LÊ TRIỀU GIÁO HÓA ĐIỀU LUẬT của Nhữ Đình Toản

 LÊ TRIỀU GIÁO HÓA ĐIỀU LUẬT CỦA NHỮ ĐÌNH TOẢN


Nguồn:
1. Trần Trọng Kim, Les 47 Articles du Catéchisme moral de l’Annam d’autrefois, Trung Bắc tân văn xuất bản, Hà Nội, 1928
2. “Điều lệ giáo hoá triều Lê”, Nam Phong tạp chí, số 88, tháng 10-1924
      Tác giả: Nhữ Đình Toản 汝廷瓚 (1703-1773) người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Hội nguyên Tiến sĩ năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736). Niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông làm quan đến Thượng thư, Nhập nội thị Tham tụng, sau đổi sang quan võ làm Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Quyền phủ sự, Đồng dự chính vụ. Sau về hưu được gia tặng Quốc lão.
      LÊ TRIỀU GIÁO HÓA ĐIỀU LUẬT do quan Thượng Thư - Tham Tụng Nhữ Đình Toản diễn quốc âm bằng văn vần theo thể lục bát - Tác phẩm công vụ này là để phổ biến luật bằng văn vần tới toàn thể dân chúng. Toàn bộ tác phẩm có 49 bài thơ: Mở đầu, 47 Điều và Kết.
     Lê Triều giáo hóa điều luật được giới thiệu trên nam Phong tạp chí, số 88, tháng 10-2924. Học giả Trần Trọng Kim đã dịch ra Pháp ngữ đăng, Trung Bắc tân văn xuất bản, Hà Nội, 1928.

Đền thờ Tiến sĩ Nhữ Đình Toản
      Nội dung có tất cả 47 điều, bao gồm những nội dung nói về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình; như con cái đối với cha mẹ, cha mẹ với con cái. Thái độ đối với anh em, bằng hữu, hay học trò đối với thầy giáo… Đồng thời nội dung điều luật cũng đưa ra những nghĩa vụ của mỗi người đối với làng xóm láng giềng, nêu lên những việc làm cụ thể để thực hiện, từ đó tạo nên một thôn xã có nề nếp, tất cả đều dựa trên tình làng nghĩa xóm.
Trong Lời mở đầu, bản điều lệ đã ghi rõ:
“Giáo điều này được quy định vào khoảng mùa thu tháng 7 năm Cảnh Trị nguyên niên (1663), đến mùa Xuân năm Cảnh Hưng 21 (1760) lại được sửa đổi rõ ràng rồi chuyển tống cho các Nha môn quan lại tuân hành. Các quan trong hai Ty Thừa Hiến sẽ phân phó trách nhiệm cho các quan phủ, huyện, châu phải thông sức đi các phường, xã, thôn, trang, trại trưởng trong hạt biết rằng: hễ đến những ngày tế lễ Kỳ phúc, Xã điền, Nguyên đán…thì phải tập hợp tất cả nam phụ lão ấu lại rồi giảng giải khuyên nhủ cho thật kỹ càng, để cho những hạng ngu phu, ngu phụ và hạng trẻ thơ ngây dại được thấm sâu vào tai mắt, để chúng hiểu rõ những lời khuyên răn, ngõ hầu quay về phong tục thuần hậu, cùng nhau hưởng phúc thanh bình. Nếu có kẻ nào ngang ngạnh không tuân và coi là việc làm chiếu lệ thì sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.
 
MỞ ĐẦU
Trời Nam vững đặt âu vàng,
Bến kình tăm bặt ải lang khói tàn.
Bốn phương ấm chiếu đã an,
Muốn cho phong tục đổi ngoan về thuần.
Giáo điều noi phép tiên quân,
Mượn câu quốc ngữ để răn trong ngoài.
 
ĐIỀU 1
Này lời nhủ kẻ làm tôi:
Hết ngay ra sức giúp đời cho yên.
Văn thì công chính thường gìn,
Kính vâng ti sự cần quyền sớm khuya,
Phải chăm hiến thế hợp nghi,
Khiến trong công dịch đều thì đắc trung,
Chẳng nên giam mặc lôi đồng,
Nấy nhau mà chẳng có lòng sửa sang.
Kiện bàn thiện ác cho tường,
Mà phân khúc trực rõ ràng kẻo oan.
Chẳng nên dung túng kẻ gian,
Vì tài vì nghĩa mà toan kết bè.
Võ thì hãn ngữ việc lề,
Phải cùng lòng sức một bề trước sau.
Trị quân giảng tập cho làu,
Khiến đều tinh nhuệ đua nhau vui dùng.
Chẳng nên giáo tập trễ không,
Sai chầy hàng ngũ chẳng dùng phép binh.
Cai dân phú dịch tùng khinh,
Khiến nơi thôn ấp tuận tình đều vui.
Chẳng nên hiếp chúng dối người,
Lòng tham hà ngược tơi bời hại dân.
Ai mà giữ được lời răn,
Mới hầu phải đạo nhân thần làm tôi.
 
ĐIỀU 2
Này lời khuyên kẻ con người,
Dốc lòng hiếu kính chớ rời một phân.
Song thân tuổi tác cao tuần,
Sớm khuya phụng dưỡng ân cần mời khuây.
Chẳng nên chia tháng đổi thay,
Việc làm nhọc mới bõ ngày dưỡng nuôi.
Tới khi táng tế hẳn hoi,
Tu trì lòng hiếu mà noi lẽ nhà.
Lo đền công đức mẹ cha,
Dường này mới phải đạo là làm con.
 
ĐIỀU 3
Lại khuyên huynh đệ trong ngoài,
Đều cùng hoà mục mảng ai sinh hiềm.
Anh thì một dạ yêu em,
Em thì chăm chắm một niềm kính anh.
Cửa nhà nhiều ít chớ tranh,
Giục xui đừng có tuận tình phụ nhân.
Ở cho biết đạo di luân,
Thịt xương nghĩa nặng một phân chớ hề.
 
ĐIỀU 4
Lại khuyên trong đạo phu thê,
Thì lòng kính ái dốc bề nghĩa nhân.
Chồng thì tu tỉnh việc cần,
Lại hay lấy đức khuyên răn một nhà.
Ở cho phải đạo người ta,
Rượu chè thì chớ, nguyệt hoa thì đừng.
Vợ thì giữ đạo khăng khăng,
Kính thờ cha mẹ nghe chưng lời chồng.
Chớ hề những nét kiêu căng,
Thói thường chớ có ra lòng ghen tuông.
Chớ hề cơm sống canh suông,
Chê nhau rằng khó ra tuồng bạc đen.
Thế gian xem lấy làm nhàm,
Vả thương phong hoá bia truyền chẳng chơi.
 
ĐIỀU 5
Kẻ làm bầu bạn cùng người,
Kia lời chỉ tín chớ sai ở mình.
Khuyên nhau thì lấy điều lành,
Nhủ nhau thì lấy chân thành lòng ngay.
Việc làm chớ lỗi đạo ngay,
Với tham tiểu ích lòng này nên ngăn.
Quen khi vai cất tay lần,
Nào còn vẹn chữ kim lan đâu mà.
 
ĐIỀU 6
Kẻ làm phụ mẫu người ta,
Sửa mình là một, sửa nhà là hai.
Nghĩa phương thì dạy con trai,
Tắc công dạy gái, dùi mài cho chuyên.
Chớ cho đắm sắc say duyên,
Bàn cờ đổ bác chẳng nên tới gần.
Cũng là du đãng quen thân,
Hại thương phong hoá phải răn cho chừa.
Bằng cha mẹ chẳng dặn dò,
Mà con lại chẳng biết lo ăn lời.
Sự này ắt lỗi phải chơi,
Phải răn cho biết vẹn nơi sinh thành.
 
ĐIỀU 7
Này lời dặn kẻ sư sinh,
Giữ cho phải đạo chớ tình tư thiên.
Thầy thì chính kỷ vi tiên,
Để làm mực thước mà khuyên mọi người.
Trò thì lòng kính chớ rời,
Thờ thầy hơn nữa thờ nơi sinh thành.
Đêm ngày nấu sử sôi kinh,
Thường gìn đức hạnh để dành lập thân,
Chớ theo nghề mạt kiếm ăn.
Bội sư thói ấy phải răn trong lòng,
Cũng là lễ phép bỏ không,
Một lòng yêu hãnh trường trung dò vào.
Mấy lời nhắn nhủ thấp cao,
Dầu ai ở trái phép nào có tha.
 
ĐIỀU 8
Người làm kẻ cả trong nhà,
Giữ điều lệ phép tề gia của mình.
Hoà nhà thê tử đệ huynh,
Đều cùng bắt chước ngôn hạnh nết na.
Chẳng nên đem thói kiêu ngoa,
Tệ đoan đừng giở lối ra tơi bời,
Con em phải dạy mọi lời,
Cho cần sinh nghiệp chớ rời chân tay.
Thói gian ấy chớ cho hay,
Kẻo trong phép nước bản này còn in.
Dầu ai chẳng biết dạy khuyên,
Trong chưng lỗi ấy tội liền gia nghiêm.
 
ĐIỀU 9
Lại khuyên hễ kẻ con em,
Kính tôn huynh trưởng chớ xem làm thường
Kịp khi rượu thịt thì nhường,
Kịp khi hữu sự đội mang đã đành.
Chớ rằng sớm đã vinh thân,
Cùng ngồi một ghế cùng ăn một bàn.
Ở cho phải đạo mới ngoan,
Còn đeo thói cũ thế gian khen gì.
 
ĐIỀU 10
Phụ nhân chưng thuở vu quy,
Thuận tòng hai chữ tạc ghi một lòng.
Kính thờ cha mẹ bên chồng,
Lấy điều hoà mục ở cùng đệ huynh.
Chẳng nên cậy thế nhà mình,
Đòi phen đại ngữ cao thanh lăng loàn.
Ghen tuông đem thói nồng nàn,
Mất lòng một mảy, động cơn đòi về.
Hoặc khi có lỗi điều gì,
Mẹ cha chồng dạy, phải nghe mà chừa.
Chẳng nên lộng thói nết xưa,
Lắm điều càn dỡ sam sưa chẳng nhường.
Có khi bỗng chạy ra đường,
Có khi náu ẩn trong phường lân gia.
Dần dần nên thói dâm tà,
Ấy xem trong đạo đàn bà phải chăng?
Từ rày thói ấy thì đừng,
Nếu còn vậy nữa chẳng cưng đâu là.
 
ĐIỀU 11
Sương cư mấy kẻ đàn bà,
Chớ đem trai trẻ về nhà mà nuôi.
Xưng là nghĩa dưỡng dối người,
Ngoài dương công nghĩa, nội hoài tư thông.
 
ĐIỀU 12
Mấy người sương phụ thiếu niên,
Tuy con chưa có giữ gìn càng ghê.
Tang trung táng tế giữ lề,
Chẳng nên chuyên lấy của về làm tư.
 
ĐIỀU 13
Con chồng thơ dại ấu xung.
Đôi ngày dạy dỗ một lòng dấu yêu.
Má hề ghẻ lạnh nhiều điều,
Của cho nó ít mình nhiều sao nên.
 
ĐIỀU 14
Mấy người hương đảng đồng cư,
Hộn bày trưởng ấu cũng như một nhà.
Kính yêu chẳng được sai ngoa,
Dạy nhau lễ nghĩa thuận hoà cũng hay.
Cả thì yêu lấy chớ sai,
Chớ rằng tuổi tác lòng rày dễ xuôi.
Trẻ thì kính cả chớ rời,
Đừng khoe hào phú có lời kiêu nhông.
Bằng ngày kì phúc hội đồng,
Mấy người già trẻ ghi lòng kính thân.
Chớ vì chén rượu miếng ăn,
Sinh hiềm mà lỗi hương lân nghĩa thường.
 
ĐIỀU 15
Lại khuyên kẻ cả trong làng,
Việc chi xem tiện tìm đường sửa soi.
Đồng điền bờ cõi mọi nơi,
Khê cừ cống khẩu chốn vơi chốn đầy.
Nên đắp thì đắp đi ngay,
Nên khai thì phải khai rày cho thông.
Phòng khi đại hạn thuỷ hồng,
Có đâu khó chảy thì chung mà làm.
Đã xong cõi Bắc cõi Nam,
Lại toan trừ hại mới cam thửa lòng.
Hoặc khi ác thú vào đồng,
Hoặc khi mãnh hổ quấy trong chân ngàn.
Thế thì trì cáo đến quan,
Cùng nhau đuổi bắt kẻo nàn một phương.
Bằng ai đạo kiếp hào cường,
Tri tinh dẫn cáo quan chiềng cho mau.
Chẳng nên dung túng để lâu,
Mặc quan khu xử kẻo âu dân lành.
 
ĐIỀU 16
 
Kẻ làm hương đảng đàn anh,
Chẳng nên cậy của, đệ huynh nhiều người.
Thế quyền xã mọn dễ trôi,
Cắt lấy từ tụng làm lời đoán tư.
Láng giềng gái goá kẻ si,
Thì đừng đánh đạp chày dễ khinh
ĐIỀU 17
Làm người ở thuận nhân tình,
Thấy ai nó có bất bình cùng nhau,
Công tâm giảng giải trước sau,
Chẳng nên mình lại làm đầu giáo toa.
Lại thêm tư ước lập ra,
Ruộng nương cố bán cửa nhà nó đi.
Chẳng nên ăn ở phất phơ,
Nước thì cấm gánh, lửa thì cấm nhen.
Xem thường pháp luật chẳng gìn,
Tôi này âu phải bắt nên tra tường.
 
ĐIỀU 18
Với ai tranh tụng nhau dường,
Trọng khinh đã có quan trường đoán tra.
Cứ chi hào trưởng năm ba,
Họp nhau mà thiết lập ra tụng đình.
Gian ngay chẳng chẳng biết sự tình,
Vọng câu hoành tróc nhiễu hành kiếm ăn.
Lỗi này đã có lời răn.
 
ĐIỀU 19
[...]
Lại khuyên nam nữ chư nhân trong làng.
Trai thì giữ lấy đạo thường,
Chẳng nên ngạnh cổ đánh quàng người ta.
Gái thì gìn giữ nết na,
Chẳng nên cả miệng chửi pha láng giềng,
Hễ điều dâm đãng thì kiêng,
Của chung chớ lấy làm riêng của nhà.
Ở cho trung hậu thực thà,
Đừng theo thói cũ ắt là mới khôn.
 
ĐIỀU 20
Kìa ai ở với hương thôn,
Thì lòng công chính chớ lòng mảy riêng.
Phải cùng trái, vậy cùng ngay,
Rõ ràng biện bạch cho hay mọi đường.
Dầu ai khi đến tụng đường,
Nài làm chứng tả muốn tường sự do.
Cứ trong sự hẳn sự vu,
Thì nên nói thực để cho đắc tình.
Chớ tham tài hoá mà bênh,
Đảng tà, hại chính, nhiễu hành làm chi.
https://www.thivien.net/Nh%E1%BB%AF-%C4%90%C3%ACnh-To%E1%BA%A3n/author-m1QUxBKIIwyqzvAtegG52A
 
ĐIỀU 21
Làng nào gần ở giao kỳ,
Có thiên lý lộ chợ quê thông hành.
Xem nơi thuỷ thế địa hình,
Tuỳ nghi mà đặt quán đình hẳn hoi.
Để khi non ngậm mặt trời,
Phòng cho kẻ ngược người xuôi nghỉ nhờ.
Với nơi duyên lộ gia cư,
Khi người đến nghỉ chớ từ làm chi.
Có lời lân lí cọng tri,
Giữ phòng biết kẻ gian phi cho tường.
Phụ nhân khi lỡ dọc đường,
Dẫu nhờ một khắc giữ giàng mười phân.
Má hề lòng dục đến gần,
Lại xui thân thích ngoại nhân cưỡng hành.
Đến khi có kẻ tri tình,
Thì chưng lỗi ấy đã đành chẳng dung.
 
ĐIỀU 22
Với đường tiểu lộ ở trong,
Đã phân giới hạn để thông ra vào.
Bằng ai tự thị cường hào,
Muốn cho rộng cõi lấn vào làm riêng,
Hẹp hòi đến kẻ láng giềng,
Cho mời xã trưởng mà miêng sự tình.
Cứ trong giới cũ đạc hành,
Đem bờ cõi lại rành rành như xưa.
Tiện đường lai vãng mới vừa,
Ai còn thói ấy chẳng từ, chẳng tha.
 
ĐIỀU 23
Mấy nơi ngòi lạch làng nhà,
Khai thông cho tiện gần xa thuyền bè.
Nơi đâu ủng tắc tiểu khê,
Lại khai cho tiện kẻ về người đi.
Hoặc ai vi chiểu vi trì,
Ắt là tội lỗi chẳng vì tóc tơ.
 
ĐIỀU 24
Với chưng sơn trạch khê cừ,
Vốn chưng tổ nghiệp của xưa không truyền.
Chung nhau công cọng chớ thiên,
Má hề chiếm lấy mà chuyên một mình.
 
ĐIỀU 25
Bằng như xã trưởng chính danh,
Chọn người tử đệ nhà lành bầu lên.
Thức tài vả lại trưởng niên,
Nhiều người suy phục vậy liền mới cho.
Chớ tham tài hoá rượu bò,
Mà bênh những kẻ phi đồ làm chi.
Với người kết đảng rủ rê,
Một làng mà chẻ thôn kia giáp này,
Sinh hiềm như trở bàn tay,
Chừa đi kẻo phạm tội rày chẳng chơi.
 
ĐIỀU 26
Nhân sinh kẻ đã làm người,
Đều cần sinh nghiệp chớ rời tóc tơ.
Để cho ăn mặc có thừa,
Cúi nuôi thê tử, ngẩng thờ mẹ cha.
Phòng khi dao dịch cấp ra,
Trong nhà sẵn có kẻo mà phải vay.
Má hề trể nải chân tay,
Nữa khi quẫn bách lòng ngay nên tà.
 
ĐIỀU 27
Lại khuyên trong đạo người người ta,
Thì lòng kiệm ước tuỳ nhà có không.
Kỳ thần, giá thú, tống chung,
Hễ ba sự ấy thích trung chớ nhiều.
Kẻ giàu cậy của mà kiêu,
Khó khăn gắng sức muốn theo cho tày.
Ruộng vườn nghiệp cũ xưa nay,
Chắc đâu của sẵn trong tay mà còn.
ĐIỀU 28
Làm người giữ đạo mới khôn,
Má hề ỷ thác quyền môn ra vào.
Biết ai lành dở dường nào,
Bỗng đâu chác lấy xôn xao vầy vò.
Án từ gởi gắp nhỏ to,
Toan điều tài hoá muốn cho ích mình.
 
ĐIỀU 29
Lại răn những kẻ nhân sinh,
Theo đường công chính chớ tình nhũng gian.
Chớ khi tranh đấu nồng nàn,
Cố đem lão nhược cùng đàn hoài thai.
Giá oan tuy dối được người,
Song tình trạng ấy đạo trời dường gương.
 
ĐIỀU 30
Làm người có đạo cương thường,
Đừng mê mối lạ hoang đường làm chi.
Tuổi vừa đến cõi kỳ di,
Có vàng thánh chỉ giõi thì mới nên.
Kì dư nam nữ thiêu niên,
Quyến nhau lánh ở già chiền mà tu,
Cùng là cổ tẩu phi đồ,
Trốn đường tô thuế dâm ô nên lòng,
Hại chưng thói trước thuần phong,
Những đồ loại ấy chẳng dung đâu là.
Đuổi về cho ở quê nhà,
Đều cần sinh nghiệp để hoà làm dân.
Khiến cho dư mặc, dư ăn,
Thêm thay lễ nghĩa thói thuần vầy vui.
 
ĐIỀU 31
Làm người sinh ở trong đời,
Chẳng nên toa tụng đặt lời nói gian.
Vậy ngay đen trắng loạn gian,
Muốn cho đặt chước mà toan quy tài.
Sự tình nếu lộ ra ngoài,
Thì chưng lỗi ấy chẳng người nào bênh.
Với người giả tác đệ huynh,
Vào bầu bạn lộ tình giáo toa.
Những phường loài ấy xấu xa,
Có thì nên đổi kẻo mà mắc tai.
 
ĐIỀU 32
Với chưng tranh tụng đối lời,
Sự chẳng được chớ nào ai muốn gì.
Chẳng nên hoài oán làm chi,
Vu cho những kẻ vô vi hiền lành.
Lấy điều tế quá tư tình,
Mà theo bức trạng vọng hành cáo vu.
Với chưng làm sự tư thù,
Giấu tên đạt đậu mô hồ làm thư.
Chê bai ngỏ tiếng ca thơ,
Gián nơi cầu quán sinh ngờ kẻ ngay.
Tuy rằng người thế chẳng hay,
Song chưng tội ấy nặng thay muôn phần.
 
ĐIỀU 33
Lại khuyên thương cổ chư nhân,
Tuỳ trong giá chợ đổi vần có chăng.
Chớ hề làm sự bất bằng,
Là lòng đảo đấu, lừa thưng, dối người.
Cân nặng nhẹ, thước ngắn dài,
Mà toan những chước quy tài nhỏ nhen.
Gần xa khách bộ khách thuyền,
Trú nằm quán tịnh, đậu thuyền bãi lan.
Chớ nên biến thói bách đoan,
Lánh nơi hiểm mạnh mà toan lòng tà.
 
ĐIỀU 34
Với trong hương ấp quê nhà,
Kiều lương đạo lộ ấy là việc chung.
Nơi đâu hư nát chẳng thông,
Bảo nhau gắng sức ra công mà làm.
Đi về thuận kẻ bắc nam,
Được nhờ công ấy mới cam lòng này.
 
ĐIỀU 35
Ngũ kinh chư sử xưa nay,
Với chư tử tập cùng rày văn chương.
Dạy bèn có ích đạo thường,
Mới nên san bản bốn phương thông hành.
Kì như Thích, Đạo phi kinh,
Lời tà mối lạ tập tành chuyện ngoa.
Cùng là chuyện cũ nôm na,
Hết thơ tập ấy lại ca khúc này.
Tiếng dâm dễ khiến người say,
Chớ cho in bán hại nay thói thuần.
 
ĐIỀU 36
Lại khuyên lấy kẻ lại nhân,
Phải noi thường phận mà răn việc làm.
Bạ thư nghề ấy rõ am,
Chớ hề điên đảo, mới cam lòng người.
Việc quan há phải chiều chơi,
Ai cho của đút chớ rời một ly.
Chẳng nên lấy của quên nghi,
Mà toan đeo đuổi lập truỳ mộ phân.
Chẳng nên lộng trí vũ văn,
Mà quên liêm sỉ lời răn thánh hiền.
Từ rày nhớ lấy lười khuyên,
Còn đem thói cũ ắt liền chẳng cưng.
 
ĐIỀU 37
Mấy nơi lịch đại miếu lăng,
Các công thần mộ với chưng từ đường,
Tre cây chẳng được làm hoang,
Mà đừng buông giống ngưu dương đạp chày.
Mộ xưa còn giấu đến nay,
Chẳng ai thừa nhận, cấy cày trừ ra.
Phá mồ lỗi ấy chẳng tha,
Phải thân điều luật dạy hoà kẻ ngu.
 
ĐIỀU 38
Các nơi phật tự phù đồ,
Xem chưng sự ấy đều là ích chi.
Danh lam dấu cũ còn y,
Bằng ngoài nguyên ngạch ắt thì nên thôi.
Gần xa đều cừ lấy lời,
Kẻo thêm lao phí mà sai đào thường.
 
ĐIỀU 39
Làm người thì có họ hàng
Biện trong tộc loại tỏ tường cho hay.
Chẳng nên giả tác riêng tây,
Xưng làm con cháu họ này, hàng kia.
Giả làm tôn phái bằng từ,
Cùng là mua lấy chúc thư của người.
Kết làm chứng tá nên lời,
Nhận càn ruộng đất của ai về mình.
Hoặc ai giả tác cố tình,
Ắt trong điều luật rành rành chẳng chơi
 
ĐIỀU 40
Thế gian ai kẻ làm người,
Tử sinh trước đã mệnh trời định nên.
Phải nên giữ lấy đạo hiền,
Lành liền có phúc, dở liền có tai.
Chớ tin vu nghiễn phi loài,
Mượn hồn ma quỷ, đặt lời nói không.
Bằng như trai gái trẻ trung,
Chẳng nên làm cốt, làm đồng, ích chi?
Nhiệm màu hoạ phúc hai bề,
Cứ chi mà nói cho mê lòng người.
Thế thì xã trưởng có lời,
Tuẫn tình ắt lỗi chẳng sai đâu là
 
ĐIỀU 41
Lại khuyên những kẻ tang gia,
Trung nguyên thì cứ lễ mà té đơm.
Chớ còn đem thói ngu phàm,
Thác làm điếu vãn mà làm xướng ca.
Từ rày theo lấy lễ nhà,
Còn đua thói ấy ắt là chẳng dung.
 
ĐIỀU 42
Lại khuyên kỳ nội hương trung,
Quân cùng dân hạng nô đồng người ta,
Thấy quan lòng kính càng già,
Ngồi hoà dậy kíp, đi hoà bước mau.
Chớ rằng người có coi đâu,
Gia chủ chẳng phải, ai hầu kính tôn.
Thế mà chút có lòng nhờn,
Thì e phép nước chẳng còn có tha.
 
ĐIỀU 43
Với ngoài các trấn gần xa,
Quan viên các sắc cùng là quân dân.
Chẳng nên quyến dỗ tư nhân,
Dối đem đi bán thế chân của người.
Chẳng thương con trẻ lạc rời,
Một lòng toan lấy hoá tài làm no.
 
ĐIỀU 44
Lại như đạo nghĩa vợ chồng,
Ấy là vốn cả ở trong đấng người.
Kết hôn nhân, lễ chẳng sai.
Đừng lo sang khổ mà nài tiền nong.
Phải xem bề họ cho xong.
Chớ tham phú quý mà lòng hỗn luân.
Với người chẳng có lễ văn,
Lấy nhau cẩu hợp thói gần muông chim.
Dầu ai duyên có cải kim,
Làng nhà, quê khác, cũng xem một bề.
Lan nhai nộp phải cứ lề,
Rượu thì một chĩnh, tiền thì một quan.
Trong làng chớ giở tệ đoan,
Nói rằng biệt quán mà toan bắt nhiều.
Tới khi ca xướng dập dìu,
Lại thêm nặng giải thưởng tiêu mà dùng.
Vả quen thói cũ hỗn đồng,
Ép duyên phụ nữ hiếp lòng người quê.
Lại chia làm thiếp, làm thê,
Luận chưng tội ấy chẳng hề khả dung.
 
ĐIỀU 45
Làm người ở với hương trung,
Cùng là trong họ một dòng tổ tiên.
Của thì cấp khắc chớ quên,
Bệnh thì thang thuốc, giữ gìn cho yên.
Hoặc ai lỗi lạc làng tiên,
Mai táng ra sức, thì chuyên một lòng.
Phải tuỳ nhà kiệm, nhà phong,
Cỗ bàn dầu có, dầu không chớ nề.
Đừng khi nợ miệng thói lề,
Ruộng nương hiếp nó bán về nhà ai.
Cho nên của nó đến người,
Vợ con nó phải xiêu dời bởi đâu.
Với khi thuỷ hoả kiếp du,
Thì nên hết sức giúp nhau cho cần.
 
ĐIỀU 46
Lại khuyên kẻ ở hương lân,
Cùng yêu, cùng thuận, mười phần chớ khuây.
Chớ rằng cõi ấy bờ này,
Gián canh thì bắt kẻ cày tiền tiêu.
Cõi bờ, ngòi lạch, mượn điều,
Đến mùa lúa chín, bắt nhiều của nhau.
Hại chưng phong tục bởi đâu,
Xem trong điều luật, ai hầu có dung.
 
ĐIỀU 47
Lại khuyên kẻ ở hương trung,
Bền cầm lòng thẳng chớ rông thói tà.
Láng giềng con lợn, con gà,
Cùng chưng lúa thóc gần xa xóm làng.
Lá rau, cành củi, ngọn măng,
Của người đừng có đãi đằng một phân.
 
KẾT
Này bốn mươi bảy điều răn,
Cai nha môn phải khắc tuân phụng hành.
Thì thường chuyển tống trách mình,
Khiến cho phường xã đàn anh tương truyền.
Hễ ngày kí phúc, xã điền,
Hội đồng nam nữ giải khuyên mọi người.
Hai ba lần nhủ rạch ròi,
Khiến cho già trẻ cùng loài phàm si.
Mặt đều nghe thấy điều hay,
Khuyến trừng rõ biết phép này đinh ninh.
Để cho về thói ở lành,
Đều cùng hưởng phúc thái bình lâu xa.

 
Nguồn:
1. Trần Trọng Kim, Les 47 Articles du Catéchisme moral de l’Annam d’autrefois, Trung Bắc tân văn xuất bản, Hà Nội, 1928
2. “Điều lệ giáo hoá triều Lê”, Nam Phong tạp chí, số 88, tháng 10-1924

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn