Khảo cứu một số văn bia cổ ở đền Bạch Mã liên quan đến các cụ Tổ họ Nhữ

Ban Hậu Trạch thờ các Cụ Tổ họ Nhữ trong đền Bạch Mã, Hà Nội

    Đền Bạch Mã – số 76 phố Hàng Buồm, T.P Hà Nội - Một trong Tứ Trấn linh thiêng của Thăng Long, thờ Thần "Long Đỗ - Thần Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương". Long Đỗ là vị Thành Hoàng của Kinh thành Thăng Long. Trong đền phối thờ một số Chư vị Thần linh, Ban Trần Triều hiển Thánh và Ban Hậu trạch 厚澤 – thờ các cụ Tổ họ Nhữ do đã có chút công lao nhỏ trong quá trình hưng công đền.
     Khảo cứu một số văn bia cổ ở đền Bạch Mã có ghi chép lại các sự kiện kiến thiết, trùng tu, mở rộng đền mà có sự tham gia của một số nhà khoa bảng họ Nhữ:
     a. Bia “Bạch Mã thần từ bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ tám (1687):
  • Vị trí: Bên phải Tam quan đền Bạch Mã
  • Tác giả soạn văn bia: Nhữ Nột Tẩu (tức Nhữ Tiến Dụng 汝 進 用)
  • Là văn bia có niện đại sớm nhất trong đền hiện nay.
  • Văn bia ghi lại quá trình trùng tu đền, trong đó có các đoạn: “ngày qua tháng lại gió dập mưa sa chẳng thấy được cảnh kỳ vĩ (của đình) đã có khi xưa nữa. Cũng mong tìm được người để chấn hưng lại đền miếu, nhưng cũng phải chờ cậy nhờ vào sức của người có tài năng mới được...”; “…Nay toàn thể quan viên trên dưới ba giáp, Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên… cùng nhau suy tính và bàn bạc đến thỉnh quan Đô cấp sự trung Lễ khoa là Nhữ Tiến Dụng xem đất, đặt hướng, hưng công, tập phúc cho công việc hoàn thành. Ân ấy chẳng mấy chốc đã lan truyền rộng khắp. Trên từ các nhà quyền quý, dưới các nhà cùng đinh, gần thì dù là đầu bạc, xa tận những người trẻ tuổi dù khác tiếng nói, tay ôm vai vác, tiền gạo, gỗ, đá cùng của cải công đức không thể ghi xiết”; “…Đến ngày 4 tháng 12 năm Bính Dần bốc được điểm lành xúc tiến khởi công trùng tu tiền đình”; “Khi làm xong, ngôi đền đẹp… nguy nga tráng lệ hương đèn rực rỡ ánh sáng vàng son chiếu sáng cả bầu trời. Lượng xét âm công đã đầy đặn hiểu rằng dương báo tất được đáp ứng. Mong được ban cho nhiều điều tốt lành, trợ giúp lắm phúc lớn…”
  • Đây cũng là lần đại tu lớn, duy nhất do một vị quan trong triều đình đứng ra tổ chức xây dựng, thỉnh được Hoàng Thượng và kêu gọi được nhiều hoàng thân, quốc thích, Phủ Chúa và nhiều quan trong triều tham gia đóng góp, công đức. Con trai Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng là Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền đang làm quan lớn trong triều đình, hai cha con đã cùng tham gia vận động khuyên góp xây đền, văn bia ghi lại: Hoàng Thượng ban cho 3 quan tiền cổ; Thái Trưởng Yến Quân chúa 1 quan tiền cổ; Vĩnh Quận chúa 1 quan sử tiền; Thiếu úy Phái quận công 1 quan sử tiền; Trịnh Ngọc Nghiên 5 quan cổ tiền…Vũ Thị Nhu là vợ của TS Nhữ Tiến Dụng 3 đồng; Vũ Thị Đoan Hậu là vợ của Ts Nhữ Tiến Hiền 6 tảng đá nung vôi… nhiều người khác như: Nhữ Thị Nhiễn, Nhữ Thị Đức, Nhữ Hiển Trung… v.v…
       Tóm lược: Năm 1687, Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng 汝 進 用 làm quan Lễ khoa Đô cấp sự trung đã có chút công lao “hưng công” đền: Đứng ra vận động trong triều đình, ngoài dân chúng khuyên góp tiền, hiện vật; Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng đại tu, mở rộng đền (xem đất, chọn hướng, gieo quẻ, tổ chức quản lý kiến thiết đền…) và là tác giả soạn văn bia ghi lại đợt trung tu, mở rộng đền đợt này.
      Vài nét về Ts Nhữ Tiến Dụng: sinh ngày 22 tháng 9 năm Quý Hợi (1623), mất ngày 20 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1689), thọ 67 tuổi. Húy là Lộng, tự Nột Tẩu, hiệu Giới Hiên, tên đi thi là Tiến Dụng. Ông là cháu bảy đời của Tiến sĩ, Thượng thư Bộ hộ Nhữ Văn Lan (1443-1523). Quê quán tại xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm Bính Tuất (1646), 23 tuổi, đỗ hương cống, bắt đầu ra làm quan. Khoa Giáp Thìn, Cảnh Trị thứ 2 (1664) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
      Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng là vị quan mẫn cán, thanh liêm và nổi tiếng giỏi quẻ dịch, thiên văn, địa lý. Theo cuốn “Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả” hiện đang lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm: Ông nhiều lần gieo quẻ dự đoán chính xác các sự kiện thiên tai lớn được chúa Trịnh trọng thưởng và được giao xem đất đất đặt Vương Phủ.
      Nuôi dưỡng truyền thống văn hiến, hiếu học, năm Mậu thân (1668), Ông đã xem đất và tổ chức xây dựng văn chỉ làng Hoạch Trạch (Hải Dương), sang thời Nguyễn được ghép sử dụng làm văn chỉ mới của huyện Đường An. Ông có công sửa sang tu lý lại chùa Phạm Lâm (HD), được đúc tượng thờ Hậu tại chùa.
      Con cháu nhờ phúc đức và công dưỡng dục của ông, bốn đời liên tiếp đã có 5 người đỗ đại khoa, đó là:
      Con trai Nhữ Tiến Hiền (1659-1716), sau đổi Nhữ Đình Hiền 汝廷賢, đỗ tiến sĩ năm 1680, làm quan đến Bồi Tụng, Thượng Thư Bộ hình, sau do tử ấm được gia phong Thái Phó, Thọ Quân Công. Năm 1697- 1698 là phó đoàn sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), khi về nước đã mang nghề lược tre về truyền cho dân làng – được tôn là ông tổ làng nghề. Lưu truyền ông đã mang 02 chiếc bình sứ to (chum Ngô) về cung tiến đình làng quê hương Hoạch Trạch (hiện vẫn còn) một cái cung tiến đền Bạch Mã để chứa nước cúng (đã vỡ hoạch thất lạc từ lâu).
      Cháu nội Nhữ Trọng Thai 汝仲台(1696- ?), đỗ Đình Nguyên, Bảng Nhãn năm 1733. Làm quan đến Hiến sát sứ.
      Cháu nội Nhữ Đình Toản 汝廷瓚 (1703-1773), sau đổi là Nhữ Công Toản 汝公, đỗ Hội nguyên, Tiến sĩ năm 1736. Làm quan đến, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tế Tửu Quốc Tử Giám, Nhập thị nội Tham tụng, Binh bộ Thượng thư, cải thụ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Quyền Phủ sự đồng dự chính vụ, trí sĩ, Trung Phái hầu, ban vào hàng Quốc Lão.
      Chắt nội Nhữ Cống Trấn 汝公瑱 (1751-1805), một số sách dịch là Công Chân, hoặc Công Điền. Đỗ Hoàng Giáp năm 1772, làm quan đến Lại Phiên, Tả Thị lang Bộ Lễ triều Lê-Trịnh, sau ra làm quan giúp triều Tây Sơn ổn định đất nước.
           Những công nhận, vinh danh của nhà nước gần đây:
      Nhà thờ họ Nhữ làng Hoạch Trạch có tượng thờ Ts Nhữ Tiến Dụng ở hậu cung, đồng thời là đền thờ ông tổ làng nghề lược tre Ts Nhữ Đình Hiền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấ quốc gia năm 1993
      Thành phố Hải Dương đã lấy tên của Ts Nhữ Đình Hiền và Ts Nhữ Tiến Dụng đặt tên cho hai đường phố.
      Năm 2013, Sở văn hóa thông tin Hà Nội, Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử giám đã tổ chức hội thảo khoa học “Hội Nguyên Tiến sĩ Nhữ Đình Toản – con người và sự nghiệp”, các nhà khoa học đã vinh danh và đánh giá cao các đóng góp về văn hóa, chính trị, quân sự của Ts Nhữ Đình Toản.

Ban Hậu Trạch hiện nay (sau lần đại tu đền năm 2020). Ảnh N.Đ.Văn
     b.  Bia “Văn Chỉ bi ký” lập năm Cảnh Hưng 35 (1774)
  • Vị trí: Trên tường – hành lang bên phải theo lối đi vào tòa điện hậu.
  • Văn bia ghi lại: “…nay có người trong giáp đỗ Tiến sĩ Đệ nhị giáp khoa Nhâm Thìn là ông Nhữ Công Trấn (Chân) 汝公, quê gốc làng Hoạch Trạch, xứ Hải Dương, vốn có một khu đất tư ở sát bên trái đền, rộng 16 thước, dài hơn 108 thước tình nguyện cung tiến để làm nơi phụng thờ tiên hiền…” Bia lập ngày 09 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774)Hoàng giáp Nhữ Công Trấn là chắt nội Ts Nhữ Tiến Dụng.
  • Giấy cúng tiến đất lập ngày 02 tháng 9 năm Cảnh Hưng 35 (1774) viết: “Tôi là Nhữ Công Trấn, nhị Giáp Tiến sĩ… làm giấy biên nhận như sau: Duyên Tiên thế tôi có ủy lại phận cho tôi là một khu đất có nhà… tọa lạc ở bên tả đền Bạch Mã… Tôi tình nguyện đem đất ấy cúng tiến vào đền, giao cho 3 giáp xây văn chỉ… Từ nay về sau đều do 3 giáp nhận lấy sửa sang thờ cúng truyền lâu dài”.
     Tóm lược: Năm 1774, Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn Nhữ Công Trấn (Chân) 汝公, làm quan triều Lê đến chức Lại Phiên, Lễ Bộ Tả Thị lang đã cung tiến đất nhà của cha, ông để lại để đền Bạch Mã mở rộng, lập văn chỉ thờ tiên hiền.

     c. Bia “Trùng tu Bạch Mã Bi Kí” lập năm Minh Mạng thứ 1 (1820):
     Văn bia đã ghi lại nhiều người họ Nhữ đều là hậu duệ Ts Nhữ Tiến Dụng đã cúng tiến tiền, vàng bạch để tu bổ đền, đó là các ông: Nhữ Công Kỳ 12 lạng bạc; Nhữ Trọng Quản 10 lạng bạc; Nhữ Đăng Đệ, Nhữ Đình Sưu, Nhữ Đình Tuấn, Nhữ Đình Quân mỗi người 5 lạng bạc; Nhữ Đình Lý, Nhữ Đình Tuệ  Nhữ Đình Thi, Nhữ Trọng Cửu, Nhữ Trọng Vĩnh mỗi người 10 quan tiền, Nhữ Huy Phấn, Nhữ Đình Sứng, Nhữ Đình Lữ, Nhữ Công Vực mỗi người 6 quan tiền…

     Ban Hậu trạch - thờ các Cụ Tổ họ Nhữ tại đền Bạch Mã
     Do có một số đóng góp nhỏ trong các quá trình hưng công đền Bạch Mã. Từ lâu, người dân và Nhà đền đã lập một Ban Hậu nhỏ thờ cúng các cụ Tổ họ Nhữ có công với đền. Theo lời kể người già, Ban Hậu trước đây được đặt tại khu văn chỉ của đền, thờ các nhà khoa bảng thuộc gia đình họ Nhữ (Ts Nhữ Tiến Dụng, Ts Nhữ Đình Hiền, Ts Nhữ Đình Toản, Hoàng Giáp Nhữ Công Chân) do có công hưng công và hiến đất. Sau nhiều lần tu sửa, Ban Hậu trạch – thờ cụ họ Nhữ đặt tại hành lang bên trái theo lối vào. Con cháu họ Nhữ hàng năm lấy ngày giỗ cụ Nhữ Tiến Dụng để xum họp về đền, dâng hương lễ Thánh và tổ tiên. Năm 2019 – 2020, UBND Thành phố Hà Nội và phường Hàng Buồm đã tiến hành trung tu lớn đền Bạch Mã, xắp xếp lại các điện, ban thờ trong đền. Ban Hậu trạch – Thờ các cụ họ Nhữ đã được Ban quản lý đền đưa lên thờ trang trọng tại tầng 2 – tòa Điện Hậu.
 
Ban Hậu Trạch trước khi đại tu đền. Ảnh N.Đ.Văn
     Để hoàn thiện và đưa công tác thờ cúng tâm linh vào quy củ. Vừa qua, Ban quản lý đền đã có nhã ý đề nghị dòng họ Nhữ đề xuất nội dung bài vị (hoặc biển đề công lao) tại Ban Hậu trạch để Ban quản lý và các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý xem xét phê duyệt. Sau khi nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm có liên quan, Ban liên lạc họ Nhữ Việt Nam và dòng Họ Nhữ làng Hoạch Trạch đã đề xuất nội dung tóm lược công lao "hưng công" của các cụ Tổ họ Nhữ với đền Bạch Mã như sau: 
     Chữ Hán và phiên âm:
甲辰科同進士出身禮科都給事中汝進用興功白馬神祠
(Giáp Thìn khoa, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Lễ Khoa Đô cấp sự trung Nhữ Tiến Dụng Hưng công Bạch mã Thần từ)
壬辰科 二甲進士 禮部左侍郎汝公瑱有土恭進白馬神祠
 (Nhâm Thìn khoa, Nhị Giáp Tiến sĩ, Lễ Bộ Tả Thị lang Nhữ Công Trấn hữu thổ Cung tiến Bạch Mã Thần Từ
    Dịch nghĩa:
Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, (làm quan chức) Lễ khoa Đô cấp sự trung là Nhữ Tiến Dụng có công trùng tu, mở rộng đền Bạch Mã.
Nhị Giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, (làm chức quan) Lễ Bộ Tả Thị lang đã cung tiến đất ở của mình cho đền Bạch Mã. 
GS.TS Đinh Khắc Thuân căn cứ văn bia, tư liệu lịch sử của đền, tham khảo thư của Ban liên lạc họ Nhữ Việt Nam và dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch đã viết bài vị ban Hậu Trạch đền Bạch Mã như sau:


Bài vị Ban Hậu Trạch do GS.TS Đinh Khắc Thuân viết tặng đền Bạch Mã.
 

GS.TS Đinh Khắc Thuận (Viện nghiên cứu Hán Nôm) và Ông Nhữ Đình Phồn, a. Nhữ Đình Văn. ảnh GS.TS Đinh Khắc Thuân


Ngai thờ Ban Hậu Trạch đền Bạch Mã. ảnh N.Đ.Văn


Bia "Bạch Mã Thần Từ bi kí" lập năm 1687 (bia niên đại sớm nhất) tại đền Bạch Mã. Ảnh N.Đ.Văn


Bia "Bạch Mã Thần Từ bi kí" lập năm 1687 (bia niên đại sớm nhất) tại đền Bạch Mã. ảnh N.Đ.Văn


Bia "Bạch Mã Thần Từ bi kí" lập năm 1687 (bia niên đại sớm nhất) tại đền Bạch Mã. ảnh N.Đ.Văn


Bia "Bạch Mã Thần Từ bi kí" lập năm 1687 (bia niên đại sớm nhất) tại đền Bạch Mã. ảnh N.Đ.Văn












Một số tên các Cụ họ Nhữ trên các văn bia trong đền Bạch Mã. ảnh N.Đ.Văn


Ban Hậu Trạch tại vị trí mới khi vẫn để bàn thờ chân cao. ảnh N.Đ.Văn
Nhữ Đình Văn
(sưu tầm tư liệu và soạn thư gửi đền Bạch Mã)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn