Các vị thần gốc Ấn giáo, thần thoại Hy Lạp, Đạo giáo Trung Hoa trong Phật giáo
Chùa Khmer - với vị thần bốn mặt Brahma của Ấn giáo được tôn kính

Tượng thần sáng tạo Brahma (mầu xám, bốn mặt) trong chùa Khmer MUNIRANSEY (ảnh chụp 2022)
Năm 2022, tôi mới có dịp đến lễ Phật, tham quan thưởng ngoạn kỹ kiến trúc và chiêm bái các tượng thờ trong Chùa Khmer (Khơ-me). Ấn tượng lớn nhất đó là vị trí tôn kính của tượng vị thần 4 mặt – thần sáng tạo Maha Brahma – một trong bộ ba vị nhất thể của đạo Bà-la-môn (Ấn giáo) trong chùa. Tượng thần sáng tạo Brahma được dựng trang trọng trên nóc cổng chùa, trên đỉnh tháp, trước điện Phật.
Người Khrme rất tôn kính vị thần bốn mặt Brahma, dễ hiểu thôi, vì đó là vị thần cao cả nhất, sáng tạo muôn loài trong đạo Ba-la-mon mà người Khrme đã tin theo cả ngàn năm trước khi họ dung nạp đức tin Phật giáo. Trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo, các vị đại thần Brahma, Vishnu, Siva của đạo Ba-la-mon đều được Phật giáo hóa bằng cách kể lại hành trạng của các thần theo quan điểm của mình, trong đó có sự tích Tết Chôl Chnăm Thmây.
Tượng thần sáng tạo Brahma, bốn mặt trên đỉnh tháp chùa Sro Lôn (ảnh chụp 2022)
Thần sáng tạo Brahma trở thành thân tín của Đức Phật, luôn ủng hộ mọi hoằng hóa Phật pháp và là đấng Hộ pháp nhiệt tâm đạo Phật. Cộng động Phật tử nguyên thủy đã xác lập đức tin rằng Đức Phật chính là một hiện thân của thần bảo hộ Vishnu của Ấn giáo.
Cổng chùa Sro Lôn (ảnh chụp 2022)
HERACLES – Vị Á thần Hy Lạp đã chu du sang Tây Trúc và đắc đạo thành Bồ Tát
Heracles (Hê-cra-lét) là một bán thần trong thần thoại Hy Lạp, là con của thần Zeus với người trần gian là nàng Alcmene. Sản phẩm của một vụ gian trá lừa tình kinh điển độc nhất vô nhị, khi Zeus xuống trần, giả dạng chồng của Alcmene để ái ân với Alcmene dài gấp ba lần đêm bình thường (chắc phải dùng thuốc trợ dương), bởi Zeus đã ra lệnh cho thần Mặt Trời không được mọc như hàng ngày. Sau lần ấn ái dài gấp ba lần bình thường, vì quá hưng phấn, nàng Alcmene đã bộc lộ các thái độ khác thường làm chồng thật đặt ghi vấn về lòng trung thủy của vợ. May là khi đến tham vấn tại một ngôi đền, chồng thật của Alcmene đã nhận được lời phán truyền (giả dối) làm yên lòng, Amphitrion dẹp bỏ mối lo về Alcmene. (Bình luận: thần tiên còn vậy huống hồ trần gian).
Thần Hy Lạp Heracles bên trái Phật (ảnh sưu tầm trên mạng)
Cuộc xâm lăng Ấn Độ của đế chế Macedonia mang nền văn hóa Hy Lạp, vua Alexander Đại Đế đã tạo ra một nền văn hóa mang tinh hoa của cả Ấn Độ và Hy Lạp: nền văn hóa Greco - Bactria.
Tôn giáo, tín ngưỡng Hy Lạp cổ đại đã giao thoa với Phật giáo. Á thần Heracles đã trở thành nguồn cảm hứng cho Kim Cang Thủ Bồ Tát – Vajrapani luôn ở cạnh Phật với tạo hình là một vị chiến binh oai phong lẫm liệt nhưng... cởi truồng. Kinh điển Phật giáo Đại thừa đã kịp ghi chép lại Ngài tóc xoăn, cởi truồng là một trong những vị Bồ Tát đầu tiên, đại diện cho khía cạnh sức mạnh của nhà Phật. Khi truyền tiếp qua Trung Quốc, Việt Nam trở thành Bát Bộ Kim Cang...
Thần Heracles bên trái Phật
Đế Thiên, Đế Thích, Nam tào, Bắc đẩu trong Phật giáo đại thừa
Kinh điển Phật giáo đại thừa đã xuất hiện thêm nhiều các vị Bồ Tát như Quán Thế Âm bồ tát, Địa tạng vương bồ tát...
Điện Phật còn xuất hiện:
- Tượng Đế Thiên (Đại Phạm Thiên, tức thần sáng tạo Brahma trong đạo Ba-la-mon/Ấn giáo), chính là Ngọc Hoàng Thượng đế trong Đạo giáo Trung Hoa.
- Tượng Đế Thích, tức thần Indra trong đạo Ba-la-mon (Ấn giáo)
- Tượng Nam Tào, Tượng Bắc Đẩu: là các nhân vật trong Đạo giáo Trung Hoa
Tượng Đế Thích trong chùa Bắc tông
Đình Văn 16.12.2024