Những giá trị lịch sử - văn hóa – giáo dục – tâm linh của Nhà thờ họ Nhữ xã Thái Học

    Nhà thờ họ Nhữ xã Thái học đã có lịch sử trên 300 năm, là nơi thờ các thế hệ cụ tổ họ Nhữ, nhiều người là các nhà khoa bảng nổi danh, tiêu biểu như Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền – Ông tổ làng nghề lược tre Việt Nam. Năm 1993, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Dưới góc độ khảo cứu, tôi có một số phân tích với mong muốn làm sáng tỏ thêm các giá trị về lịch sử - văn hóa – giáo dục – tâm linh của di tích nhà thờ cổ này.

1. Về gốc gác địa danh nhà thờ họ Nhữ xã Thái Học: Theo gia phả, nhà thờ họ Nhữ vốn trước đó là tư dinh của Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền (1659-1716), đỗ tiến sĩ năm 1680. Ông làm quan đến Ngự sử đài, Thượng thư Bộ hình, thăng đến Tham tụng – tức nắm quyền tể tướng triều đình. Ông nổi tiếng xử án giỏi. Theo Việt sử thông giám cương mục Ông đã hoàn thành xuất sắc chuyến công cán ngoại giao khi năm 1697 được cử là phó đoàn cùng với trưởng đoàn là Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (đỗ trạng năm 1683) đi sứ sang Trung Quốc để nộp lễ tuế cống, nhân tiện tâu bày cả việc biên giới, đòi lại mấy động có mỏ đồng, mỏ thiếc đã bị chiếm từ lâu, thuộc Tuyên Quang, Hưng Hóa. Theo lưu truyền, nhân đợt đi sứ này, ông đã mang nghề lược tre về cho dân làng. Tiến sĩ Trần Tiến thời Lê – Trịnh trong sách “Đăng khoa lục sưu giảng” đã ghi lại câu ca đương thời ca ngợi ông: “Văn chương Lê Anh Tuấn / Chính sự Nhữ Đình Hiền”. Tức Văn chương giỏi như Lê Anh Tuấn, Chính sự giỏi như Nhữ Đình Hiền. Lê Anh Tuấn quê Ba vì, Hà Nội đỗ tiến sĩ năm 1694, làm quan cùng thời với ông.
Vậy là: Vị trí Nhà thờ họ Nhữ xã Thái Học vốn là đất hương hỏa, ghi đậm dấu tích là nơi sinh sống những năm tháng cuối đời của một vị khoa bảng, một ông Tổ làng nghề, một vị quan lớn tài năng, có nhiều công lao với triều đình và quê hương.

2. Về tạo lập và đặt tên: Tiến sĩ Nhữ Đình Toản là người tạo lập và đặt tên chữ cho nhà thờ họ Nhữ xã Thái học. Theo gia phả và sử sách, Hội nguyên, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản đã tu sửa tư dinh của cha mình để lại thành ngôi từ đường của dòng họ, rước tượng ông bà nội là Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng đang được thờ hậu tại chùa Nội, xã Phạm Lâm về thờ và đặt tên chữ là "思 孝 堂 Tư Hiếu Đường: chữ Tư 思 mà TS Nhữ Đình Toản đặt có chữ Điền ở trên và chữ Tâm ở dưới, nghĩa là nhớ nhung, tâm tư; Hiếu 孝 là đạo hiếu. “Tư Hiếu Đường” nghĩa là: Tưởng nhớ tri ân, phụng thờ báo hiếu.
Nhữ Đình Toản (1703-1773) là con trai tiến sĩ Nhữ Đình Hiền. Ông đỗ tiến sĩ năm 1736, làm quan đến Thượng thư bộ binh, Tham tụng, cải sang ngạch võ làm đến Đô đốc phủ, Tả đô đốc, Quyền phủ sự đồng dự chính vụ, Quốc lão. Ông được giới sử học xưa và nay đánh giá là một vị quan văn võ song toàn của thời Lê – Trịnh. Có công biên soạn sách “Bách ty thứ vụ” quy định chức trách nhiệm vụ của các quan trong triều, ngoài trấn. Khi triều đình ban hành đã mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước, được coi như một cuộc cải cách hành chính lớn thời bấy giờ.
Về thi cử, giáo dục: Ông nhiều năm kiêm nhiệm chức Tế tử quốc tử giám, quản lý việc giáo dục cấp triều đình. Ông là tác giả soạn 02 văn bia ghi danh tiến sĩ  tại Văn Miếu Hà Nội (khoa thi năm 1752 và khoa thi 1757) và là tác giả sửa (nhuận) văn bia khoa thi năm 1772. Nhà sử học Phan Huy Chú trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch Triều hiến chương loại chí” viết: (năm 1751) “Ông lại cho văn chương đời ấy thường chuộng rườm rỡ, vụn vặt, dần dần mất cả thuần hậu. Ông xin với chúa xuống chỉ dụ khôi phục lại theo như thể văn đời Hồng Đức, thi Hương, thi Hội đều dùng lối văn bình dị, bỏ lối viết vụn vặt. Từ đấy lối văn thi cứ mới thay đổi hết, những người học thức ai cũng khen”.
Với quê hương: TS Nhữ Đình Toản  quan tâm xây dựng truyền thống văn hiến, hiếu học, tôn vinh các bậc tiền hiền, bồi đắp vượng khí của quê hương. Sử sách, văn bia và gia phả đã ghi: Ông đã có công tu sửa hai tòa văn chỉ huyện Đường An ở làng Sồi và hiến 16 mẫu ruộng làm tự điền. Khi mở tư dinh tại thôn Như (Dinh Như), gặp lúc binh lửa, nhân dân lưu tán, ông thân đứng ra chiêu tập mọi người, khai khẩn đất hoang hóa… đến nay dân vẫn còn nhớ”. Vì vậy nhiều người cháu nội của tiến sỹ Nhữ Đình Toản đã trở thành những ông tổ khai nghiệp, lập ấp, mở làng, đó là các làng: Làng Lọ (An Lâu), Dinh Như, làng Quàn v.v… Ông đã “sửa sang đình, chùa, miếu, cấp cho ba thôn ở xã Đình Tổ (Tó, Như, Quàn) mỗi thôn 2 mẫu ruộng đa trạch…”. Ông cũng quan tâm giúp đỡ phường nghề Diên lộc (làm lược). Chính vì thế, trước đây vào các ngày tế lễ hàng năm, ghi nhớ công ơn, các làng Vạc, Như, Quàn, phường Diên Lộc… đều mang lễ đến dâng hương.
Vậy là: Nhà thờ họ Nhữ xã Thái Học là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc sắc của dòng họ và của quê hương, vì được chính vị Tiến sĩ – Tế tửu Quốc Tử Giám, một danh thần Nhữ Đình Toản, có nhiều công trạng với triều đình với quê hương tạo lập và đặt tên.

3. Nhà thờ họ Nhữ là nơi thờ tự linh thiêng, nơi nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa của dòng họ, của quê hương xã Thái Học:
Với lịch sử trên 300 năm, nhà thờ là nơi thờ các bậc tổ tiên họ Nhữ, trong đó có 06 vị là tiến sĩ nho học, đặc biệt là thành tựu: Bốn đời liên tiếp có năm người đỗ đại khoa, đó là:
- Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, đỗ năm 1463 (quê An Tử Hạ, Hải Phòng) – Cụ Thủy Tổ
- Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, đỗ năm 1664 – Người có công lập văn miếu (văn chỉ) làng Hoạch Trạch, đến thời Nguyễn được chuyển thành Văn miếu huyện Đường An.
- Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền, đỗ năm 1680 – Ông Tổ làng nghề lược tre Việt Nam
- Bãng nhãn Nhữ Trọng Thai, đỗ năm 1733
- Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, đỗ năm 1736
- Hoàng giáp Nhữ Công Chấn, đỗ năm 1772
    Xã Thái học ta có 11 người đỗ tiến sĩ nho học. Làng Vạc, ngoài 5 vị họ Nhữ, còn có các nhà khoa bảng nổi danh khác, đó là Hoàng giáp Vũ Tụ, đỗ năm 1493 đời vua Lê Thánh Tông. Tiến sĩ Trần Vỹ, đỗ năm 1604. Làng Sồi có 02 anh em ruột đều đỗ Hoàng giáp đời vua Lê Thánh Tông, đó là Phạm Lỗ đỗ năm 1463, Phạm Xán đỗ năm 1475. Làng Tó có 02 người đỗ tiến sĩ là Vũ Đăng đỗ năm 1577 triều Mạc, Vũ Công Phụ đỗ năm 1583 triều Mạc.
    Vậy là: Nhà thờ họ Nhữ xã Thái học, là nơi thờ 05/11 vị tiến sĩ nho học xã Thái học, một nơi thờ tự linh thiêng, có thể nói là nổi bật nhất của xã Thái Học và lân cận, khi mà liên tục hơn 300 năm qua, hàng năm đều đặn diễn ra các sự kiện tế, lễ, vinh danh công trạng các vị khoa bảng và các buổi sinh hoạt, nói chuyện về truyền thống khoa bảng, hiếu học, hiếu nghĩa… Nhà thờ trở thành trung tâm nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, truyền thông văn hiến của quê hương.

4. Giá trị về văn hóa vật thể: Nhà thờ họ Nhữ đặc biệt ba gian hậu cung là một công trình kiến trúc cổ. Trong nhà thờ có tượng thờ cổ, các đại tự, hoành phi câu đối có giá trị về nội dung và hiện vật. Nhà thờ cũng còn lưu giữ được 31 sắc phong cổ từ triều Lê, triều Tây Sơn và các cuốn gia phả cổ, cuốn chép lại sắc phong từ thời vua Tự Đức v.v… đó là các giá trị vật thể rất có giá trị cho hậu thế.

Thay cho lời kết:
    Nhà thờ họ Nhữ xã Thái Học đã có lịch sử hơn 300 năm. Ghi dấu tích sâu đậm của các vị khoa bảng nổi danh. Là nơi thờ tự linh thiêng, tích tụ Anh linh các bậc Tiên Hiền (thời xưa Tiên Hiền là tên gọi cao quý chỉ các bậc khoa bảng hoặc các nhà giáo có công nuôi dạy nhiều người thành tài). Nơi hậu thế tri ân công lao của các bậc Tiền-Nhân đã công với nước với quê hương. Nơi nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, văn hiến của dòng họ Nhữ và quê hương xã Thái Học.
    Đến Nhà thờ họ Nhữ, mọi người sẽ có những giây phút thiêng liêng tưởng nhớ về Tiền-Nhân, là những vị khoa bảng nổi danh - học hỏi những điều hay, đẹp về truyền thống văn hóa - hiếu học, hiếu nghĩa của người xưa, và cầu xin Anh linh các bậc khoa bảng tài danh phù hộ cho việc học tập, lao dộng, công tác luôn thành công, tấn tới.


                                                                     Nhữ Đình Văn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn