Tìm hiểu thành ngữ: BỂ DÂU

Trong những vần thơ mở đầu Truyện Kiều Cụ Nguyễn Du có viết :
Trải qua một cuộc BỂ DÂU,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !
     Vậy BỂ DÂU trong câu thơ trên có nguồn gốc từ đâu và có ý nghĩa là gì?
     BỂ DÂU hay “Biển dâu” (hải tang) rút ngắn từ câu THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄 海 桑 田, tức là biển xanh ruộng dâu mà ra.
     Sách Thần Tiên Truyện của Trung Hoa nói rằng: “tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền”. Nghĩa là cứ ba mươi năm một lần, biển xanh lại hóa thành ruộng dâu.
     Còn theo tích Ma Cô trong “Thái Bình Ngự Lãm” đời Tống lại có kể lại câu chuyện như sau: Trong một lần đi họp mặt với các thần tiên, Ma Cô đã nói rằng: Tới lui hội họp trong những năm nay, mình đã 3 lần thấy biển đông biến thành ruộng dâu, lần nầy ngang qua biển đông lại thấy nước đã cạn dần có thể sắp biến thành ruộng dâu lần nữa.
     Thành ngữ THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN vì thế chỉ sự biến đổi đến không thể ngờ trước được, sự thay đổi lớn lao của cảnh vật làm cho con người cảm thấy ngỡ ngàng. Thành ngữ nầy còn được nói gọn lại thành TANG THƯƠNG hay THƯƠNG TANG, và được Nôm hóa bằng câu: Bãi Bể hoá Nương Dâu, hay bằng từ DÂU BỂ hoặc BỂ DÂU.
Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn?
                                                           (Quốc Sử Diễn Ca)
Sưu tầm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn