1. "Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương"
"Ngũ âm" là 5 thành âm chính về âm nhạc. Đó là Cung (fa), Thương (sol), Giốc (la), Trủy (đô), Vũ (rê), nghĩa rộng là âm nhạc. "Hồ cầm" (đàn tì bà) là lấy từ điển Vương Chiêu Quân đời Hán Nguyên Đế phải đi cống Hồ, thường hay đánh đàn ấy, nên mới gọi là Hồ cầm.
2. "Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa"
Châu sa là giọt nước mắt chảy xuống. Có sách chép rằng đời xưa có người Giao nhân ở dưới Nam hải lên buôn bán với người thường. Đến cuối năm họ lại phải về thủy phủ để chầu trời, lúc về từ biệt những người quen biết khóc lóc thảm thiết. Mà khóc bao nhiêu thì những giọt nước mắt ấy hóa thành ngọc châu, vì vậy nên gọi châu là giọt nước mắt.
3. "Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước, khóa xuân hai Kiều"
Thơ Đỗ Mục nhà Đường: "Đông phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều". Nhị Kiều là Tiểu Kiều và Đại Kiều, 1 người lấy Chu Du, 1 người lấy Tôn Sách (đời Tam quốc). Ý câu thơ muốn nói: nếu gió đông không giúp Chu Du thì hai Kiều phải khóa xuân trong đền Đồng Tước.
4. "Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng, như gần như xa"
"Sen vàng": đời Nam Bắc triều bên Trung Hoa, Đông hôn hầu đời Nam Tề lên làm vua yêu Phan phi, làm hoa sen bằng vàng lát xuống đất cho nàng đi, rồi cười mà nói rằng: " Quý phi đi mỗi bước, chân nở ra 1 bông sen". Từ đó lấy sen vàng để chỉ bước chân phụ nữ.
5. "Rước mừng, đón hỏi dò la
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?"
"Đào nguyên": cuối đời nhà Tấn, có 1 người đi đánh cá vào 1 cái suối hoa, dạo đi mãi theo cái suối ấy thì vào đến chỗ động tiên.
6. "Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ, đã dào mạch Tương"
Bà Nga Hoàng và bà Nữ Anh ngày xưa khóc vua Thuấn bên bờ sông Tương, cho nên dùng chữ tương để ví nước mắt phụ nữ.
7. "Dâng thư đã thẹn nàng Oanh
Lại thua ả Lí bán mình hay sao"
"Nàng Oanh": Thuần Vu Đề Oanh, con gái danh y Thuần Vu Ý. Ngày xưa, Thuần Vu Ý trị bệnh giỏi nhưng có một nhà quý tộc nọ ốm nặng đến chỗ ông trị bệnh nhưng không qua khỏi, người nhà ấy ỷ quyền thế vu tội cho Thuần Vu Ý, triều đình hạ chiếu giam vào ngục. Ông có năm đứa con gái đau buồn tức giận đến cực độ vì việc này nên khi sắp phải lên đường, mắng con gái của mình rằng: "Sinh con không sinh con trai, có việc gấp chẳng có ích gì!". Người con út là Đề Oanh thương khóc theo cha đến kinh thành, đồng thời dâng thư lên Hán Văn Đế nguyện hiến thân làm nô tỳ để chuộc tội cha già. Toàn văn thư dâng như sau:
Cha thiếp làm kẻ lại, trong nước Tề đều khen ông ấy liêm khiết, công bằng, nay phạm tội phải chịu hình phạt. Thiếp thương cha không thể sống lại, người chịu hình phạt không thể chắp lại, dù muốn sửa đổi lỗi lầm từ con đường mới, cũng không có cách nào. Thiếp xin chịu vào làm nô tì nhà quan, chuộc tội phải chịu hình phạt của cha, để cha được sửa đổi từ con đường mới.
Hoàng đế xem xong rất cảm động xuống lệnh tha tội Thuần Vu Ý và xóa bỏ nhục hình tàn khốc. Đề Oanh vì việc này mà nổi tiếng khắp nước, do đó mà hình thành nên sự tích hiếu nghĩa Đề Oanh cứu cha được người đời ca tụng và lưu truyền mãi mãi.
"Ả Lí": là Lí Kí, nhà rất nghèo, phải bán mình hiến thần rắn để lấy tiền cứu cha. Sau nàng giết được thần rắn, được vua nước Việt lấy làm vợ.
8. "Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh"
Hán Vũ Đế bên Trung Hoa xưa đang ngự chơi trong vườn, có 2 con chim xanh bay đến. Đông Phương Sóc tâu là sứ giả của Tây Vương Mẫu. Được một lúc, quả là Tây Vương Mẫu đến thật, vì thế dùng "chim xanh" để nói tin tức đi lại.
"Lá thắm": Đời vua Đường Hi Tông, Vu Hựu có bắt được một cái lá đỏ ở giữa sông Bích Câu có bài thơ. Vu Hựu họa lại và viết vào chiếc lá khác, thả xuống sông. Cung nhân là Hàn Thị nhặt được. Sau gặp lúc vua thải cung nữ, Hàn Thị được ra. Vu Hựu lấy được Hàn Thị, mới biết bài thơ ở cái lá ngày trước là của Hàn Thị . Vì thế người ta dùng điển này nói chuyện nhân duyên vợ chồng.
9. "Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này"
"Nàng Ban": Ban Chiêu, em Ban Cố và Ban Siêu người đời Đông Hán. Ban Chiêu sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi văn học . Cha và người anh lớn là Ban Cố là nhà viết sử của triều đình. Riêng Ban Siêu làm tướng, được phong định viễn hầu. Đến đời vua Hoà đế, Ban Chiêu được triệu vào cung để dạy học cho các Hoàng Tử và các Phi tần. Sau Ban Cố mất, bà nối nghiệp anh làm nốt sách Hán sử. Ngoài ra cũng còn một ý khác về "nàng Ban" là Ban tiệp dư. Nàng là cung nhân của Hán Thành Đế, sau bị hàm oan bởi Triệu Phi Yến.
"Ả Tạ": Tạ Đạo Uẩn, con gái quan Thái Úy Tạ Công đời nhà Tấn. Thuở nhỏ, Tạ Đạo Uẩn thông minh, học rộng đối đáp nhanh và biện bác rất giỏi. Các nhà văn thường dùng điển đó để ví người con gái có tài.
10. "Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chưa để ai vào có không?"
Do tích Nguyễn Tích nhà Tấn bên Trung Hoa ngày xưa tiếp khách thấy ai đáng trọng thì mắt xanh, ai đáng khinh thì mắt trắng, nên sau thường dùng "mắt xanh" nói người có con mắt hiểu biết người hiền tài đáng kính trọng.
(Sưu tầm trên mạng xã hội)