Quy luật “Lượng – Chất” và tham nhũng ở Việt Nam


   Quy luật Lượng - Chất hay còn gọi là quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lenin. Đơn giản mà nói là Lượng đổi, thì chất cũng đổi.
   Thời ông Đỗ Mười mới lên làm Tổng bí thư đảng CS, trả lời một nhà báo nước ngoài về tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam, đại khái ông nói: tham nhũng thì nước nào chả có, các nhà báo thử chỉ ra ví dụ một nước không có tham nhũng… Như vậy là Ông đã quên mất quy luật Lượng – Chất của Mác – Lênin. Chai nước lọc chắc chắn trong đó vẫn còn vi khuẩn có hại, nhưng rất ít và có thể uống được. Nước sông Tô Lịch cũng có vi khuẩn, nhưng rất rất nhiều và chẳng thể dùng để uống, nếu uống thì coi như đi viện cấp cứu. Tham nhũng cũng vậy, vấn đề là mức độ ra sao thôi: Rất nghiêm trọng, Nghiêm trọng, hoặc có hiện tượng… Nói như Đỗ Mười là né tránh, không dám đả động đến “Lượng” – tức mức độ của tham nhũng ở VN.
   Khi nhà thơ Tố Hữu còn quyền lực, ông chỉ đạo các nhà báo, nhà văn, viết về tham nhũng cũng được, nhưng chỉ từ lãnh đạo cấp huyện trở xuống, bên trên không được viết… như vậy cũng là bỏ bớt phần lượng đi, dẫn đến đánh giá bản chất sẽ sai lệch.
  Gần đây trong các văn kiện của Đảng, hay các báo cáo của Chính Phủ, theo thời gian xuất hiện các cụm từ về “Lượng” để đánh giá về tham nhũng như sau:
-         Một số phần tử nhỏ…  đảng viên có các biểu hiện tham nhũng
-         Một số nhỏ các đảng viên có biểu hiện tham nhũng
-         Một bộ phận nhỏ đảng viên tham nhũng
-         Một bộ phận KHÔNG NHỎ đảng viên tham nhũng
   Thực tế thì đã từ lâu tình trạng tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi ở Việt Nam đã rất nghiêm trọng. Nhưng Đảng vẫn né tránh và chọn dùng các số từ để lấp liếm, không thể hiện đúng bản chất của sự việc.
Nếu không có tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, với chế độ tiền lương như hiện nay thì chỉ qua một đêm phần lớn các đảng viên là công chức, viên chức hay đang giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước sẽ bỏ nhiệm sở, một phần trong số đó sẽ xin ra khỏi đảng. Vào Đảng CS ở Việt Nam mặc nhiên gắn chặt với đặc quyền, đặc lợi.

   Tham nhũng chỉ là một biểu hiện, các vấn đề kinh tế - xã hội khác cũng vậy, một xã hội không minh bạch, không dám tiến hành các điều tra xã hội học, không dám công bố các vấn đề kinh tế - xã hội bằng các con số cụ thể, bằng các đánh giá của các chuyên gia, các tổ chức có chuyên môn nên mọi vấn đề luôn được bao biện theo kiểu: Cái xấu đương nhiên vẫn được nhắc đến, nhưng với liều lượng vừa phải, cái khá khá một chút thì được thổi bùng nên rồi mặc nhiên ca ngợi là chế độ này tốt đẹp, hoặc chí ít là có rất nhiều chuyển biến tích cực… Tóm lại, Quy luật Lượng đổi – Chất đổi đã không được áp dụng, để lấp liếm bản chất sự việc, Đảng đã dùng các “tập mờ” để đánh lận con đen. 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn