Tượng thờ tiến sĩ Nhữ Tiến
Dụng và cụ bà tại nhà thờ họ Nhữ (xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải
Dương).
Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng sinh giờ tuất, ngày 22 tháng 9 năm
Quý Hợi (1623), húy là Lộng, tự Lột Tẩu, hiệu Giới Hiên, tên đi thi là
Tiến Dụng. Ông là cháu bảy đời của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan[1]
(1443-1523). Là nhà khoa bảng nổi danh, có nhiều đóng góp cho nền văn hiến của
quê hương và dòng họ.
Tấm
gương sáng về ý chí vượt khó và đức tính nhân hậu
Ông nguyên quán tại xã Lôi Dương, huyện Đường An, trấn Hải Dương,
nay là làng Sồi Cầu, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Cha húy là
Lượng, tự Văn Nghị, hiệu Trực Thông. Mẹ họ Chu[2],
hiệu Thục Tiết, sinh năm Ất Tị (1605), mất năm Canh Ngọ (1630). Mẹ mất sớm, Nhữ
Tiến Dụng được ông bà ngoại[3]
người làng Hoạch Trạch đưa về nuôi. Do xã trưởng Lôi Dương có nhiều sách
nhiễu về tiền thuế mà ông chưa đóng kịp, có lần còn thu cả sách vở của ông đem
bán, nên khi đi thi, ông đăng ký quê quán tại bên ngoại: xã Hoạch
Trạch, huyện Đường An, nay là làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương.
Năm lên bảy tuổi, ông bà cho theo học hai ông thầy đồ là Viên Công
và Viên Lễ, lớn lên theo học ông thầy là nhà khoa bảng, nguyên là quan thái sư
triều đình, quê thôn Thượng, xã Mộ Trạch[4] (làng Trằm Thượng, hay Mộ Trạch hiện nay). Thiếu
vắng sự chăm sóc của cha mẹ, nhưng là người sáng dạ, lại có ý chí vượt khó,
luôn chăm chỉ đèn sách, do vậy, năm Nhâm Ngọ (1642), 19 tuổi, thi Hương[5],
ông trúng tứ trường, đỗ hương cống. Năm Ất Dậu (1645), 22 tuổi ông lấy vợ là bà họ vũ ở xã Đình Tổ[6]
(làng Tó), con gái quan tri phủ Đoan Hùng. Nhờ phu nhân đảm đang chăm lo việc gia đình để chồng tập trung ôn luyện kinh sử, năm Bính Tuất (1646), 23 tuổi, thi Hội trúng tam trường[7],
được trao chức Huấn đạo phủ Nghĩa Hưng. Năm Giáp Thìn, Cảnh Trị thứ 2 (1664) triều vua Lê Huyền
Tông[8],
khi đó đã 41 tuổi, ông lại tham gia thi Hội, trúng tứ trường, đỗ Đệ tam giáp
đồng tiến sĩ[9] xuất thân.
Sách “Hoạch
Trạch Nhữ tộc phả” do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm Cảnh Hưng thứ 6
(1745) ghi: Tính ông chất phác, thuần hậu, sống chan hòa, quan tâm giúp đỡ mọi
người xung quanh. Mấy chục năm làm quan lúc vào trầu, khi đi chơi không hề ngồi
võng. Khi con trai là Nhữ Đình Hiền đỗ tiến sĩ, hai cha con cùng làm quan trong
triều, mở dinh ở phường Thái Miếu, trong nhà nhiều học trò theo học, đi đâu về,
nếu vào thẳng nhà lại sợ đám học trò phải thi lễ phiền phức, nên ông bèn xây
xây một ngôi hậu đi tắt cho tiện. Mùa hè, tắm rửa, ông không muốn sai người nhà
gánh nước, mà sai bắc cầu, làm bến để tự tắm rửa, can ngăn cũng không nghe. Mỗi
lần đi tắm gặp phụ nữ có mang đi gánh nước, ông đều thân mang gánh xuống lấy
nước mang giúp lên bờ, người đương thời ai cũng khen đức tính nhân hậu của ông.
Vị quan mẫn cán, liêm khiết và giỏi thiên
văn địa lý
Ông có
tiếng là người giữ trong sạch, đương thời tôn là bậc hoạt tiên tức là tiên sống[10]. Mẫn cán phụng sự triều đình, hoàn thành
nhiều trọng trách được giao, luôn được vua Lê và chúa Trịnh trọng dụng và khen
thưởng. Làm quan trải nhiều chức[11]: Năm giáp thìn (1664) làm giám sát ngự sử[12]
đạo Kinh Bắc. Năm Ất Tị (1665) làm giám sát ngự sử đạo Nam Sơn. Năm bính ngọ
(1666) làm giám đốc việc bình lệ - tức tính hộ khẩu và ruộng đất từng làng, rồi
định ra mức thuế trung bình hàng năm cho 5-10 năm. Năm Kỷ Dậu (1669) phụng mệnh
tuỳ giá theo chúa Trịnh đi dẹp giặc giã ở Châu Ô[13],
Ông suy xét mọi việc đều nghiệm sau đó đựơc phong Hàn Lâm viện Hiệu thảo[14].
Năm Tân Dậu (1681), đi điều tra lại đất đai và phúc lại các tên làng cũ do hoàn
thành tốt công việc được ban thưởng 20 quan tiền xanh, 2 dật bạc. Năm Quý Hợi
(1683) được giao chức Hộ khoa Đô cấp sự trung[15]. Năm
Bính Dần (1686) thăng chức Lễ khoa Đô cấp sự trung… Được triều
đình tin tưởng giao tham gia tổ chức, giám thí nhiều kỳ thi
hương, thi hội trong các khoa thi Quý Sửu (1673), khoa thi Canh Thân
(1680), khoa thi Ất Sửu (1685) v.v…
Vốn đã giỏi thiên văn địa lý, năm Bính ngọ
(1666) lại theo thầy Vũ Tiên sinh ở Yên Dũng để trau dồi thêm, từ đó ông nổi
tiếng triều đình là người uyên thâm trong lĩnh vực này. Năm Mậu Ngọ (1678) có động đất lớn xảy ra,
gieo quẻ xét việc tâu vừa ý trên, được ban thưởng 20 quan tiền xanh. Năm Nhâm
Tuất (1682) được chúa Trịnh tin tưởng giao việc xem đất xây dựng Vương Phủ.
Góp
công tu bổ các công trình tâm linh và nuôi dưỡng truyền thống văn hiến cho quê
hương
Đền Bạch Mã[16]
thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi Tô Lịch giang thần, một trong tứ trấn linh thiêng
của kinh thành Thăng Long. Cuối thế kỷ 17, đền bị hư hỏng, đổ nát. Khi đó, tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng và
gia đình sinh sống gần đến Bạch Mã. Ngoài là một vị quan trong triều, ông còn
là thầy dạy học và thầy thiên văn, địa lý có uy tín cao tại kinh thành Thăng
Long. Ông đã góp công tổ chức việc xây dựng lại đền Bạch Mã. Bài ký trên bia “Bạch Mã thần từ bi ký[17]”
dựng năm Chính Hòa thứ tám (1687) ghi: “ngày
qua tháng lại gió dập mưa sa chẳng thấy được cảnh kỳ vĩ (của đình) đã có khi
xưa nữa. Người đời cầu mong ai có thể chấn hưng lại… Toàn thể quan viên trên
dưới ba giáp, Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương,
phủ Phụng Thiên… cùng nhau suy tính và bàn bạc đến thỉnh quan Đô cấp sự trung
Lễ khoa là Nhữ Tiến Dụng xem đất, đặt hướng hưng công góp đức để hoàn thành
công việc…”. Được thỉnh làm “trưởng ban kiến thiết” khôi phục đền, bằng uy
tín và vị thế của mình và con trai là tiến sĩ Nhữ Đình Hiền cũng là quan lớn
trong triều, hai người đã vận động được nhiều hoàng thân, quốc thích, hoàng
hậu, công chúa và các quan lớn tham gia đóng góp tiền của, hiện vật để xây dựng
đến. Văn bia cũng ghi lại, không chỉ đóng góp về công sức, bản thân ông và gia
đình cũng tham gia đóng góp tiền, hiện vật cho đợt tu bổ lớn này. Năm 1698,
Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền khi đi sứ Trung Quốc đã mang một bình sứ to về cúng đền
Bạch Mã. Ngày 9 tháng 9 năm Cảnh Hưng[18]
thứ 35 (1734), chắt nội ông là Hoàng Giáp Nhữ Công Chấn[19]
đã hiến khu đất[20]
do tổ tông để lại rộng 18 thước, dài 108 thước bên tả đình để phục vụ việc xây
dựng khu văn chỉ, mở rộng đình. Ghi nhận công lao, người xưa đã lập minh bia và
khám thờ Tiến
sĩ Nhữ Tiến Dụng và các vị khoa bảng họ Nhữ (thờ hậu) tại đền Bạch Mã.
Ngày xưa, với truyền thống tôn sư, trọng
đạo, ở kinh đô, tỉnh có văn miếu, ở huyện, xã có văn chỉ là nơi thờ phụng các
bậc sư tổ nho học, và vinh danh các bậc tiên hiền. Năm Mậu thân (1668), Tiến sĩ
Nhữ Tiến Dụng đã có công xem đất và tổ chức xây dựng văn chỉ làng Hoạch Trạch ở
phía tây của làng. Năm 1843, quan tri phủ thấy vị trí văn chỉ làng Hoạch Trạch
là nơi đất tốt, đã bàn với văn nhân trong huyện và nhân dân làng Hoạch Trạch, tiến hành nâng cấp, tu sửa làm văn chỉ mới của huyện Đường an. Việc làm của tiến sĩ Nhữ
Tiến Dụng có ý nghĩa lớn, nuôi dưỡng truyền thống văn hiến, hiếu học cho quê
hương và dòng họ.
Sự tích kể về chuyện ông được thần Ông Đống
phù hộ, đó là khi còn nhỏ, thường khi đi học ông hay về qua xứ Đông Hường, đất đó vốn có thần
thiêng (tục gọi là Ông Đống). Mỗi lần đi đến, thấy một vầng sáng như đuốc đi
trước dẫn đường, ông biết rằng được xứ thần trợ giúp. Sau này con trai ông là
tiến sĩ Nhữ Đình Hiền, sau khi hoàn thành chuyến đi sứ Trung Quốc (1698), đã làm
tờ khai tâu lên xin phong vị thần Ông Đống là: Uy dũng Đại Vương”.
Phu nhân họ Vũ được bố mẹ cầu tự tại chùa
xã Phạm Lâm (tục gọi chùa Nội) sinh ra bà. Khi thi đỗ, Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng đã
sửa sang tu lý lại chùa. Khi mất, ông và phu nhân được đúc tượng, lập minh bia
ghi rõ thụy, hiệu thờ (hậu) tại chùa. Sau này, cháu nội ông là Tiến sĩ, Thượng
thư bộ binh, Tham tụng, Tả Đô đốc, Quốc lão Nhữ Đình Toản lập “Tư Hiếu đường”
thờ tổ tiên tại xã Đình Tổ (làng Tó, xã Thái Học) đã rước tượng ông bà về thờ
tại hậu cung.
Đến đời vua Lê Hiển Tông[21],
nhờ cháu nội là Tiến sĩ Nhữ Đình Toản làm quan lớn, có nhiều công lao, ngày 24 tháng 12, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745), ông được gia tặng: Đặc Tiến
Kim Tử Vinh lộc Đại phu[22],
Ngự sử đài, Đô Ngự sử[23],
Liên khê bá[24], Trụ Quốc thượng liên.
Ngày 01 tháng 10, niên hiệu cảnh Hưng 22 (1761), được gia tặng Đặc Tiến Kim Tử
Vinh lộc Đại phu, Công Bộ Thượng thư, tước Liên Khê hầu. Hiện nay, thành phố
Hải Dương đã có một đường phố mang tên danh nhân khoa bảng Nhữ Tiến Dụng.
Ông là người họ Nhữ đầu tiên đến lập
nghiệp ở làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải
Dương ngày nay. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng để con cháu noi theo về
ý trí vượt khó, đức tính nhân hậu, làm quan thì liêm khiết, mẫn cán, luôn giữ
sáng đạo làm quan gắn chặt với đạo làm người. Là nhà khoa bảng, ông lập văn
miếu (văn chỉ) để bồi đắp vượng khí cho quê hương, nuôi dưỡng, gây dựng truyền
thống hiếu học. Ông đã khai mở ra một thời kỳ rực rỡ về khoa bảng của dòng họ
Nhữ nơi đây, trong khoảng một trăm năm, ba đời liên tiếp gồm con, cháu, chắt
của ông đã có bốn người đỗ đại khoa (tiến sĩ, hoàng giáp, bảng nhãn), một người
là tiến sĩ chế khoa (tiến triều), mười lăm người khác đỗ trung khoa (hương
cống).
Ông mở dinh ở xóm Gạo, xã Lôi Dương. Mất ngày 20 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1689),
thọ 67 tuổi, mộ táng tại Mả Phóng, xã Lôi Dương (nay là thôn Sồi Cầu, xã Thái
Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng được thờ tại Nhà
thờ họ Nhữ (thôn Tó, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), lễ dâng
hương, tế Tổ tổ chức vào ngày 10 tháng giêng ÂL hàng năm. Kỷ niệm ngày mất, 20
tháng 6 hàng năm, con cháu họ Nhữ tổ chức lễ dâng hương thần Long Đỗ và Tiến sĩ
Nhữ tiến Dụng tại khám thờ hậu tại đền Bạch Mã, Hà Nội.
Nhữ Đình Văn
Tài liệu tham khảo:
ü Cuốn Hoạch Trạch Nhữ tộc
phả, do tiến sĩ Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745, các đời sau có ghi chép thêm
vào, gồm các bản: Bản lưu tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A.677;
MF.1484, bản lưu truyền được PGS Hà Văn Cầu dịch ra quốc ngữ, bản do ông Nhữ
Đình Khánh chép năm 1922 v.v…
ü 31 sắc (bản gốc) triều Lê Trung Hưng và Tây Sơn phong cho các cá
nhân họ Nhữ làng Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải
Dương.
ü Cuốn “Tập sắc: Tự Đức thập nhất niên tuế thứ Mậu Ngọ chính
nguyệt nhị thập thất nhật sao” (Tập sắc phong, sao ngày
27 tháng giêng năm Mậu Ngọ, đời vua Tự Đức),
dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch, xã Thái Học (Hải Dương) đang lưu.
ü Bản dịch các sắc phong họ Nhữ làng Hoạch Trạch (Vạc), xã Thái Học,
huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tác giả dịch: Tăng Bá Hoành.
ü Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn. Bản PDF tải miễn phía trên internet.
ü Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú. NXB trẻ, quý I – 2014.
ü Bia Văn chỉ huyện Đường
An (các bản dịch lưu hành trong huyện Bình Giang).
ü Sách Văn bia, Văn Miếu -
Quốc Tử Giám, Đỗ Văn Ninh biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin 2000.
ü Cuốn Bách ti thứ vụ, tác
giả Nhữ Đình Toản, Nguyễn Sĩ Tín in năm Lê Cảnh Hưng 12 (1751), lưu trữ tại Thư Viện Viện
nghiên cứu Hán – Nôm, Ký hiệu: VHv. 1273; MF. 1756.
ü Bộ sách Địa chí Hải
Dương, NXB sự thật 2008, UBND tỉnh Hải Dương biện soạn.
ü Sách Họ Nhữ vài nét xưa
và nay, Nhữ Đình Văn biên tập, lưu hành nội bộ trong họ Nhữ.
ü Tuyển tập: Danh nhân,
người tốt họ Nhữ trên sách báo qua các đời, do Nhữ Đình Quỳ sưu tầm, lưu hành
nội bộ họ Nhữ.
ü Một số các sách báo khác.
[1] Nhữ Văn Lan: Đỗ tiến sĩ năm 1463. Xem thêm bài: Tiến
sĩ Nhữ Văn Lan – Cụ Tổ khai khoa họ Nhữ.
[2] Mẹ
Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng người họ Chu, hiệu Thục Tiết, sinh năm 1605, mất ngày 21
tháng 7 năm 1630. Quê quản: xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ
Hải Dương.
[3] Ông bà ngoại: Ông ngoại họ
Chu, tự Tiên Du, bà ngoại hiệu là Từ Tại.
[4] Thôn thượng, xã Mộ Trạch: nay là làng Mộ Trạch, xã
Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
[5] Thi Hương: Theo quy định
từ năm 1434, thi Hương tương tự như thi Hội cũng có 4 kỳ. Kỳ I: kinh nghĩa, thư
nghĩa; Kỳ II: chiếu, chế, biểu; Kỳ III: thơ phú; Kỳ IV: văn sách.
Thi Hương gồm hai hạng: Qua được 3 kỳ đầu thì đỗ
cấp tú tài (tức sinh đồ - tên dân gian là ông Đồ, ông Tú). Qua được cả 4 kỳ thì
đỗ cấp cử nhân (tức hương cống - ông Cống, ông Cử). Những người đã đỗ Hương
cống thì được vào thi Hội.
Thi Hội cũng có 4 kỳ. Đỗ thi Hội được vào thi
Đình.
Thi Đình chỉ thi văn sách,thi tại sân triều đình,
đề do vua ra. Thi Đình để phân hạng. Ba người đỗ đầu là Đệ nhất giáp tiến sĩ,
được học vị là trạng nguyên, bảng nhãn, tham hoa, gọi là Tam khôi. Tiếp theo là
Đệ nhị giáp tiến sĩ, được học vị hoàng giáp. Còn lại là Đệ tam giáp tiến sĩ,
được học vị là đồng tiến sĩ.
[6] Xã Đình Tổ: Xưa gồm ba thôn là: Đình Tổ, nay là làng
Tó (xã Thái Học), Học thôn và Quàn thôn, nay là làng Như, làng Quàn (xã Bình
Xuyên), đều thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay.
[7] Thi Hội trúng tam trường: Xem chú thích 3.
[8] Lê Huyền Tông: (1654 – 1671) tên
thật là Lê Duy Vũ, tên khác
là Lê Duy Hi, là vị hoàng
đế thứ tám của nhà Lê Trung hưng và
thứ 19 của triều Hậu Lê trong lịch
sử Việt Nam. Niên hiệu Cảnh Trị từ năm 1663 đến năm
1671.
[9] Đệ tam giáp đồng tiến sĩ: Xem chú thích 3.
[10] Theo “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” của tác giả Tiến sĩ
Nhữ Đình Toản tu chỉnh năm 1745.
[11] Xem chú trích 9,
[12] Giám sát ngự sử: Chức quan của Ngự sử đài. Ngự sử
đài: là cơ quan có
nhiệm vụ giám sát, vạch tội các quan phạm phép, gần giống ngành Thanh tra hiện
nay. Đứng đầu là: Đô ngự sử, Phó đô ngự sử,
Thiêm đô ngự sử. Dưới ba chức này là các Giám sát ngự sử. Ở các địa phương có
các Giám sát ngự sử các đạo.
[13] Châu Ô: Phía nam Quảng Trị ngày nay.
[14] Hàn lâm viện Hiệu thảo: Là chức quan thuộc Hàn lâm
viện. Trong thời Lê Trung hưng, vì kiêng tên chúa Trịnh Kiểm nên Hàn lâm viện
Kiểm thảo đổi thành Hàn lâm viện Hiệu thảo. Hàn lâm viện: là cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo văn kiện triều đình
như chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế, thường gồm các học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt.
[15] Khoa Đô cấp sự trung: Nhà Lê lập ra 6 Khoa: Lại Khoa,
Binh Khoa, Hình Khoa, Hộ Khoa, Công Khoa để thực hiện giám sát 6 Bộ tương ứng.
Trưởng các Khoa là Đô cấp sự trung, hàm chánh thất phẩm, phó là Cấp sự trung.
[16] Đền Bạch Mã: tại số 76 phố Hàng Buồm, Hà Nội. Xây
dựng từ thế kỷ 9, thờ thần Long Đỗ - Thành Hoàng đất Thăng Long. Đền Bạch MÃ là
một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long.
[17] Ngoài bia dựng năm 1687, trong đền hiện còn 02 tấm
bia khác liên quan đến việc hiến đất và tu sửa đền của các cụ tổ họ Nhữ.
[18] Cảnh Hưng: Niên hiệu thời vua Lê Hiển Tông từ năm
1740 đến 1786.
[19] Nhữ Công Chấn: (1751-1805), đỗ Hoàng giáp năm 1772 là
con trai Tiến sĩ Nhữ Đình Toản. Công Chấn làm quan triều Lê Hiển Tông chức Tả
thị lang Bộ Lễ, Lại Phiên, sau có tham gia làm quan triều Tây Sơn.
[20] Có văn bia và hồ sơ ghi chép tại đền. Xem thêm chú
thích 15.
[21] Lê Hiển Tông (1717 – 1786), tên
húy là Lê Duy Diêu, là vị hoàng đế của nhà
Lê Trung hưng cũng như là thứ 26 của nhà
Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ tháng 5 năm 1740, sau khi Trịnh Doanh ép
vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho ông,
đến ngày 17 tháng 7 năm 1786. Ông là con trưởng của vua Lê Thuần
Tông, làm vua được 47 năm, thọ 70 tuổi, là vị vua ở
ngôi lâu nhất và là vua thọ nhất của nhà Hậu Lê. Đời Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh
Hưng.
[22] Đặc Tiến Kim Tử Vinh lộc Đại phu: Vinh hàm
phong cho quan văn chánh nhất phẩm.
[23] Ngự sử đài, Đô Ngự sử: Xem chú thích 10
[24] Liên Khê bá: Bá là một tước hiệu do vua ban cho quý
tộc. Các tước từ cao xuống thấp là: Tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.