Hội nguyên, tiến sĩ Nhữ Đình Toản

Tham luận:  Sự nghiệp chính trị, quân sự, giáo dục và những đóng góp có ý nghĩa cho quê hương, dòng họ của Hội nguyên, tiến sĩ Nhữ Đình Toản(*)
Tác giả:       Nhữ Đình Văn
Thời gian:    Ngày 21/01/2018 (05/12 Đinh Dậu)
Địa điểm:     Hội trường Phòng không, không quân, số 173, Trường Chinh, Hà Nội.

Hội nghị họ Nhữ toàn quốc lần 2

   Hội nguyên, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1703-1773) sinh giờ Hợi, ngày 6 tháng 4 năm Quý Mùi (1703), mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Tỵ (1773). Quê quán tại xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là làng Hoạch Trạch (hay còn gọi là làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Là một danh thần thời Lê - Trịnh. Tên huý là Ban, tự là Thượng Chân, hiệu là Thượng Phác, tên lúc đi thi là Đình Toản, biệt hiệu là Hoạch Đình Cư sĩ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, nổi danh khoa bảng với bốn đời liên tiếp đã có 5 người đỗ đại khoa. Ông là con trai thứ 3 của tiến sĩ Thượng thư, Thái phó, Thọ quận công Nhữ Đình Hiền, cháu nội tiến sĩ Giới hiên công Nhữ Tiến Dụng, Anh em con chú con bác ruột bảng nhãn Hiến sát sứ Nhữ Trọng Thai, cha đẻ Hoàng Giáp Kế Trạch Hầu Nhữ Công Chấn”. Nhữ Đình Toản đỗ Hội Nguyên[1], Đồng tiến sĩ[2]  khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông[3]Làm quan đến: Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu[4], Nhập nội[5] thị Tham tụng[6], Binh Bộ Thượng thư[7], Cải thụ[8]Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân[9], Đô đốc phủ Tả Đô đốc[10], Quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, tước Trung phái Hầu[11] khi về trí sĩ được cho dự vào hàng Quốc lão. Ông có nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế Tửu Quốc Tử Giám[12]. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản có nhiều cống hiến về chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự… cho đất nước, đồng thời cũng có nhiều các đóng góp cho sự phát triển và văn hiến của quê hương Hoạch Trạch, Đường An, được nhân dân các đời tại quê hương ghi nhớ và biết ơn.
   Là người thông minh, xuất chúng, trong bài ký Nhữ Thượng Chân đường xuất thân ông viết: “Tôi 5 tuổi đã thích chơi bút nghiên, cha tôi thấy vậy khiến tôi đọc sách, 7 tuổi tôi đã cùng các anh làm văn, viết đối nhiều lần được khen thưởng, phê bằng bốn chữ lớn: Khả vọng cao khoa (tức là Hy vọng đỗ cao)”[13]. Đúng như mong đợi của người cha, sau này lớn lên, Nhữ Đình Toản đỗ đại khoa và là một danh thần văn võ đều giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước về chính trị, văn học, giáo dục và quân sự.
    Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Đình Toản lúc trẻ đã thông minh, việc học hỏi sẵn nếp nhà. Năm 18 tuổi vì văn mắc lỗi, rồi vì đó được nổi tiếng. Năm 26 tuổi mới được đi thi, thi Hương đỗ thứ hai, do tập ấm làm chức Tự thừa. Năm 33 tuổi, đỗ Hội nguyên tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê ý Tông”.  
    Ông đã thể hiện tài thao lược của mình trong suốt cuộc đời làm quan với nhiều công trạng được vua Lê, chúa Trịnh và đương thời nể trọng. Phan Huy Chú trong LTHCLC đã ghi: “Đầu đời Cảnh Hưng… làm đến Tham tụng. Bấy giờ nhà nước nhiều việc, ông là người mới lên cùng hai ba vị cố lão cùng làm mọi việc. Ân vương rất yêu mến trọng đãi, cho đổi tên là Công Toản”.
    Sách Khâm Định Việt sử Thông Giám cương mục (quyền 40) ghi: “Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745)… khởi phục Hà Huân và Nhữ Đình Toản cùng vào phủ chúa giữ chức tham tụng…(Trịnh) Doanh thường hỏi chính sách lớn về việc quân việc nước, họ trình bày nhiều ý hợp Trịnh Doanh”. Quyền 41 ghi:“Tháng 6 (năm 1751). Chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị.Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực lục” (hay còn gọi là Bách ti thứ vụ hay Bách ti chức chưởng). Lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách công việc các quan trong kinh, ngoài trấn… Phép tắc kỷ cương… buông lỏng, trăm quan phần nhiều trễ tràng, đến nay đều chẩn chỉnh lại, làm cho chế độ cũ được sáng tỏ, để các quan trong kinh ngoài trấn đều răm rắp tuân theo giữ chức phận của mình”. 
    Ông là tác giả hai bài văn bia đề tên tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là bia tiến sĩ số 72 khoa thi Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), Bia tiến sĩ số 74 khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) và nhuận (sửa) bài ký trên bia tiến sĩ số 79, khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) - Khoa thi này con trai ông là Nhữ Công Chấn đỗ Hoàng Giáp.
    Về thi cử giáo dục, Ông đã có những đóng góp có ý nghĩa. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (quyền 41) ghi: “Năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), tháng 3… Nói về thi cử đầu triều Lê, văn chương quý mạnh mẽ, hồn hậu… Từ khi trung hưng trở về sau, thay đổi thể văn, một lần thay đổi thì dùng theo lối rập theo sáo cũ là quý, lại một lần thay nữa thì dùng lối lựa từng lời, gọt từng câu là hay, thành ra văn thể ngày đi đến bạc nhược… Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi hương, thi hội và thi đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh ý theo”. Về vấn đề này Phan Huy Chú trong LTHCLC cũng viết: “Ông lại cho văn chương đời ấy thường chuộng rườm rỡ, vụn vặt, dần dần mất cả thuần hậu. Ông xin với chúa xuống chỉ dụ khôi phục lại theo như thể văn đời Hồng Đức, thi Hương, thi Hội đều dùng lối văn bình dị, bỏ lối viết vụn vặt. Từ đấy lối văn thi cứ mới thay đổi hết, những người học thức ai cũng khen”. 
    Ngoài việc trực tiếp đảm nhiệm chức vụ Tế tửu Quốc Tử Giám nhiều năm, Nhữ Đình Toản cũng dành nhiều tâm huyết trong việc dạy dỗ, đào tạo ra các trí thức cho đất nước. Ông là người thầy có uy tín của nhiều học trò xuất sắc, tiêu biểu như hoàng giáp Ngô Thì Sĩ[14] - một nhà khoa bảng, nhà sử học, nhà văn nổi tiếng.
    Là người có tài về quân sự, nhiều lần phụng mệnh cầm quân đi dẹp những bất ổn tại Hải Dương và vùng lân cận do cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển và dư đảng. Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: Năm Canh Thân (1740) vâng mệnh đi dẹp giặc ở Đông Hạo, chiêu dụ 2 phủ Kinh Môn, Thượng Hồng bắt được đảng giặc, được thăng Cẩn sự Tá lang, Hàn Lân viện hiệu thảo; Năm Tân Dậu (1741), Minh Vương đi đánh dẹp phương Nam, Nguyễn Tuyển đi tắt đường về bờ sông Nhị Hà, kinh sư náo động, ông bày trận ở bãi sông để bảo vệ kinh thành, bắt được đảng giặc rất đông. Tháng 5, Ông thừa thắng đem quân đi đường Đạo An, luồn xuống các xứ Ân Thi, Kim Động phá các đồn giặc, hội quân được với quan hiệp đồng Nguyễn Nghiễm[15]. Do công trạng ấy Ông được thưởng hai chiếu thẻ bằng bạc. Cũng năm này, trong trận đánh ở La Mát, Ông có công dụ dư đảng của Nguyễn Tuyển ra hàng v.v...
    Sau mấy chục năm làm quan ban văn, trải nhiều chức vụ khác nhau, thăng đến Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội thị Tham tụng, Bộ Binh Thượng Thư. Về cuối đời, vì muốn xa nơi quyền thế, Ông nhiều lần xin chuyển sang ban võ, năm Nhâm Ngọ (1762) được giao chức Hiệu Điểm, giữ việc quản lãnh quân cấm vệ, sau thăng đến Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, tước Trung Phái Hầu. Mười năm làm tướng, Ông “cốt giữ thể thống, ưu chuộng khoan hòa, rộng rãi”, “thời bấy giờ được khen là danh thần”[16]
    Bằng tài năng và sự tận tuỵ cống hiếntrong một bài chế, vua Lê Hiển Tông đã hết lời ca ngợi Ông và gia đình: “...Cây cả nối dấu thơm, trải ba đời tiếng tăm lừng lẫy một mình ông kiêm cả "tác và thuật”; Gốc cam đường rủ bóng, hơn trăm năm mà chính tích như mới, trẫm còn nhớ muôn miệng ngợi khen”[17].
    Hoạch  Trạch  Nhữ  tộc  phả  ghi: “Năm Tân mão, 69 tuổi (1771) Ông dâng tờ khải xin về trí sĩ mấy lần, bề trên chuẩn cho, ban tặng cờ gấm. Tháng ba lại được đãi yến, đặc ban danh hiệu Quốc lão và thơ ngự chế bằng quốc âm”. Lời tựa viết:“Ông chầu chực chốn cung đình mật hầu chính phủ, cần lao hết dạ, ghi vào dạ trẫm. Nay xin về nghỉ, nói chẳng hết lời, đặc ban cho thơ một luật để dãi tỏ lòng trẫm…”
    Vua ban cờ thêu đề:
“Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều trung hiển hoạn
Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn danh”[18]
Dịch nghĩa:
“Văn Tiến sĩ, Võ Quận Công, triều đình quan lớn
Nước trung thần, nhà hiếu tử, thiên hạ nổi danh”
    Nhữ Đình Toản để lại nhiều trước tác như: Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả, Bách ti chức chưởng, Chế sắc biểu khải văn tập, nhiều thơ, văn, ký.

Với quê hương, dòng họ: 
     Tiến sĩ Nhữ Đình Toản có tấm lòng luôn hướng về quê hương, tâm huyết với quê hương, trân trọng cội nguồn và quan tâm xây dựng truyền thống văn hiến, bồi đắp vượng khí để nuôi dưỡng hưng thịnh cho quê hương.
     Tuy quyền cao, chức trọng nhưng luôn thanh liêm, trong sạch, có tấm lòng nhân từ, độ lượng, thân ái với mọi người, đồng thời lại có nhiều công lao với quê hương. Chính điều đó đã tạo nên sức cảm hóa tới tâm tư, tình cảm các thế hệ con cháu và người dân quê hương, mọi người tôn kính, tin tưởng hướng tới để tìm một sự che chở mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi: “Trong vùng chẳng may gặp năm đói kém, hoàng tùng, dịch lệ, kỳ đảo đều linh ứng, gặp khi dịch khí lưu hành, các chi họ đều rước một đạo sắc của ông (Nhữ Đình Toản) về kỳ đảo, các chi tộc đều được bình yên”.  
    Hoạch Trạch Nhữ tộc phả ghi chép về tiến sĩ Nhữ Đình Toản: “Nhân khi ông mở dinh tại Học thôn (nay là Dinh Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, cách Hoạch Trạch một cánh đồng) gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”. Vì vậy nhiều người cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ khai nghiệp, lập ấp, mở làng. Theo văn bia đá hiện còn lưu lại tại khu di tích của làng Lọ, nay là thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện vào năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) đời vua Lê Hiển Tông có 4 cụ về lập làng, gọi là “Tứ phối dĩ Thượng”, một người họ Nguyễn và ba người họ Nhữ, trong đó Nhữ Công Tạo và Nhữ Công Tuyển là các cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản, con trai của Hương cống, Hàn Lâm viện thị thư, Lại Bộ Tả thị lang, tước Nghĩa Trạch Hầu Nhữ  Công Liêu (triều Tây Sơn - Quang Toản). Nhữ Công Chính và Nhữ Công Viên là các cháu nội của Tiến sỹ Nhữ Đình Toản, con trai Hương cống, Quan viên ngoại lang Nhữ Công Củng là những người có công tham gia lập ấp, góp công mở mang, xây dựng làng Quàn, làng Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang ngày nay.
     Quan tâm xây dựng truyền thống văn hiến, hiếu học, tôn vinh các bậc tiền hiền, bồi đắp vượng khí của quê hương, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã“sửa hai tòa Văn chỉ thờ Tiên hiền bản huyện ở địa phận làng Kiều xã Lôi Dương và cho 16 mẫu ruộng làm tự điền”[19]. Khi mở dinh tại Học thôn, xã Đình Tổ (xã Đình Tổ trước gồm 3 thôn là Thị thôn nay là thôn Tó, Học thôn nay là thôn Như và Quàn thôn), Ông đã “sửa sang một chi Từ Đường ở Thị thôn”nay là Nhà thờ họ Nhữ, và “sửa sang đình, chùa, miếu, cấp cho ba thôn ở xã Đình Tổ  mỗi thôn 2 mẫu ruộng đa trạch là như vậy, đến nay dân vẫn còn nhớ”[20]
    Ông là tấm gương sáng về đạo làm người, đạo làm quan, có sức lan tỏa lâu dài  trong đời sống người dân quê hương. Bằng tài năng, đức độ và những cống hiến cho đất nước, cho quê hương, người dân Hoạch Trạch, Đường An nhắc đến Ông, không quên nhắc đến câu ca “Hoạch Trạch khí tàng / Anh hùng xuất thế” là vì lẽ đó.
Nhữ Đình Văn

(*) Tham luận này được trích từ bài nghiên cứu “Hội nguyên, tiến sĩ Nhữ Đình Toản và họ Nhữ với quê hương Hoạch Trạch, Đường An của t/g Nhữ Đình Văn trình bày tại hội thảo khoa học: Tế tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản con người và sự nghiệp do Trùn tâm văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức ngày 20/12/2013)
Tài liệu tham khảo:
  • Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
  • Cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả, do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745, các đời sau có ghi chép thêm vào, gồm các bản: Bản lưu tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A.677; MF.1484, bản lưu truyền được PGS Hà Văn Cầu dịch ra quốc ngữ, bản do ông Nhữ Đình Khánh chép năm 1922 v.v…
  • Sách Lịch triều hiến chương loại chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
  • 31 bản sắc phong của dòng họ Nhữ Hoạch Trạch.
  • Cuốn Tập sắc: Tự Đức thập nhất niên tuế thứ Mậu Ngọ chính nguyệt nhị thập thất nhật sao (Tập sắc phong, sao ngày 27 tháng giêng năm Mậu Ngọ, đời vua Tự Đức.
  •  Bia Văn chỉ huyện Đường An (các bản dịch lưu hành trong huyện Bình Giang)
  • Sách Văn bia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đỗ Văn Ninh biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin 2000.
  • Tư liệu văn khắc trên web. của Viên nghiên cứu Hán - Nômwww.hannom.org.vn
  • Sách Di sản văn chương Văn miếu - Quốc Tử Giám, NXB Hà Nội 2010. PGS Phan Văn Các và PGS.TS Trần Ngọc Dương đồng chủ biên.
  • Cuốn: An Tử hạ xã, Hán Nam tổng, Tiên Lãng huyện, Kiến An tỉnh thần tích - bản dịch của Viện khoa học xã hội.
  • Cuốn Bách ti thứ vụ, tác giả Nhữ Đình Toản, Nguyễn Sĩ Tín in năm Lê Cảnh Hưng 12 (1751), lưu trữ tại Thư Viện Viện nghiên cứu Hán – Nôm, Ký  hiệu:   VHv. 1273;   MF. 1756.
  • Bộ sách Địa chí Hải Dương, NXB sự thật 2008, UBND tỉnh Hải Dương biện soạn.
  • Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - cục XB Bộ VH.
  • Việt Nam các nhân vật LS – VH, tác giả Đinh Xuân Lâm.
  • Các tham luận tại Hội thảo danh nhân làng Hoạch Trạch, do Hội sử học tỉnh Hải Dương- Liên hiệp các hội KH & KT tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 24/12/2012.
  • Sách Họ Nhữ vài nét xưa và nay, Nhữ Đình Văn biên tập, lưu hành nội bộ trong họ Nhữ.
  • Tập tài liệu: Hoạch Trạch biên niên ký, tác giả Nhữ Đình Rồng, lưu hành nội bộ họ Nhữ.
  • Tuyển tập: Danh nhân, người tốt họ Nhữ trên sách báo qua các đời, do Nhữ Đình Quỳ sưu tầm, lưu hành nội bộ họ Nhữ.
  • Một số các sách báo khác.


[1] Hội Nguyên: Đỗ đầu kỳ thi Hội. Những người đỗ kỳ thi Hội sẽ vào thì Đình, thi Đình chỉ thi Văn sách để phân hạng cao thấp, thường chia ba hạng là: Đệ nhất giáp tiến sĩ (gồm Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa, gọi là Tam khôi), Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp tiến sĩ (đồng tiến sĩ xuất thân)
[2] Đồng tiến sĩ: xem chú thích 1
[3]. Theo “Bài ký đề tên tiến sỹ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2” (bia tiến sĩ số 67) -  sách Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội, NXB Văn hoá - Thông tin năm 2000, biên soạn Đỗ Văn Ninh.
[4]Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu: là hàm tản quan, vinh danh cho quan văn Chánh nhất phẩm.
[5]Nhập nội: Từ thêm cho các đại thần thân tín.
[6]Tham tụng: chức quan đứng đầu Phủ hiệu trong Phủ đường Chúa Trịnh. Thời Quang Hưng, khi xưng vương, Trịnh Tùng bỏ chức Bình chương, đặt ra chức Tham tụng nắm quyền Tể tướng.
[7]Binh Bộ Thượng thư: trưởng quan Bộ Binh.
[8]Cải thụ: chuyển đổi, đổi sang (trường hợp này TS Nhữ Đình Toản đổi từ quan văn sang quan võ).
[9]Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân: vinh hàm phong cho quan võ Chánh nhất phẩm.
[10]Đô đốc phủ Tả đô đốc: Theo quan chế nhà Lê từ năm 1471 đặt 5 phủ Đô đốc (gồm Trung, Đông, Tay, Nam, Bắc), quan đứng đầu mỗi phủ có Tả đô đốc, Hữu đô đốc trật Tòng nhất phẩm.
[11]. Toàn bộ các chức, tước của tiến sĩ Nhữ Đình Toản trong đoạn này là theo “Bài ký đề danh tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772)” - Bia tiến sĩ số 79, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (bản dịch của Đỗ Văn Ninh).
[12]Tế tửu Quốc Tử Giám: Người đứng đầu Quốc Tử Giám, thời Lê trật Tòng tứ phẩm.
[13]. Bài ký này trong phần phụ lục của Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[14]. Ngô Thì Sĩ (1726-?) quê tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Năm Bính Tuất (1766) ông thi đỗ Hoàng giáp.
[15]. Nguyễn Nghiễm (1708-1776) quê Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tỉnh, Đỗ Hoàng Giáp năm 1731, làm quan đến Thượng thư Bộ hộ. Ông cha của Đại thi hào Nguyễn Du.
[16]. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
[17]. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí của nhà bác học Phan Huy Chú.
[18]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[19]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.
[20]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn