Vừa rồi báo đưa tin, ngày 11/3/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tất nhiên "nghề làm tranh" và "giá trị nghệ thuật" là hai lĩnh vực khác nhau. Cũng nhân đây, tôi chia sẻ mấy cảm nghĩ vắn tắt về tranh Đông Hồ:
1. Tranh Đông Hồ là tranh chơi Tết, hầu như chỉ bán tại các phiên chợ Tết, đó là theo trí nhớ của tôi. Tranh Đông Hồ không đóng khung kính, ngày tết mua về, lấy cơm nếp, hoặc bánh chưng dán lên tường, vách, liếp, cửa… Một số ít tranh phục vụ tâm linh, tín ngưỡng thì dán, treo nơi thờ tự, hay vị trí phù hợp, như: Tranh ông tướng để đuổi tà thì dán cổng, mé ngoài cửa, tranh thổ công, thổ địa v.v…
Tranh Đông Hồ thường chỉ chơi một năm, cuối năm bóc bỏ thay bằng tranh khác, vì khi đó tranh cũng bạc mầu và bụi bẩn. Đó cũng là lý do làng tranh Đông Hồ sống được qua nhiều thế kỷ, vì có nhiều người cần mua ngày Tết để cầu may, cầu tài, cầu lộc, đuổi tà, để tạo không khí vui tươi ngày Tết với sự dí dỏm, trào lộng và mầu sắc đỏ, vàng lòe loẹt mà trang mang lại.
2. Tranh Đông Hồ là tranh của người nghèo: Nói chung là vậy, nhà cao cửa rộng, “nhà ngói, cây mít”, tủ chè sập ngụ không dán (treo) tranh Đông Hồ trong nhà chính, mà chơi tranh Hàng Trống, đó là các bộ Tứ quý, Tứ bình, tranh khảm, tranh khắc được treo trang trọng, hoặc đóng khung chơi lâu dài. Tranh Đông Hồ khắc in với số lượng lớn, giá thành rẻ, do vậy người dân nghèo ngày xưa hoàn toàn có thể mua được vài bức khi Tết đến, xuân về.
3. Phần loại tranh Đông Hồ: Nhiều người nghĩ là dòng tranh này đơn điệu, quanh đi quẩn lại là mấy con vẽ gà, chuột, lợn, đánh ghen, hái dừa… Nhưng thực tế, tranh Đông Hồ khá phong phú về đề tài, về cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu đời sống văn hóa, tâm linh, cầu tài, cầu may, vui chơi Tết mọi người. Cách đây mấy năm, đọc cuốn “Vũ Bằng tạp văn”, tác giả viết khi ở trong Nam, hồi những năm 60, thế kỷ 20, có bài về tranh Đông Hồ, tác giả viết: Họa sĩ Mạnh Quỳnh (trên Đông Dương số 250 xuất bản ngày 10 tháng 2 năm 1945) có phân loại tranh Đông Hồ ra các loại:
- Những bức tranh cầu tài, cầu phúc, như bức vẽ các ông tướng, các con gà, con cá đào mận, dơi, chuột, tam đa
- Những bức tranh có tính chất tôn giáo, những bức tranh vẽ cảnh trẩy hội chùa Hương, bàn thờ Thổ công, bàn thờ Táo Quân.
- Những bức tranh có tính chất trào lộng, như chuột đỗ trạng nguyên, đám cưới chuột, cóc đi học…
- Những bức tranh có tính giáo dục, đạo đức, như bức vẽ thập nhị tứ hiếu, vẽ theo ca dao tục ngữ nhằm đề cao đạo đức nhân dân…
Tôi thấy còn một đề tài nữa, đó là tranh LỊCH SỬ: với các bức vẽ: Hai bà Trưng, Thánh Gióng v.v…
4. Giá trị nghệ thuật: Các nhà chuyên môn phân tích nhiều rồi, cá nhân tôi thì thấy thú vị bởi các nét vẽ dí dỏm, trào lộng, vui tươi. Tranh đáp ứng tốt cho nhu cầu: Cầu may, cầu tài, cầu lộc, tín ngưỡng, giải trí, giáo dục đạo đức, lịch sử dân tộc… của mọi gia đình.
5. Chơi tranh Đông Hồ thời nay: Năm 1998, một hôm lang thang khu phố cổ Hà Nội, tình cờ vào phòng tranh và tôi mua được một tập tranh Đông Hồ xịn khoảng trên chục tranh, kẹp trong hai bìa cứng khổ lớn hơn A4, nhỏ hơn A3. Giá cả cũng khá cao, vì họ chuyên bán cho khách du lịch Tây. Tôi rất ứng ý với tập tranh này, để tủ sách thỉnh thoảng lại mở ra xem. Hiện tập tranh này cũng bị đã thất lạc sau những lần chuyển nhà. Đó cũng là một cách chơi tranh Đông Hồ thời 4.0.