KHẢO CỨU LỊCH SỬ - DANH NHÂN HỌ NHỮ QUA CÁC VĂN BIA, THƯ TỊCH CỔ

Tham luận: 
Phần 1: Khảo cứu Lịch sử - Danh nhân họ Nhữ qua văn bia, thư tịch cổ.
Phần 2: Khảo sát các chi (dòng) họ Nhữ hiện nay.
Tác giả:      Nhữ Đình Văn
Thời gian:  Ngày 21/12/2018 (ngày 05/12 Đinh Dậu)
Địa điểm:   Hội trường Phòng không, không quân, số 173, Trường Chinh, Hà Nội.

Ông Nhữ Đình Văn tại hội nghị họ Nhữ toàn quốc lần 2

PHẦN 1:  KHẢO CỨU LỊCH SỬ -  DANH NHÂN HỌ NHỮ QUA CÁC VĂN BIA, THƯ TỊCH CỔ.
1.1 Nhữ Hoàng Đê công chúa - Thế kỷ 10, Hà Nam
     Theo văn bia và các thư tịch cổ như sách sử, thần tích, thần sắc, gia phả, ngọc phả… còn được lưu giữ đến nay thì người họ Nhữ đầu tiên được ghi chép là Cụ Nhữ Khâm, một hào phú ở Trang Thanh Khê (nay là làng Thanh Khê, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Cụ Nhữ Khâm sinh sống vào thế kỷ 10 và có con gái là Nhữ Đê. Trong một nghiên cứu về Hoa Lư – Thăng Long, PGS.TS Phan Phương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra các tư liệu về bà Nhữ Đê: Khi Nguyễn Minh (phó tướng của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn) đi tìm bạn đồng chí có đi qua Tốt Khê (nay là xã Thanh Hải, Thanh Liêm) thì gặp bà Nhữ Đê đang cắt cỏ và hát rằng: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Trăm cây ngàn cỏ lại hàng tay ta” (mô típ này còn được lưu truyền cho các người phụ nữ khác), sau khi làm quen, cảm phục người con gái giỏi đối đáp, ông Nguyễn Minh liền kết bạn trăm năm.
     “Ngọc phả ba vị hoàng đế thời Tiền Lê” (tài liệu do ông Hà Văn Lang - Trưởng ban Quản lý di tích xã Liêm Cần cung cấp), đã ghi lại công trạng của bà: Bà Nhữ Đê sinh ngày 15 tháng 8 năm Canh Ngọ. Theo chồng, cùng các tướng đánh đông, dẹp bắc, thành tích của bà Nhữ Đê rất nổi trội. Trong buổi đầu còn thiếu thốn, nghĩa quân của Nguyễn Minh – Nhữ Đê đã được Cụ Nhữ Khâm đã cung cấp lương thực, tiền bạc. Bà Nhữ Đê và Nguyên Minh mất ngày 5/5. Vua thương tiếc công thần có công lao to lớn đối với đất nước, bèn ban tiền tuất sáu trăm quan và phong cho Nguyễn Minh là: “Quang minh chính trực Đại vương”gia tặng “Anh Triết Hùng đoán thượng đẳng thần”. Tôn phong bà Nhữ Đê là: “Nhữ Hoàng Đê công chúa”, gia tặng “Quốc sắc thiên tài trung đẳng thần”. 
     Di tích và nơi thờ tự: Đền Lăng ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, nơi thờ các vị vua Đinh - Tiền Lê và thờ “Tam vị đại vương Nguyễn Minh, Thiên Cương và Nhữ Hoàng Đê” là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm vào ngày 8 tháng 3 (ÂL), hội đền được mở, đón khách thập phương vào dâng hương các bậc minh quân, trung thần, trong đó có người phụ nữ tài ba Nhữ Hoàng Đê.
      Sau hàng nghìn năm dâu bể, tại làng Thanh Khê và các làng lân cận hiện nay vẫn là nơi quần cư của đông đảo những người anh em gia tộc họ Nhữ:
  • Làng Thanh Khê, xã Thanh Hải, Thanh Liêm có 02 dòng họ Nhữ:
  • Họ Nhữ làng Hiếu Hạ, xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam.
  • Làng Nham Kênh, xã Thanh Nghị có 03 dòng họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Kênh, xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam.
1.2 Nhữ Thị Ái (Nhữ Thị Ngọc Hoàn) – Thế kỷ 14, Thanh Hóa
     Sử sách và gia phả các dòng họ Nguyễn hậu duệ Nguyễn Phi Khanh ghi chép về người phụ nữ họ Nhữ (thế kỷ 14) quê Thanh Hóa đó là Nhữ Thị Ái, hiệu Ngọc Hoàn  (gia phả chi họ Nguyễn một số nơi ghi là Nhữ Thị Ngọc Hoàn) quê tại làng Mệ, sau đổi là làng Miên, xã Cư Nạp (Mộc Nhuận), phủ Đông Sơn, nay là làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bà là vợ thứ hai của Nguyễn Phi Khanh (1335-1408). Phi Khanh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ  năm long Khánh thứ 2, đời vua Trần Duệ Tông, tức năm 1374. Vợ đầu là bà Trần Thị Thái, con gái của quan tư đồ Trần Nguyên Đán, sinh được 4 con trai: trưởng là Nguyễn Trãi, thứ là Nguyễn Bảo, thứ Nguyễn Phi Hùng, út là Nguyễn Ly. Sau khi bà Trần Thị Thái mất, Nguyễn Phi Khanh lấy bà Nhữ Thị Ái và chuyển đến quê vợ sinh sống. Bà Nhữ Thị Ái (Ngọc Hoàn) sinh được hai người con trai là Nguyễn Nhữ Soạn (1391-1448) và Nguyễn Nhữ Trạch. Nguyễn Nhữ Soạn tham gia khởi nghĩa chống giặc Minh của nhóm Đinh Lễ, Lý Sát và làm thư ký, sau nhóm Đinh Lễ, Lý Sát ra nhập quân khởi nghĩa của Lê Lợi. Nguyễn Nhữ Soạn tiếp tục cùng anh trai cùng cha khác mẹ Nguyễn Trãi phò giúp Lê Lợi. Nguyễn Nhữ Soạn được Lê Lợi cử sang Lào tìm Trần Cảo về lập làm vua, giúp Lê lợi làm thư ký, sau chuyển sang bên võ, là một tướng tài, lập nhiều công lớn. Nguyễn Nhữ Soạn được phong chức Thái Phó Tuy Quốc Công, Sắc phong “Bình ngô khai quốc”. Con cháu Nguyễn Nhữ Soạn nhiều người thoát được nạn Tru di tam tộc và hiện  nay gia tộc phát triển rất mạnh.

1.3 Nhữ Công Chất (thế kỷ 14) – Thủy tổ họ Nhữ An Tử hạ (Hải Phòng) và ông tổ khai khoa Nhữ Văn Lan (thế kỷ 15)
     Thủy Tổ Nhữ Công Chất (thế kỷ 14): Tại Hải phòng (xưa là xứ Đông) những ghi chép còn lưu giữ đến nay về họ Nhữ cũng khá sớm. Theo Gia phả họ Nhữ xã An Tử Hạ, Tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng): Cụ Nhữ Công Chất (thế kỷ 14) được suy tôn là Thủy Tổ.
     Nhữ Văn Lan (thế kỷ 15): Ông Tổ khai khoa họ Nhữ
     Cụ Nhữ Văn Lan, sinh ngày 5 tháng 8 năm Quý Hợi (1443), mất ngày 19 tháng 10 năm Quý Mùi (1523), quê tại An Tử Hạ. Đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi (1463). Là vị khoa bảng đầu tiến của huyện Tiên Minh (Tiên Lãng ngày nay), Ông tổ khai khoa họ Nhữ. Cuốn “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” và “Thần tích xã An Tử Hạ” ghi: Ông “lấy đức cương chính mà giữ mình, lấy đức trung cần mà tu dưỡng. Vua rất mực sủng ái ông”, “được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu…, Văn chương được thiên hạ biết đến, đức trung chính được nể trọng trong triều đình”. “Người thường giữ điều cương chính làm người, trung thần làm tôi, được vua sùng ái, trải thăng nhiều chức rồi lên đến Thượng thư Bộ Hộ”. Khi về trí sĩ, ông đã đem phần tâm lực cuối cùng để giúp đỡ dân làng xây đắp truyền thống giáo dục, học hành, hướng dẫn dân làng đào kênh, xây cầu cống dẫn thuỷ nhập điền, khai khẩn hoang hoá. Khi mất được phong Nhữ tướng công Vương trực Bác đạt Thượng đẳng phúc thần. Ông là Thần Hoàng của quê hương An Tử Hạ.
     Trong gia đình Ông có công lớn trong việc dạy dỗ cháu ngoại là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) sau này thi đỗ Trạng Nguyên triều Mạc, một nhà văn hóa lớn thế kỷ 16.
    Nhữ Văn Lan sinh được ba người con, người con trai đầu mất sớm, vô truyền, Người con trai thứ Nhữ Huyền Minh làm Tri huyện Lục Ngạn di cư về xã Lôi Dương, nay là làng Sồi Cầu, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Con gái là Nhữ Thị Thục, sau được phong Từ Thục Phu Nhân là một người đàn bà “kỳ lạ và khả kính”. Nhữ Thị Thục kết duyên cùng giám sinh Nguyễn Văn Định sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc đỗ Trạng Nguyên (Trạng Trình), là một nhà văn hóa lớn thế kỷ 16.
    Hiện nay, một tuyến phố và một trường THPT ở Thị trấn Tiên Lãng mang tên danh nhân Nhữ Văn Lan.
     Từ Thục phu nhân Nhữ Thị Thục
    Bà Nhữ Thị Thục là con gái quan Thượng thư, Tiến sĩ Nhữ Văn Lan (1443-1523), là thân mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Bà được phong là Từ Thục phu nhân. Hầu hết các sách viết về tiểu sử, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến tài học, chí lớn và công lao dưỡng dục của thân mẫu Từ Thục phu nhân.
   Nhà sử học Ngô Đăng Lợi căn cứ vào sách “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký” (Nguyễn Văn Đạt là tên khai sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã khẳng định: Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông minh, học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, lại tinh thông cả lý số, thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác, khi ông lên 4 tuổi, bà đem kinh truyện dạy cho con. Bà có đến hàng trăm bài thơ để dạy con từ việc chơi bi, chơi diều, đánh cờ, cách làm người.., là người thầy dạy dỗ con về thơ ca, kinh sách. Tất cả góp phần hun đúc nên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ - nhà văn hóa lớn của dân tộc.
    Gia phả họ Nguyễn chi bảy, hậu duệ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Nam Tử ghi lại : “phu nhân hồi An Tử Hạ, ỷ phụ thân giáo dưỡng Đạt nhi tam tuế…”, cho thấy Tiến sĩ, Thượng thư Nhữ Văn Lan và bà Nhữ Thị Thục là người nuôi dạy Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc còn nhỏ và có vài trò lớn trong việc hình thành phẩm cách, tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại Hội thảo khoa học “Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà Nhữ Thị Thục - thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục).
    Sinh ra lớn lên từ truyền thống hiếu học của gia đình, bà Nhữ Thị Thục không chỉ giỏi văn chương, am tường lịch sử và tinh thông thuật số mà còn là người mẹ biết truyền sang con toàn bộ tâm nguyện, khí phách làm người bằng phương pháp dạy dỗ nghiêm cẩn và lối sống mực thước của mình. Bà đã và mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
     Di tích và nơi thờ tự: Những di tích liên quan đến TS Nhữ Văn Lan ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại An Tử Hạ gồm Mả Nghè, Nguyễn Nhữ Từ Đường (Từ đường họ Nguyễn hậu duệ Nguyễn Bình Khiêm tại quê ngoại), Đình Đông (thờ Thần Hoàng là Nhữ Văn Lan), Đình Vồng Si… được Thành phố Hải Phòng cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Lễ cúng giỗ Cụ Nhữ Văn Lan vào ngày 20 tháng 10 (ÂL). Lễ tế tổ họ Nhữ vào 24 tháng Giêng (ÂL).
     Tư liệu khảo cứu: Văn bia đề danh tiến sĩ, khoa thi năm Quý Mùi (1463)/ Bia số 3 - Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội; Gia phả họ Nhữ An Tử hạ; Thần tích, thần sắc An Tử hạ; Hoạch Trạch Nhữ tộc phả do TS Nhữ Đình Toản soạn năm 1745, Đại việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sách sử khác.
    Hiện nay, tại An Tử Hạ (nay là Nam Tử) và lân cận có nhiều dòng (chi) họ Nhữ sinh sống:
  • Họ Nhữ ở làng Nam Tử, xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng.
  • Họ Nhữ làng Mỹ Khê, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. 
  • Họ Nguyễn gốc họ Nhữ ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

1.4 Ba địa danh họ Nhữ với bảy vị tiến sĩ nho học tại huyện Bình Giang, Hải Dương
Gia phả và các thư tịch cổ ghi chép về ba dòng họ Nhữ chính tại huyện Bình Giang, Hải Dương gồm:
  1. Họ Nhữ làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương:
  • Đây là một làng cổ, có nhiều dòng họ sinh sống, cả làng có 36 người đỗ tiến sĩ nho học. Theo gia phả, họ Nhữ định cư ở đây khá sớm.
  • Cụ Nhữ Bình Trai được suy tôn là thủy tổ.
  • Năm 1525, Cụ Nhữ Mậu Tổ đỗ tiến sĩ, làm quan đến Tả Thị lang (thứ trưởng).
  1. Họ Nhữ làng Nhữ Thị và An Đông (Nhữ Đông), xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, Hải Dương:
  • Xưa kia Nhữ Thị và Nhữ Đông là một làng (hai thôn). Đây là một làng cổ, hầu hết là người họ Nhữ sinh sống.
  • Theo gia phả ghi chép, Cụ Nhữ Phúc Khánh (thế kỷ 15) được suy tôn là thủy tổ dòng họ Nhữ Văn (hiện ông Nhữ Văn Hưu là trưởng họ).
  • Năm 1556, Cụ Nhữ Công Tung đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thượng Thư (bộ trưởng) cả triều Mạc và Lê. Cụ hai lần đi sứ Trung Quốc.
  • Di tích và nơi thờ tự: Đình, Miếu phối thờ TS Nhữ Công Tung tại làng Nhữ Thị, huyện Bình Giang đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Cụ tổ Nhữ Phúc Khánh, Nhữ Công Tung và các cụ tổ khác được các chi, dòng họ thờ tại Miếu, Nhà thờ, từ đường.
 
  1. Họ Nhữ làng Sồi Cầu và Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương:
  • Nguồn gốc: Theo cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745 thì con trai tiến sĩ Nhữ Văn Lan (quê An Tử hạ /Nam Tử, Kiến Thiết, Tiến Lãng, Hải Phòng) là Nhữ Huyền Minh (cuối thế kỷ 15) làm tri huyện Lục Ngạn đã di cư về xã Lôi Dương (nay là thôn Sồi Cầu, xã Thái Học, Bình Giang, HD) và hình thành nên các dòng họ Nhữ thôn Sồi Cầu, thôn Hoạch Trạch, thôn Như, thôn Quàn, thôn An Lâu, thôn An Bình, thôn Nhân Kiệt, thuộc tỉnh Hải Dương và nhiều nơi khác.
  • Hậu duệ TS Nhữ Văn Lan tại xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương nhiều người đỗ đạt thành danh như:
Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng: Sinh giờ Tuất, ngày 22 tháng 9 năm Quý Hợi (1623), mất ngày 20 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1689). Tự Lột Tẩu, hiệu Giới Hiên, húy Lộng, tên đi thi là Tiến Dụng. Ông là cháu 7 đời của tiến sĩ Nhữ Văn Lan. Cha mẹ mất sớm, Ông được ông bà ngoại đưa về nuôi, khi đi thi Ông đăng ký quê quán tại bên ngoại  - xã Hoạch Trạch, huyện Đường An. Ông là người họ Nhữ đầu tiên sang định cư tại thôn Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 19 tuổi, thi Hương, trúng tứ trường, đỗ Hương cống. Khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664),  khi đó đã 42 tuổi, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân[1]. Ông làm quan trải nhiều chức như Giám sát Ngự sử[2] đạo Kinh Bắc, Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, năm Quí Hợi (1683) được giao chức Hộ khoa cấp sự trung, năm Bính Dần (1686) chuyển sang chức Lễ khoa đô cấp sự trung[3]. Sau này, đến đời vua Lê Hiển Tông, ngày 01 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (1761), do có cháu nội là Nhữ Đình Toản làm quan to có công lao, Ông được ban sắc truy phong Công Bộ Thượng thư, tước Liên khê Bá.
    Ông giỏi thiên văn, địa lý, năm Nhâm Tuất (1682) có công trong việc xem đất đặt Vương phủ xây dựng Phủ môn chúa Trịnh. Ông có công xem đất, đặt văn chỉ làng Hoạch Trạch để nuôi dưỡng truyền thống hiếu học của quê hương. Cuối thế kỷ 17, Đình Bạch Mã (76, Hàng Buồm, Hà Nội) bị đổ nát, Ông có công khi đứng ra tổ chức xây dựng lại. Nhân dân đã lập ban thờ (Thờ Hậu) trong đình, hàng năm con cháu họ Nhữ làm lễ cúng giỗ TS Nhữ Tiến Dụng tại đình Bạch Mã vào ngày 20/6 (ÂL).
Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền (đời 8): sinh ngày 4 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1659), mất ngày 26 tháng 5 năm Bính Thân (1716). Ông là con trai thứ ba của tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Tên đi thi là Tiến Hiền, sau đổi sang Đình Hiền. Đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ Xuất thân khoa thi Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 5 (1680) triều vua Lê Hy Tông[4]. Ông làm quan trải nhiều chức thăng đến Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội thị Bồi tụng[5], Tham Tụng,  Hình Bộ Thượng Thư[6], Thọ nhạc Hầu. Đến đời Cảnh Hưng, do tử ấm, Ông được truy phong Lễ Bộ Thượng thư, Thái phó[7], Thọ Quận Công[8], Thượng Trụ quốc[9] Thượng trật. Nhữ Đình Hiền giỏi chính sự, xử kiện, xét đoán phân minh, cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và sử sách còn ghi lại nhiều vụ điều tra, xử án tài tình của Ông tiêu biểu như vụ “giả mộng tìm kẻ ác”, đương thời có câu ca: “Văn chương Lê Anh Tuấn[10]/ Chính sự Nhữ Đình Hiền”.
     Khi đi sứ năm 1697-1698 ông đã mang nghề lược tre từ Trung Quốc về truyền dạy dân làng. Ông được suy tôn là ông Tổ làng nghề lược tre Việt Nam. Hiện nay, một tuyến phố ở TP Hải Dương mang tên daanh nhân Nhữ Đình Hiền.
     Đình Nguyên, Bảng Nhãn Nhữ Trọng Thai (1696-?): Ông là cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, Con trai nho sinh Chiêu văn quán Nhữ Đình Thiện, cháu gọi tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền là chú ruột, hậu duệ đời thứ 9 của tiến sĩ Thuỷ tổ Nhữ Văn Lan. Đỗ đệ nhất giáp cập kệ, Đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa thi Quý Sửu, niên hiệu Long đức năm thứ 2 (1733) đời vua Lê Thuần Tông[11]. Ông là người đỗ cao nhất khoa thi này (đình nguyên). Làm quan đến Hiến sát sứ.
Hội nguyên, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (đời 9): Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả: “Ông tên huý là Ban, tự là Thượng Chân, hiệu là Thượng Phác, tên lúc đi thi là Đình Toản (sau chúa Trịnh yêu quý đổi sang Công Toản), biệt hiệu là Hoạch Đình Cư sĩ. Sinh giờ Hợi, ngày 6 tháng 4 năm Quý Mùi (1703), mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Tỵ (1773). Ông là con trai thứ 3 của tiến sĩ Thượng thư, Thái phó, Thọ quận công Nhữ Đình Hiền, cháu nội tiến sĩ Giới hiên công Nhữ Tiến Dụng, Anh em con chú con bác ruột bảng nhãn Hiến sát sứ Nhữ Trọng Thai, cha đẻ Hoàng Giáp Kế Trạch Hầu Nhữ Công Chấn”.
Nhữ Đình Toản đỗ Hội nguyên[12], Đồng tiến sĩ  khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông[13]Làm quan đến: Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu[14], Nhập nội[15] thị Tham tụng[16], Binh Bộ Thượng thư[17], Cải thụ[18] Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân[19], Đô đốc phủ Tả Đô đốc[20], Quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, tước Trung phái Hầu[21] khi về trí sĩ được cho dự vào hàng Quốc lão. Ông có nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế Tửu Quốc Tử Giám[22]. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản có nhiều cống hiến về chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự… cho đất nước đồng thời cũng có nhiều các đóng góp cho sự phát triển và văn hiến của quê hương Hoạch Trạch và Đường An được nhân dân các đời tại quê hương ghi nhớ và biết ơn.
    Ngày 20/12/2013, Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu đã tổ chức hội thảo khoa học: “Tế Tửu quốc Tử Giám – Con người và sự nghiệp”,khoảng 30 tham luận đã được các nhà khoa học trình bày tại hội nghị, nêu bật tài năng và đóng góp của Hội Nguyên, TS Nhữ Đình Toản trong tất cả các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự…
Nhữ Công Chấn (1751-1805): là con trai thứ 4 của Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền, chắt nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, hậu duệ đời thứ 10 của tiến sĩ Thuỷ Tổ Nhữ văn Lan. Đỗ Hoàng giáp, Thiếu tuấn khoa thi Đinh sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đời vua Lê Hiển Tông[23]. Làm quan triều Lê đến chức Lại Phiên[24], Hữu Thị Lang Bộ Lễ, sau có ra làm quan triều Tây Sơn – Quang Toản. Nhữ Công Chấn là một nhà thơ nổi tiếng, thơ văn của ông luôn có trong các sách khảo cứu thơ văn cổ - trung đại.
Quận Quế phu nhân Nhữ Thị Nhuận: Bà Nhữ Thị Nhuận, hiệu là Diệu Huệ, người làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Bà là con gái thứ hai của Thiềm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu nội Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Gia đình bà là một danh gia vọng tộc. Bà lấy chồng là Cử nhân Vũ Phương Đẩu người làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang), làng nổi tiếng với 36 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến. Thân phụ của bà là một một lương y có tài. Nối nghiệp cha, bà là người rất sành về việc chế biến và sử dụng quế để chữa bệnh.
Bia ghi công đức và gia phả còn ghi lại nhiều việc làm rất đáng trân trọng của bà cho quê hương. Đó là việc một lần bà được vua Lê Hiển Tông ban tiền, bạc để vào trấn Thanh Hoa tìm mua quế chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu. Tới nơi, thấy dân đói kém, bà đã đem bán vàng bạc của nhà vua để mua thóc phát chẩn cho dân. Hết tiền, việc được vua giao chưa làm, bà quay về quê nhà bán hết đồ đạc, tư trang để lấy tiền tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc dò tìm vất vả trong rừng sâu, đã thành công khi bà tìm được quế quý, với bài thuốc từ quế quý dâng lên mẹ vua, bệnh đau bụng kinh niên của bà được chữa khỏi.
Xứ Thanh Hoa vào cuối thế kỷ 18 gặp hạn hán mất mùa, dân trong vùng làm loạn, triều đình đã hai lần cử quan quân vào trấn dẹp vẫn không yên. Bà Nhuận đã khẩn khoản nhờ người anh họ là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đang là quan tham tụng, thượng thư khải với chúa cho bà vào dẹp. Khi bà vào đến nơi, dân chúng nhìn thấy cờ trướng mang tên hiệu NHỮ THỊ NHUẬN đã hô lớn: “Mẹ ta đã vào!”. Rồi bà đem gạo, vải phát cho người nghèo, kẻ du thủ du thực được bà khuyên điều hơn lẽ thiệt, cấp vốn và đưa về quê làm ăn, ai đã trót phạm lỗi lầm đều được tha bổng. Kết quả sau chuyến đi này, dân xứ ấy đã yên tâm bảo nhau làm ăn, trộm cướp không còn nữa.
Với công tìm thuốc chữa bệnh cho triều đình, công cứu giúp người nghèo được các quan lại vùng Thanh Hoa trình tấu và công thân chinh đi dẹp loạn, bà Nhữ Thị Nhuận được phong “Quế hộ Thượng Quận phu nhân” sánh ngang với các hoàng thân quốc thích.
Cũng vào thời điểm đó, mẹ vua nhà Thanh cũng mắc chứng nan y và quế của nước Đại Việt cũng được cống sang Bắc Quốc đã là vị thuốc chính đẩy lui bệnh trong người bà Hoàng Thái hậu. Nhớ công, vua Càn Long ban thưởng rất hậu, lại phong là “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng thượng Quận phu nhân”.
Đình làng Mộ Trạch - quê chồng bà, thờ Vũ Hồn là Thành hoàng đồng thời là Thần tổ của họ Vũ, bị đổ nát, năm 1757 bà xin với làng tự một mình đứng ra gánh vác việc xây dựng lại. Ngôi đình to đẹp vào bậc nhất tỉnh Hải Dương này sau một vài lần sửa chữa, toàn bộ kiến trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đình làm xong, bà lại cúng 200 quan tiền và 20 mẫu ruộng vua ban cho bà để lấy hoa lợi chi dùng cho việc cúng tế hàng năm. Do bà không có con trai, gia đình bà bên Hoạch Trạch lại thuộc hàng danh gia vọng tộc, nên dân tôn vinh bà là hậu thần, khi bà mất lập bia ghi công đức, lập ban thờ bà ở bên phải toà thiên hương phía trước hậu cung. Mộ của bà đặt gần mộ Thần tổ Vũ Hồn. Tấm lòng nhân hậu của bà Nhữ Thị Nhuận là một hiện tượng văn hoá đặc sắc của xứ Đông. Giỗ của bà vào ngày 30 tháng 7.
     Di tích và nơi thờ tự: Nhà thờ họ Nhữ Hoạch Trạch (tại thôn Sồi Tó, xã Thái Học) là công trình cổ, thờ các cụ Tổ họ Nhữ và TS Nhữ Đình Hiền – Ông tổ làng nghề lược tre VN được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Hàng năm tế tổ vào 10 tháng giêng (ÂL); Đền thờ Thánh làng Hoạch Trạch; Đình làng Mộ Trạch (Ban thờ bà Nhữ Thị Nhuận); Các nhà thờ dòng họ; Các lăng mộ.
    Tư liệu khảo cứu: Văn bia ghi danh tiến sĩ – Văn Miếu Quốc Tử Giám HN; Các sách: Đại Việt sử ký toàn Thư; Khâm định Việt Sử thông giám cương mục; Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả; 31 sắc phong triều Lê của nhà thờ họ Nhữ Hoạch Trạch; Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Tế Tửu Quốc Tử Giám Nhữ Đình Toản con người và sự nghiệp do Văn Miếu Quốc Tử Giám HN tổ chức. Sách “Bách Ty Thứ vụ”, “Trung quân liên vịnh tập”, Các văn bia và gia phả….

     Cùng với địa danh Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Tiên lãng, TP Hải Phòng, Huyện Đường An xưa, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương từ xa xưa đã là nơi quân cư của anh em gia tộc họ Nhữ. Những người họ Nhữ bằng tài năng và tâm huyết đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn hiến của quê hương.
    Hiện nay, huyện Bình giang và lân cận có 18 dòng (chi) họ Nhữ, đó là:
  • Họ Nhữ làng Sồi Cầu (Lôi Dương), xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương
  • Họ làng thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình giang, Hải Dương
  • Làng Nhữ Thị, x.Thái Hòa, h.Bình Giang, Hải Dương có 3 dòng họ Nhữ
  • Làng An Đông (Nhữ Đông), x.Thái Hòa, h.Bình Giang, Hải Dương có 3 dòng họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ thôn Quàn, xã Bình Xuyên, h.Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ Ngọc, làng Nhân Kiệt xã Hùng Thắng, huyện,Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng An Bình, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
  • Họ Phạm gốc họ Nhữ ở làng Hoàng Xá và làng Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
  • Họ Nhữ huyện Chí Linh, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương

1.5 Nhữ Bá Sỹ (1788 – 1867)
Nhữ Bá Sỹ là một danh sĩ đời Minh Mạng, ông là một chí sĩ yêu nước, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà thơ… Tự Nguyên Lập, hiệu Nghi Am, Đạm Trai, quê ở Cát xuyên, h. Hoằng Hoá, t. Thanh Hoá. Năm Tân Tị ông đỗ cử nhân, làm quan đến Lang trung rồi bị giáng chức, sau sung vào phái đoàn Lí Văn Phức đi công cán ở Phi Luật Tân và Quảng Đông trong năm 1833. Trở về, được khai phục. bổ làm Huấn đạo h. An Lạc, rồi quyền giữ chức Đốc học t. Sơn Tây. Ít lâu ông xin về hưu. Sau đó, triều đình 3 lần vời ông ra làm quan nhưng ông vẫn từ chối. Năm Giáp Dần 1854, ông được phong Hàn lâm trước tác và bổ làm Đốc học Thanh Hoá. Ông chỉ nhận chức một thời gian ngắn, ông lại dâng sớ xin về hưu dây học tại quê nhà.
     Năm 78 tuổi, ông còn di võng vào Nghệ An mưu việc chống Pháp với cái sĩ phu tỉnh bạn, việc chưa xong thì mất. Con cháu và học trò ông đều noi gương ông tham gia chống pháp.
    Nhữ Bá Sĩ là một thầy giáo có uy tín. Trường học của ông bên bờ sông Nghi, nên gọi là Nghi Am. ông soạn cuốn Nghi Am học thức nêu rõ điều lệ, thể thức thầy trò. Nhiều sách của ông có tính chất giáo khoa được học sinh sử dụng như Đạm Trai thi khoá,Vĩnh tự bát pháp (tám cách viết chân lấy chữ "vĩnh” mà phân tích). Ông rất tôn trọng học sinh. Sách Phi điều nguyên âmcủa ông có một số ý kiến về lí luận văn học. Ông cũng viết một số truyện kí lịch sử trong đó có Truyện Triệu Ẩu. Ông còn là tác giả tạp Việt sử tam bách vịnh gồm 308 bài thơ vịnh sử từ Hùng Vương đến sau này. Ông phê phán các tác giả Trung Quốc có tư tưởng nước lớn, coi thường văn hiến nước ta. Các em ông là Nhữ Đình Ôn, Nhữ Di Huyền và Nhữ Tri Thuật, cũng đều đỗ cử nhân, nổi danh văn học một thời.
    GS sử học Đinh Xuân Lâm trong sách “Việt Nam nhân vật lịch sử - văn hóa” nhận định Nhữ Bá Sỹ quê gốc tại Hoạch Trạch (Hải Dương).
    Năm Đinh Mão 1867 ông mất, thọ 80 tuổi. Hiện nay, một trường THCS tại Thanh Hóa mang tên ông.
Các tác phẩm của ông: Dịch hệ giai thuyết; Việt sư tam bách vịnh; Việt hành tạp thảo; Nghi âm biết lục; Đạm Trai quan nghi tập; Phi điểu nguyên âm; Đại học đồ thuyết; Thanh Hoá tích chí; ; Nghi âm học thức; Đạm Trai thi văn tập; Nghi Am hàn thương…
Di tích và nơi thờ tự: Lăng mộ ông tại quê nhà, ông được con cháu và dòng họ thờ cúng. 
Tư liệu khảo cứu: Các tác phẩm văn chương của Nhữ Bá Sỹ; Từ điển nhân vật lịch sử - văn hóa; Sách: Việt Nam các nhân vật lịch sử - văn hóa của GSĐinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quỳnh…

Thay cho lời kết (phần 1):
     Họ Nhữ là một trong trăm họ của dân tộc Việt Nam. Từ khởi đầu xây dựng nền độc lập, tự chủ, những người họ Nhữ như Cụ Nhữ Khâm, Nhữ Hoàng Đê bằng tài năng và nhiệt huyết đã có những đóng góp đáng kể, được nhân dân và vua Đinh ghi nhận. Các nhân vật lịch sử – văn hóa – khoa bảng thời xưa như Tiến sĩ, Thượng Thư Nhữ Văn Lan; Từ Thục phu nhân Nhữ Thị Thục thân mẫu của Trạng Trình; TS Nhữ Mậu Tổ; TS Thượng Thư Nhữ Công Tung; TS, Thượng Thư Nhữ Tiến Dụng; TS Thượng Thư, Tham Tụng Nhữ Đình Hiền; Bảng nhãn Nhữ Trọng Thai; Hội Nguyên, TS, Thượng Thư, Tham Tụng, Tả Đô đốc, Quốc lão Nhữ Đình Toản; Hoàng Giáp Nhữ Công Chấn; Quận quê phu nhân Nhữ Thị Nhuận; Danh sĩ, cử nhân, nhà văn hóa Nhữ Bá Sỹ v.v… và ở thế kỷ 20 như: Bác sĩ Nhữ Thế Bảo - Cục Bảo vệ sức khoẻ trung ương, Ủy viên thường trực Hội đồng bác sĩ trung ương, đặc trách chăm sóc sức khỏe của các vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng…; nghệ sĩ ưu tú Nhữ Đình Nguyên – Chuyên hóa trang vai Bác Hồ, các GS, TS, các nhà khoa học, các Bà mẹ việt Nam anh hùng, các chiến sĩ anh dũng quả cảm, nhiều người đã hy sinh vì đọc lập dân tộc, các cán bộ cao cấp trung ương và địa phương v.v… là những tấm gương tiêu biểu người họ Nhữ. Những đóng góp về chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, khoa bảng, thi ca, của các danh nhân họ Nhữ được sử sách và người dân ghi nhận. Đó là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ họ Nhữ noi theo.
      Đồng hành cùng các thăng trầm của lịch sử dân tộc, những người anh em trong gia tộc họ Nhữ luôn đoàn kết, sinh sống hòa thuận giữa những người trong gia tộc và với các họ bạn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các tư liệu cổ đã chứng minh có ba trung tâm thời xưa và nay vẫn là nơi quần cư của những người anh em gia tộc họ Nhữ đó là: Thanh Liêm – Hà Nam, Tiên Lãng – Hải Phòng, Bình Giang – Hải Dương.


PHẦN 2: KHẢO SÁT CÁC CHI (DÒNG) HỌ NHỮ HIỆN NAY VÀ BƯỚC ĐẦU TRUY CỨU CÁC MỐI LIÊN KẾT.
Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành đều có anh em gia tộc họ Nhữ sinh sống 
(chi tiết về Cụ Tổ, nguồn gốc, trưởng họ… xem bảng tổng hợp):  
Tóm tắt:
Tỉnh Hà Nam: 7 dòng (chi) họ Nhữ
  • Làng Thanh Khê, xã Thanh Hải, Thanh Liêm có 02 dòng họ Nhữ:
  • Họ Nhữ làng Hiếu Hạ, xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam.
  • Làng Nham Kênh, xã Thanh Nghị có 03 dòng họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Kênh, xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam.
HẢI PHÒNG: 3 dòng (chi) họ Nhữ
  • Họ Nhữ ở làng Nam Tử, xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng.
  • Họ Nhữ làng Mỹ Khê, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. 
  • Họ Nguyễn gốc họ Nhữ ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
HẢI DƯƠNG: 18 dòng (chi) họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Sồi Cầu (Lôi Dương), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
  • Họ làng thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình giang, Hải Dương
  • Làng Nhữ Thị, x.Thái Hòa, h.Bình Giang, Hải Dương có 3 dòng họ Nhữ
  • Làng An Đông (Nhữ Đông), x.Thái Hòa, h.Bình Giang, Hải Dương có 3 dòng họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Như, xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ thôn Quàn, xã Bình Xuyên, h.Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ Ngọc, làng Nhân Kiệt xã Hùng Thắng, huyện,Bình Giang, Hải Dương
  • Họ Nhữ thôn An Lâu, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng An Bình, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
  • Họ Phạm gốc họ Nhữ ở làng Hoàng Xá và làng Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
  • Họ Nhữ huyện Chí Linh, Hải Dương
  • Họ Nhữ làng Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương
HÀ NỘI: 4 dòng (chi) họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Tê Quả, làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội
  • Họ Nhữ làng Bối Khê (Song Khê), xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội
  • Họ Nhữ làng Nội Lưu, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội
  • Họ Nhữ làng Mậu Hòa, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội
THANH HOÁ: 6 dòng (chi) họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Ba Đình, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa:
  • Họ Nhữ Quang làng Ba Đình, xã Hoằng Cát, h.Hoằng Hoá, Thanh Hoá
  • Họ NHỮ ở làng Ba Đình, xã Hoằng cát, h.Hoằng hóa, Thanh hóa
  • Họ Nhữ thôn Tào Trụ, xã Hoàng Lý, h.Hoằng Hoá, Thanh Hóa
  • Họ Nhữ làng Đồng Vinh, xã Đồng Tiến, h.Triệu Sơn, Thanh Hóa
  • Họ Nhữ xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa
HƯNG YÊN: 5 dòng (chi) họ Nhữ
  • Họ Nhữ làng Tiên Kiều, xã Bãi Sậy, h.Ân Thi, Hưng Yên
  • Họ Nhữ làng Tiên Kiều, xã Bãi Sậy, h.Ân Thi, Hưng Yên
  • Họ Nhữ thôn An Khải, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên
  • Họ Nhữ làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, Hưng Yên
  • Họ Nhữ làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, Hưng Yên
NAM ĐỊNH: Họ Nhữ làng Bình Lương, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
NGHỆ AN: Họ nhữ xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
NINH BÌNH: Họ Nhữ ở Đồi Chùa, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, Ninh Bình
BÌNH ĐỊNH: Họ Nhữ làng Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
TUYÊN QUANG: Họ Nhữ xóm 6, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang
ĐỒNG NAI: Họ Nhữ các nơi cư trú tại Đồng Nai.
BẮC NINH: Họ Nhữ làng Lai Nguyễn, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh
BÌNH PHƯỚC: Gốc ở Yên Thọ, Ý Yên, Nam Định đi kinh tế mới. Khoảng 30 gia đình.
LONG AN: Họ Nhữ ở Thị Trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Long An:
ĐẮK-LẮK: Cộng đồng họ Nhữ tại Eatyh-Eakar-Đaklak gồm gần 100 hộ. Nguồn gốc chủ yếu từ 2 làng Nhữ Thị và An Đông thuộc xã Thái Hòa, Bình Giang, Hải Dương di cư vào từ năm 1987 theo chương trình kinh tế mới.
LÂM ĐỒNG: Họ Nhữ thôn 1, Xã Madaguoi, Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng:
Họ Nhữ Việt Yên, Bắc Giang.
GIA LAI: Họ Nhữ An khê - Gia Lai.


[1]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và Bài ký đề tên tiến sĩ trên bia tiến sĩ Khoa thi Giáp Thìn 1664 – Bia số 43, bản dịch Đỗ Văn Ninh.
[2]Giám sát Ngự sử: chức quan thuộc Ngự sử đài tại địa phương, trật Chánh thất phẩm.
[3]Lễ khoa Đô cấp sự trung: trưởng quan của Khoa Lễ, nhà Lê lập ra 6 Khoa để giám sát 6 bộ, Đô Cấp sự trung trật Chánh thất phẩm.
[4]. Theo Hoạch Trạch Nhữ tộc phả và Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Canh Thân 1680, bia tiến sĩ số 48, Văn miếu – QTG HN, bản dịch của Đỗ Văn Ninh.
[5]Bồi tụng: quan đại thần đứng thứ hai trong phủ đuờng chúa Trịnh, sau Tham tụng.
[6]Thượng thư: quan đứng đầu các bộ.
[7]Thái phó: một trong ba chức quan đứng đầu triều là Thái sư, Thái phó, Thái bảo hợp thành Tam Thái, trật Chánh nhất phẩm.
[8]Thọ quận công: tước Công do vua phong, có các tước như: Công, Hầu, Bá… 
[9]Thượng Trụ quốc: cấp bậc phong cho các quan trật Chánh nhất phẩm.
[10].  Lê Anh Tuấn: đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694), quê Mai Trai, Vặn Thắng, Ba Vì, Hà Nội. Làm quan đến Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ.
[11]. Theo Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1733), Bia tiến sĩ số 66, Văn Miếu – QTG Hà Nội. Bản dịch Đỗ Văn Ninh.
[12]Hội nguyên: đỗ đầu kỳ thi Hội trong khoa thi Nho học thời phong kiến.
[13]. Theo “Bài ký đề tên tiến sỹ khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2” (bia tiến sĩ số 67) -  sách Văn bia QTG Hà Nội, NXB Văn hoá - Thông tin năm 2000, biên soạn Đỗ Văn Ninh.
[14]Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu: là hàm tản quan, vinh danh cho quan văn Chánh nhất phẩm.
[15]Nhập nội: Từ thêm cho các đại thần thân tín.
[16]Tham tụng: chức quan đứng đầu Phủ hiệu trong Phủ đường Chúa Trịnh. Thời Quang Hưng, khi xưng vương, Trịnh Tùng bỏ chức Bình chương, đặt ra chức Tham tụng nắm quyền Tể tướng.
[17]Binh Bộ Thượng thư: trưởng quan Bộ Binh.
[18]Cải thụ: chuyển đổi, đổi sang (trường hợp này TS Nhữ Đình Toản đổi từ quan văn sang quan võ).
[19]Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân: vinh hàm phong cho quan võ Chánh nhất phẩm.
[20]Đô đốc phủ Tả đô đốc: Theo quan chế nhà Lê từ năm 1471 đặt 5 phủ Đô đốc (gồm Trung, Đông, Tay, Nam, Bắc), quan đứng đầu mỗi phủ có Tả đô đốc, Hữu đô đốc trật Tòng nhất phẩm.
[21]. Toàn bộ các chức, tước của tiến sĩ Nhữ Đình Toản trong đoạn này là theo “Bài ký đề danh tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772)” - Bia tiến sĩ số 79, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (bản dịch của Đỗ Văn Ninh).
[22]Tế tửu Quốc Tử Giám: Người đứng đầu Quốc Tử Giám, thời Lê trật Tòng tứ phẩm.
[23]. Theo Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu (1772), Bia tiến sĩ số 79, Văn miếu – QTG Hà Nội, bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
[24]Lại phiên: một trong sáu Phiên trong phủ đường chúa Trịnh, tương ứng với sáu Bộ bên cung Vua.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn