Thơ: Cảm tưởng khi thăm nơi vốn xưa là tư dinh của quan Thừa tướng Nhữ Công Tung 汝公琮
Tác giả: Hoàng giáp Nhữ Công Trấn 汝 公 瑱 (1751 – 1805)
Bản chữ Hán và phiên âm Hán-Việt bài thơ
Chữ Hán và phiêm âm
古寺門前十畝隈 Cổ tự môn tiền thập mẫu ôi,
傳聞丞相舊亭臺 Truyền văn thừa tướng cựu đình đài.
無名野草埋幽徑 Vô danh dã thảo mai u kính,
不憤閒花落晚苔 Bất phẫn nhàn hoa lạc vãn đài.
禮部三朝公斗峻 Lễ bộ tam triều công đẩu tuấn,
南關兩度使軺回 Nam Quan lưỡng độ sứ thiều hồi.
功名富貴今何在 Công danh phú quí kim hà tại,
寂寞秋風土一堆 Tịch mịch thu phong thổ nhất đôi.
Dịch nghĩa:
Mươi mẫu đất (hoang) gần kề trước ngôi chùa cổ
Lưu truyền nơi đây vốn xưa là tư dinh của vị quan Thừa tướng
Vô danh chôn vùi dưới cỏ dại bên lối đi nhỏ
Do bất phẫn mà du nhàn đến nơi này (ý nói tác giả thơ)
Làm quan lớn (thượng thư) ở Bộ Lễ trải ba triều vua, tước công cao trọng (chỉ Nhữ Công Tung)
Hai lần (hoàn thành trọng trách) đi sứ bộ, vượt Ải Nam Quan xa xôi
Công danh phú quý (là vậy), ngày nay há thấy
(chỉ còn nơi đây) Một gò đất nơi vắng vẻ với gió thu lạnh (gò đất là mộ của TS Nhữ Công Tung, khi ông chết chôn trong khuôn viên tư dinh - chữ "tịch mịnh" cũng có nghĩa bóng chỉ người chết)
Dịch thơ (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến):
Mười mẫu quanh chùa đất rộng thay,
Nhà quan tướng cũ đấy là đây.
Nghĩ vùi cỏ nội nào ai biết,
Rêu lấp hoa tàn nọ kẻ hay.
Bộ Lễ ba triều ngôi chót vót,
Cửa quan hai độ sứ xa khơi.
Công danh phú quí còn đâu nữa,
Hiu hắt hơi may nuốm cỏ dày.
Bài thơ trên lấy từ sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), quê làng Đọc, xã Nhân quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sách viết cuối thế kỷ 18. Phạm Đình Hổ đưa bài thơ vào tùy bút viết về Tiến sĩ Nhữ Công Tung.
Sưu tầm nguyên tác chữ Hán bài thơ
Bản chụp bài tùy bút viết về Tiến sĩ Nhữ Công Tung trong sách Vũ trung tuy bút của tác giả Phạm Đình Hổ - Phần trong khung đỏ là bài thơ vịnh nhà Nhữ Công Tung
Cho đến nay, mới chỉ tìm thấy bài thơ trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Các sách dịch xuất bản mấy chục năm qua chỉ có phần phiên âm Hán-Việt, không in phần chữ Hán. Tôi được các học giả Hán-Nôm gửi cho hai bản viết tay trên giấy dó chữ Hán cuốn Vũ trung tùy bút và một bản chụp cuốn “Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành”. Vậy là đã đủ tư liệu để chép lại chuẩn chữ Hán bài thơ.
Chữ Hán là hệ chữ biểu ý, vốn rất nhiều chữ đồng âm, khác nghĩa. Đó là lý do mà chữ Hán không thể chuyển sang hệ chữ biểu âm (ký âm) bằng chữ cái La tinh. Với bài thơ của Nhữ Công Trấn, sau đây là một vài chữ hay bị những người không chuyên sâu về Hán-Nôm viết, chép lại sai khác với nguyên tác, dẫn đến các câu thơ không có nghĩa, hoặc nghĩa, ý sai lệch với hoàn toàn.
古寺門前十畝隈 (cổ tự môn tiền thập mẫu ôi): Trong câu này, chữ ôi 隈 thuộc bộ phụ, nếu nhầm chữ ôi 偎 (đồng âm) thuộc bộ nhân 亻là không đúng nguyên tác.
傳聞丞相舊亭臺 (truyền văn thừa tướng cựu đình đài): Chữ đài 臺 thuộc bộ chí 至 nghĩa chỉ nhà/lầu/kiến trúc – nếu nhầm chữ đài 薹 đồng âm thuộc bộ thảo 艹nghĩa là cây lánh, lá khô... là sai
無名野草埋幽徑 (vô danh dã thảo mai u kính): Chữ mai 埋 thuộc bộ thổ 土 nghĩa "chôn vùi", “che lấp...”, nếu dùng chữ mai 枚 thuộc bộ mộc 木 đồng âm là sai. Chữ kính 徑 thuộc bộ xích 彳nghĩa con đường nhỏ, lối đi – nếu nhầm sang chữ kính 獍 (đồng âm) thuộc bộ thú 犭nghĩa một con ác thú là sai.
不憤閒花落晚苔 (bất phẫn nhàn hoa lạc vãn đài): Tác giả dùng chữ phẫn 憤 thuộc bộ tâm 忄nghĩa là tức giận, uất ức, nếu dùng chữ phẫn 忿 đồng âm là không đúng nguyên tác, chữ này thường hay dùng với nghĩa: chịu, nhịn, cam tâm.
Chữ nhàn 閒 thuộc bộ môn 門/门 nghĩa là rãnh rồi, vô sự, nếu dùng chữ nhàn 閑/闲 thuộc bộ mộc 木 là sai vì đó chỉ là chữ đồng âm, khác nghĩa. Tác giả dùng chữ lạc 落 thuộc bộ thảo 艹, nếu nhầm sang chữ lạc 洛 thuộc bộ thủy 氵nghĩa là sông Lạc, họ Lạc là sai.
禮部三朝公斗峻 (lễ bộ tam triều công đẩu tuấn): Chữ công 公 thuộc bộ bát 八, nếu nhầm sang chữ công 功 thuộc bộ lực 力 là sai với nguyên tác. Chữ tuấn 峻 thuộc bộ sơn山 nghĩa là cao, lớn, sâu, dài, nếu dùng chữ tuấn 俊 thuộc bộ nhân 亻là sai.
南關兩度使軺回 (Nam Quan lưỡng độ sứ thiều (diêu) hồi): Chữ quan 關 thuộc bộ môn 門/门 chỉ Ải Nam Quan, nếu nhầm sang chữ quan 官 đồng âm, khác nghĩa thuộc bộ miên 宀 là sai.
功名富貴今何在 (công danh phú quý kim hà tại): Chữ hà 何 thuộc bộ nhân 亻 nghĩa chữ là há/nào đâu, nếu dùng chữ hà 河 thuộc bộ thủy 氵nghĩa là dòng sông là sai.
寂寞秋風土一堆 (tịch mịch thu phong thổ nhất đôi)
Ảnh chụp từ sách “Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành”
Vài nét về Tiến sĩ Nhữ Công Tung và tác giả Nhữ Công Trấn
Tiến sĩ Nhữ Công Tung (thế kỷ 16): Không rõ năm sinh, quê quán: xã Nhữ xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, nay là làng Nhữ Thị, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Còn có tên là Nhữ Tông, Nhữ Tôn và Nhữ Đạm Trang. Theo các tài liệu chữ Hán, tự của tiến sĩ là 汝公琮, chữ “琮” chiết tự gồm chữ Tông 宗 ghép với bộ Ngọc 玉 , thường đọc là Tông. Với các cụ tổ tiên của mọi gia đình, dòng họ nói chung, nếu có tên (Tự) chữ Hán (danh từ riêng), thì khi viết văn bia, bài vị, mộ chí, yêu cầu phải viết đúng, không được phép viết sai (nhiều nơi viết sai là do chữ Hán nhiều từ đồng âm nhưng khác chữ, khác nghĩa, do vậy rất cần tra cứu cận thận).
Đỗ tiến sĩ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo năm thứ 3, triều vua Mạc Tuyên Tông (1556), TS Nhữ Công Tung được ghi danh trong các sách về khoa cử, ghi danh tại Văn miếu Mao Điền, tỉnh Hải Dương và bia “Đường An Văn chỉ bi”- Văn chỉ huyện Đường An, tại làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhữ Công Tung làm quan ở triều đại nhà Mạc và nhà Lê chức thượng thư, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, thiếu bảo; thăng đến thiếu phó, trụ quốc trí sĩ.
Niên hiệu Diên Thành thứ 3, năm Canh Thìn (1580) Nhữ Công Tung cùng Đỗ Uông, Vũ cận, Lê Đình Trí được nhà Mạc cử đi sứ triều cống nhà Minh hàng năm. Khi nội chiến Nam – Bắc triều diễn ra ác liệt, giữa vua Mạc khi đó là Mạc Mậu Hợp và bên kia là chúa Trịnh Tùng (phò nhà Lê Trung Hưng, đóng đô ở Thanh Hóa), các quan đại thần nhà Mạc như: Phúc Quận Công Ðổ Uông, Lễ bộ thượng thư Hồng Khê Hầu Nhữ Công Tung, Công Bộ Thương Thư Đồng Hãng, Lại Bộ tả thị lang Ngô Vị, Đông các đại học sỹ Ngô Cung, thường chính sứ Hải Dương Phạm Như Đạo đã bỏ triều nhà Mạc qui hàng chúa Trịnh về với triều Lê.
Thời Lê Trung Tông (Lê Duy Huyền), Nhữ Công Tung tháp tùng chúa Trịnh lên ải Nam Quan đối khám với nhà Minh. Sau đó năm 1597 ông trong đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Nhữ Công Tung cùng Đỗ Uông làm công tác ngoại giao giúp vua Lê, Chúa Trịnh tạo nên sự giao bang giữa Việt Nam và Trung Quốc được hữu nghị, tập trung sức lực dẹp nhà Mạc ở phía Bắc, đánh nhà Nguyễn ở đàng trong. Trong quá trình làm công việc ngoại giao các ông đã làm tập thơ “Châu tư tuý bang lục” là những áng văn chương làm rạng rỡ cho đất nước ta. Miếu làng Nhữ Thị phối thờ Tiến sĩ Nhữ Công Tung được tỉnh Hải Dương công nhận là: Di tích lịch sử - văn hóa.
Tác giả Hoàng giáp Nhữ Công Trấn 汝 公 瑱 (1751 – 1805): quê quán xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đỗ Hoàng giáp, Thiếu tuấn khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Làm quan triều Lê Hiển Tông đến chức Tả thị lang Bộ Lễ, Lại phiên, sau có ra làm quan triều Tây Sơn. Nhiều thơ phú của Ông còn được lưu giữ đến ngày nay và được đăng trong nhiều các sách sưu tầm, tuyển tập. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tập “Quốc âm phú” ký hiệu AB.184, trong đó có thơ, phú của các tác giả: Nguyễn Đình Tố, Nguyễn Bá Lân, Phạm Gia Huệ, Nhữ Công Trấn, Bằng Quận (tức Nguyễn Hữu Chỉnh), Nguyễn Khản, Nguyễn Duy Hợp. Sách "Việt thi tục biên” do Nguyễn Thu (1799 - 1855) soạn vào khoảng đầu đời Nguyễn (thế kỷ XIX). Có 3 nhà thơ ở bản A nằm ở cuối quyển II là Nhữ Công Trấn (Chấn), Phạm Nguyễn Du, Lê Huy Trâm.
Sách “Di sản văn chương Văn miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội” NXB Hà Nội 2010, đăng 4 bài thơ, phú của Nhữ Công Trấn đó là: “Lễ tế Đinh tại Quốc Tử Giám vào mùa xuân, kính ghi một bài thơ luật” thơ chữ Hán, “Quan Phu Tử Phú (Thận Trai), “Tam cương ngũ thường”, “Tam kiệt phú” thơ chữ Nôm. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đã có ít nhất bốn bài tùy bút trích thơ của Nhữ Công Trấn, bài thơ vịnh nhà cũ quan thừa tướng Nhữ Công Tung nằm trong số đó.
Bối cảnh của bài thơ
Năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm chết, Trịnh Cán lên thay, một tháng sau kiêu binh tam phủ nổi dậy giết Quận Huy, phế bỏ Trính Cán, giáng Đặng thị Huệ là vợ Trịnh Sâm làm cung nhân, lập Trịnh Tông làm chúa. Các đại thần phò Trịnh Cán như: Quận công Trịnh Kiều, Tham tụng Phan Lê Phiên, Thiêm sai, Lại Phiên Nhữ Công Trấn đều bị bãi về làm dân thường. Nhữ Công Trấn về quê làng Hoạch Trạch rồi đi giao du khắp nơi. Ông thường đến chơi làng Nhữ Xá. Khi ông qua nhà cũ của tiến sỹ Nhữ Công Tung ở phía trước xóm chùa, đất rộng chừng mười mẫu, ở giữa có gò đất. Lúc Nhữ Công Tung chết, mộ ông được chôn tại gò này. Nhữ Công Trấn đã cảm hứng làm bài thơ vịnh nhà cũ của quan thừa tướng Nhữ Công Tung.
Nhữ Đình Văn