Đạo (道) ở cái "thời thổ tả”, hay nói như một anh đồng nghiệp – thời kỳ “mạt kiếp” thật đáng buồn:
Chiều nay, ngồi uống chén trà ngoài quán nước, mọi người tán chuyện về vô vàn cái xấu trong xã hội... Mình chợt ngẫm nghĩ về chữ ĐẠO 道 (danh). Nói đến Đạo, là nói đến cái lẽ (hay, phải) nhất định ai cũng phải noi theo, Đạo còn có nghĩa là Chân lý. Người xưa đã nói: “sống sao cho có Đạo”; “Đạo vốn không nhan sắc/ Mà ngày thêm gấm hoa/ Trong ba ngàn cõi ấy/ Đâu chẳng phải là nhà”.
Ở cái thời “mạt kiếp” hôm nay, một số không nhỏ các người làm quan, làm thầy, làm sư, làm vợ, làm con, làm trò… họ thấm nhuần cả nghĩa đen và nghĩa bóng mỗi chữ Đạo 盜: Kẻ trộm, kẻ cắp, giặc cướp; Ăn trộm, ăn cắp; Tự thủ lợi ngầm; Đạo tặc (nôm).
Bài thờ về Đạo của Thiền sư Thường Chiếu
心痛示眾
道本無顏色,
新鮮日日誇。
大千世界外,
何處不為家。
Tâm thống thị chúng
Đạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật nhật khoa.
Đại thiên thế giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia!
Dịch nghĩa
Đạo vốn không màu sắc,
(nhưng) Ngày ngày vẫn phô bày vẻ mới lạ, tươi trẻ.
Dù ở ngoài thế giới hà sa, tức ba nghìn đại thiên thế giới;
Chốn nào mà chẳng là nhà của nó.
Dịch thơ
Đạo vốn không nhan sắc.
Mà ngày thêm gấm hoa.
Trong ba ngàn cõi ấy.
Đâu chẳng phải là nhà.
Nhữ Đình Văn