NHỮ HOÀNG ĐÊ CÔNG CHÚA

Tượng thờ bà Nhữ Hoàng Đê tại đình Cẩm Du (Thanh Liêm, Hà Nam)

     Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại độc lập dân tộc, lên ngôi vua, đất nước thoát cảnh gần nghìn năm Bắc thuộc. Nhưng chỉ sáu năm sau, Ngô Vương mất, nước ta lại rơi vào hỗn loạn, các sứ quân cát cứ, giao tranh với nhau tạo ra loạn lạc, người dân khổ ải. Với chí lớn, muốn mang tài năng giúp dân, giúp nước, rất nhiều người tài giỏi đã theo phò chủ tướng Đinh Bộ Lĩnh[1] dẹp loạn 12 sứ quân, tiêu biểu như: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn[2]; Định Quốc công Nguyễn Bặc[3]; Ngoại giáp đại thần Đinh Điền[4]; Vệ úy Phạm Hạp[5]; đặc biệt nhiều cặp vợ chồng danh tướng cùng tham gia dẹp loạn như Lý Cương Nghĩa, cùng phu nhân Đào Diên Bình[6], sau được phong Diên Bình Đào Yêu công chúa; Phó Thập đạo tướng quân Nguyễn Minh, cùng phu nhân Nhữ Đê, sau được sắc phong Nhữ Hoàng Đê công chúa[7] v.v… Các nhân vật chính trị, quân sự tài ba này đã có công lớn giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, lập ra nhà nước quân chủ đầu tiên năm 968, quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
     Theo thư tịch cổ “Đinh triều nhị vị đại vương, nhất vị công chúa ngọc phả tịch… Quốc triều Lễ bộ chính bản”[8], tức ngọc phả do triều đình sắc phong cho hai vị đại vương, một vị công chúa triều Đinh (thờ tại đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), do Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính[9] phụng mệnh triều đình soạn vào ngày tốt tháng 10, năm Hồng Phúc thứ nhất (tức tháng 10 năm 1572 triều vua Lê Anh Tông): bà Nhữ Đê sinh ngày 15 tháng 8 năm Canh Ngọ[10], quê trang Thanh Khê (nay là thôn Thanh Khê, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Là con gái cụ Nhữ Khâm, một hào phú trong vùng. Bà nổi tiếng xinh đẹp “như trăng soi vào ngọc”[11], tài giỏi hơn người.
     Dã sử[12] lưu truyền nhiều sự tích về bà Nhữ Đê, như bà là tướng nhà trời, có sức khỏe phi thường. Hay sự tích bà được thần sơn lâm truyền dạy võ để gánh vác việc lớn: Võ trường Ninh Thái (thuộc huyện Thanh Liêm ngày nay) mỗi tháng mở một lần, không tháng nào bà không lừng danh, một hôm, trước ngày đấu võ, bà mộng thấy vị thần bảo “ngày mai sẽ có một võ sĩ tử đấu với nhà ngươi”. Buổi đấu hôm sau chẳng ai ngang sức với bà, mãi xế chiều, một con hổ hung dữ từ rừng xông ra, bà thủ thế đánh nhau với hổ, đến vạng tối thì bà đổ gục. Con hổ nâng đầu bà Nhữ lên, nhỏ vào miệng bà vài giọt dãi rồi biến vào rừng. Chốc bà tỉnh lại ngay và thấy khỏe ra bội phần. Từ đó, cứ mỗi tháng, hổ lại ra đấu với bà một lần, khi bà gục xuống, hổ lại nhỏ dãi vào miệng. Cho đến một kỳ nọ, bà đấu với hổ ba ngày bất phân thắng bại. Cuối cùng hổ dừng đấu và bảo bà: “Ta là thần sơn lâm, vâng mệnh trời, giúp người đủ tài gánh vác việc lớn. Đêm nay, thấy rồng sa vào nhà ai thì theo phù người ấy”. Đêm ấy, quả có rồng vàng rực sáng sa xuống nhà Lê Hoàn[13].
     Cùng thời có ông Nguyễn Minh, sinh ngày 10 tháng giêng năm giáp tí[14], cha là Nguyễn Hạnh, mẹ là Trần Thị Mỹ quê ở vùng Phật Tích (Bắc Ninh), đã nhiều tuổi mà chưa có con, đến chùa Bảo Thái (nay là chùa Vực, xã Liêm Cần) cầu tự và ở lại trông nom giúp việc nhà chùa. Sinh ra và lớn lên ở chùa, Nguyễn Minh theo thầy văn ôn võ luyện. Năm 20 tuổi chiêu mộ trai tráng, đêm ngày rèn binh, chuẩn bị lương thảo, bảo vệ nhân dân xóm làng, ngầm nuôi chí lớn. Sau đó, Nguyễn Minh ra nhập nghĩa quân Lê Hoàn cùng nhau phò giúp chủ tướng Đinh Bộ Lĩnh. Đó là sự gặp gỡ giữa hai con người cùng chí hướng trong buổi loạn lạc. Theo ngọc phả đền Lăng, đó là liên minh vì lợi ích của giang sơn xã tắc được thần Thiên Cang Đại vương[15] mách bảo.
     Là hào phú có tâm với đất nước, cụ Nhữ Khâm không những cung cấp tiền của giúp nghĩa quân tổ chức lực lượng, rèn rũa quân binh mà còn gả con gái Nhữ Đê cho tướng quân Nguyễn Minh để cùng tham gia dẹp loạn. Lại cung cấp thuyền bè, lương thực cho nghĩa quân đến yết kiến Đinh Bộ Lĩnh đang phất cờ khởi nghĩa ở động Hoa Lư.
     Chuyện tình của hai vị tướng giỏi Nguyễn Minh – Nhữ Đê trở thành một biểu tượng văn hóa lớn, có sức sống lâu bền trong lòng người dân quê hương qua những câu chuyện dân gian thú vị, như chuyện: Khi Nguyễn Minh đi tìm bạn đồng chí có đi qua Tốt Khê (nay là xã Thanh Hải, Thanh Liêm) thì gặp bà Nhữ Đê vừa cắt cỏ vừa hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Trăm cây ngàn cỏ lai hàng tay ta”[16]. Cho rằng đây là một cô gái xuất chúng... dò la biết đó là nàng Đê, con hào phú Nhữ Khâm. Trọng tài, trọng nghĩa, lại cùng chung chí lớn, được cụ Nhữ Khâm đồng ý gả, hai người đã lên duyên vợ chồng. Một tích chuyện khác thì ca ngợi đó là mối tình thiên định: Một hôm, bà Nhữ bắt được một con cua to lớn dị thường, bà đặt xuống mặt đường để ngắm, thì nó cứ theo đường bò một mạch thẳng về làng Ninh Thái, lặn biến xuống hồ sâu, nổi lên một đám tăm như cái nia. Bà Nhữ lặn mò chẳng thấy cua mà lại thấy một thanh gươm lớn[17]. Hiểu ý là trời dẫn dắt, trao gươm báu để phù nghiệp lớn, bà ra sức tập luyện. Một hôm, bà ra cửa hồ mài gươm, chẳng may nhỡ tay gươm rơi xuống hồ, bà lặn mò thế nào cũng không thấy. Trong vùng nhiều anh tài, bà ngỏ ý ai mò được sẽ lấy làm chồng. Bà nổi tiếng xinh đẹp, tài ba, nên nhiều người đến mò mà thanh gươm vẫn biệt tăm tích! Đến khi ông Nguyễn Minh đến, vừa bước đến gần mép nước thì thanh gươm bỗng nổi bềnh lên và trôi thẳng vào chỗ ông đứng. Ông vớt gươm và trao cho bà Nhữ. Từ đó, hai người tâm đầu ý hợp và cùng nhau theo giúp Lê Hoàn.
     Vẹn nghĩa phu thê, lại cùng chí lớn, bà Nhữ Đê đã sát cánh cùng chồng và các tướng xông pha trận mạc, đông chinh, tây phạt, một lòng một dạ phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thành tích rất nổi trội.
     Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Vua Đinh mở đại tiệc khao mừng, khen thưởng công lao tướng sĩ, phong Nguyễn Minh là Phó Thập đạo tướng quân. Đương vui yến tiệc, Nguyễn Minh không bệnh mà mất, bà Nhữ Đê cũng mất theo luôn. Ngày đó là 5 tháng 5. Vua thương sót thần có công lao to lớn bèn cấp tiền tuất sáu trăm quan. Phong cho Nguyễn Minh là“Quang minh chính trực Đại vương”, phong bà Nhữ Đê là: Nhữ Hoàng Đê Công chúa”, “Chiếu Bảo Thái xã tới kinh thành… rước bài vị sắc chỉ hồi dân lập đền thờ phụng... Từ đó về sau quốc đảo dần cầu nổi tiếng linh ứng”[18].
     Trải các triều đại, Nguyễn Minh – Nhữ Hoàng Đê đều được vua ban sắc phong thần và mỹ tự để nhân dân phụng thờ. Đến triều hậu Lê lại được gia phong:
Ông Nguyễn Minh “Tôn phong Quang Minh Chính Trực Đại Vương, gia tặng Anh Triết Hùng Đoan Thượng đẳng thần”(尊 封 光 明 正 直 大 王 加 贈 英 晳 雄 端 上 等 神).
Bà Nhữ Đê “Tôn phong Nhữ Hoàng Đê Công chúa, gia tặng Quốc Sắc Thiên Tài - Trung đẳng thần”[19] (尊 封 汝皇坻 公主 加 贈 國 色 天 才 中 等 神)
     Ngày nay, huyện Thanh Liêm còn nhiều địa danh ghi dấu tích cuộc đời, sự nghiệp của bà Nhữ Hoàng Đê như phía bắc dưới chân núi Cõi, còn khu đất dân vẫn gọi là “dàn thề”, xưa kia Lê Hoàn, cùng các tướng như Nguyễn Minh, Nhữ Hoàng Đê cho đắp lên làm dàn tế trời đất, thề một lòng một dạ sống chết có nhau để giúp nước. Nhuế thôn, trước kia là nơi Nguyễn Minh và Nhữ Hoàng Đê lập căn cứ trại Nhuế để rèn quân v.v…
     Thiên niên kỷ thứ nhất của công nguyên, nho giáo với những giáo lí trọng nam khinh nữ chưa xâm nhập sâu, người phụ nữ Việt Nam được tự do cống hiến tài năng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự… Vì vậy, lịch sử giai đoạn này đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng, anh kiệt như: Bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị (Hai Bà Trưng) lãnh đạo khởi nghĩa đánh đuổi sự đô hộ của Đông Hán (Trung Quốc), lên ngôi vua, xưng Trưng Nữ Vương (năm 40); Nữ tướng Triệu Thị Trinh (226-248) lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi sự cai trị của nhà Ngô (Trung Quốc); Bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng, có nhiều công lao được phong Thánh Chân công chúa; Tham gia phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân có rất nhiều các nữ anh kiệt như: Bà Trịnh Thị Khang cùng chồng là Đặng Chân (xuất thân trong gia đình tù trưởng ở Thanh hà, Hải Dương) đến sung quân, Bà được giao lãnh thủy binh, ông Đặng Chân được phong đại tướng quân, lãnh bộ binh; Hoàng Thị Đậu (Vụ Bản, Nam Định) cùng anh trai là Hoàng Xuân Khung theo vua Đinh đánh giặc, sau Bà giữ chức giám sát ngự sử, khi mất được phong Thánh Đậu đại vương, thờ ở Phủ Bà; Vợ chồng Lý Cương Nghĩa – Đào Diên Bình v.v… Bà Nhữ Hoàng Đê nằm trong số các nữ kiệt như vậy, là nhân vật của lịch sử, tài giỏi, có nhiều công lao. Bà sống mãi trong tâm thức người dân qua những giai thoại lưu truyền trong dân gian được ly kỳ hóa như một màn sương huyền bí lung linh.
     Hàng năm, kỷ niệm ngày mất mồng 5 tháng 5 (ÂL), nhiều người dân xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm tổ chức cúng giỗ hai vị Nhân-Thần Nguyễn Minh – Nhữ Hoàng Đê của quê hương. Đền Lăng, địa danh tâm linh cổ có tầm ảnh hưởng khắp các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, nơi thờ các vị vua Đinh - Tiền Lê, thờ “Nhị vị Đại vương” là Nguyễn Minh, Thiên Cang Đại vương và “Nhất vị công chúa”[20] là Nhữ Hoàng Đê công chúa”, ngày 26/01/1999 được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm vào ngày 8 tháng 3 (ÂL), hội đền được mở, đón khách thập phương đến dâng hương, tri ân, tưởng nhớ các bậc minh quân, trung thần, trong đó có người phụ nữ tài danh – Nhữ Hoàng Đê công chúa. Bà còn được phong Thành Hoàng tại đình Cẩm Du, được nhiều người dân của huyện Thanh Liêm kính trọng, tôn thờ.
Nhữ Đình Văn
(soạn lần đầu năm 2010, chỉnh sửa bổ sung năm 2015, 2020)

Tài liệu tham khảo:
-          Ngọc phả đền Lăng – bản dịch năm 1999 của ông Nhữ Đình Rồng.
-          Tài liệu ngọc phả đền Lăng do ông Nguyễn Văn Lang – Đại tá về hưu, Trưởng ban quản lý di tích xã Liêm Cần cung cấp.
-          Sách “Trăn trở ngàn năm” của Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm. Nhà xuất bản thời đại.
-          Lời kể của một số người dân huyện Thanh Liên



[1] Đinh Bộ Lĩnh (924 – 979) là tên húy của vị vua khai khai quốc triều Đinh, khi lên ngôi xứng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, miếu hiệu là Đinh Tiên Hoàng.
[2] Lê Hoàn (941 – 1005) là tướng của nhà Đinh, sau lập ra triều tiền Lê, xưng là Lê Đại Hành.
[3] Nguyễn Bặc (924 – 979) vị tướng khai quốc công thần nhà Đinh. Ông được tôn là Tiền Thủy tổ họ Nguyễn Phúc, lập ra Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vương triều Nguyễn sau đó.
[4] Đinh Điền (924 – 979) là công thần khai quốc nhà Đinh. Ông đã có công quy tụ dân chúng lập lên 2 làng là Nhân Kiệt và Tuấn Kiệt (Hùng Thắng, Bình Giang, Hải Dương).
[5] Phạm Hạp (933 – 979) là tướng trung thần của nhà Đinh. Ông là cụ Tổ 8 đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão nhà Trần.
[6] Lý Cương Nghĩa, Đào Diên Bình: Cả hai được phong thần và thờ ở đình làng Đoan Bái, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Lý Cương Nghĩa,  được sắc phong Cương Nghị Đại vương, phu nhân Đào Diên Bình, được sắc phong Diên Bình Đào Yêu công chúa/ Đào Thiên nương. Cả hai được phong thần và thờ ở đình làng Đoan Bái, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
[7] Công chúa: tước hiệu cao quý thường được vua, hoàng đế phong cho các hoàng nữ. trong một số trường hợp đặc biệt các phụ nữ quý tộc không phải hoàng nữ, thậm chí là tầng lớp bình dân do tài năng hoặc công tích đặc biệt cũng được phong công chúa. Ví dụ: Bà nữ tướng Lê Chân được Trưng Vương phong Thánh Chân công chúa; bà Đào Diên Bình tham gia dẹp loạn 12 sứ quân được phong Diên Bình Đào Yêu công chúa; một số các cháu gái vua, hoặc cả bình dân triều Trần cũng được phong tước hiệu Công chúa.
[8] Ngọc phả chữ Hán, Nguyễn Bính soạn năm 1572. Bản dịch ra quốc ngữ năm 1999 của ông Nhữ Đình Rồng (quê Hoạch Trạch, Thái Học, Bình Giang, Hải Dương).
[9] Nguyễn Bính: làm quan chức Hàn Lâm viên, Đông Các đại học sĩ triều Lê Anh Tông, Năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) được giao chỉnh lý biên soạn xong các thần phả, ngọc phả của các làng xã trong cả nước để triều đình sắc phong.
[10] Theo Ngọc phả bà Nhữ Đê sinh năm Canh Ngọ. Thế kỷ 10 có hai năm Canh Ngọ là 910 và 970. Năm 970 cuộc dẹp loạn 12 sứ quân đã hoàn tất và không phải năm sinh bà Nhữ Hoàng Đê. Năm 910 thì hơi sớm, nếu đúng thì khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đế, mở tiệc Bà Đê đã là một lão tướng 58 tuổi. Vấn đề năm sinh cần tiếp tục được khảo cứu thêm.
[11] Xem chú thích 8.
[12] Theo sách “Trăn trở ngàn năm” của Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm, - tài liệu ông Nguyễn Văn Lang – đại tá quân đội về hưu, trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa xã Liêm Cần - cung cấp).
[13] Xem chú thích 2.
[14] Theo Ngọc phả ông Nguyễn Minh sinh năm Giáp Tý: Thế kỷ 10 có hai năm Giáp Tý là 904 và 964. Vấn đề năm sinh cần tiếp tục được khảo cứu thêm (xem chú thích 10).
[15] Theo Ngọc phả: Nguyễn Minh mộng thấy một vị từ trời xuống xưng là Thiên Cang nói rằng: “Đế vương chi hưng đã có số trời. Đinh Bộ Lĩnh làm vua, Lê Hoàn làm tướng sau lại làm vua…”. Sau này, thần Thiên Cang được sắc phong “Thiên Cang Đại vương” thờ tại đền Lăng.
[16] Theo tài liệu của ông Hà Văn Lang – Đại tá quân đội, Tham luận của TS sử học Phan Phương Thảo (Đại học QG Hà Nội) và tác giả bài viết này đi điền dã hỏi người dân Thanh Liêm.
[17] Xem chú thích 12.
[18] Xem chú thích 8.
[19] Xem chú thích 8.
[20] Xem chú thích 8.



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn