Cuốn gia phả dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch (xã Thái Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) viết bằng chữ Hán, do Tiến sĩ Nhữ Đình Toản soạn năm 1745, tên chữ là “思孝世錄序 Tư hiếu thế lục” hay “穫澤汝族譜 Hoạch Trạch Nhữ tộc phả”. Cuốn tộc phả này được các đời sau viết tiếp thêm và đưa vào các phần “phụ dị”.
Hiện nay còn bốn bản đang lưu hành, đó là:
(a) Bản đang lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.677; MF.1484, bản này do cụ Nhữ Ngọc Bỉnh chép lại năm 1906.
(b) Bản ông Nhữ Đình Kha lưu giữ, sau đó cụ Nhữ Đình Tố giữ và nhờ PGS.TS Hà Văn Cầu dịch ra Quốc ngữ. Phần “Lời tựa” PGS Hà Văn Cầu lược dịch, không dịch nguyên văn.
(c) Bản do cụ Nhữ Đình Khánh chép lại năm 1922.
(d) Bản do nhánh họ Nhữ sinh sống ở Hà Nội thuộc chi 2, phái 5 lưu truyền (là con cháu cụ Nhữ Trọng Liễn - đời 14, sinh sống ở Hà Nội từ giữa thế kỷ 19), bản này có chép thêm các đời sinh sống ở Hà Nội.
Bản (b,c) có thêm phần “附錄原貫安子下社正譜誌 Phụ lục nguyên quán An Tử Hạ xã chính phả chí” (Phụ lục Chính phả nguyên quán An Tử Hạ xã).
"思孝世錄序 Tư hiếu thế lục” là tên chữ do tác giả đặt cho cuốn tộc phả. "思 tư" là tâm tư, "孝 hiếu" là đạo hiếu, "世錄序 thế lục tự" là ghi chép thế thứ các đời. Tên chữ cuốn tộc phả có ý nghĩa là: Ghi chép về thế thứ với tấm lòng kính hiếu, biết ơn.
Phần “Lời tựa”, các bản có nội dung khác nhau ở đoạn đầu và đoạn cuối. Đoạn cuối tác giả ghi họ tên, chức, tước của mình, tất nhiên là tại thời điểm biên soạn gia phả, tức năm 1745. Trong bốn bản trên, chỉ duy nhất có bản (a) đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm là có nội dung đúng chức tước tác giả năm 1745. Tôi cho rằng, bản này chép lại đúng nguyên bản phần “Lời tựa”.
Tôi đã dành thời gian dịch chi tiết, đầy đủ phần “Lời tựa” bản (a). Ngay trong lời tựa cuốn tộc phả, Cụ Nhữ Đình Toản đã dăn dạy về việc giữ gìn gia phong: “Công đức tích lũy của tổ tiên có nguồn gốc từ lâu đời, khi tế tự (thờ cúng) thì phải hết lòng thành kính, khi chăm sóc phần mộ thì phải hết sức cẩn thận. Nhờ đó mà có thể kế thừa và phát huy thanh danh của gia đình, mãi mãi duy trì phúc ấm của dòng họ. Những điều này liên quan mật thiết đến lời dạy bảo trong gia đình, đâu phải là chuyện nhỏ nhặt đâu?". Xin chia sẻ mọi người chế bản chữ hán, phiên âm Hán Việt và dịch ra Quốc ngữ.
ảnh chụp "lời tựa" cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả" bản đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
LỜI TỰA CUỐN HOẠCH TRẠCH NHỮ TỘC PHẢ
穫 澤 汝 族 譜
思 孝 世 錄 序
家之有譜尚矣我汝族自
鼻祖王傳公以來一脉詩書相傳累葉至今數百餘年世代愈表子孫爾繁吾幸結登科第奉祀
宗姚思惟家廟世系須有譜籍因遠詢內外旁稽正庶仰遺编而求字諱之詳拜
先墳而記山水之勢,集成一書,顔曰思孝世錄,凡子孫各具一本,覩福祿绵逺之由來知
祖宗積累之有自祭祀則必盡其誠封掃則必致其 謹於以克继家聲,永延世澤,其有關於庭訓豈小小云乎哉
景興六年歲次乙丑仲冬毂旦賜丙辰科第三甲進士出身特進金 紫榮祿大夫入侍陪從刑部左侍郎播澤侯汝尚真拜序
皇朝成泰萬萬年之十八歲次丙午仲春下浣後裔汝玉平依本奉抄
Phiêm âm:
HOẠCH TRẠCH NHỮ TỘC PHẢ
Tư hiếu thế lục tự
Gia chi hữu phả thượng hĩ, ngã Nhữ tộc tự.
Tị Tổ Vương Truyền công dĩ lai, nhất mạch thi thư tương truyền, lũy diệp chí kim sổ bách dư niên, thế đại dũ biểu, tử tôn nhĩ phồn, ngô hạnh kết đăng khoa đệ, phụng tự.
Tông diêu tư duy gia miếu thế hệ tu hữu phả tịch, nhân viễn tuân nội ngoại bàng kê chính thứ ngưỡng di biên nhi cầu tự húy chi tường bái.
Tiên phần nhi ký sơn thủy chi thế, tập thành nhất thư, nhan viết Tư Hiếu Thế Lục, phàm tử tôn các cụ nhất bản, đổ phúc lộc miên viễn chi do lai tri.
Tổ tông tích lũy chi hữu tự, tế tự tắc tất tận kỳ thành, phong tảo tắc tất trí kỳ cẩn, ư dĩ khắc kế gia thanh, vĩnh diên thế trạch, kỳ hữu quan ư đình huấn, khởi tiểu tiểu vân hồ tai.
Cảnh Hưng lục niên tuế thứ Ất Sửu trọng đông cốc đán, Tứ Bính Thìn khoa, Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Nhập thị Bồi tụng, Hình Bộ Tả thị lang
Bá trạch hầu Nhữ Thượng Chân bái tự.
Hoàng triều Thành Thái vạn vạn niên, chi thập bát tuế thứ, Bính Ngọ, trọng xuân hạ cán, hậu duệ Nhữ Ngọc Bỉnh y bản phụng sao.
Dịch:
HOẠCH TRẠCH NHỮ TỘC PHẢ
Tư hiếu thế lục tự
Gia đình có gia phả là điều đáng quý, họ Nhữ ta từ xưa đã có.
Từ Tị tổ là Vương Truyền công trở lại đây, một dòng thi thư (văn hóa, học vấn) được truyền lại qua nhiều đời, tích lũy qua nhiều thế hệ đến nay đã hơn trăm năm. Các thế hệ ngày càng rạng rỡ, con cháu ngày càng đông đúc. Ta may mắn đã đỗ đạt khoa bảng, tham gia vào việc phụng thờ tổ tiên.
Suy tư về tổ tông, gia miếu (từ đường/nhà thờ họ) cần có gia phả để ghi rõ ràng thế thứ, vì vậy đã tìm hiểu rộng rãi từ nội tộc đến ngoại tộc, tra cứu các nhánh chính, nhánh thứ, chuẩn theo những tài liệu tổ tiên để lại, tìm kiếm thông tin về tên húy để việc lễ bái được đầy đủ.
Thăm viếng mộ tổ tiên để ghi lại thế núi sông, tập hợp thành một cuốn sách, đặt tên là “Tư Hiếu Thế Lục”, Tất cả con cháu đều được phát một bản, nhìn thấy nguồn gốc của phúc lộc dài lâu mà hiểu được.
Công đức tích lũy của tổ tiên có nguồn gốc từ lâu đời, khi tế tự (thờ cúng) thì phải hết lòng thành kính, khi chăm sóc phần mộ thì phải hết sức cẩn thận. Nhờ đó mà có thể kế thừa và phát huy thanh danh của gia đình, mãi mãi duy trì phúc ấm của dòng họ. Những điều này liên quan mật thiết đến lời dạy bảo trong gia đình, đâu phải là chuyện nhỏ nhặt đâu?
Năm cảnh Hưng thứ 6 (1745), Ất Sửu, buổi sáng, giữa mùa đông (trọng đông/ tháng 11), Tứ Bính Thìn khoa, Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Tả thị lang, Bá Trạch hầu Nhữ Thượng Chân (Nhữ Đình Toản) kính cẩn soạn.
Niên hiệu Thành Thái năm thứ 18 (1906), Bính Ngọ, giữa mùa Xuân (trọng xuân/ tháng 2) hạ cán. Hậu duệ Nhữ Ngọc Bỉnh y bản phụng sao.
19.02.2025 Nhữ Đình Văn dịch.