VẮN TẮT VỀ CÂU ĐỐI

Các câu đối tại tam quan chùa Quán Sứ (ảnh sưu tầm)
     Hôm nay Tết Nguyên Tiên, xuân Tân Sửu, ngày thơ Việt Nam. Tản mạn vài dòng về câu đối, góp vui với mọi người.
     Ngày nay, câu đối vẫn còn được dùng trong nhà thờ, đền đài, chùa, để thờ cúng, chơi Tết, tặng, chúc tụng, đối đáp giao lưu… Câu đối gồm một cặp (2 câu văn) đối nhau, thuộc văn chương biền ngẫu. Ngoài ra, các cặp đối nhau còn là quy định bắt buộc trong nhiều thể thơ Đường luật, như:
     Thể thơ Thất ngôn bát cú: hai câu “thực” (câu 3,4) và hai câu “luận” (câu 5,6) phải là các cặp đối. Ví dụ, trong bài thơ quen thuộc “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, hai câu thực” sau đây phải là một cặp đối:
    “Lom khom dưới núi, tiều vài chú” (câu 3)
      Lác đác ven sông, rợ mấy nhà” (câu 4)
    Thể Phú: Trong bài là lần lượt các cặp đối, ví dụ một cặp đối trong bài phú “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi:
“自 趙 丁 李 陳 之 肇 造 我 國, Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc
與 漢 唐 宋 元 而 各 帝 一 方。Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.”
    Dịch nghĩa:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tông, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

VẬY CÂU ĐỐI LÀ GÌ ? (vắn tắt)
    1. Các quy định bắt buộc (chính yếu)
- Số từ: Gồm hai vế, số chữ bằng nhau. Câu trước (câu “ra”) kết thúc bằng thanh TRẮC (sắc, nặng, hỏi, ngã). Câu sau (câu "đối lại”) kết thúc bằng thanh BẰNG (huyền, không dấu).
- Loại từ: Các từ, cặp từ tương ứng của hai vế phải cùng “loại từ”: Cùng là danh từ, hay tính từ, hay trạng từ, hay đại từ…
- Về thanh: Tối thiểu từ cuối mỗi ý tương ứng ở hai vế phải ngược thanh nhau (trắc/bằng, hoặc bằng/trắc).
- Nội dung: Hai vế đối đáp nhau, hoặc bổ trợ nhau, minh họa nhau về nội dung. Nội dung hai vế chẳng ăn nhập gì, kiều “ông nói gà, bà nói vịt” thì không thể là câu đối.

2. Quy định không bắt buộc, nhưng có thì câu đối mới hay
- Các từ tương ứng của hai vế ngược nhau về thanh (bằng/trắc)
- Nội dung càng đối nhau, hay bổ trợ, minh họa nhau thì càng hay
- Một số các quy tắc khác, như: Nặng đối nặng, nhẹ đối nhẹ v.v… Nói như bây giờ là, câu ra “chém gió phần phật”, câu đối lại cũng phải “chém thật dữ”. Nếu câu ra mà “chém ác liệt”, câu đối lại lại “nhẹ tênh” về ý tứ thì gọi là đối “dở”, đối kém.

3. Phân tích một số câu đối minh họa cho ý (1) và (2)
    Ký hiệu về thanh: Trắc (t) dấu sắc, nặng, hỏi ngã. Bằng (b) dấu huyền và không dấu.
VD1: Bác, bác trứng / Tôi, tôi vôi.
Về thanh: t t t / b b b. (đối nhau 100% về thanh bằng/ trắc
Về loại từ: “Bác” là đại từ, “bác trứng” là động từ. Vế đối lại cũng dùng đại từ và động từ đồng âm: "Tôi" là đại từ, “Tôi vôi” là động từ. Sự "chơi khó" về từ đồng âm, khác nghĩa, khác loại từ đã được vế đối lại xử lý chuẩn.
VD2: Áo đỏ lấm phân trâu / Dù xanh che dái ngựa
Về thanh: t t t b b / b b b t t (đối nhau 100% về thanh)
Về loại từ: áo đỏ / dù xanh; lấm / che; phân trâu / dái ngựa
Câu đối rất chuẩn về loại từ, về thanh. Nội dung thì rất thú vị, đối chọi về hình ảnh.
VD3: Hồi còn nhỏ đi học cùng bọn con trai, chẳng may Hồ Xuân Hương bị trượt chân ngã ngửa, hai tay dơ lên trời. Một cậu con trai liền trêu: “Vươn tay với thử trời cao thấp”, Hồ Xuân Hương lóp cóp ngồi dậy, đối lại “Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”
    Vươn tay với thử trời cao thấp
    Về thanh: b b t t b b t
    Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
    Về thanh: t t b b t t b
    Phân tích các từ tương ứng trên hai vế: vươn tay/xoạc cẳng; với thử/đo xem; trời/đất; cao thấp/ ngắn dài. Bằng/ trắc thì đối nhau 100%. Nội dung thì rất đối

4. Một số câu đối hay
4.1 Câu đối chữ Hán hay được nhà thờ từ đường các dòng họ treo:
    “Tổ tiên công đức thiên niên thịnh”
    “Tôn tử hiếu hiền vạn đại vinh”
    Các ý của mỗi vế cùng loại từ (tổ tiên/ tôn tử; công đức/ hiếu hiền; thiên niên/ vạn đại; thịnh/ vinh), bằng trắc cũng rất đối, nội dung lại rất hay, rất đối

4.2 Câu đối tôn giáo 
Một trong số các câu đối tại tam quan chùa Quán Sứ:
    "Hiên ngang phất gió dẽ mây nên đường chính giác
    "Đường bệ đội giời đạp đất chấn cõi niết bàn"
    Các cặp từ đối nhau rất chuẩn như: hiên ngang - đường bệ; phất gió dẽ mây - đội trời đạp đất; nên - chấn (động từ); đường chính giác - cõi niết bàn. Tổng thể rất chuẩn về khuôn thước và nội dung. 

Câu đối chúc mừng năm mới của người dân Công giáo:
    "Thực thi Lời Chúa Xuân bất tận
     Rao giảng Tin mừng Tết thiên thu"

4.3 Câu đối Tết.
Tôi sưu tầm được câu đối toàn chữ tr/ch như sau:
- Trịnh trọng chàng trâu chào chú chuột
- Choáng choàng chú chuột trốn chàng trâu.
    Rất đối và rất thú vị.

“Năm mới hạnh phúc bình an đến”
“Ngày xuân vinh hoa phú quý về”
Câu đối này dịch từ câu đối chữ Hán:
“Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”
Cả câu đối Hán và dịch đều rất chuẩn, hay, rất đối, ý nghĩa sâu xa.

Câu đối chúc Tết của các Phật tử:
“Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Năm mới bình an bớt não phiền”

Câu đối Tết của Hồ Xuân Hương dán tại cánh cổng nhà mình:
"Tối ba mưoi khép chặt cánh càn khôn, kẻo nữa Ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một mở toang lò tạo hóa, để cho thiếu nữ đón xuân vào."
Lại một Tết khác, nữ sĩ dán câu đối:
"Tối ba mươi tống cựu, khép cánh càn khôn, một then đưa đẩy: khìn–khin-khín-khịt
Sáng mồng một nghinh tân, mở lò tạo hóa, hai cánh banh ra: toác-toạc-toàng-toang."
Cả hai câu đối đều viết về cánh cổng, rất thú vị.

Cấu đối dí dỏm, vui vẻ ngày Tết:
"Vẽ bức tranh Xuân: lợn béo, gà to ứng ý vợ
Đề câu đối Tết: khoai sai, lúa tốt đẹp tình chồng".

Câu đối Tết của Nguyễn Công Trứ
"Vút trời cao một cây nêu, tối buổi ba mươi, RI cũng Tết
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một RỨA là xuân"

"Tôi ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp chú BẦN ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, dơ tay bồng anh PHÚ vào nhà"

Câu đối của Nhà thơ Tú Xương
    "Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
    Nhân tình bạc thế lại tôi vôi"
    Câu đối tài tình, sâu xa khi câu trên có hai hình ảnh đối lập: hình ảnh xã hội "xác" xơ tiêu điều, liền với hình ảnh đốt pháo mừng Tết, mừng Xuân. Đốt pháo tạo hai hiệu ứng: Tiếng nổ phải to, phải đanh, "xác pháo" phải nhỏ, bắn xa thì mới là pháo tốt, năm mới mới hanh thông, may mắn... "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là phong tục phổ biến. Mua vôi để làm nhà, để têm trầu cưới gả con cái, xây dựng nhân duyên mới... Lại có câu: "bạc như vôi", câu đối "nhân tình bạc thế lại tôi vôi" thật hay, thật sâu cay.

4.4 Câu đối bỏ lửng của vua Lê Thánh Tông
Chàng Tư Thành, sau này là vua Lê Thánh Tông, khi còn lưu bạt ở ngoài kinh: Một hôm gặp cô gái xinh đẹp vo gạo, Tư Thành ứng khẩu đọc:
“Gạo trắng nước trong, mến cảnh mến tình lại càng thêm mến cả….”
Cô gái khi vo gạo xong, đi qua trước mặt Tư Thành đối lại:
“Trời xanh mây biếc, có chí lo đời xin trước hãy lo cho…”
Câu ra và câu đối đều bỏ lửng… nhưng ý tứ thì đã rõ ràng. Đây cũng câu đối rất chuẩn, hay, hiếm trong kho tang các câu đối Việt Nam.

4.5 Một số câu đối chữ Hán
    Về quê nhà, đọc gia phả, thấy nhiều câu đối hay, do vua làm để ban tặng hay các quan là các tiến sĩ nho học làm tặng chúc tụng nhau. Đây là câu đối của các vị "chuẩn Nho", đều là đại khoa, nên rất chuẩn về cấu trúc, khúc chiết, ý tứ sâu xa, sử dụng nhiều điển tích, và ưa dùng những lời "có cánh".
    Trích dẫn hai trong số mấy chục câu đối vua Lê, chúa Trịnh và các quan tặng một cụ tổ khi cụ về trí sĩ:
- Câu đối trên cờ thêu vua ban:
文 進 士 武 郡 公 朝 中 顯 宦 (Văn tiến sĩ, võ quận công, triều trung hiển hoạn)
國 忠 臣 家 孝 子 天 下 完 名 (Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn danh)
    Các ý nhỏ rất đối nhau (tiểu đối): “văn tiến sĩ, võ quân công” đối với “quốc trung thần, gia hiếu tử”; “triều trung hiển hoạn” đối với “thiên hạ hoàn danh”
    Dịch nghĩa:
“Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều đình quan lớn
Nước trung thần, nhà hiếu tử, thiên hạ nổi danh”
    Nội dung ca ngợi người được ban tặng là: tài giỏi, đã làm quan lớn cả ngạch văn và võ, gia đình lại nhiều đời liên tiếp đỗ đạt…

    Một câu đối khác, do một vị quan đương triều cũng tặng cụ (nói trên):
“奕 葉 科 名 三 鼎 甲”(Dịch diệp khoa danh, tam đỉnh giáp)
“一 門 宦 業 兩 台 衛”(Nhất môn hoạn nghiệp, lưỡng đài hành)
Chữa "lưỡng" có nghĩa là "hai". Câu đối rất chuẩn, hay.
Dịch nghĩa:
“Nối đời con cháu khoa danh, ba lần đỉnh giáp
Một nhà làm quan cầm cân, nẩy mực ở cả hai đài”

4.6 Câu đối viết cho đám hiếu (sưu tầm) 
    Câu đối Nguyễn Khuyến viết cho gia đình có chồng thợ rèn chết để lại vợ trẻ, con nhỏ:
    “Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp
    Cơ ngơi đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi”
    Câu đối này đặc sắc ở có các danh từ của nghề thợ rèn: Than, bễ, rèn, cặp, đe, loi. Câu đối của các bậc tài văn hay hơn người là ở chỗ đó.
    Câu đối Tú Xương viết cho một người vợ kế khóc chồng chết. Ông này vợ cả chết đã nhiều năm, lấy bà vợ hai, bà hai buôn bán gạo và nhiều đồ ở chợ bến sông, từ đó kinh tế cũng khá giả. Là chỗ thân quen, Tú Xương đến viếng, gia chủ xin câu đối khóc chồng: Tú Xương chậm chãi viết:
- Con cò lặn lội bờ sông, rủ rỉ nuôi con mà hóa thật
    Những người biết chữ liếc qua xem, thấy lạ vì đây chỉ là hát đồng dao rút gọn lại, chờ xem ý tiếp theo của một bậc văn đàn đã rất nổi tiếng khắp vùng thời đó.
Tú xương lại chậm chãi viết tiếp:
- Gối phượng ngậm ngùi dưới suối, bâng khuâng duyên chị lại từ đây.
    Câu trên viết về người đàn bà buôn bán bên sông khóc chồng, lấy ý từ câu đồng dao: “Con cò lặn lội bờ song, kiếm gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”
    Câu dưới rất trào lộng, đang là câu chuyện buồn mà lại thành câu chuyện vui, vì ông chồng được đi gặp bà vợ cả đã đợi bao lâu dưới suối vàng.
    Cái đặc biệt cả hai câu không nói gì đến chữ “người chết”, nhưng ý tứ thì lại lột tả được hết cảnh của đám ma này. Thật kỳ tài.

4.7 Câu đối vui
    Đây là một câu đối của Xuân Hương đối đáp lại nhà sư vốn là bạn bè cũ. Khi Xuân Hương qua chùa chơi, cũng muốn khoe với bạn về kiến thức Phật pháp, nhà sư liền cho chú tiểu mang ra vế đối:
"Thông băm sáu bộ chân kinh, dẫu chẳng kim cương La Hán cũng cao tăng đạt đạo"
    Xuân Hương liền bảo chú tiểu đưa bút và viết ngay vế đối lại bên cạnh:
"Dẫu hay ba vạn chín nghìn, không biết méo tròn ngang dọc, thì cũng đếch ra người"
    Vế đối rất chuẩn, rất thú vị của nữ sỹ Hồ Xuân Hương.
    Hôm nay Tết Nguyên Tiên, ngày thơ Việt Nam. Dông dài về câu đối, chia sẽ góp vui mọi người
Nhữ Đình Văn st

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn