Bình luận vui nhân xem ảnh 11 văn nghệ sĩ chống Pháp


Toàn các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Lai rai, phiếm luận vài dòng về các ông: 

1.      Học Phi: Theo chính ông kể, ngày trẻ ông được giao chuyên đi ve gái tư sản, cặp với các “mợ” giầu có để moi tiền cho tổ chức. có thời gian ông phải “ăn nằm” hàng tháng với một “mợ” có bầu, “mợ” ấy mê quá không cho đi, sau phải trèo cửa sổ tầng 2 trốn ra. Thời phổ thông rất mê các vở kích của ông phát trên đài, như: Ni cô Đàm Vân, Cô hàng rau… ông viết nhiều tiểu thuyết vậy mà mình chưa đọc cuốn nào cả. Ông là một nhà văn tài năng và đáng kính.

2.      Hoàng Trung Thông: Ông là nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” của nhà văn Võ Văn Trực, nhân vật được mô tả là một: “Cán bộ văn nghệ cấp trung đoàn”, thế mà tổ chức đưa ông về làm: Viện trưởng viện văn hiến. Cái thời chỉ cần hồng, không cần chuyên. Hoàng Trung Thông là tác giả câu thơ hay “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, bài thơ “Anh chủ nhiệm” của ông, hồi trẻ học sinh ai cũng học cả và tốn nhiều giấy bút để bình bài thơ này. Nhà thơ Xuân Sách có thơ chân dung về ông:
  “Đường chúng ta đi trong gió lửa
   Còn mơ chi tới những cánh buồm
   Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất
   Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm”

3.      Ông Tô Hoài: Tinh quái, lọc lõi và có phần cơ hội chủ nghĩa - nhưng được ông giải thích là do ông sống theo chữ “NHÀN”. Sách của Tô Hoài dễ đọc, ông viết nhiều, nhiều tư liệu hay, quý được ông đưa vào tác phẩm. Mình đọc nhiều tác phẩm của ông từ hồi trẻ và cả bây giơ như: Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Dế mèn…, Chiều Chiều, Chân dung nhà văn, Ba người khác, Giữ gìn Hà Nội 36 phố phường, Chuyện cũ Hà Nội…
Bài viết dài lê thê: “Tô Hoài – nhìn từ một khoảng cách gần” của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đọc hay, trung thực về chân dung Tô Hoài.
Theo nhà phê bình văn học GS.TS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh thì Tô Hoài tham gia đủ cả 05 đợt cải cách ruộng đất với vai đội phó đội cải cách, vị trí này luôn kiêm Chánh án “Toà án nhân” xét xử các địa chủ, trung nông, Quốc dân đảng. Hủ hoá giữa “ông đội” và các “xâu”, “rễ” xảy ra phổ biến, cũng theo GS Nguyễn Đăng Mạnh, trong buổi vui chuyện, ông có hỏi: hồi CCRĐ, anh có hủ hoá không. Tô Hoài trả lời: “ờ, ờ... có có...”
Nhà thơ Xuân Sách có thơ chân dung phiếm luận về ông: 
 Dế mèn lưu lạc mười năm
 Để O Chuột phải ôm cầm thuyền ai
Miền tây sen đã tàn phai
Trăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang.”

4.      Nguyễn Đình Thi: Một số bài thơ của ông như bài "Đất nước", hay bài hát "Người Hà Nội", "Diệt phát xít" trở thành bất hủ. Đa tài, nhưng cơ hội, không dám dấn thân, chăm vun vén cá nhân. Thơ không vần - thể thơ diễn tả được chiều sâu những xúc cảm - là một đam mê của ông, nhưng vì một lãnh đạo văn nghệ không thích thể loại này, nên ông không dám xuất bản, phải tự sửa đưa vần vào… Ông có tham vọng trở thành nhà văn lớn, mà nhà văn lớn thì phải là một tiểu thuyết gia, ông lao vào viết tiểu tuyết “Vỡ bờ” với ý định sẽ là một “Chiến tranh và hòa bình” của Việt Nam. Nhưng tài năng có hạn, ông viết được tập 1, sang tập 2 đuối không ra gì nữa… Xuân Sách khắc họa chân dung ông:
Xung kích tràn lên nước vỡ bờ
Đã vào lửa đỏ hãy còn mơ
Bay chi mặt trận trên cao ấy
Quên chú nai đen vẫn đứng chờ.”

5.      Chế Lan Viên: Thông minh, sắc sảo, một tài năng thi ca lớn của Việt Nam. Mới mười mấy tuổi đã có tập thơ "Điêu tàn". Tôi thích đọc thơ Chế Lan Viên. Sau này, khi ông mất, tập thơ “Di cảo” của ông càng thể hiện ông là một người đáng trọng, dù cuộc sống không tránh khỏi những lúc bon chen, điển hình là chuyện lùm xùm quanh “Bản đề dẫn” do Nguyên Ngọc chủ trì soạn trước đại hội nhà văn thời đổi mới.
Bài “Trừ đi” trong tập Di Cảo:
“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
 Có phải tôi viết đâu? Một nửa 
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi! 
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười, 
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ, 
Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết 
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ 
Và giết luôn mặt trời trên biển, 
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể 
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế 
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình. 
Và thơ này rơi đến tay anh 
Anh bảo đấy là tôi? 
Không phải! 
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi! 
Ðã giết đi bao nhiêu cái 
Có khi không có tội như mình!”
 Xuân Sách khắc họa chân dung Chế Lan Viên:
“Điêu tàn ư? Đâu chỉ có điêu tàn
Ta nghĩ tới vàng son từ thuở ấy
Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy
Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa
Thay đổi cả cơn mơ, ai dám bảo con tầu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tầu, ta cũng uống
Mặt anh em trong suối cạn
Hội nhà văn”

6.      Kim Lân: Trọng tài năng và nhân cách của Kim Lân. Những truyện ngắn trong tập “Vợ nhặt” của Kim Lân hay, sâu sắc. Sau này, ông đóng phim cũng rất hay, vai Lão Hạc ông thể hiện quá xuất sắc: Chân dung ông qua ngòi bút thi ca của Xuân Sách:
“Nên danh nên giá ở làng
Chết về ông lão bên hàng xóm kia
Làm thân con chó xá gì
Phận đành xấu xí cũng vì miếng ăn.”

7.      Nguyên Hồng: Một tài năng văn học và một nhân cách sống rất đáng trân trọng. Đọc tiểu thuyết “Bỉ vỏ” và các trang viết về ông của Nguyễn Ngọc Tấn, Phùng Quán, Vũ Thư Hiên… thấy ông là người rất đáng kính trọng, cuộc đời trọng nghĩa, sống và viết trung thực với tâm… dẫn đến khổ ải cho bản thân và gia đình. Do không thích sự bon chen, hèn hạ, chà đạp lên giá trị văn học đích thực… ông bỏ Hà Nội, đưa cả gia đình lên căn cứ kháng chiến cũa của văn nghệ thời chống Pháp ở. Thơ chân dung Nguyên Hồng của Xuân Sách:
“Bỉ vỏ một thời oanh liệt nhỉ
Sóng gầm sông Lấp mấy ai hay
Cơn bão đến động rừng Yên thế
Con hổ già uống rượu giả vờ say”

8.      Nguyễn Huy Tưởng:
Thơ chân dung Nguyễn Huy Tưởng của Xuân Sách:
“Anh chẳng còn sống mãi
Với thủ đô luỹ hoa
Để những người ở lại
Bốn năm sau khóc oà.”

9.      Nam Cao: Theo tôi, Nam cao là người viết truyện ngắn hay nhất từ trước đến nay và cả ít nhất một đôi chục năm sau nữa ở Việt Nam. Qua tác phẩm của ông, ta hoàn toàn đưa ra được đánh giá về con người ông, sâu sắc và nhân bản. Ông hy sinh ngay từ thời chống Pháp. Có người sống gần Nam Cao nói: Nếu ông còn sống đến thời kỳ “nhân văn”, “giai phẩm”, kiểu gì ông cũng "dính", qua đó thấy Nam Cao là người có tâm, có tầm. Thơ chân Nam cao của Xuân Sách:
“Anh còn đôi mắt ngây thơ
Sống mòn sao vẫn đợi chờ tương lai
Thương cho Thị Nở ngày nay
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo.”

10. Nguyễn Xuân Sanh
Thơ chân dung Nguyễn Xuân Sanh của Xuân Sách:
“Xưa thơ anh viết không người hiểu
“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”
Nay anh chưa viết người đã hiểu
Sắp sáng thì nghe có tiếng gà.”
Nhữ Đình Văn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn