Phân biệt ĐẠI HỌC và TRƯỜNG ĐẠI HỌC

(theo facebook Ngô Văn Minh) Tên tuổi đại học theo Tây hay chút nhầm nhọt nhân dân thành ra không hiểu
Nghị định 99/2019/NĐ-CP có ba khái niệm chỉ các cơ sở giáo dục ở bậc đại học, gồm: Đại học, Trường Đại học và Học viện. Trong đó Đại học và trường Đại học là không cùng đẳng cấp và đôi khi được định theo những hướng (rất) khác nhau. Theo Nghị định này, tuy Đại học và Trường Đại học đều là cơ sở giáo dục bậc đại học, tức là bậc cao nhất nhưng Đại học được hiểu là to hơn và bao gồm trong đó nhiều trường đại học. Do vậy có chuyện các trường Đại học có thể liên kết để thành lập Đại học, hoặc nếu khoẻ thì tự phấn đấu to ra mà thành Đại học, giống như Đại học Bách Khoa vừa xong.
Ở Việt Nam, phần lớn các trường Đai học đều vui vẻ dịch tên là University, một số trường thêm chứ The thành The University để ám chỉ Trường Đại học, trong khi nêu đúng ra thì University chỉ dùng cho Đại học. Nhưng quân và dân ta vốn có tính tốt đẹp khoe ra, dù chưa tốt - với mục đích phấn đấu, nên tuy ta là trường Đại học thôi, ta vẫn là University; đúng ra thì ta chỉ là School. Nhưng School thì yếu, nên có chuyện trường ĐH BK Hà Nội trước và sau khi nâng cấp dịch ra tiếng Anh vẫn đẹp trai là Hanoi University of Technolgy, không có gì phải đổi.
Tuy thế anh em đừng phê bình Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây vẫn là trường hiểu đúng (chắc là nhất) về hệ thống đại học phương Tây, và sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội là phù hợp với vị thế của trường. Tức là từ nay danh Việt đã xứng với danh Anh. Các trường đại học khác đang tạm mượn dịch bản thân là University, chẳng thấy ai gọi mình là School, College bao giờ, tức là đang nợ ngôn ngữ tiêng Anh một vài (chục) năm phấn đấu. Nói cũng như nhiều Phó Giáo sư đọc nhầm mình thành Giáo sư, chuyện rất thường hiện.
Ở Tây không thế: có những từ ngữ rất cụ thể để phân biệt. Lấy thứ tiếng ảnh hưởng ở Ta nhất khi bắt đầu nền đại học là tiếng Pháp thì người Pháp đặt tên các trường đào tạo bậc cao ở Đông Dương như sau:
- Université d’indochinoise : Đại học Đông dương
- École des beaux-arts de l'Indochine : trường đại học mỹ thuật đông dương
- École des travaux publics : trường cao đẳng công chính
- École de Médecine de Hanoï : trường Đại học Y Hà Nội
Đọc đến đây, anh em tinh ý đã thấy vấn đề. Đại học Đông Dương nay có truyền nhân là Đại học Quốc gia (tại Hà Nội), đào tạo cả kiến thức phổ quát lẫn kiến thức chuyên sâu tại các trường Đại học bên trong: Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Ngoại ngữ,… Đây đúng là Đại học.
Trường Thuốc, École de Médecine de Hanoi, chữ « Ecole » tức là « trường », như ông bà ta vẫn nói : tôi học trường Thuốc, là trường thành lập sớm nhất (từ 1902). Hồi đó ngôn ngữ Việt chỉ gọi là Trường. Sau này, có những trường thấy mình giỏi hơn các trường thường khác thì thêm chữ Supérieure thành ra École Supérieure, tức là trường « cao cấp » hoặc thêm chữ Grandes thành Grandes écoles, tức là trường "lớn". Các cụ nhà ta sang Pháp học « trường cao cấp », « trường lớn » nhiều, đều thành ra hàng khủng cả. Ví dụ cụ Trần Đức Thảo học trường « École Normale Supérieure », tức là học trường sư phạm cao cấp, hay cụ Hoàng Xuân Hãn học trường Ecole des ponts et chaussées, tức là trường Cầu Đường, một trong bốn trường lớn đầu tiên của Pháp : Bách Khoa, Sư Phạm, Mỏ, Cầu Đường. Tuy thế hồi đó các cụ dịch « trường cao cấp » là « Cao đẳng» : Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng công chính (Ecole des Travaux Publics). Từ đó có cái tên Cao đẳng dùng ở nước ta và cao đẳng không phải là kém hơn đại học. Cao đẳng - École Supérieure – lắm khi và thường là cao hơn đại học, hay ít ra đi theo những lối đi riêng : đào tạo bậc cao nhất của các loại nghề nghiệp : sư phạm, cầu đường, mỏ, chính trị,etc. Sự thực thì sinh viên ở Pháp tốt nghiệp cấp III là vào thẳng các Universite (đại học), chứ muốn vào các « trường lớn », các « trường cao cấp » thì thi (concours) mửa mật.
Và ta thấy, như hay đọc trong sách vở, các cụ nhà ta tự hào học các trường thuốc (Tôn Thất Tung), Cao đẳng thương mại (Trường Chinh), Cao đẳng Công chính (Nguyễn Xiển, Nguyễn Hiến Lê), Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương (Lê Phổ, Tô Ngọc Vân,etc) mà không thấy bảo các cụ phải học lên Đại học. Cũng lưu ý rằng hồi đó, các trường nêu trên đều ít nhiều nằm trong Đại học Đông dương cả.
Vậy tại sao giờ ta không gọi, ví dụ : trường Mỹ thuật ở Yết Kiêu là Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam, mà phải là trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam? Hay cái trường Thuốc lừng lẫy toàn cao siêu tiếng Pháp giờ phải tự dịch bản thân là Université de médecine de Hanoï, chứ không phải là Ecole de médecine như thời Yersin đã đặt? Ấy vấn đề là ở chỗ cái chữ « cao đẳng » đã bị cướp mất rồi.
Khi thành lập nên đại học cách mạng, ta bèn chia thành đại học (cao nhất), cao đẳng (giải nhì) và trung học chuyên nghiệp (giải ba). Từ đây thì thuật ngữ « cao đẳng » không còn chỉ École Supérieure - trường cao cấp nữa, mà dần dần thì bị cho xuống chiếu dưới. Mà đến khổ, cái món Cao đẳng chiếu dưới này : Tây làm qué gì có. Như đã nói ở trên, ở bậc đại học, ta có gọi cái trường đó là School, College theo tiếng Anh, là Ecole theo tiếng Pháp thì không hề ám chỉ gì việc nhóm đó là yếu hơn một University nào đó. Ví dụ như chắc không ai bảo “London school of economics – LSE” là yếu, hay Ecole Polytechnique (trường X) là kém. Nói thế họ phang cho vỡ đầu. Tuy rằng quả thực : lĩnh vực đào tạo nghiên cứu của các School, Ecole thường tập trung với quy mô nhỏ, gọn hơn University. Tuy thế, ở Việt Nam nó là như thế, nên khái niệm đã tráo rồi thì không ai làm cao đẳng nữa. Không, cao đẳng nó không sang. Em là trường, là school, là ecole, em đào tạo bậc đại học, nên em không thể là Cao đẳng được, vậy nên em là trường, trường đào tạo bậc đại học – tuy lĩnh vực hơi hẹp một tí – nen em gọi em là trường Đại học. Bách Khoa chẳng hạn, xuất phát điểm là trường kĩ thuật cái gì cũng dạy nhưng ở trình độ đại học. Nên là trường Đại học Bách Khoa là đúng. Giờ phải to ra, thì là Đại học Bách Khoa, thâm sâu như thế.
Trường Đại học Mỏ - Địa chất chẳng hạn, rõ là một trường đạo tạo ở bậc đại học, lĩnh vực nhỏ thì tức là như kiểu một school, gọi là School cũng được, nhưng như thế không sang, mặc dù nếu mà bê sang Pháp gọi Ecole des Mines thì được siêu trọng vọng, ở Việt Nam gọi là Cao đẳng Mỏ - Địa chất là hỏng, là chiếu hai. Nên phải gọi là Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Thế thôi, nhân dân hiểu rõ là sẽ bớt hoang mang.
Tuy thế : sau này các nhà giáo dục, các nhà ngôn ngữ của chúng ta phải cần hết sức thận trọng, dùng từ cho đúng ; không sau hết mất chữ mà khen nhau là chết nhân dân. Giống như khai niệm « tiến sĩ » trong lịch sử ; lẽ đâu cả nghìn năm mới ra được 2988 tiến sĩ và phó bảng nho học ; trong khi hiện nay sau vài năm phấn đấu ta đã có khoảng 24 ngàn tiến sĩ. Tiến sĩ là gì? là "sĩ" - người có học, nhưng thêm cái món tự "tiến" cử bản thân mình để Hoàng đế bổ nhiệm làm cán bộ, thực hiện lý tưởng xuất - xử của nhà Nho: làm quan một khoá tạo phúc một phương. Đề thi tiến sĩ nho học toàn hỏi trị quốc như thế nào chứ không ai bắt có 2 công bố quốc tế và bằng hai tiếng Anh. Nên có nhiều người phê bình sao tiến sĩ cứ thích làm quan là không hiểu tiến sĩ. Tiến sĩ, theo ý nghĩa đúng của từ đó, tức là phải thích và đã trải qua sát hạch chứng minh đủ điều kiện để làm quan.
Tiến sĩ hiện nay mà Việt Nam ta dùng để chỉ những người ví dụ như Bản thân, là một khái niệm khác hẳn mà hiện tại Trung Quốc gọi là Phó sĩ, không cùng cái đẳng cấp ấy của các cụ, mà có khi chưa đạt đến tầm « cử nhân » của các cụ ; nhầm lẫn rất phiền. Như ngôi làng nhỏ bé quê em, qua mấy trăm năm lịch sử mới có độ 10 người biết viết, chắc chắn không có đến tú tài, đậu nhất trường có một vị ; nay đã có trên chục "tiến sĩ". Tuy danh sách dài in tên sướng cái văn chỉ của một ngôi làng văn hoá; nhưng cảm thấy cứ nhầm nhọt thế nào. Về việc này, cụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các Giáo sư tư vấn của cụ Thủ tưởng, trong đó có rất nhiều khả kính như Giáo sư Bùi Trọng Liễu, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tạ Quang Bửu phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng không trách được, hồi đó cả nước có mấy người học đến cấp III đâu mà nghĩ chuyện đặt tên cho đúng. Giờ không sửa lại cho đúng thì cũng có lỗi với các cụ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn