Hai ví dụ về lễ Phật chưa chuẩn lắm:
Chùa Thánh Thọ (làng Vạc, xã Thái Học, h. Bình Giang, t. Hải Dương). T/g ảnh: Đình Văn
(1) Năm 2001, công tác tại phía Nam, tôi với một người bạn vào vãng cảnh chùa và lễ Phật tại ngôi chùa Nam Tông. Người bạn theo thói quen (cũng là chưa tỏ về đạo Phật) cứ chốc chốc lại niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thấy vậy tôi tham gia với anh: Phái Nam Tông giáo lý, kinh... không đề cập đến Phật A Di Đà, chùa không có tượng Phật A Di Đà, không niệm "A Di Đà Phật".
(2) Năm 2017, đi cùng câu lạc bộ ký họa “về miền Kinh Bắc”, kết hợp tham quan và lễ Phật tại nhiều chùa như: Bút Tháp, Chùa Na, Chùa Bổ Đà (BG)… thấy một số người đứng trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nhưng lại niệm: Nam mô A Di Đà Phật - không có gì sai về câu niệm trên, nhưng niệm danh vị Bồ Tát Quán Thế Âm thì vẫn hơn.
Dẫn ra hai ví dụ trên để muốn nói rằng: Nhiều người đi chùa, lễ Chư Phật, Bồ Tát chưa chuẩn lắm.
VẬY THÌ LỄ SAO CHO CHUẨN ?
Nhiều phật tử hành lễ dâng hương lại không biết mình đang đứng vái lạy, cầu xin trước chư Phật (Phật và Bồ Tát) nào? Và lời cầu xin ấy có đúng sở nguyện của chư Phật đó khi đắc đạo, để lời cầu xin ấy được toại nguyện.
Chùa Bắc Tông, đặc biệt là các chùa phái Tịnh độ trong chùa rất nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát, lại kết hợp tín ngưỡng bản địa nên còn có các ban thờ khác với nhiều tượng khác như: thờ Mẫu, thờ Ngọc Hoàng, thờ Tổ… (sẽ chia sẻ chi tiết tại bài viết khác). Do vậy cũng nên cần phân biệt các ban, các tượng để hành lễ cho chuẩn.
1. Chùa Nam Tông: Chỉ tôn thờ Phật Thích Ca và đặt tượng ngài, không có vị Phật nào khác. Việc vái lạy câu tụng phổ biến là: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Phật giáo Nam Tông là Phật giáo nguyên thủy, miều Nam và miền Trung có nhiều chùa Nam Tông, miền Bắc cũng có nhưng không nhiều.
2. Chùa Bắc Tông (phái Tịnh độ): Theo giáo lý và đức tin Tịnh độ, có một vị Phật A Di Đà là Giáo Chủ cõi Tây phương cực lạc, do vậy câu tụng "Nam Mô A Di Đà Phật" (Kính lễ đấng Giác ngộ vô lượng) được dùng phổ biến khi vào chùa Bắc tông. Có thể tụng "Nam mô A Di Đà Phật" hay "Nam mô Phật A Di Đà" ở mọi nơi, mọi lúc.
Tuy nhiên, trong chùa còn nhiều tượng các chư Phật, Bồ Tát khác. Hành lễ (đứng/quì) trước mặt một vị Phật hay Bồ tát nào đó, thì nên tụng danh/tên Ngài, cầu xin những điều thuộc sở nguyện của Ngài đó khi đắc đạo thì hay hơn, chuẩn hơn. Hành lễ đang đề cập gần giống với ví dụ này: Có hai ông thầy: Thầy A dạy Toán, Thầy B dạy sử. Một học trò đến trước mặt thầy A (dạy toán) lại nói: Kính thưa thầy B, con xin thầy chỉ giáo về lịch sử cận đại VN… Tất nhiên là thầy A sẽ mỉm cười nói: Thầy tên là A, không phải tên là B, sử không phải sở trường của thầy, tuy nhiên thầy cũng sẽ giải đáp giúp con trong phạm vi hiểu biết của minh…
PHẬT A DI ĐÀ:
PHẬT THÍCH CA MÂU NI:
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
(Còn nữa: bài sau viết tiếp phần Đại Thế Chí, Phật Di Lặc, Phổ Hiền, Đức Ông…)
Tượng Phật A Di Đà
Danh hiệu: Có hai danh hiệu Vô lượng thọ Phật và Vô lượng quang Phật là hiện thân đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang, nên quang của Đức Phật chiếu tới các cõi thập phương. Phật A Di Đà là Giáo Chủ cõi Tây phương cực lạc, là một vị Phật trong truyền thuyết.
Nhận diện tượng thờ: Tượng Phật A Di Đà ở giữa điện Tam Bảo, thường là tượng to nhất, ở giữa hàng thứ hai từ trên xuống, gọi là hàng Tam Thánh (hàng trên cùng là bộ tượng Tam Thế Phật). Tượng đầu có các cụm tóc xoắn ốc, áo cà sa để trễ, HỞ KHOANG NGỰC CÓ CHỮ VẠN, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông, cứu độ. Tạc ngồi hoặc đứng trên tòa sen… Tượng Phật A Di Đà hầu như chỉ đặt trong điện thờ Tam Bảo, ở Việt Nam, gần như không có tượng Phật A Di Đà đặt riêng lẻ ngoài trời.
Câu tụng niệm phổ biến: Nam Mô A Di Đà Phật...
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
Danh hiệu: Là Sư Tổ - sáng lập Đạo Phật. Ngài là một vị Nhân Phật, vốn là Thái Tử nước Phạm, xuất gia đi tu, giác ngộ thành Phật – khoảng những năm 500 trước công nguyên (tức cách đây 2500 năm).
Nhận diện tượng thờ: Tượng Phật Thích Ca trong điện Tam Bảo thường ở giữa của hàng thứ ba từ trên xuống, ở phía trước của tượng A Di Đà. Tượng tạc tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh. Hai tay dài và dày, mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông vức, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tượng Phật Thích Ca thường được tạc theo thế ngự trên đài sen, hai tay để ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư.
Câu tụng niệm phổ biến: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật...
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát
Danh hiệu: Là vị Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa. Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ nạn, cứu nạn. Đây là vị Chư Phật trong truyền thuyết, được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn thân nữ.
Nhận diện tượng thờ: Có mấy chục hóa thân khác nhau của Ngài. Một số Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được thờ tại các chùa như: Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt (Thiên thủ, thiên nhãn), Quan Âm Chuẩn Đề (Tượng có ba mặt và 18 tay), Quan Âm Tống Tử (Quan Âm ngồi bế đứa bé, một bên có Thiện Sĩ - biểu trưng bằng hình con vẹt), Quan Âm Tọa Sơn (Quan Âm ngồi trên đỉnh núi), Phật Bà (Quan Âm đội mũ, ngồi toà sen)… Tượng thờ Quán Thế Âm tại các ngôi chùa Việt Nam thường tạc là phụ nữ quý phái, nhân hậu, dịu dàng, đứng trên đài hoa sen tay trái cầm bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu để phổ độ chung sinh.
Trên điện Tam Bảo: Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thuộc nhóm tượng Tam Thánh, vị trí hàng thứ 2 từ trên xuống, Tượng Quán Thế Âm ngồi, hoặc đứng bên trái của Tượng Phật A Di Đà. Tượng Quán Thế Âm được tạc nhiều theo thế đừng và được thờ ở nhiều nơi khác nhau ngoài trời.
Câu tụng niệm: Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ, cứu nạn...
Nhữ Đình Văn