Bài phát biểu tại Lễ dâng hương - tế Tổ đầu Xuân Ất Tị - Nhà thờ họ Nhữ Hoạch Trạch

Phát biểu của ông Nhữ Đình Văn – Tổng thư ký Ban LL họ Nhữ Việt Nam tại Lễ dâng hương, tế Tổ - Nhà thờ họ Nhữ Hoạch Trạch. Ngày 10, tháng Giêng, năm Ất Tị (07.02.2025)
      Tôi rất vinh dự được cụ Trưởng Ban liên lạc Họ Nhữ Việt Nam phân công phát biểu tại buổi lễ dâng hương ông tổ nghề lược tre được tổ chức rất thành kính, trang trọng tại di tích lịch sử - văn hóa linh thiêng ngày hôm nay.
      Lời đầu tiên, thay mặt Ban liên lạc họ Nhữ Việt Nam, Kính chúc: Ban tổ chức buổi lễ, Các vị cao niên, Các vị lãnh đạo chính quyền, Các vị khách quý, Toàn thể các ông bà, anh chị, các cháu có mặt tại buổi lễ hôm nay, có một năm mới Ất Tị 2025: Sức khỏe dồi dào, Gia đình  An khang, Thịnh vượng. Chúc Buỗi lễ dâng hương thành công tốt đẹp.
Ban thờ cụ Tổ TS Nhữ Tiến Dụng tại Nhà thờ họ Nhữ Hoạch Trạch
      Đền thờ TS Thượng Thư Nhữ Đình Hiền – ông Tổ làng nghề lược tre, đồng thời là Nhà thờ họ Nhữ đã có lịch sử trên 300 năm. Là nơi thờ tự linh thiêng, kết tụ Anh linh cụ tổ làng nghề và các bậc tổ tiên dòng họ, trong đó có sáu vị tiến sĩ Nho học, là các nhà khoa bảng nổi danh tài đức, có nhiều công lao với đất nước và quê hương. Nơi hậu thế tri ân công đức tổ tiên, công đức ông tổ làng nghề, nơi nuôi dưỡng truyền thống văn hiến, hiếu học, hiếu nghĩa của dòng họ và quê hương.
Là cháu chắt trong dòng họ, về dâng nén tâm nhang trước anh linh các bậc tổ tông nhân đầu năm mới với tôi là sự thôi thúc của tâm khảm, là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành kính tri ân các bậc tổ tông của một người cháu chắt sống xa quê, luôn hướng về cội nguồn.
      Tại buổi lễ dâng hương ông tổ làng nghề đầu xuân này, được ban tổ chức mời phát biểu, trước anh linh các cụ tổ, xin được có những lời thành kính tri ân công lao tổ tiên và chia sẻ với mọi người về các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, tâm linh của đền theo hiểu biết và cảm xúc của cá nhân:

Ông Nhữ Đình Văn - Tổng thư ký Ban LL họ Nhữ Việt Nam tại lễ dâng hương 
      Điều đầu tiên xin được cảm kích thưa trình lại trước anh linh các bậc tổ tông và chia sẻ với mọi người, đó là tài năng, công lao và đức sáng của các danh nhân khoa bảng dòng họ luôn là tấm gương sáng cho hậu thế, luôn được hậu thế trân trọng, tôn vinh. Đến nay đã có bốn vị khoa bảng được tôn thờ trong nhà thờ được lấy tên đặt cho các đường phố, trường học: Một đường phố và trường học ở Hải Phòng mang tên TS Nhữ Văn Lan, Ba đường phố ở TP Hải Dương mang tên TS Nhữ Tiến Dụng, TS Nhữ Đình Hiền, TS Nhữ Đình Toản.
      Nguồn gốc và các giá trị đền thờ TS Nhữ Đình Hiền, ông tổ làng nghề lược tre: Đền vốn là là tư dinh của TS Nhữ Đình Hiền, ghi dấu ấn những năm tháng sinh sống cuối đời của vị tiến sĩ nho học, làm quan Hình Bộ Thượng thư, thăng đến Bồi tụng. Là vị quan hình nổi tiếng xử án giỏi. Theo sách sử Việt sử thông giám cương mục”, Ts Nhữ Đình Hiền đã hoàn thành xuất sắc chuyến công cán ngoại giao khi năm 1697 với nhiệm vụ là phó đoàn cùng với trưởng đoàn là Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đi sứ sang Trung Quốc để nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới, đòi lại mấy động có mỏ đồng, mỏ thiếc đã bị chiếm từ lâu, thuộc Tuyên Quang, Hưng Hóa. Theo lưu truyền, nhân đợt đi sứ này, ông đã mang nghề lược tre về cho dân làng. Tiến sĩ Trần Tiến thời Lê – Trịnh trong sách “Đăng khoa lục sưu giảng” đã ghi lại câu ca đương thời ca ngợi ông: “Văn chương Lê Anh Tuấn /Chính sự Nhữ Đình Hiền”. Chính con trai của Ts Nhữ Đình Hiền là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản – vị đại thần văn võ song toàn thời Lê Trịnh đã tu sửa sang tư dinh của cha mình thành từ đường, ngôi đền để thờ cha mình và các bậc tôn thứ dòng họ. Ts Nhữ Đình Toản đã đặt tên chữ là "   Tư Hiếu Đường, chữ “tư” thuộc bộ tâm, gồm chữ “điền trên và chữ tâm dưới” có nghĩa là: nhớ nhung, tâm tưchữ “hiếu” là: hiếu nghĩa. “Tư hiếu đường” nghĩa là: Ngôi từ đường để tưởng nhớ tri ân, phụng thờ báo hiếu. Liên tục hơn 300 năm qua, hàng năm đều đặn diễn ra các sự kiện tế, lễ, vinh danh công trạng các vị khoa bảng và các buổi sinh hoạt, nói chuyện về truyền thống khoa bảng, hiếu học, hiếu nghĩa… Từ đường trở thành trung tâm nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, truyền thông văn hiến của quê hương. Năm 1993 đã được công nhận là di tịch lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền thờ ông tổ làng nghề. Mấy chục năm qua nhà nước, chính quyền địa phương và dòng họ Nhữ nhiều lần đầu tư tôn tạo, và duy trì rất đều đặn các hoạt động dâng hương, ôn lại công đức ông tổ làng nghề và các bậc khoa bảng, qua đó những giá trị văn hóa – tinh thần – tâm linh của di tích ngày càng thêm sâu đậm. Tài năng, công đức ông tổ làng nghề và các bậc khoa bảng đã lan tỏa vào tâm tư, tình cảm, lối sống. Cá nhân tôi rất cảm kích, rất trân trọng về điều đó.

Các đại biểu, các đoàn khách quý và tôn thứ nội ngoại họ Nhữ tham dự lễ Dâng hương
      Về một số đóng góp cho quê hương của các danh nhân khoa bảng họ Nhữ được thờ trong Từ đường:
      Quan tâm giúp đỡ cuộc sống người dân:
      Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền khi đi sư đã mang nghề lược về truyền cho dân làng. Công lao đó luôn được nhân dân ghi nhớ, nhà nước vinh danh.
      Cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: Tiến sĩ Nhữ Đình Toản “khi mở tư dinh tại thôn Như, gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”. Vì vậy nhiều người cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ khai nghiệp, lập ấp, mở làng, đó là các làng: Làng Lọ (An Lâu), Dinh Như, làng Quàn v.v… Ông đã “sửa sang đình, chùa, miếu, cấp cho b
a thôn ở xã Đình Tổ (Tó, Như, Quàn) mỗi thôn 2 mẫu ruộng đa trạch…”. Ông cũng quan tâm giúp đỡ phường nghề Diên lộc (làm lược). Chính vì thế, trước đây vào các ngày tế lễ hàng năm, ghi nhớ công ơn, các làng Vạc, Như, Quàn, phường Diên Lộc… đều mang lễ đến dâng hương.
       Đóng góp về khoa cử: Dòng họ Nhữ thôn Sồi, thôn Hoạch Trạch, và các chi nhánh trực thuộc tại thôn Như, Quàn, Nhân Kiệt, An Lâu, An Bình (Thanh Miện), Tê Quả, Bối Kê (Hà Nội) và một số nơi khác có gốc từ xã Nam Tử (xưa là An Tử hạ), Hải Phòng, Cụ Thủy Tổ là Ts, Thượng thư bộ hộ Nhữ Văn Lan. Con trai cụ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyền Minh, làm tri huyện Lục Ngạn đã di cư về Lỗi Dương (Sồi Cầu), và Hoạch Trạch sinh sống. Lỗi Dương, Hoạch Trạch và Đình Tổ (Đình Tổ gồm thôn Tó nơi đền thờ, và thôn Như, thôn Quàn) là một vùng quê văn hiến, nhiều người đỗ đạt, thành danh. Thôn Lỗi Dương thời Lê Thánh Tông, thời cực thịnh Nho học đã có hai anh em đều đỗ chính tiến sĩ, tức hoàng giáp, đó là Phạm Lỗ đỗ năm 1463, Phạm Xán đỗ năm 1475. Thôn Hoạch Trạch có cụ Vũ Tụ đỗ chính tiến sĩ (hoàng giáp) năm 1493 là vị quan thanh liêm, nổi tiếng liêm khiết, được dân gian gọi là “trạng liêm”, có cụ Trần Vỹ đỗ tiến sĩ năm 1604. Thôn Tó có Vũ Đăng đỗ tiến sĩ năm 1577, ông Vũ Công Phụ đỗ năm 1583. Noi gương cụ tổ ts Nhữ Văn Lan, phát huy truyền thống  vùng quê, các cụ họ Nhữ đã chăm chỉ rèn giũa kiến thức và tâm đức, bốn đời liên tiếp đã có năm người đỗ đại khoa, đó là:
+Năm 1664, cụ Nhữ Tiến Dụng đỗ tiến sĩ. Làm quan đến Cấp sự trung, được vua Lê, chúa Trịnh tin dùng. Cụ rất giỏi về địa lý;
+Năm 1680, cụ Nhữ Đình Hiền con trai cụ Tiến Dụng đỗ tiến sĩ. Làm quan đến Bội tụng, Thượng Thư bộ Hình.
+Năm 1733, cháu nội ts Nhữ Tiến Dụng là Nhữ Trọng Thai đỗ Đình nguyên, Bãng nhãn, làm quan đến Hiến sát sứ;
+Năm 1736, cụ Nhữ Đình Toản con trai Ts Nhữ Đình Hiền đỗ Hội Nguyên, Tiến sĩ. Làm quan đến Tế tửu Quốc tử giám, Thượng thư Bộ binh, Tham Tụng (tức nắm quyền Tể tướng), chuyển sang ngạch võ làm đến Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, về chí sĩ được ban vào hàng Quốc lão. Ông được giới sử học xưa và nay đánh giá là một vị quan văn võ song toàn của thời Lê – Trịnh. Có công biên soạn sách “Bách ty thứ vụ” quy định chức trách nhiệm vụ của các quan trong triều, ngoài trấn. Khi triều đình ban hành đã mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước, được coi như một cuộc cải cách hành chính lớn thời bấy giờ. Về thi cử, giáo dục: Ông nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế tử quốc tử giám, quản lý việc giáo dục cấp triều đình. Ông là tác giả soạn 02 văn bia ghi danh tiến sĩ  tại Văn Miếu Hà Nội (khoa thi năm 1752 và khoa thi 1757) và là tác giả sửa (nhuận) văn bia khoa thi năm 1772. Nhà sử học Phan Huy Chú trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch Triều hiến chương loại chí” viết: (năm 1751) “Ông lại cho văn chương đời ấy thường chuộng rườm rỡ, vụn vặt, dần dần mất cả thuần hậu. Ông xin với chúa xuống chỉ dụ khôi phục lại theo như thể văn đời Hồng Đức, thi Hương, thi Hội đều dùng lối văn bình dị, bỏ lối viết vụn vặt. Từ đấy lối văn thi cứ mới thay đổi hết, những người học thức ai cũng khen”.
+Năm 1772, cụ Nhữ Công Trấn con trai Ts Nhữ Đình Toản đỗ chính tiến sĩ (tức hoàng giáp). Làm quan đến Lại phiên, Tả thị lang bộ Lễ. Là một nhà thơ tài ba có nhiều đóng góp về văn học. Nhiều bài thơ được đăng trong sách 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.
      Dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch đã phát huy và góp phần làm giầu thêm truyền thống khoa bảng của quê hương Hoạch Trạch, Đường An.      
Bà Trương Thị Ngọc Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Minh, huyện Bình Giang
      Đóng góp xây dựng nền văn hiến cho quê hương:
      TS Nhữ Đình Toản quan tâm xây dựng truyền thống văn hiến, hiếu học, tôn vinh các bậc tiền hiền, bồi đắp vượng khí của quê hương. Bia Văn chỉ huyện Đường An, lập năm 1844, do tiến sĩ Vũ Như Phan soạn, mặt trước có khắc ghi: “Cựu văn chỉ tại bản huyện Lỗi Dương xã, liên kiều chi tả. Nguyên tiền Hoạch Trạch tiến sĩ Nhữ Đình Toàn sáng tạo, cung tiến tự điền dĩ cung phụng đệ tuế nguyệt”. Nghĩa là: Văn chỉ cũ của bản huyện ở xã Lỗi Dương, ở bên trái cầu Liên. Nguyên trước Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, người làng Hoạch Trạch sáng tạo, cung tiến ruộng để thờ cúng hằng năm”. Cuốn “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.677; MF.1484 cũng ghi: Ông (tức Nhữ Đình Toản) đã có công tu sửa hai tòa văn chỉ huyện Đường An ở làng Sồi và hiến 16 mẫu ruộng làm tự điền”.
Cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” ghi chép: năm Mậu Thân 1668, Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng đã có công xem đất, tổ chức xây dựng văn chỉ xã Hoạch Trạch để nuôi dưỡng truyền thống văn hiến, hiếu học cho quê hương. Đến năm 1844, văn chỉ huyện Đường An được chuyển về vị trí Văn chỉ làng Hoạch Trạch, hai văn chỉ được ghép cùng. Sách “Hải Dương xã chí” khảo cứu năm 1944 đã mô tả Văn chỉ Đường An có 4 bia, gồm bia tạo lập văn chỉ xã, văn chỉ huyện và hai bia ghi chép về trùng tu. Ngoài quê hương, tại Kinh đô Thăng Long, Bia “Bạch Mã thần từ bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ tám (1687) đã ghi lại sự kiện năm 1687, Ts Nhữ Tiến Dụng có công tổ chức khôi phục Đình Bạch Mã (Hà Nội), sau đó cháu nội là Hoàng giáp Nhữ Công Trấn năm 1774 đã hiến đất xây văn chỉ đền, được nhân dân lập Ban thờ hậu với bài vị: “Phụng Lê triều Hoạch Trạch Nhữ tộc chư hậu tự chân linh chi linh vị”. Hàng năm họ Tô cùng với họ Nhữ là hai dòng họ được mời tham gia rước, tế ngày lễ hội đền 12/2 (đền thờ Thần Long Đỗ - Thần Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương, còn gọi Tô Lịch giang thần)
      Ngày mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tị vừa qua, Chính quyền xã Thái Minh, thôn Hoạch Trạch đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử Nghè và Bia Văn chỉ Đường An do tỉnh Hải Dương cấp. Rất vinh dự, tự hào cho quê hương Bình Giang và xã Thái Minh, thôn Hoạch Trạch.
Làng Hoạch Trạch quê hương cụ Tổ làng nghề thực sự là một làng quê văn hiến. Thời Trần có nữ nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Thị Điểm Bích. Có bảy vị khoa bảng Nho học nổi danh là Hoàng giáp Vũ Tụ, Ts Trần Vỹ, Ts Nhữ Tiến Dụng, Ts Nhữ Đình Hiền, Bảng nhãn Nhữ Trọng Thai, Ts Nhữ Đình Toản, Hoàng giáp Nhữ Cống Trấn, Nữ kiệt Lưỡng quốc Quận Quế Phu nhân Nhữ Thị Nhuận – cháu nội TS Nhữ Tiến Dụng, người có công tìm ra thuốc quý và dẹp giặc phản loạn ở Thanh Hoa, đã bỏ tiền vàng được được triều đình và vua nhà Thanh thưởng để xây dựng Đình làng Mộ Trạch quê chồng và xây dựng lại chùa làng Hoạch Trạch do bị đổ nát. Thời cận đại có Nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - nhà cách mạng tiền bối, cựu tù chính trị Sơn La, cánh chim đầu đàn nền âm nhạc CM Việt Nam; Bác sĩ Nhữ Thế Bảo – nguyên cục trưởng cục bảo vệ sức khỏe T.Ư, đặc trách chăm sóc sức khỏe Bác Hồ v.v...  Đến nay đã có sáu vị là Ts Vũ Tụ, Ts Nhữ Tiến Dụng, Ts Nhữ Đình Hiền, Ts Nhữ Đình Toản, Nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, Ns Đỗ Nhuận được lấy tên, đặt tên các đường phố tại TP Hà Nội, TP HCM, TP Thái Nguyên, TP Hải Dương v.v... Chúng ta rất vinh dự, tự hào về điều đó.
      Thời vua Gia Long, đầu triều Nguyễn, cách đây trên hai trăm năm, Hương cống, Trợ giáo Trần Huy Phác đã sáng tác bài thơ “海陽風物曲用國音歌 - Hải Dương phong vật khúc dụng quốc âm ca" bằng Quốc âm (chữ Nôm). Trong bài thơ, đoạn viết về làng Hoạch Trạch khá đặc sắc, hai khổ trước viết về Hoàng giáp Vũ Tụ, liêm khiết, dân gian gọi là Trạng Liêm, khổ thơ tiếp theo viết về họ Nhữ “quan trâm kế thế” và tài điều tra xử án của quan Hình bộ Thượng thư Nhữ Đình Hiền: 
"Đất Hoạch Trạch thâu tàng tú khí
Đấng anh hùng tiêu chí càng cao.
Giá trong chẳng chút bợn nào,
Dẫu lời ngon ngọt lụa trao sá màng.
 
Dấu tràng áo chữ ban liêm tiết,
Tỏ dòng thanh thẹn hết tham ô.
Phong lăng ngất ngất sương thu
Quyền hào núp bóng, côn đồ bặt tăm.
 
Nhà họ Nhữ quan trâm kế thế,
Có tiếng hay chỉnh sự dậy dàng
Tụng tình soi sáng bằng gương
Hồn oan dưới tháp suối vàng còn ơn"
 
Các đoàn khách và dòng họ dâng hương 
       Kính thưa các quý vị!
      Với tâm huyết làm cầu nối liên kết sâu rộng và ngày càng bền chắc giữa những người anh em trong gia tộc, năm 1994, tại Hà Nội, Ban liên lạc họ Nhữ Việt Nam đã được thành lập. Kể từ đó đến nay, hàng năm, Ban liên lạc đã tổ chức nhiều các hoạt động như: Tổ chức các chuyên đi “vấn tổ, tầm tông”, đi thăm viếng các chi dòng họ ở mọi miền tổ quốc; Tham gia nhiều tham luận tại các hội thảo khoa học danh nhân họ Nhữ, như hội thảo khao học về TS Nhữ Đình Toản do Văn Miếu QTG tổ chức, Hội thảo về Bs Nhữ Thế Bảo – Người chiến sĩ dũng cảm, người thầy thuốc tài danh, Hội thảo khoa học về Bia cổ họ Nhữ Phạm (Thanh Hà); Tổ chức các lần hội nghị họ Nhữ toàn quốc; Sưu tầm, dịch thuật, biên tập, và phổ biến nhiều tư liệu gia phả, gốc tích, danh nhân, người tốt họ Nhữ; Lập và đăng tin bài trên công thông tin điện tử họ Nhữ với tên miền là www.honhuvietnam.com /org v.v… Năm 2024, đoàn chèo Hải Phòng đã công diễn vở kịch “Nhữ Thục nhi nữ” nội dung ca ngợi bà Nhữ Thị Thục, mẹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ca ngợi Cụ ông/cụ bà Ts Nhữ Văn Lan, cá nhân tôi được mời tham gia đóng góp nội dung kịch bản, vở kịch đã rất thành công về nghệ thuật và nội dung, có sức lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.
      Qua các hoạt động thiết thực đó, đã góp phần giúp các chi dòng họ Nhữ trên toàn quốc ngày càng thông hiểu về nhau. Giao lưu, thăm hỏi và cùng tham gia các sinh hoạt tâm linh, cộng đồng, hướng về cội nguồn. Cùng nhau ghép nối các mảnh ghép về thế thứ, về tổ tông, qua đó làm cho tình đoàn kết dòng tộc ngày càng thêm bền chắc.
      Họ Nhữ Hoạch Trạch đã có những đóng góp rất nhiệt thành, hiệu quả cho hoạt động của Ban liên lạc họ Nhữ Việt Nam. Ban LL rất trân trọng điều đó, và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của dòng họ trong các hoạt động vì cộng đồng dòng họ Nhữ toàn quốc trong thời gian tới.
       Xin kính cẩn cầu xin Anh linh Cụ Tổ làng nghề và các Cụ tổ dòng họ Nhữ phù hộ cho Quốc thái - Dân An, Mạnh khỏe – An Khang – Thịnh Vượng đến với tất cả các quý vị
      Xin cảm ơn Ban tổ chức, cảm ơn các quý vị đã lắng nghe!





Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn