Ảnh: Tượng thờ bà Từ Thục phu nhân tại Nguyễn Nhữ từ đường, thôn
Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
Bà họ nhữ, hiệu là Từ Thục, người làng An Tử hạ, huyện Tân
Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên
Lãng, TP. Hải Phòng). Là con gái tiến sĩ Nhữ Văn Lan[1] (1443- 1523) – vị quan Thượng thư Bộ hộ triều Lê Thánh Tông[2].
Bà là người phụ nữ kỳ tài, tính cách mạnh mẽ và có chí lớn. Bà nổi tiếng với vai trò không chỉ là mẹ, mà còn là
người có công dưỡng dục, hình thành nhân cách, tài năng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm[3]
(1491-1585) từ lúc thơ ấu. Được vua Mạc phong: Thái phu
nhân[4],
do vậy bà được gọi là: Từ Thục Thái phu nhân; Từ Thục phu nhân; Nhữ phu nhân…;
sách báo gần đây gọi là bà Nhữ Thị Thục[5].
“Bạch
Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phả ký”, tức (phả ký) về Bạch Vân am cư sĩ
Nguyễn Văn Đạt - tên ngày khai sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm do tiến
sĩ, Ồn Đình hầu Vũ Khâm Lân[6] soạn và cho khắc bia, năm 1755 được tiến sĩ Vũ Phương Đề[7]
đưa vào sách “Công dư tiệp ký” và “Hoạch
Trạch Nhữ Tộc phả” (Nhữ tộc phả) do tiến sĩ Nhữ Đình Toản[8]
tu chỉnh mùa đông năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đều ca ngợi bà Thái phu nhân họ
Nhữ: Phu nhân bản chất thông minh, lầu
kinh sử, giỏi văn chương, lại tinh tường phong thủy, hiểu biết thuật số. Ngay thời Hồng Đức[9] còn thịnh, bà đã biết
trước 40 năm sau nhà Lê sẽ suy. Mang chí lớn của bậc trượng phu, bà tâm niệm rằng: "nếu không lấy được
chồng làm Thiên tử, thì con bà sinh ra sau này cũng phải làm thiên tử".
Vì vậy, đến tuổi cập kê, gần mười năm ai hỏi bà cũng không lấy. Khi đã
luống tuổi, bà mới kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Định, một thầy đồ
ít tiếng tăm bên huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo ngày nay), cách huyện Tân
Minh một dòng sông nhỏ, xuất thân cũng chẳng phải dòng dõi danh gia. Nhưng
bà đến với ông Văn Định bởi thấy ông có tướng sinh quý tử.
Tương truyền, Bà Từ Thục đã tính toán cẩn
thận ngày giờ hợp cẩn[10]:
Đó là đêm có trăng, bà để chậu nước và thả một chiếc gương nhỏ vào chậu, giao
ước ông Văn Định là khi nào bóng mặt trăng vào đúng giữa gương mới được vào
động phòng, vì đợi lâu, ông Văn Định đã vào phòng bà hơi sớm, sau đó, khi biết
thụ thai không đúng chuẩn giờ, bà phàn nàn “ông
vào sớm, con sao làm thiên tử được!”. Năm 1491, Bà sinh con trai, đặt tên
là Văn Đạt, lớn lên đổi là Bỉnh Khiêm, năm 1535 đỗ Trạng nguyên triều Mạc.
Nhữ phu nhân là thầy dạy kinh sử, thơ
văn cho Nguyễn Bỉnh Khiêm những năm còn nhỏ. Không chỉ vậy, bà còn dạy con mình nhân nghĩa, đạo lý làm người, tình yêu quê
hương, xóm làng được hun đúc qua hàng ngàn năm trong đời sống dân gian. Với tầm
nhìn chiến lược, tư duy và lối sống vượt ra ngoài những khuôn thước lễ giáo
phong kiến, bà đem hết tâm lực dạy con, với khát khao con mình sẽ thành nhân
tài, có chí lớn cải vận, đổi đời mang
lại bình yên, no ấm cho trăm họ. Phả ký
và Nhữ tộc phả ghi: “năm lên bốn thì Phu nhân dạy cậu học kinh truyện, hễ dạy đến đâu là cậu thuộc
lòng đến đó, và thơ quốc âm cậu dã nhớ được đến mấy chục bài”. Các tài
liệu cổ này cũng ghi chép lại nhiều giai thoại: một hôm bà đi vắng, ông ở nhà bày trò kéo dây đùa với
lũ trẻ, nhân đọc bỡn một câu rằng: “Nguyệt leo cung, nguyệt leo cung”, rồi ông muốn dọc tiếp câu nữa nhưng chưa nghĩ kịp, thì
cậu đứng bên dọc luôn ngay rằng: “Vén tay tiên
nhẫn nhẫn dong”. Ông thấy
vậy có ý mừng thầm, đợi khi bà về thuật lại cho nghe, bà lấy làm bất mãn, nói
với ông rằng: Nguyệt là tượng bề tôi, cớ sao ông lại dạy con như thế. Lại một lần khác, bà dạy con câu hát: “Bống
bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. Ông Văn Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi
quân, nên sửa lại: “Bống bống
bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng”. Phu nhân ngày càng
bất bình với chồng trong cách dạy con cái.
Gia
phả họ Nguyễn hậu duệ chi bảy[11]
Nguyễn Bỉnh Khiêm ở An Tử hạ ghi: “Phu nhân hồi An Tử hạ, ỷ phụ thân giáo
dưỡng Đạt[12]
nhi tam tuế”. Vậy là, sau nhiều bất đồng trong chuyện dạy con, Bà
Từ Thục đã trở về quê An Tử hạ sống, mang theo con trai, cùng với phụ thân là
tiến sĩ Nhữ Văn Lan nuôi dạy Đạt nhi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn ghi tạc công ơn này trong tâm khảm, và trân trọng ghi
lại trong các tác phẩm văn thơ.
Lời tựa “Bạch Vân Am thi tập” Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu,
lúc về già thì chỉ thích nhàn dật…”. Dấn thân giúp triều đình xây dựng nền
thịnh trị, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi thi, đỗ trạng, ra làm quan, khi việc dâng
tấu chém mười tám lộng thần không được vua chấp thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm
đã từ quan về dạy học. Sống trong thời
loạn, xa rời chốn quan trường, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn quan tâm đến thời
cuộc, thời vận đất nước, đánh giá và tiên đoán hướng phát triển của thời cuộc,
định hướng các lối thoát cho xã hội, cho con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm có những gợi
ý sáng suốt, là “quân sư” cho các tập đoàn phong kiến đương thời Mạc, Lê,
Trịnh, Nguyễn và được tất cả các bên nể trọng. Đương thời, trạng nguyên Giáp
Hải đã ca ngợi: “Tứ triều huấn nghiệp
nhân trung kiệt/ Cửu lão quang nghi thế thượng tiên” (Huấn nghiệp trải bốn
đời vua là bậc kiệt xuất trên đời/ Dung nghi tuổi chín mươi rực sáng như vị
tiên mơi trần thế). Dù đã về trí sĩ, nhưng vẫn được vua Mạc phong thượng thư bộ
Lại, rồi thái phó, tước Trình tuyền hầu. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, “Văn tế Tuyết Giang phu tử” do học trò
Đinh Thì Trung soạn có câu: “Một mình lý
học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ”. Vua Mạc cử
Phụ chính đại thần Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng
văn võ bá quan về lễ tang để tỏ sự trọng thị. Truy phong tể tướng, tước Trình quốc
công, cấp ruộng tự điền trăm mẫu, cấp ba nghìn quan tiền để lập đền thờ tại quê
nhà, đích thân vua đề chữ lên biển gắn trước đền thờ là "Mạc Triều Trạng
nguyên Tể Tướng từ". Dẫn vậy để thấy tài năng, công
trạng và tầm ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cao đến mức nào! Vậy mà, vị Trạng
nguyên vẫn luôn cảm thấy ăn năn vì không thể đền đáp được hết công lao sinh
thành, dưỡng dục và những khát khao cải vận đổi đời mà người mẹ kính yêu đã gửi
gắm, kỳ vọng ở người con trai mà bà vô cùng yêu quý. Trong bài thơ “Con thờ cha mẹ”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết những câu xúc động:
“Ngẫm đạo làm con ở rất nan
Ở cho chọn đạo mới là ngoan...
Chữ rằng: “Chưa thể đền ơn nặng,
Lọ nỗi riêng tây theo thế gian”.
Công lao dạy dỗ của gia đình, đặc biết của
người mẹ tài danh có khí phách và tư
tưởng vượt cao trên cả những giáo lý khổng nho đương thời và của ông ngoại –
một nhà khoa bảng, một vị quan thượng thư giữa thời thịnh trị đã góp phần hun
đúc nên tài năng, phẩm cách, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn
Bỉnh Khiêm – Một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc.
Giai thoại liên quan đến thái tổ nhà Mạc:
đó là khi đã yên bề gia thất, một lần qua bến đò Vân Giang lạnh lẽo, bà gặp một
chàng trai đánh cá, nhìn có tướng mạo bà thốt lên: “Sao khi còn trẻ trời chẳng cho gặp…”, bần thần, ngẩn ngơ như người
mất hồn hồi lâu, bà dò hỏi, biết người đánh cá tên Mạc Đăng Dung[13].
Sau này, thời vua Lê Uy Mục, Mạc Đăng Dung thi đậu võ trạng nguyên, được bổ vào
đội túc vệ, thăng nhanh đường quan. Năm 1527 nhân lúc nhà Lê suy yếu, là quan
thái sư, Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi, lập ra nhà Mạc.
Một giai thoại khác kể về những năm tháng
tiếp theo trong cuộc đời đầy ly kì của bà Từ Thục: Bà chuyên đi xem tướng người trong thiên hạ, mãi chẳng được người vừa
ý. Sau đến gianh giới huyện Động Khê, bỗng thấy một người nhà quê đứng ở bờ
ruộng, bà chú ý nhìn hồi lâu, biết là người đó sẽ sinh quý tử, bèn cùng thành
thân. Đêm hợp cẩn, bà xõa tóc, chống kiếm để xem tinh độ trên trời. Vừa đầy năm
thì sinh được Phùng Khắc Khoan[14], hai tuổi đã biết làm
thơ, Phu nhân họ Nhữ than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”[15]. Phùng Khắc Khoan
sau là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, thi đỗ hoàng giáp, tài giỏi và có nhiều đóng
góp cho quê hương, ông được dân gian tôn là Trạng Bùng (Bùng là quê hương Phùng
Khắc Khoan).
Các sử gia xưa và nay đều đánh giá cao vai
trò của họ ngoại đến tài năng xuất chúng của Trạng Trình. Tại hội thảo khoa học
“Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, giáo
sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà họ
Nhữ - thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong ba người phụ nữ
nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ 16-18 (hai người khác là Trạng
nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận Quế phu nhân Nhữ Thị Nhuận[16]).
Dòng họ Nhữ sau này vẫn giữ được truyền
thống hiếu học, khoa bảng. Chỉ tính riêng nhánh con cháu hậu duệ Tiến sĩ Nhữ
Văn Lan di cư về vùng Lôi Dương – Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương) thế kỷ 16-18, bốn đời liên tiếp đã có năm người đỗ đại
khoa, gần ba mươi người đỗ trung khoa.
Những di tích liên quan đến Tiến sĩ Nhữ
Văn Lan và Từ Thục Thái phu nhân tại quê hương An Tử hạ, xã Kiến Thiết, huyện
Tiên Lãng, TP Hải Phòng như: Khu lăng mộ “mả Nghè” (gồm mộ ông bà Tiến sĩ Nhữ Văn Lan và con gái Nhữ Từ Thục);
Nguyễn Nhữ từ đường (họ nguyễn chi bảy – hậu duệ Nguyễn Bỉnh Khiêm); Đình Đông…
năm 2005 đã được thành phố Hải Phòng công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tại
làng Sồi Cầu, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương - nơi con trai và
các cháu nội của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan di cư về sinh sống - vị trí trước đây nằm
trong khuôn viên của chùa có một khám thờ nhỏ, cổ kính, hình khối chữ nhật, lưu
truyền gọi là Khám bà Thục - thờ hậu,
ghi nhận công lao của bà Nhữ Từ Thục với ngôi chùa này.
Sinh ra trong gia đình có cha nổi danh
khoa bảng, bà Từ Thục Thái phu nhân họ Nhữ không chỉ giỏi văn chương, kinh sử,
tinh thông thuật số mà còn là người mẹ
biết truyền sang con toàn bộ tâm nguyện, khí phách làm người bằng phương pháp
dạy dỗ nghiêm cẩn và lối sống mực thước của mình. Bà đã và mãi mãi là tấm
gương sáng cho hậu thế noi theo.
Nhữ Đình Văn
(Viết năm 2011, chỉnh sửa năm
2017, 2020)
Tài liệu tham khảo:
ü Sách “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” của tác giả Nhữ Thượng Chân (tức tiến
sĩ Nhữ Đình Toản), bản chữ Hán. Ngày 26/3/2012 Nhữ Đình Văn đặt hàng sao chép từ
Viện nghiên cứu Hán Nôm.
ü Bản dịch viết tay sách “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả” của tác giả tiến
sĩ Nhữ Đình Toản do PGS.TS Hà Văn Cầu dịch. Dịch từ bản Hoạch Trạch Nhữ tộc phả
đang lưu truyền trong họ Nhữ làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh
Hải Dương.
ü Bài “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phả ký” trong sách
“Công dư tiệp ký” của tiến sĩ Vũ Phương Đề. Bộ Giáo dục quốc gia xuất bản 1961.
Bản PDF cho phép tải miễn phí trên internet.
ü Tư liệu “Thần tích An Tử hạ
xã, Hán Nam tổng, Tiên Minh huyện” bản chữ Hán. Ngày 26/3/2012 Nhữ Đình Văn đặt
hàng sao chép từ Viện nghiên cứu Hán Nôm.
ü Bài viết “Trạng Trình trong tâm thức nhân dân Việt Nam” tác giả
Ngô Đăng Lợi, in trong sách ‘Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB
Hải Phòng – 2001.
ü Sách “Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, NXB Hải
Phòng – 2001.
ü Sách “Truyện danh nhân Trạng Trình” tác giả Nguyễn Nghiệp, NXB văn
hóa – thông tin, Hà Nội 1997.
ü Sách “Lê Thánh Tông – Nguyễn Bỉnh Khiêm”, tác giả PTS Hồ Sĩ Hiệp,
Lâm Quế Phong, NXB văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, tháng 12-1997.
ü Một số bài báo trung ương và địa phương.
Chú thích:
[1] Nhữ Văn Lan
(1443-1523): đỗ tiến sĩ năm 1463, làm
quan đến Thượng thư Bộ hộ triều Lê Thanh Tông, khi mất được suy tôn Thành Hoàng
làng An Tử hạ. Ông là Cụ Tổ khai khoa họ Nhữ. Xem thêm bài khảo cứu: Tiến sĩ
Nhữ Văn Lan – Cụ Tổ khai khoa họ Nhữ.
[2] Lê Thánh
Tông: Tên thật là Lê Tư Thành
(1442–1497) là hoàng đế thứ năm
của Hoàng triều Lê nước Đại
Việt. Ông trị vì từ năm 1460 đến khi qua đời năm 1497, tổng cộng 37 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời
Hậu Lê – giai đoạn Lê sơ trong lịch
sử Việt Nam.
[3] Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1491-1585): quê làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ
Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo,
thành phố Hải Phòng). Tên huý là Văn Đạt tự là Hanh
Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư
sĩ được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất
của lịch sử cũng như văn
hóa Việt Nam trong thế
kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức,
tài thơ văn của một nhà nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh)
cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên năm 1535 và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình
Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công”, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
[4] Thái Phu nhân: hay Phu nhân là tước hiệu cao quý do
vua ban cho các phụ nữ tài giỏi, có công lớn hay là hôn thê, hoặc có công sinh
thành dưỡng dục lên những người có công. “Thái” từ Hán- Nôm có nghĩa là to,
lớn.[5] Nhữ Thị Thục: là tên mà báo chí gần đây dùng khi viết
về bà họ Nhữ, hiệu Từ Thục. Cách gọi này không chính xác vì cho đến nay chưa
tìm được tư liệu cổ nào ghi chép đệm (lót) và tên của bà là Thị Thục. Không thể
gán tên húy của bà là Thục, do tách ra từ tên hiệu Từ Thục.
[6] Vũ Khâm Lân
(1702-?): người làng Ngọc
Lặc, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương,
tỉnh Hải Dương. Đỗ tiến sĩ năm 1727.
Làm quan đến Đô Ngự sử, Thượng Thư, Tham Tụng.
[7] Vũ Phương Đề
(1698-1761): người làng Mộ
Trạch, huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng,
huyện Bình Giang), tỉnh Hải
Dương. Đỗ tiến sĩ năm 1736. Làm quan lần lượt trải
chức Đông các hiệu thư, Hiệp đồng Đông Triều (Hải Dương, 1741), Đốc
đồng Hải Dương (1747). Là
một nhà văn Việt Nam ở thế kỷ 18.
Ông là tác giả quyển Công dư tiệp ký (Ghi nhanh lúc rỗi việc
công) rất được giới Nho
sĩ các đời ưa, ham thích.
[8] Nhữ Đình
Toản (1703-1773): Tên chữ là Nhữ
Thượng Chân, đỗ tiến sĩ năm 1736, làm quan trải nhiều chức như: Thượng Thư bộ
Binh, Tham Tụng (tức Tể Tướng), cải sang ngạch võ làm đến Đô đốc phủ, Tả Đô
đốc, quyền phủ sự, đồng dự chính vụ, khi về trí sĩ cho dự vào hàng Quốc lão,
tước Trung phái hầu. Ông là cháu 9 đời của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan.
[10] Giai thoại này theo lời kể các cụ cao tuổi họ Nhữ hậu
duệ tiến sĩ Nhữ Văn Lan ở Hải Dương.
[11] Dòng họ
Nguyễn An Tử hạ: là chi bảy, hậu duệ
Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi con cháu đằng nội Tiến sĩ Nhữ Văn Lan đã di cư về xã Lôi
Dương, huyện Đường An. Nguyễn Bỉnh Khiêm sai người con út là Nguyễn Ngọc Liễn
dẫn cháu nội đội bát nhang về An Tử hạ trông nom mồ mả, thờ cúng ông bà ngoại,
hình thành nên dòng họ Nguyễn ở đây.
[12] Đạt nhi: Văn Đạt là tên húy của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Xem chú thích 3.
[13] Mạc Đăng
Dung (1483-1541): người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương
(nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Thời trẻ nhà nghèo, làm nghề đánh cá, lớn lên dưới
thời vua Lê Uy Mục có tuyển võ sĩ,
Đăng Dung dự thi môn đánh vật, trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào đội túc
vệ. Đăng Dung có công đánh dẹp các thế lực quân phiệt, qua đó từng bước nắm hết
quyền lực triều đình, lên đến chức thái sư. Năm 1527, Đăng Dung cướp ngôi nhà
Lê, lập ra nhà Mạc, miếu hiệu là Mạc Thái Tổ.
[14] Phùng Khắc
Khoan (1528-1613): quê làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch
Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Dù đã là quan triều Lê Trung Hưng, nhưng năm 1580 ông vẫn tham gia thi nho học và đỗ Hoàng
giáp. Năm 1599, được thăng làm
Thượng thư bộ Công. Năm 1602, thăng ông
làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận.
Khi mất được truy tặng chức Thái phó. Nhiều nhà sử học cho rằng
do chênh lệch nhiều về tuổi, bà Từ Thục không thể là thân mẫu Phùng Khắc Khoan.
[15] Giai thoại liên quan đến Phùng Khắc Khoan được lấy
theo ghi chép trong “Hoạch Trạch Nhữ tộc phả”.[16] Nhữ Thị
Nhuận: quê xã Hoạch Trạch, huyện
Đường An (nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải
Dương). Bà là cháu 9 đời của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan. Xem thêm bài về bà Nhữ Thị
Nhuận.