Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, số 76 Hàng Buồm, Hà Nội
Đền Bạch Mã – số 76 phố Hàng Buồm, T.P Hà Nội - Một trong Tứ Trấn linh thiêng của Thăng Long, thờ Thần Long Đỗ - Thần Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương, còn gọi Tô Lịch giang thần. Long Đỗ là vị Thành Hoàng của Kinh thành Thăng Long (nên còn được gọi là Đình Bạch Mã). Đền xây dựng vào năm 875. Lễ hội chính của đền vào 12, 13 tháng 2 âm lịch.
Trong đền phối thờ một số Chư vị Thần linh, Ban Trần Triều hiển Thánh và Ban Hậu trạch 厚澤 – thờ các cụ Tổ họ Nhữ do đã có chút công lao nhỏ trong quá trình hưng công đền. Các chữ đại tự tại 5 ban trong nhà mẫu gồm:
Hậu Trạch (ơn dày): “Ban Hậu – Khai sáng hưng công – Bản từ họ Nhữ”Thuận thiên thành vật: Thờ MẫuTừ vân biến giá: Tam tòaTrần triều hiển thánh: Đức Thánh Trần Hưng ĐạoTối linh
Ban Hậu Trạch: Ban Hậu - Khai sáng hưng công - Bản từ họ Nhữ
Bài vị ban Hậu Trạch: “Phụng Lê Triều Hoạch Trạch Nhữ Tộc Chư hậu tự chân linh chi linh vị”. Trước khi trùng tu, Ban “Hậu Trạch” đặt tại hành lang bên trái, gồm bệ thờ, khám thờ gỗ, câu đối, hạc đồng v.v… Đợt trung tu này, Ban thờ hậu và các ban phối thờ Thánh Trần, thần linh được đưa xuống tòa mẫu của đền.
Khảo cứu một số văn bia cổ ở đền Bạch Mã có ghi chép lại các sự kiện kiến thiết, trùng tu, mở rộng đền mà có sự tham gia của một số nhà khoa bảng họ Nhữ:
1. Bia “Bạch Mã thần từ bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ tám (1687):
Vị trí: Bên phải Tam quan đền Bạch Mã
Tác giả soạn văn bia: Nhữ Nột Tẩu (tức TS Nhữ Tiến Dụng 汝 進 用)
Là văn bia có niên đại sớm nhất trong đền hiện nay.
Văn bia ghi lại quá trình trùng tu đền, trong đó có các đoạn: “ngày qua tháng lại gió dập mưa sa chẳng thấy được cảnh kỳ vĩ (của đình) đã có khi xưa nữa. Cũng mong tìm được người để chấn hưng lại đền miếu, nhưng cũng phải chờ cậy nhờ vào sức của người có tài năng mới được...”; “…Nay toàn thể quan viên trên dưới ba giáp, Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên… cùng nhau suy tính và bàn bạc đến thỉnh quan Đô cấp sự trung Lễ khoa là Nhữ Tiến Dụng xem đất, đặt hướng, hưng công, tập phúc cho công việc hoàn thành. Ân ấy chẳng mấy chốc đã lan truyền rộng khắp. Trên từ các nhà quyền quý, dưới các nhà cùng đinh, gần thì dù là đầu bạc, xa tận những người trẻ tuổi dù khác tiếng nói, tay ôm vai vác, tiền gạo, gỗ, đá cùng của cải công đức không thể ghi xiết”; “…Đến ngày 4 tháng 12 năm Bính Dần bốc được điểm lành xúc tiến khởi công trùng tu tiền đình”; “Khi làm xong, ngôi đền đẹp… nguy nga tráng lệ hương đèn rực rỡ ánh sáng vàng son chiếu sáng cả bầu trời. Lượng xét âm công đã đầy đặn hiểu rằng dương báo tất được đáp ứng. Mong được ban cho nhiều điều tốt lành, trợ giúp lắm phúc lớn…”
Đây cũng là lần đại tu lớn, duy nhất do một vị quan trong triều đình đứng ra tổ chức xây dựng, thỉnh được Hoàng Thượng và kêu gọi được nhiều hoàng thân, quốc thích, Phủ Chúa và nhiều quan trong triều tham gia đóng góp, công đức. Con trai Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng là Tiến sĩ Nhữ Tiến Hiền cũng đang làm quan lớn trong triều đình, hai cha con đã cùng tham gia vận động khuyên góp xây đền, văn bia ghi lại: Hoàng Thượng ban cho 3 quan tiền cổ; Thái Trưởng Yến Quân chúa 1 quan tiền cổ; Vĩnh Quận chúa 1 quan sử tiền; Thiếu úy Phái quận công 1 quan sử tiền; Trịnh Ngọc Nghiên 5 quan cổ tiền…Vũ Thị Nhu là vợ của TS Nhữ Tiến Dụng 3 đồng; Vũ Thị Đoan Hậu là vợ của Ts Nhữ Tiến Hiền 6 tảng đá nung vôi… nhiều người khác như: Nhữ Thị Nhiễn, Nhữ Thị Đức, Nhữ Hiển Trung… v.v…
Tóm lược: Năm 1687, Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng 汝 進 用 làm quan Lễ khoa Đô cấp sự trung đã có chút công lao “hưng công” đền: Đứng ra vận động trong triều đình, ngoài dân chúng khuyên góp tiền, hiện vật; Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng đại tu, mở rộng đền (xem đất, chọn hướng, gieo quẻ, tổ chức quản lý kiến thiết đền…) và là tác giả soạn văn bia ghi lại đợt trung tu, mở rộng đền đợt này.
Vài nét về Ts Nhữ Tiến Dụng: sinh ngày 22/9 năm Quý Hợi (1623), mất ngày 20/6 năm Kỷ Tỵ (1689), thọ 67 tuổi. Húy là Lộng, tự Nột Tẩu, hiệu Giới Hiên, tên đi thi là Tiến Dụng. Ông là cháu bảy đời của Tiến sĩ, Thượng thư Bộ hộ Nhữ Văn Lan (1443-1523). Quê quán tại xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương, nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm Bính Tuất (1646), 23 tuổi, đỗ hương cống, bắt đầu ra làm quan. Khoa Giáp Thìn, Cảnh Trị thứ 2 (1664) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng là vị quan mẫn cán, thanh liêm và nổi tiếng giỏi quẻ dịch, thiên văn, địa lý. Năm Mậu thân (1668), Ông đã xem đất và tổ chức xây dựng văn chỉ làng Hoạch Trạch (Hải Dương).
Trong bia có ghi chép về TS Nhữ Tiến Hiền (Đình Hiền 1659-1716),) là con trai Nhữ Tiến Dụng. Đỗ tiến sĩ năm 1680, làm quan đến Bồi Tụng, Thượng Thư Bộ hình, sau do tử ấm được gia phong Thái Phó, Thọ Quân Công. Năm 1697- 1698 là phó đoàn sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), khi về nước đã mang nghề lược tre về truyền cho dân làng – được tôn là ông tổ làng nghề. Lưu truyền ông đã mang 02 chiếc bình sứ to (chum Ngô) về cung tiến đình làng quê hương Hoạch Trạch (hiện vẫn còn) một cái cung tiến đền Bạch Mã để chứa nước cúng (đã vỡ hoạch thất lạc từ lâu).
Những công nhận, vinh danh của nhà nước gần đây:
Nhà thờ họ Nhữ làng Hoạch Trạch có tượng thờ Ts Nhữ Tiến Dụng ở hậu cung, đồng thời là đền thờ ông tổ làng nghề lược tre Ts Nhữ Đình Hiền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấ quốc gia năm 1993.
Thành phố Hải Dương đã lấy tên của Ts Nhữ Đình Hiền và Ts Nhữ Tiến Dụng đặt tên cho hai đường phố.
2. Bia “Văn Chỉ bi ký” lập năm Cảnh Hưng 35 (1774)
Vị trí: Trên tường – hành lang bên phải theo lối đi vào tòa điện hậu.
Bia lập ngày 09 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774)
Văn bia ghi lại: “…nay có người trong giáp đỗ Tiến sĩ Đệ nhị giáp khoa Nhâm Thìn là ông Nhữ Công Chấn 汝公瑱, quê gốc làng Hoạch Trạch, xứ Hải Dương, vốn có một khu đất tư ở sát bên trái đền, rộng 16 thước, dài hơn 108 thước tình nguyện cung tiến để làm nơi phụng thờ tiên hiền…” . Hoàng giáp Nhữ Công Chấn là chắt nội Ts Nhữ Tiến Dụng.
Giấy cúng tiến đất lập ngày 02 tháng 9 năm Cảnh Hưng 35 (1774) viết: “Tôi là Nhữ Công Chấn, nhị Giáp Tiến sĩ… làm giấy biên nhận như sau: Duyên Tiên thế tôi có ủy lại phận cho tôi là một khu đất có nhà… tọa lạc ở bên tả đền Bạch Mã… Tôi tình nguyện đem đất ấy cúng tiến vào đền, giao cho 3 giáp xây văn chỉ… Từ nay về sau đều do 3 giáp nhận lấy sửa sang thờ cúng truyền lâu dài”.
Tóm lược: Năm 1774, Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn Nhữ Công Chấn 汝公瑱, làm quan triều Lê đến chức Lại Phiên, Lễ Bộ Tả Thị lang đã cung tiến đất nhà của cha, ông để lại để đền Bạch Mã mở rộng, lập văn chỉ thờ tiên hiền.
3. Bia ốp trên tường tòa Tiền đường, khắc năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778)
Bia ghi chép sự kiện một số quan chức sông sở huyện Thọ Xương làm quan trong triều và làm quan ở huyện Thọ Xương trong đó có huyện thừa Nhữ Đình Thận, Nhữ Đình Toại đã ký tờ khải lên Chúa Trịnh xin chuẩn y điều chỉnh, bổ sung việc thờ cúng Tối linh thần Bạch Mã (tờ trình xin tạo lệ)
4. Bia dựng bên phải tam quan khắc năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781)
Bia ghi chép việc xin “Tạo lệ bi kí”
Trong danh sách ký tờ khải có: Huyện thừa Nhữ Đình Thận, Nhữ Đình Trạc, Tri huyện Nhữ Đình Hiến, Nho sinh Nhữ Đình Lĩnh, Quan viên tôn Nhữ Đình Bật, huyện thừa Nhữ Đình Tải, Đồng tri chân Nhữ Duy Ninh, Nho sinh Nhữ Duy Càn, Quan viên tôn Nhữ Tể, Huyện thừa Nhữ Đăng Đệ, Nhữ Đình Hiền, Quan viên tử Nhữ Đình Lễ, Nhữ Đình Tri
5. Bia gắn tường bên trái gian Đại bái lập năm Minh Mạng thứ 1 (1820)
Ghi chép đợt trùng tu đền năm 1820. Bia có khắc ghi những người công đức, trong số đó họ Nhữ có các cụ sau đây:
Nhữ Công Kỳ 12 lạng bạc; Nhữ Trọng Quản (Quan, Quân?) 16 lạng bạc; Nhữ Đăng Đệ, Nhữ Đình Sưu (Lâu?), Nhữ Đình Tuấn, Nhữ Đình Quân mỗi người 5 lạng bạc; Nhữ Đình Lý, Nhữ Đình Huệ (Tuệ?), Nhữ Đình Thi (Nhĩ), Nhữ Trọng Cửu, Nhữ Trọng Vĩnh (Vịnh?) mỗi người 10 quan tiền, Nhữ Huy Phấn, Nhữ Đình Sứng, Nhữ Đình Phương, Nhữ Đình (công) Vực, Nhữ Công Thành, (Nhữ Đình Lữ ?) mỗi người 5 quan tiền…
6. Bia gắn tường bên trái khắc năm Minh Mạng thứ 20 (1839)
Bia ghi chép việc “Kiến tạo Phương Đình”, trong số những người công đức, có các cụ họ Nhữ sau đây: Nhữ Đình Đức, Nhữ Trọng Cửu, Nhữ Đình Vinh, Nhữ Trọng Khuê, Nhữ Đình Huệ, Nhữ Trọng Quế,
7. Bia gắn tường bên phải khắc năm Tự Đức thứ 34 (1881)
Bia ghi chép “trùng tu Phương Đình”, trong số những người công đức, có cụ họ Nhữ là: Nhữ Trọng Tú
8. Bia gắn tường bên trái tòa Bái Đường khắc năm Bảo Đại thứ 8 (1935)
Bia ghi chép việc trùng tu khu văn chỉ của đền: Bia có nhắc lại Hoàng Giáp Nhữ Công Chấn đã hiến đất để làm văn chỉ đền.
Các văn bia cổ tại đền Bạch Mã rất có giá trị cho công tác nghiên cứu về danh nhân và gia phả họ Nhữ Việt Nam.
Nhữ Đình Văn