Ảnh: Tình trạng chính trị sau Hội nghị Viên vào tháng 6/1815.
Nguồn: Akhiesh Pillalamarri, “The 5 Most Important Treaties in World History”, The National Interest, 12/11/2016.
Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Ở đâu có nhà nước thì ở đó có các hiệp ước. Từ thời cổ đại, các hiệp ước đã trở thành một công cụ quan trọng của việc quản lý nhà nước và nền ngoại giao. Bởi vì các hiệp ước là những thỏa thuận giữa các nhà nước khác nhau, thường được đưa ra vào cuối một cuộc xung đột, nên chúng tái định hình sâu sắc các đường biên giới, các nền kinh tế, các liên minh và quan hệ quốc tế. Sau đây là năm hiệp ước quan trọng nhất trong lịch sử.
Hiệp ước Tordesillas (1494)
Hiệp ước Tordesillas, giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (thực ra là với một bộ phận của nước này, Vương quốc Castile), được Giáo hoàng dàn xếp và đã chia những vùng đất mới được thám hiểm bên ngoài châu Âu cho hai nước này theo một đường kinh tuyến chạy dọc qua phía đông Brazil hiện nay.
Kết quả là, sự thám hiểm và thuộc địa hóa của Tây Ban Nha chủ yếu tập trung ở châu Mỹ, dẫn tới sự kiểm soát của nước này với nhiều vùng Trung và Nam Mỹ; (trong khi) khu vực Brazil chưa được thám hiểm lại thuộc về Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha được quyền thám hiểm về phía đông (đường phân chia), và với chuyến thám hiểm năm 1498 của Vasco da Gama, nước này đã cố gắng thiết lập một tuyến hàng hải từ châu Âu sang Ấn Độ.
Ban đầu, hiệp ước đem lại lợi thế cho Bồ Đào Nha, khi nước này giàu lên nhờ tuyến thương mại giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, về lâu dài, Anh và Hà Lan đã đẩy Bồ Đào Nha ra khỏi mảng thương mại này. Về khía cạnh kiểm soát đất đai, Bồ Đào Nha tí hon thực sự gặp khó khăn hơn nhiều trong việc chiếm giữ các lãnh thổ nơi những nhà nước có tổ chức đã tồn tại ở châu Á. Trong khi đó Tây Ban Nha đã lập được một đế quốc rộng lớn và đông dân ở Mỹ Latinh, và sau đó khám phá được nguồn khoáng sản khổng lồ ở đó.
Tất nhiên, rốt cuộc các cường quốc khác bao gồm Anh, Hà Lan và Pháp đã chọn cách làm ngơ hiệp ước vì nó loại trừ các nước này.
Hòa ước Wesphalia (1648)
Hòa ước Wesphalia bao gồm hai hiệp ước liên quan là Hiệp ước Munster và Hiệp ước Osnabruck, được kí vào cuối cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, về cơ bản là giữa các nhà nước Tin lành với các nhà nước Công giáo, mặc dù có những quốc gia như Pháp đã đứng về cả hai phe để thủ lợi. Mặc dù Hòa ước Wesphalia ban đầu chỉ có tác động đến Tây và Trung Âu, nhưng cuối cùng nó đã gây ra những hệ quả toàn cầu.
Lý do là bởi nó đã thiết lập một vài trong số những nguyên tắc quan trọng nhất của hệ thống quốc tế. Những đặc điểm chủ yếu của các quốc gia-dân tộc đã được vạch ra trong các hiệp ước được kí tại Hòa đàm Wesphalia. Các hiệp ước này đã định hình ý tưởng về chủ quyền lãnh thổ, với mỗi quốc gia toàn quyền về luật pháp và trật tự, thuế khóa và sự kiểm soát dân cư trong lãnh thổ của chúng. Thêm vào đó, quyền của các quốc gia trong việc quyết định các tôn giáo và những sắp xếp chính trị của chính mình cũng được công nhận. Và giờ thì đó được coi là những chuẩn mực toàn cầu.
Hiệp ước Paris (1783)
Hiệp ước Paris (1783), hiệp ước lâu đời nhất của nước Mỹ vẫn còn hiệu lực, đã chấm dứt của Cách mạng Mỹ và lập nên nước Mỹ. Chỉ với một lý do này, nó đã là một trong những hiệp ước quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Hiệp ước Paris không chỉ thành lập nước Mỹ; mà còn làm việc đó với những điều khoản rất ưu đãi.
Nhóm đàm phán của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của John Jay, Benjamin Franklin và John Adams đã làm tốt một cách đáng ngạc nhiên. Các đồng minh của nước Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha, không muốn nước Mỹ có được một hòa ước riêng rẽ (với Anh); tuy nhiên, khi cuộc chiến vẫn còn diễn ra ác liệt ở vùng Caribe và Gibraltar (khiến Pháp và Tây Ban Nha chưa thể đi đến một thỏa thuận với Anh – ND), đây chính xác là điều mà những người Mỹ tìm kiếm, bởi vì họ cho rằng mình sẽ đạt được một thỏa thuận tốt hơn bằng cách đàm phán trực tiếp với người Anh. Người Pháp đã hy vọng rằng nước Mỹ sẽ là một quốc gia nhỏ và yếu, nằm giữa Đại Tây Dương và dãy Appalachia, mắc kẹt bởi người Anh vốn chiếm giữ các vùng lãnh thổ phía bắc sông Ohio và các quốc gia vùng đệm do Tây Ban Nha kiểm soát ở phía nam.
Thay vào đó, người Anh cho rằng một nước Mỹ mạnh và thành công về kinh tế nằm trong lợi ích của họ và chống lại những lợi ích của Pháp. Họ đã bị thuyết phục để trao cho quốc gia mới toàn bộ vùng đất kéo dài đến tận sông Mississippi cũng như quyền đánh cá ở Canada (lúc này thuộc Anh – ND). Điều này đã cho phép nước Mỹ mở rộng về phía tây sau này và trở thành một siêu cường lục địa.
Hội nghị Viên (1814- 15)
Hội nghị Viên diễn ra vào cuối Các cuộc chiến tranh của Napoleon và đã tái định hình châu Âu một cách đáng kể. Một vài hiệp ước đã được kí tại Hội nghị, quan trọng nhất là Hiệp ước Paris năm 1814 (có rất nhiều cái gọi là “Hiệp ước Paris”).
Hội nghị Viên được đặc biệt đáng chú ý bởi cách thức nó đã diễn ra thành công. Trong khi một vài sử gia sau này đã chỉ trích hội nghị là “phản động”, thì nó đã ngăn chặn được việc nổ ra chiến tranh giữa các cường quốc châu Âu trong một trăm năm. Nó đã làm được điều này như thế nào?
Đầu tiên, tất cả các bên, bao gồm cả nước Pháp bại trận, đều là một phần của các cuộc đàm phán. Điều này là do hình thức không cứng nhắc của Hội nghị, vốn cho phép các bên khác nhau, thường được dẫn dắt bởi các nhà ngoại giao khôn ngoan như là Talleyrand (Pháp) và Metternich (Áo) ngồi lại và thảo luận, cho đến khi đạt được một sự thỏa hiệp. Trong khi điều này không làm tất cả mọi người vui vẻ, thì nó đảm bảo rằng không có ai là hoàn toàn bất mãn. Ngoài ra, nó cũng liên quan đến những mặc cả phức tạp. Ví dụ, Thụy Điển mất Phần Lan vào tay Nga, nhưng giành được Na Uy từ Đan Mạch. Đến lượt mình, Đan Mạch giành được vùng Pomerania của Thụy Điển và Công quốc Lauenburg từ tay Hanover. Đan Mạch đã trao vùng Pomerania cho Phổ và giữ lại Công quốc Lauenburg. Để đền bù thì Hanover được Phổ trao cho vùng Đông Frisia.
Thứ hai, Hội nghị và các hiệp ước sau đó đã hạn chế mức độ trừng phạt áp đặt lên các bên bại trận. Pháp mất các vùng lãnh thổ do Napoleon chiếm đóng nhưng được giữ các đường biên giới trước chiến tranh; hầu hết thời gian quốc gia này cũng được các cường quốc khác coi như là một nạn nhân của Napoleon. Các quốc gia đứng về phe Pháp như Saxony được cho phép duy trì sự độc lập, mặc dù có những ý kiến ngược lại. Không giống như hậu quả của Thế chiến I, không có nỗ lực nào được tạo ra để xóa bỏ sự toàn vẹn các quốc gia hay thay đổi những sắp xếp chính trị trong nước của các nước này. Tất cả điều này góp phần vào một sự ổn định rộng lớn. Điều không may duy nhất chính là, bởi vì tất cả những mặc cả tại hội nghị, một nước Ba Lan độc lập đã không được tái lập.
Hiệp ước Versailles (1919)
Hiệp ước Versailles được ký giữa các các nước đồng minh phương Tây và Đức vào cuối Thế chiến I. Cách thức (mang tính loại trừ) mà nó được đưa ra hoàn toàn trái ngược với cách thức mang tính bao trùm mà châu Âu hậu Napoleon được tổ chức– các điều khoản bị áp đặt, không qua đàm phán. Bên cạnh Hiệp ước Versailles, Áo, Hungary, Bulgaria và phần còn lại của Đế quốc Ottoman cũng kí những hiệp ước sai lầm.
Tất nhiên, nước Đức phải chịu sự thiệt thòi, và bị trừng phạt với việc bị mất lãnh thổ và bồi thường nặng nề, phần lớn theo đề xuất của một nước Pháp muốn trả thù. Trong khi điều này là một ý tưởng tồi, nhưng nếu các nước đồng minh đã định làm theo cách này, thì họ nên làm mạnh tay hơn và chia cắt nước Đức, hơn là để cho quốc gia đông dân nhất châu Âu chịu đựng sự căm giận.
Chương trình Mười bốn Điểm của Tổng thống Woodrow Wilson cũng dẫn tới sự hình thành các quốc gia-dân tộc mới và nhỏ yếu vốn khó khăn trong việc tự bảo vệ mình về lâu dài trước những cường quốc hung hăng như Liên Xô và Đức. Sự can thiệp vào các cấu trúc chính trị trong nước của các cường quốc bị đánh bại như Đức cũng tạo nên những tiền đề cho sự rắc rối, và cuối cùng dẫn tới Thế chiến II.
Các hiệp ước liên quan là Hiệp ước Sèvres và Hiệp ước Lausanne đã phân chia Đế quốc Ottoman, với những hệ quả không mấy dễ chịu cho Trung Đông: người Armenia và người Kurd thất vọng, và hầu hết người Arab nằm dưới sự cai trị của người Anh hoặc người Pháp trong những nhà nước giả tạo như Syria và Iraq, những hệ quả của chúng được thể hiện rất rõ ràng hiện nay.
Akhilesh Pillalamarri là một nhà phân tích quan hệ quốc tế, viết bài và biên tập cho tờ Diplomat và tờ National Interest. Akhilesh nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu An ninh tại Trường Ngoại giao Edmund A. Walsh, trực thuộc Đại học Georgetown, nơi ông tập trung vào an ninh quốc tế.