Lê Huy Du… Huy Bích, Công Điền (Chấn) đều từ về. Còn Quý Thích làm trợ giáo Bắc Thành…”[25]. Năm đó Nhữ Công Chấn cũng đã 52 tuổi, Ông làm chức quan gì trong triều đình Tây Sơn? từ năm nào? hiện chưa tìm được tài liệu ghi chép.
    Ngoài sự nghiệp khoa bảng, quan trường, Nhữ Công Chấn còn là một nhà thơ. Nhiều thơ phú của Ông còn được lưu giữ đến ngày nay và được đăng trong nhiều các sách sưu tầm, tuyển tập.

    Ngoài 5 người đỗ đại khoa, truyền thống hiếu học của dòng họ Nhữ Hoạch Trạch còn phải kể đến trên 30 người đỗ hương cống – cử nhân trong thời phong kiến, như: Mười người con trai của tiến sĩ Nhữ Đình Toản, thì ngoài người đỗ cao nhất là hoàng giáp Nhữ Công Chấn, những người khác cũng rất giỏi giang, thành danh như:
Nhữ Công Củng đỗ Hương cống làm Lễ Bộ viên ngoại lang[26];
Nhữ Công Vũ đỗ Hương cống, năm 1787 trúng Hội thí Tiến triều[27], làm Thừa chánh sứ Nghệ An, Ty phó hiến sát sứ, tước Hương Nguyên Hầu[28];
Nhữ Công Liêu đỗ Hương cống làm quan Hàn Lâm viện thị thư, Lại Bộ Tả Thị lang, tước Nghĩa Trạch Hầu triều Tây Sơn - Quang Toản[29];
Nhữ Công Quý đỗ Hương cống, làm tri huyện Gia Lộc, tri phủ Khoái Châu, năm Tân Mùi (1811) dâng sách “Hoàng Việt Thống chí”[30] lên vua Nguyễn v.v…

    Để có được các thành công lớn trong khoa cử và quan trường như trên, điều cốt lõi phải nhắc đến trước tiên đó là nề nếp gia phong của đại gia đình họ Nhữ. Ở đó, những người bề trên không chỉ lấy giáo lý ra dạy bảo con cháu mà bản thân họ luôn là những tấm gương mẫu mực về sự hiếu học, về nhân cách sống, đạo làm người, đạo làm quan, xứng đáng là tầng lớp ưu tú trong xã hội, là “rường cột của quốc gia”. Và đó còn là một ý chí vượt khó, kiên trì vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng lớn lên tại Hoạch Trạch với ông bà ngoại, nguyên quán ở Lôi Dương “khi ông chưa thi đỗ, hào trưởng xã đó thường truy hỏi tiền thuế đóng rất bức bách, ông cùng quẫn quá không nộp được, xã trưởng liền tịch thu sách vở của ông đem bán lấy tiền”[31]. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, dù con của quan đại thần nhưng trong một bài ký, ông viết: “Năm 14 tuổi văn tứ càng tiến thì gặp tang cha (1716). Vốn cha tôi xưa khi còn sống chỉ quen thanh bạch, nên khi mất để lại sản rất ít, nên từ đó việc học của tôi thật là lênh đênh”[32]. Bằng nghị lực vươn lên không ngừng, các ông đều trở thành các đại khoa danh tiếng.
    Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và những nhà khoa bảng họ Nhữ đã học hỏi được từ tổ tiên, từ quê hương Hoạch Trạch, Đường An những giá trị văn hoá tốt đẹp trong đó có truyền thống hiếu học, khoa bảng, đồng thời tiếp tục củng cố, hoàn thiện nâng lên trở thành một trong các điểm sáng nhất về việc học và đi đôi với đó là đưa các tư tưởng của Thánh hiền đến với đời. Chính những thành công vượt bậc đó lại là một tấm gương mới, một bài học lớn cho các thế hệ tiếp sau phấn đấu và không ngừng phát huy, tạo lập nên một vùng quê giầu truyền thống văn hóa, hiếu học và khoa bảng vào trong số bậc nhất cả nước mang tên Hoạch Trạch - Đường An.


Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc tổng kết hội thảo 
b.     Tấm gương sáng về đức độ và tấm lòng nhân ái có sức cảm hoá, lan toả trong cuộc sống người dân quê hương
   Tiến sĩ Nhữ văn Lan, Thủy Tổ họ Nhữ Hoạch Trạch là một vị quan thanh liêm, trong sạch, 40 năm làm quan bằng tài năng và đức độ của mình, ông đã góp phần xây dựng nên nền thịnh trị của triều đại Lê Thánh Tông. Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi chép về Ông: “Người thường giữ điều cương chính làm người, trung thần làm tôi, được vua sùng ái, trải thăng nhiều chức rồi lên đến Thượng thư Bộ Hộ”. Thần tích xã An Tử hạ[33] ca ngợi ông: “Lấy đức cương chính mà giữ mình, lấy đức trung cần mà tu dưỡng. Vua rất mực sủng ái ông”, “được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu…, Văn chương được thiên hạ biết đến, đức trung chính được nể trọng trong triều đình”,“Khi Ông mất… được vua Lê ban thưởng cho mĩ tự là Hộ bộ thượng thư Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần...”.
    Học tập tấm gương của cụ Thủy Tổ, của các bậc tiên hiền của quê hương Hoạch Trạch tiêu biểu như “Trạng liêm” Vũ Tụ, các vị đại khoa của dòng họ Nhữ luôn giữ sáng đạo làm quan, tận trung với vua, tận hiếu với tổ tông cha mẹ, quan tâm giúp đỡ người dân nghèo khó.  Hoạch Trạch Nhữ tộc phả đã ghi chép về tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng: “Tiếng đồn về ông trong sạch, giữ đạo khắp nơi, ai nấy đều tôn ông là bậc Hoạt tiên (ông Tiên sống)”. “Tính ông xưa rất chất phác, thuần hậu. Từ khi mới đỗ tới khi trải các chức quan, mấy chục năm trời lúc vào trầu, khi đi chơi, không hề ngồi võng”. Con ông là Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền dạy nhiều học trò “mỗi khi ông đi đâu về, nếu vào thẳng nhà lại sợ đám học trò phải thi lễ phiền phức, nên ông bèn xây một ngội hậu đường đi tắt cho tiện”. “Mùa hè, tắm rửa, ông không sai người nhà gánh nước, mà sai bắc cầu, làm bến để  tự tắm rửa. Ông Thượng thư nhiều lần can ngăn cũng không nghe. Mỗi lần đi tắm gặp phụ nữ có mang đi gánh nước, ông đều thân mang gánh xuống lấy nước mang giúp lên bờ, người đương thời ai cũng ngợi khen đức tính nhân hậu của ông”[34]
    Với tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền, Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: “Ông vốn thiên tính nhân từ, có tài chính sự, đoán ngục công bằng. Thời ông làm Ngự sử, có người lấy quả cau nhỏ làm lễ, ông nói “Phàm người dân có việc đến kêu cửa quan, há lại chẳng muốn đút lót đầy đặn, để cầu chút lòng thương sao ? Nay lễ của người đó thế này, hẳn phải là kẻ cùng dân”. Bèn bảo phu nhân cho người đó cơm áo”.
     Hiện nay, không chỉ dòng họ Nhữ đang lưu giữ các sắc phong, trước tác của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, mà một gia đình họ Nguyễn ở Hoạch Trạch 242 năm qua vẫn còn lưu giữ và bảo quản một kỷ vật do ông tặng, đó chỉ là chiếc gậy trúc đơn sơ mà tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã tặng cho cụ phụ lão thượng thọ nhất xã (làng) khi cụ đã yêu cầu con cháu võng ra đình để chào đón vị quan Quốc lão được vua cho về nghỉ dưỡng nhàn tại quê nhà. Đó là tấm lòng của người dân luôn kính trọng và biết ơn những người có công với đất nước với quê hương, suy tôn là các bậc tiên hiền của quê hương.
    Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ nhữ tuy quyền cao, chức trọng nhưng luôn thanh liêm, trong sạch, có tấm lòng nhân từ, độ lượng, thân ái với mọi người, đồng thời lại có nhiều công lao với quê hương. Chính điều đó đã tạo nên sức cảm hóa tới tâm tư, tình cảm các thế hệ con cháu và người dân quê hương, mọi người tôn kính, tin tưởng hướng tới để tìm một sự che chở mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: “Trong vùng chẳng may gặp năm đói kém, hoàng tùng, dịch lệ, kỳ đảo đều linh ứng, gặp khi dịch khí lưu hành, các chi họ đều rước một đạo sắc của ông (Nhữ Đình Toản) về kỳ đảo, các chi tộc đều được bình yên”. 
   Các ông là những tấm gương sáng về đạo làm người, đạo làm quan, có sức lan tỏa lâu dài  trong đời sống người dân quê hương Hoạch Trạch, Đường An.

c.     Quan tâm giúp đỡ cuộc sống người dân quê hương 

Ông Tổ nghề lược tre Việt Nam
     Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) chép: "Đinh Sửu, năm Vĩnh Trị thứ 18 (1697) đời vua Lê Hy Tông… (Thanh, năm Khang Hy thứ 36). Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ thần sang nhà Thanh. Chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo,... phó sứ Nhữ Tiến Hiền sung phái bộ nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới Tuyên Quang, Hưng Hóa nữa". Bà Lý Thị Hiệu người cùng làng là chính thất phu nhân của tiến sĩ Nhữ Đình Hiền đã đi cùng đoàn sứ thần này và ông bà đã học nghề làm lược tre (còn gọi là lược bí, lược mau) về truyền dạy cho dân làng, ông được suy tôn là ông tổ nghề lược tre Việt Nam. Ông đã mở phường Diên lộc để mọi người giúp nhau sản xuất, khi về trí sĩ, được Vua ban cho 16 mẫu ruộng lộc điền, ông đã dành 12 mẫu cho phường Diên Lộc lấy hoa lợi làm vốn gốc, để duy trì và phát triển nghề làm lược tre. Ngày xưa, lược tre làng Vạc không chỉ nổi tiếng ở xứ Đông, mà còn trở thành hàng hóa chuyển tới kẻ chợ (Thăng Long). Cũng từ đó một số người dân làng Vạc đã ra Thăng Long để tổ chức sản xuất lược tại chỗ, tạo thành một phường nghề. Đây là tiền thân của phố Hàng Lược, một trong ba mươi sáu phố phường của Hà Nội ngày nay.
     Hiện nay nghề làm lược tre không còn thịnh hành, nhưng người dân Hoạch Trạch vẫn tiếp tục sản xuất phục vụ một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn cần đến. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao mang nghề về truyền dy cho dân làng, hàng năm, chính quyền cở sở và người dân đều mở hội, rước và tế ông tổ làng nghề. Nhà thờ họ Nhữ, còn có tên chữ là“Tư Hiếu đường”, trước đây vốn là dinh Thái Lạc do chính tiến sỹ Nhữ Đình Hiền khi về trí sỹ xây dựng để ở, sau đó tiến sỹ Nhữ Đình Toản đã sửa sang trở thành nơi thờ các thế hệ cụ tổ họ Nhữ trong đó có tiến sỹ Nhữ Đình Hiền, năm 1993 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.  

    Chiêu tập mọi người khai khẩn đất hoang hóa, lập ấp, mở làng
    Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi chép về tiến sĩ Nhữ Đình Toản: “Nhân khi ông mở dinh tại Học thôn (nay là Dinh Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, cách Hoạch Trạch một cánh đồng) gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”. Vì vậy nhiều người cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ lập ấp, mở làng, được nhân dân và con cháu trong họ ghi nhớ công lao. Theo văn bia đá hiện còn lưu lại tại khu di tích của làng Lọ, nay là thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện vào năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) đời vua Lê Hiển Tông có 4 cụ về lập làng, gọi là “Tứ phối dĩ Thượng”, một người họ Nguyễn và ba người họ Nhữ, trong đó Nhữ Công Tạo và Nhữ Công Tuyển là các cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản, con trai của Hương cống, Hàn Lâm viện thị thư, Lại Bộ Tả thị lang, tước Nghĩa Trạch Hầu Nhữ  Công Liêu (triều Tây Sơn - Quang Toản).
    Nhữ Công Chính và Nhữ Công Viên là các cháu nội của Tiến sỹ Nhữ Đình Toản, con trai Hương cống, Quan viên ngoại lang Nhữ Công Củng là những người có công tham gia lập ấp, góp công mở mang, xây dựng làng Quàn, làng Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang ngày nay.

d. Góp công tu bổ các công trình thờ tự, tâm linh, khuyến học của quê hương được mọi người ghi nhớ
    Ngày xưa, không chỉ ở Thăng Long, tỉnh có văn miếu mà ở huyện, xã cũng thường xây dựng văn chỉ thờ tổ sư nho học và các học trò của ông. Văn chỉ bao giờ cũng khắc bia đá ghi công lao của tổ sư và các bậc tiên hiền của quê hương. Hàng năm hai mùa xuân, thu các bậc văn nhân địa phương đến tế lễ, hoạt động văn hoá đó thể hiện tư tưởng tôn sư trọng đạo và có ý nghĩa khuyến học, nuôi dưỡng ý thức học tập tấn tới cho mọi người. Các vị khoa bảng họ Nhữ cũng đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích học tập cho mọi người dân quê hương.
     Cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và văn bia đã ghi lại sự kiện năm Mậu Thân (1668) Tiến sĩ Nhữ tiến Dụng (là người giỏi địa lý) đã “xem đất đặt Văn chỉ thờ Tiên Hiền của xã Hoạch Trạch”. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản có công“sửa hai tòa chỉ thờ Tiên hiền bản huyện ở địa phận làng Kiều xã Lôi Dương và cho 16 mẫu ruộng làm tự điền”[35]. Đến năm 1843, quan phủ Nguyễn Đại Nhân cai quản địa hạt huyện Đường An thấy rằng văn chỉ hàng huyện tại xã Lôi Dương đã bị đổ nát, việc tế lễ không tiện, đã bàn với văn nhân toàn huyện việc xây dựng lại. Sau khi xem xét toàn huyện, thấy rằng vị trí nền cũ của văn chỉ xã Hoạch Trạch là nơi đất tốt, còn bia ghi lại trước do tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng chọn là nơi long mạch. Theo đó, văn nhân toàn huyện và người dân Hoạch Trạch đã thống nhất lấy vị trí đó là nơi xây dựng văn chỉ mới của huyện Đường An.
    Năm 1697 – 1698, khi đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc), tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền cùng vợ không chỉ học nghề làm lược tre về truyền dạy cho dân làng mà ông còn mang về hai chiếc bình sứ to, đẹp để hiến tặng Nghè làng Hoạch Trạch và Đình Bạch Mã (Hà Nội). Hiện nay, quê hương Hoạch Trạch vẫn trân trọng gìn giữ kỷ vật này, đó là “hiện vật” minh chứng vị quan thượng thư luôn quan tâm đến quê hương, trân trọng cội nguồn.
   Tiến sĩ Nhữ Đình Toản khi mở dinh tại Học thôn, xã Đình Tổ (xã Đình Tổ trước gồm 3 thôn là Thị thôn nay là thôn Tó, Học thôn nay là thôn Như và Quàn thôn), Ông đã “sửa sang một chi Từ Đường ở Thị thôn” nay là Nhà thờ họ Nhữ, và “sửa sang đình, chùa, miếu, cấp cho ba thôn ở xã Đình Tổ  mỗi thôn 2 mẫu ruộng đa trạch là như vậy, đến nay dân vẫn còn nhớ”[36]

    Lưỡng Quốc Quế Hộ Thượng Thượng Quận Phu nhân Nhữ Thị Nhuận – Người có tấm lòng nhân hậu và có công xây dựng đình Mộ Trạch.
    Bà Nhữ Thị Nhuận hiệu Diệu Huệ là cháu nội tiến sỹ Nhữ Tiến Dụng, con gái của quan Chiêm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu gọi tiến sĩ Nhữ Đình Hiền là bác ruột, em con chú con bác ruột bảng nhãn Nhữ Trọng Thai và tiến sĩ Nhữ Đình Toản. Thân phụ của bà là một nhà nho, một lương y có tài. Bà lấy hương cống Vũ Phương Đẩu người xã Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là làng Mộ Trạch). Nối nghiệp cha, bà là người rất sành về việc chế biến và sử dụng quế để chữa bệnh.
    Bia ghi công đức và gia phả còn ghi lại nhiều việc làm rất đáng trân trọng của bà cho quê hương. Đó là việc một lần bà được vua Lê Hiển Tông ban tiền, bạc để vào trấn Thanh Hoa tìm mua quế chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu. Tới nơi tìm quê, thấy dân đói kém, bà đã đem bán vàng bạc của nhà vua để mua thóc phát chẩn cho dân. hết tiền, việc được vua giao chưa làm, bà quay về quê nhà bán hết đồ đạc, tư trang để lấy tiền tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc dò tìm vất vả trong rừng sâu, đã thành công khi bà tìm được quế quý, với bài thuốc từ quế quý dâng lên mẹ vua, bệnh đau bụng kinh niên của bà được chữa khỏi.
   Xứ Thanh Hoa vào cuối thế kỷ 18 gặp hạn hán mất mùa, dân trong vùng làm loạn, triều đình đã hai lần cử quan quân vào trấn dẹp vẫn không yên. Bà Nhuận đã khẩn khoản nhờ người anh họ là tiến sĩ Nhữ Đình Toản đang là quan tham tụng, thượng thư khải với chúa cho bà vào dẹp. Khi bà vào đến nơi, dân chúng nhìn thấy cờ trướng mang tên hiệu NHỮ THỊ NHUẬN đã hô lớn: “Mẹ ta đã vào!”. Rồi bà đem gạo, vải phát cho người nghèo, kẻ du thủ du thực được bà khuyên điều hơn lẽ thiệt, cấp vốn và đưa về quê làm ăn, ai đã trót phạm lỗi lầm đều được tha bổng. Kết quả sau chuyến đi này, dân xứ ấy đã yên tâm bảo nhau làm ăn, trốm cướp không còn nữa.
    Với công tìm thuốc chữa bệnh cho triều đình, công cứu giúp người nghèo được các quan lại vùng Thanh Hoa trình tấu và công thân chinh đi dẹp loạn, bà Nhữ Thị Nhuận được phong “Quế Hộ Thượng Quận phu nhân”[37]sánh ngang với các hoàng thân quốc thích.
    Cũng vào thời điểm đó, bà mẹ vua nhà Thanh cũng mắc chứng nan y và quế của nước Đại Việt cũng được cống sang Bắc Quốc đã là vị thuốc chính đẩy lui bệnh trong người bà Hoàng thái hậu. Nhớ công, vua Càn Long ban thưởng rất hậu, lại phong là “Lưỡng Quốc Quế Hộ Thượng thượng Quận phu nhân”.
    Đình làng Mộ Trạch quê chồng thờ Vũ Hồn là Thành hoàng đồng thời là Thần tổ của họ Vũ, bị đổ nát, bao nhiêu bổng lộc vua ban, năm 1757 bà xin với làng tự một mình đứng ra gánh vác việc xây dựng lại. Ngôi đình to đẹp vào bậc nhất tỉnh Hải Dương này sau một vài lần sửa chữa, toàn bộ kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đình làm xong, bà lại cúng 200 quan tiền và 20 mẫu ruộng vua ban cho bà để lấy hoa lợi chi dùng cho việc cúng tế hàng năm. Dân tôn vinh bà là hậu thần, khi bà mất lập bia ghi công đức, lập ban thờ bà ở bên phải toà thiên hương phía trước hậu cung. Mộ của bà đặt gần mộ Thần tổ Vũ Hồn. Tấm lòng nhân hậu của bà Nhữ Thị Nhuận là một hiện tượng văn hoá đặc sắc của xứ Đông.

    Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các nhà khoa bảng khác của họ Nhữ đã có công lao góp phần tu bổ, xây dựng các công trình thờ tự, tâm linh và khuyến học tại quê hương. Qua đó thể hiện tấm lòng luôn hướng về quê hương, tâm huyết với quê hương, trân trọng cội nguồn và quan tâm xây dựng truyền thống văn hiến làng quê bản quán, bồi đắp vượng khí để nuôi dưỡng sự hưng thịnh của quê hương.

3. Kết luận
    Hội nguyên, tiến sĩ Nhữ Đình Toản là một nhà khoa bảng nổi tiếng, một danh thần thời Lê - Trịnh văn võ đều giỏi. Ông đã có nhiều cống hiến về chính trị, văn hoá, giáo dục, quân sự… như đã có công tham gia góp phần ổn định Bắc Hà do cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển những năm giữa thế kỷ 18; Làm quan đại thần trải nhiều chức khác nhau trong đó có nhiều năm giữ chức Tham tụng nắm quyền tể tướng ông đã thể hiện tài thao lược của mình trong việc đề xuất và thực thi nhiều chính sách được đương thời ca ngợi; CuốnBách ti chức chưởng do ông hiệu đính giúp cả bộ máy quan lại chuyển mình theo hướng tiến bộ thể hiện tài năng xuất chúng của ông; Trong giáo dục ông đã có đóng góp đáng kể khi có nhiều năm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, việc Ông xin chúa xuống chỉ cho thay đổi thể văn thi cử quay lại giống như đời Hồng Đức, bỏ nối viết vụn vặt được những người học thức đương thời khen ngợi; Ông còn là một người thầy có uy tín đào tạo ra những học trò xuất sắc tiêu biểu như Ngô Thì Sĩ; Ông cương trực khảng khái, sẵn sàng dâng lời can ngăn những việc làm có hại cho dân, cho đất nước như việc năm cảnh Hưng thứ 26 (1765) chúa Trịnh đã nghe lời can ngăn của Ông khi bãi bỏ việc xây dựng cung miếu thờ tổ tiên họ Trịnh v.v… Không chỉ tài năng kinh bang, Ông còn là một vị quan thanh liên, trong sạch, luôn quan tâm đến dân chúng, chăm lo xây dựng truyền thống văn hiến cho quê hương Hoạch Trạch, Đường An. Bằng tài năng, đức độ và những cống hiến cho đất nước, cho quê hương, người dân Hoạch Trạch, Đường An nhắc đến Ông, không quên nhắc đến câu ca “Hoạch Trạch khí tàng / Anh hùng xuất thế” là vì lẽ đó.
    Dòng họ Nhữ của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản về định cư tại Đường An và Hoạch Trạch muộn hơn một số dòng họ khác, nhưng bằng ý trí vượt khó vươn lên, Nhữ Đình Toản và các thế hệ họ Nhữ Hoạch Trạch đã tiếp nối xuất sắc truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương, đóng góp vào truyền thống văn hiến của quê hương các nhà khoa bảng tài danh, các vị đại quan - danh thần nổi tiếng có nhiều công lao với đất nước, làm rạng danh quê hương và là một tấm gương sáng cho các thế hệ học tập noi theo.
    Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ đã cảm hoá tới tâm tư, tình cảm, lẽ sống và ước nguyện của người dân quê hương bằng chính tài năng vượt bậc và một tấm lòng nhân nghĩa của mình. Các ông luôn hội đủ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đối với triều đình thì tuyệt đối trung thành và cống hiến hết mình, việc gì có lợi cho quốc gia đại sự, cho người dân thì sẵn sàng bảo vệ, việc gì hại cho dân thì kiên quyết phản đối, không hề xu nịnh. Với dân chúng thì yêu thương vỗ về, bao dung độ lượng. Khi sống được kính trọng, khi chết được tôn thờ và là nơi mọi người hướng tới tìm kiếm sự che chở khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
    Không chỉ mang tài năng cống hiến cho đất nước, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng còn luôn tìm cách giúp đỡ người dân quê hương như việc học hỏi để mang nghề làm lược tre (lược bí) về dạy dân chúng, hay thân chinh tập hợp mọi người khai khẩn ruộng đồng hoang hoá, lập ấp, mở làng thể hiện một cái tâm, một cái tài vượt bậc hơn người và thật đáng kính trọng, thật đáng được đời đời ghi ơn, học tập.
    Luôn tâm huyết với quê hương, quan tâm xây dựng, bồi đắp nền văn hiến cho quê hương bằng việc mở mang, tu tạo các công trình tâm linh, tín ngưỡng và khuyết học.
    Những công lao của tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ đã được khắc ghi trong văn bia, ghi chép trong gia phả và quan trọng hơn cả là người dân quê hương Hoạch Trạch và Đường An đến nay vẫn ghi nhớ và truyền khẩu cho nhau.

    Ngày nay, nhìn lại truyền thống hiếu học, khoa bảng và sự tận tuỵ cống hiến cho đất nước, cho quê hương của tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ từ vài trăm năm trước, chúng ta vẫn thấy nguyên giá trị, đó là: Bài học về việc chấn hưng giáo dục, lấy giáo dục đào tạo làm gốc rễ; Bài học về cái tâm và cái tài của người lãnh đạo cần luôn đi song hành, phải biết lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên hết; Bài học cho lớp trẻ ngày nay cần phải biết cần cù, siêng năng, vượt qua khó khăn thử thách và biết phấn đấu chinh phục các đỉnh cao của thời đại, biết sống có trách nhiệm với xã hội, quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng v.v…
    Với những cống hiến cho đất nước, cho quê hương, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản và các vị khoa bảng họ Nhữ rất xứng đáng được thế hệ chúng ta vinh danh và học tập.

    Năm nay, kỷ niệm tròn 310 năm ngày sinh của Tế tửu Quốc Tử Giám, Hội nguyên, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ, xin có bài  tham luận cùng buổi hội thảo hôm nay, nếu có điều gì chưa thật chuẩn, mong mọi người thông cảm.
Hà Nội - Ngày 26/11/2013

Tài liệu tham khảo:
-         Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
-         Cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả, do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745, các đời sau có ghi chép thêm vào, gồm các bản: Bản lưu tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A.677; MF.1484, bản lưu truyền được PGS Hà Văn Cầu dịch ra quốc ngữ, bản do ông Nhữ Đình Khánh chép năm 1922 v.v…
-         Sách Lịch triều hiến chương loại chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
-         31 bản sắc phong của dòng họ Nhữ Hoạch Trạch.
-         Cuốn Tập sắc: Tự Đức thập nhất niên tuế thứ Mậu Ngọ chính nguyệt nhị thập thất nhật sao (Tập sắc phong, sao ngày 27 tháng giêng năm Mậu Ngọ, đời vua Tự Đức.
-          Bia Văn chỉ huyện Đường An (các bản dịch lưu hành trong huyện Bình Giang)
-         Sách Văn bia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đỗ Văn Ninh biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin 2000.
-         Tư liệu văn khắc trên web. của Viên nghiên cứu Hán - Nômwww.hannom.org.vn
-         Sách Di sản văn chương Văn miếu - Quốc Tử Giám, NXB Hà Nội 2010. PGS Phan Văn Các và PGS.TS Trần Ngọc Dương đồng chủ biên.
-         Cuốn: An Tử hạ xã, Hán Nam tổng, Tiên Lãng huyện, Kiến An tỉnh thần tích - bản dịch của Viện khoa học xã hội.
-         Cuốn Bách ti thứ vụ, tác giả Nhữ Đình Toản, Nguyễn Sĩ Tín in năm Lê Cảnh Hưng 12 (1751), lưu trữ tại Thư Viện Viện nghiên cứu Hán – Nôm, Ký  hiệu:   VHv. 1273;   MF. 1756.
-         Bộ sách Địa chí Hải Dương, NXB sự thật 2008, UBND tỉnh Hải Dương biện soạn.
-         Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - cục XB Bộ VH.
-         Việt Nam các nhân vật LS – VH, tác giả Đinh Xuân Lâm.
-         Các tham luận tại Hội thảo danh nhân làng Hoạch Trạch, do Hội sử học tỉnh Hải Dương- Liên hiệp các hội KH & KT tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 24/12/2012.
-         Sách Họ Nhữ vài nét xưa và nay, Nhữ Đình Văn biên tập, lưu hành nội bộ trong họ Nhữ.
-         Tập tài liệu: Hoạch Trạch biên niên ký, tác giả Nhữ Đình Rồng, lưu hành nội bộ họ Nhữ.
-         Tuyển tập: Danh nhân, người tốt họ Nhữ trên sách báo qua các đời, do Nhữ Đình Quỳ sưu tầm, lưu hành nội bộ họ Nhữ.
-         Một số các sách báo khác.
 



[1]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Canh Thân 1680, bia tiến sĩ số 48, Văn miếu – QTG HN, bản dịch của Đỗ Văn Ninh.
[2]Bồi tụng: quan đại thần đứng thứ hai trong phủ đuờng chúa Trịnh, sau Tham tụng.
[3]Thượng thư: quan đứng đầu các bộ.
[4]Thái phó: một trong ba chức quan đứng đầu triều là Thái sư, Thái phó, Thái bảo hợp thành Tam Thái, trật Chánh nhất phẩm.
[5]Thọ quận công: tước Công do vua phong, có các tước như: Công, Hầu, Bá… 
[6]Thượng Trụ quốc: cấp bậc phong cho các quan trật Chánh nhất phẩm.
[7]Giám thí: theo chế độ thời Lê, Giám thí là phó chủ khảo.
[8]. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) của Quốc sử quán triều Nguyễn
[9]. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) của Quốc sử quán triều Nguyễn
[10]. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) của Quốc sử quán triều Nguyễn
[11].  Lê Anh Tuấn: đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694), quê Mai Trai, Vặn Thắng, Ba Vì, Hà Nội. Làm quan đến Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ.
[12]. Theo Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1733), Bia tiến sĩ số 66, Văn Miếu – QTG Hà Nội. Bản dịch Đỗ Văn Ninh.
[13]. Bài ký này trong phần phụ lục của Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[14]. Ngô Thì Sĩ (1726-?) quê tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Năm Bính Tuất (1766) ông thi đỗ Hoàng giáp.
[15]. Nguyễn Nghiễm (1708-1776) quê Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tỉnh, Đỗ Hoàng Giáp năm 1731, làm quan đến Thượng thư Bộ hộ. Ông cha của Đại thi hào Nguyễn Du.
[16]. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
[17]. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
[18]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[19]. Theo Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1772), Bia tiến sĩ số 79, Văn miếu – QTG Hà Nội, bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[20]Lại phiên: một trong sáu Phiên trong phủ đường chúa Trịnh, tương ứng với sáu Bộ bên cung Vua.
[21]Quang lộc Tự Tự thừa: Quan chế nhà Lê gồm các Sảnh, Viện, Đài, Các, 6 bộ, 6 Tự, 6 Khoa…, Quang lộc là một trong 6 Tự (Đại lý, Thái thường, Quang lộc, Thái bộc, Hồng lô, Thượng bảo), Đứng đầu các Tự là chức Khanh, cấp phó là Thiếu Khanh, tiếp đến là Tự thừa. Tự thừa trật hàm Chánh thất phẩm.
[22]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và lưu truyền trong họ (có tham khảo thêm cả trong văn học sử, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái).
[23]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả (có tham khảo thêm cả trong văn học sử, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống Chí của Ngô gia văn phái).
[24]. Theo Quốc sử di biên của Tham hoa Phan Thúc Trực (có tham khảo thêm cả trong ghi chép Vũ Trung tuỳ bút của Phạm Hổ).
[25]. Theo Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực
[26]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[27]. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
[28]. Theo các Sắc phong cho Nhữ Công Vũ năm Cảnh Hưng thứ 30 (1739), Cảnh Hưng thứ 41 (1780), Cảnh Hưng thứ 43 (1782) và Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[29]. Theo các sắc phong cho Nhữ Công Liêu năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[30]. Theo Những năm Mùi đáng nhớ của tác giả Quốc Anh, báo Khoa học và Tổ quốc số 2-1991.
[31]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[32]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[33]. Theo cuốn “An Tử hạ xã, Hán Nam tổng,Tiên Lãng huyện, Kiến An tỉnh thần tích” hiện đang lưu trữ tại thư viện Khoa học xã hội - bản dịch của Viện khoa học xã hội)
[34]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[35]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[36]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[37]Quê Hộ: Theo Vũ Đình Triều trên www.hovuvovietnam.com: từ “Quế Hộ” có ám chỉ gia đình bà quý giá cao sang như khi dùng “Quế Cung” để chỉ mặt trăng, tình cờ lại phù hợp với chuyện bà mua Quế cho chúa Trịnh, dân làng thường gọi là Quận Quế lại hàm ý nôm na này. 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn