Copy từ Face Trinh Thu Tuyet
Bài bình luận của cô giáo Trinh Thu Tuyet:
NHỮNG GƯƠNG MẶT CỦA CÁI ÁC
Nhữ Đình Văn: "Đọan đời niên thiếu" có thể xếp là phần 2, viết tiếp của cuốn "Gia đình". Đây là hai cuốn sách phí hư cấu, viết về Cải cách ruộng đất (1953-1955) ở Nghệ-Tĩnh. Sách đầy ắp tư liệu, như một công trình khoa học điều tra, nghiên cứu về CCRĐ. Qua các cuốn sách của Phan Thúy Hà, lịch sử của một giai đoạn đầy tang thương đã không bị lãng quên, không bị chìm đi - đó chính là cái Tâm, cái Tài của nữ Nhà văn.
Số người bị giết, chết đói, chết bệnh do bị phong tỏa, bị tu tội, bị tra tấn đến tàn tật, đến điên loạn, bị sỉ nhục, khủng bố tinh thần, bị kỳ thị, hắt hủi, bị tước đoạt quyền được học tập, lao động là những con số biết nói về sự rùng rợn của CCRĐ. Đâu phải chỉ có vậy, mọi luân lý, truyền thống tốt đẹp được hình thành giữa con người với nhau trong xã hội, trong xóm làng: làng trên xóm dưới, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, kính trên nhường dưới, đạo lý gia đình, họ tộc, đạo lý làm người, tôn sư trọng đạo... bỗng chốc bị đảo lộn, con người bỗng thành ác quỷ. Cái ác được cố ý tuyên truyền và cưỡng bức người dân thực hiện trong CCRĐ và cả những năm sau đó đã làm tha hóa nhân cách người Việt cho đến tận ngày hôm nay.
Vậy thì 5 đợt CCRĐ với bao đau thương tang tóc để nhằm mục đích gì? Có phải chỉ để “người cày có ruộng”, chắc chắn không phải chỉ vậy rồi, thứ lớn hơn, đó là Quyền lực chính trị! CCRĐ không phải để đánh đổ chế độ phong kiến, địa chủ như vẫn được tuyên truyền cho đến tận ngày nay, bởi chế độ phong kiến đã bị xóa bỏ từ CM tháng 8.1945.
Cải cách ruộng đất không phải là sai sót của một số người, sai sót trong tổ chức thực hiện và thiếu kiểm tra... mà là một chủ trương chính trị, được thực hiện bài bản từ kịch bản, thí điểm, kiểm tra, tổng kết qua từ đợt 1 đến đợt 5. Có bộ máy chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương... Mục đích của CCRĐ là một cuộc đánh tráo công tội. Địa chủ, người giầu là người có học, lòng cốt của Việt Minh, là người ủng hộ cách mạng, nuôi cán bộ, nuôi bộ đội. Là các ngôi sao sáng, tinh hoa trong làng xã về làm kinh tế, về lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, có công với cách mạng... sau đợt giảm tô, ruộng đất cơ bản đã được chuyển cho nông dân phần nhiều, nếu vận động trao tiếp cho chính quyền họ làm ngay... Nhưng như vậy, chính quyền cách mạng vốn đã mang ơn người giầu, giờ lại mang ơn tiếp thì chính quyền sẽ mất mát uy tín... Vậy cần một cuộc đánh tráo, bôi đen... đó là kịch bản CCRĐ. Ông Trường Chính, trưởng ban chỉ đạo TW CCRĐ đã nói một câu chuẩn xác: “Nếu ta không làm CCRĐ, nông dân sẽ mang ơn địa chủ suốt đời".
(Nhân đọc Gia đình, Đoạn đời niên thiếu – Phan Thuý Hà)
PHẦN I
Tôi nhớ tới một nhân vật trong tiểu thuyết Tình cát của nhà văn Nguyễn Quang Lập, dáng vẻ trí thức, rất hoạt ngôn, khá mê hoặc với cặp kính 4 diop luôn mờ khói phấn khích, say mê cao đàm khoát luận về triết học của V.Soloviev, Voltaire, văn chương của Borges và Kafka, về hội hoạ của Rousseau và Cezanne..., đó là một kẻ được học hành tử tế nhưng lại bỏ qua những điều sơ đẳng về nhân tính, lương tri. Đó là cái ác có chữ, có học vấn, thậm chí học vấn khá uyên bác.
Lại có kiểu nhân vật ngu muội tăm tối được kích hoạt cái ác bản năng khiến chúng “nhẩy cẫng lên lấc láo” (chữ của Nguyễn Minh Châu) như gã Bích, mụ Nần trong Những thiên đường mù của tác giả Dương Thu Hương; những nhân vật trong Kiến, Chuột và Ruồi của tác giả Nguyễn Quang Lập: người đàn bà dâm đãng tên Hiên chỉ có duy nhất một cách tiến thân của me Tư Hồng, cộng thêm năng lực vô tận của sự độc ác vô sỉ, thị đã leo từng bước vững chắc "từ vai trò buôn cám lợn đến vai trò cán bộ đầu tàu", dưới đồng thời vài gã đàn ông mà trên hơn vạn người thị trấn Kô Long; hay gã hoạn lợn không có được nửa chữ cắn đôi, trở thành "trí thức", thành "tiên sinh" nhờ tiền kiếp là vẹt…
Và từ đó, trong tôi luôn mơ hồ một câu hỏi: cái ác nào đáng sợ hơn, cái ác tăm tối ngu muội hay cái ác có học vấn uyên bác? Và rồi tôi nhận ra chúng đều đáng sợ ngang nhau, bởi một bên là cái ác được thăng hoa, được hướng dẫn lui tới bởi tri thức, học vấn; còn một bên là cái ác mang tính bản năng được khơi thức, từ cõi mông muội thâm u, cộng hưởng với mặc cảm hèn hạ luôn căm hận tất cả những gì tốt đẹp, lương thiện mà chúng khát thèm! Hậu quả tàn phá của chúng đều khủng khiếp, kinh hoàng với những cái thiện thường ngu ngơ, khờ dại, và nhất là luôn luôn đơn độc!
Những gương mặt của cái ác – đó là điều khiến tôi thường nghĩ ngợi, nhất là sau khi đọc những tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) của tác giả Phan Thuý Hà viết về thời kì cải cách ruộng đất như Gia đình, và gần đây là Đoạn đời niên thiếu.
Tuy nhiên, trước khi điểm mặt cái ác, cần nhìn lại nạn nhân của nó - họ có lí do gì để trở thành nạn nhân mang nỗi đau khổ tột cùng như thế?
Trong Gia đình (2020) và Đoạn đời niên thiếu (2023), họ là những mảnh đời bị phạt ngang, cắt cứa, bị bầm dập, tổn thương… trong cơn bão táp của lịch sử. Hầu hết các gia đình đều có gốc gác bao đời là nông dân, chỉ là họ rất cần mẫn, chăm chỉ và rất biết cách làm ăn nên dần có vốn liếng mua vườn, ruộng hoặc có nghề gia truyền bốc thuốc cứu người; có cơ nghiệp rồi, họ sống nhân đức, tử tế, luôn chia sẻ giúp đỡ dân làng; luôn đi đầu trong các cuộc vận động của Chính phủ, với niềm vui được góp phần ích nước lợi dân.
Như câu chuyện của gia đình cụ Ngô Việt: “Cha tôi từng có vàng…Vàng cha tôi tích cóp được trong hàng chục năm đi buôn…tiền lời có bao nhiêu cha đưa cho mẹ mua vàng… “Tuần lễ vàng”. Không đắn đo không do dự không tiếc. Cha mẹ tôi hứng khởi mang ấm tích đựng đầy vàng đi ra trụ sở. Tiếng vỗ tay hoan hô. Giấy chứng nhận mang về nhà treo.” ( Gia đình - tr.40).
Giàu có nhờ lao động vất vả nên họ hiểu sâu sắc giá trị của đồng tiền, sống rất mực cần kiệm: “Ăn tiêu hàng ngày dựa vào ruộng nhà tự canh tác. Muốn mua một thứ gì thì xúc bớt thóc và ăn ít đi. Tiền lời đi buôn là để phòng thân” (Gia đình - tr.40); nhưng mặt khác, họ lại luôn chia sẻ, hào phóng với bà con làng xóm: “Ông nội làm thịt bò mời cả làng. Ăn rồi, mỗi người còn được một xâu mang về nhà. Có người nắm lấy tay mẹ tôi, nói như ăn năn: Năm chết đói tôi nằm giữa đường, ông kêu về nhà, sai tôi làm việc gì đó để tôi có bữa ăn.” (Gia đình - tr.50).
Hoặc như câu chuyện về gia đình cụ Trần Văn Dung: “Cha tôi từng làm nghề bốc thuốc bắc, do ông nội truyền lại. Hai người em của cha có cửa hàng thuốc bắc ở chợ Giấy. Mỗi phiên đi chợ, cha giao các em nhiệm vụ rải truyền đơn (cách mạng) từ nhà đến chợ”. (Đoạn đời niên thiếu - tr.47). Không chỉ làm nghề nhân đức cứu nhân độ thế, không chỉ tích cực tham gia công tác cách mạng, cha mẹ cụ còn rất nghiêm khắc dạy con cái biết yêu lao động: “Người ở trong nhà tôi làm gì, cha bắt chúng tôi làm nấy. Năm tuổi tôi tự vò quần áo. Người lớn xay lúa, anh em tôi phải đứng vòng trong níu tay cầm kéo đi kéo lại”. (Đoạn đời niên thiếu - tr47)
Nhưng rồi, cơn bão kinh hoàng của lịch sử quét qua cuộc đời họ - phút chốc họ thành tội đồ của nhân dân, những người bao năm, bao đời chịu thương chịu khó, nhọc nhằn, vất vả quanh năm suốt tháng, sau một đêm thức dậy bỗng trở thành những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, hút máu hút mủ nông dân. Bị đuổi ra khỏi chính ngôi nhà của mình, bị tước đoạt tất cả những tài sản có được bằng mồ hôi nước mắt của bao nhiêu thế hệ trong gia đình, họ sống đoạn đời khốn khổ, nhục nhã, đói khát, đau đớn tận cùng cả thể xác và tinh thần.
Nỗi đau khổ có thể huỷ hoại con người theo nhiều cách. Ví như với cụ Hoàng Quỳnh, cảm giác của cụ trước cái chết của mẹ được chính cụ kể lại trong những dòng tự sự lạnh lẽo: “Chân tay mẹ đã lạnh ngắt. Tôi bình thản lạ lùng. Mẹ đã cực khổ tận cùng rồi. Chỉ có chết mới giải thoát.” (Gia đình - tr.109) – sự bình thản của người con mất mẹ khiến chúng ta nhận ra một sự thật đáng sợ: có những lúc, cái chết trở thành ơn huệ lớn nhất của sự giải thoát! Đó cũng là tình trạng gần như trống rỗng, trơ lì của đứa trẻ tội nghiệp sau tận cùng nỗi đau mất cha: “Bà cháu Thuận nói vọng vào: “Khóc cha mi một tiếng cho cha mi đi được thanh thoát”. Tôi ngồi im, không khóc được.” (Gia đình - tr.156).
Nỗi đau khổ một thời có thể đi theo họ tới suốt đời! Hãy đọc một đoạn trong bài thơ nức nở của người con nhớ thương cha:
“Từ đó hắn hay cười
Hắn hay cười
Nhưng nước mắt vẫn dồn lên óc
Bốc hơi lên từng sợi tóc
Cha hắn chết rồi
Dóng xương trắng khô tàn trong đất ẩm
… Ước gì ngủ suốt một đời
Chẳng bao giờ tỉnh giấc
Trong mơ có nụ cười
Tỉnh chỉ còn tiếng nấc.”
(Đoạn đời niên thiếu – tr.122)
Nỗi đau khổ cũng có thể khiến người ta thành điên dại trong thế giới riêng của họ. Như người chồng khốn khổ của cụ Võ Thị Thấy: “Ông đột nhiên đổ bệnh, Người ta gọi là bệnh nói nhảm…Chỉ mình tôi hiểu những điều ông nói ra…Cha ơi cha ơi. Tiếng khóc cứa vào tim tôi một đêm khuya…Ông đi lang thang. Ông đi ra cánh đồng. Ông đi giữa cơn mưa gió. Ông đi tìm cha. Cha ơi cha ơi mênh mông giữa đồng không… Sau một đêm mưa to gió lớn. Trên mình là quần đùi áo mỏng. Ông đã chết. Giữa cơn mưa trần thế.” (Gia đình - tr.32). Một trong những điều đáng quý nhất của lương tri người cầm bút trong các cuốn sách phi hư cấu của Phan Thuý Hà chính là sự tiết chế tối đa những yếu tố chủ quan - chỉ có sự việc nối tiếp sự việc trong dòng tự sự của nhân vật; hạn chế miêu tả, biểu cảm; hầu như cũng không đánh giá, bàn luận… Như câu chuyện của cụ Võ Thị Thấy, kí ức về cái chết của người chồng đau khổ trong “một đêm mưa to gió lớn” là thuần tự sự, chỉ duy nhất câu kết: “Giữa cơn mưa trần thế” là có bóng dáng lời bình của tác giả, lời bình như chan hoà nước mưa, mờ nhoè nước mắt, nước mắt thương đời, đau đời - nước mắt của nhân vật, của người viết, và của người đọc chúng ta trong hình dung về cảnh tượng một người con già nua khốn khổ, lang thang giữa cánh đồng trống không, ào ạt mênh mông mưa gió, gào khóc gọi tìm oan hồn cha! Ông đã chết trong cái xối xả vô tri lạnh lẽo của “cơn mưa trần thế”, chết như một cách dừng lại nỗi đau tấy buốt đã ôm giữ trong suốt cả cuộc đời!
Nỗi đau khổ, đói khát cũng huỷ hoại những tình cảm tự nhiên, nhân tính của con người, hất ngược họ về cái bản năng sinh tồn tối thiểu: “Tôi đợi có đám ma được bữa ăn. Tôi đợi mùa xuân về, ra đồng bẫy chim én. Loài chim báo hiệu mùa xuân đi vào nhạc vào thơ ca đã nuôi tôi.” (Đoạn đời niên thiếu – tr.12).
Nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần trong một thời gian dài khiến con người rơi vào nỗi sợ hãi - tấm lưới bủa vây họ trong suốt phần đời còn lại. Như cụ Ngô Việt: “Hết chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, tâm tư đứa con địa chủ làm khổ tôi…Lúc nào tôi cũng mang nỗi sợ. Sợ mà không biết là sợ gì. Nghe một chuyện gì đó người ta chưa sợ, tôi đã sợ rồi.” (Gia đình – tr. 42). Nỗi sợ của cụ khiến tôi nhớ tới cảm giác của Văn Cao:
"...Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt”!
Sợ mà không biết mình sợ cái gì, vì sao lại sợ hãi như vậy, có lẽ cũng tựa như cảm giác của người xưa "phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh" (nghe tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu, tiếng cây cỏ đều ngỡ tiếng quân binh)!
Nỗi sợ hãi bủa vây cả cuộc đời trong tâm sự hãi hùng của cụ Trần Lệ: “Mười lăm tuổi tôi là đứa trẻ sợ hãi….Nay tám mươi hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình. Cầm bút lên tôi lại run.” (Gia đình – tr.37. Bi kịch gia đình khiến những đứa con rơi vào tình trạng sợ con người: “Học xong cấp ba Phan Đình Phùng, tôi chọn vào trường Thuỷ lợi. Tôi nghĩ, học trường Thuỷ lợi sau này ra trường sẽ đi làm ngoài đồng, ngoài mương, ít phải tiếp xúc với con người.” (Gia đình – tr.36). Như nhan đề một cuốn sách của tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn, “nỗi sợ hãi mầu nhiệm” là nhân tố có khả năng làm tê liệt mọi xúc cảm, mọi phản kháng, mọi biểu hiện nhân tính tối thiểu của con người!
(Hết phần I)
PHẦN II
Có quá nhiều nguyên nhân đưa tới những đau khổ cùng cực ấy cho con người, bài viết này chỉ giới hạn trong một bình diện, một nguyên nhân, đó là cái ác. Đây cũng là điều đáng sợ nhất trong hai cuốn sách của tác giả Phan Thuý Hà, những gương mặt khác nhau của cái ác.
Xưa, Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện.”, còn Tuân Tử lại cho rằng: “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Hai quan điểm tuy đối lập nhưng cơ bản không hề khác nhau về hành trình, nỗ lực và đích đến cuối cùng – thuyết “tính thiện” đòi hỏi con người phải giữ gìn thiên lương có sẵn của mình trước muôn vàn tác động của hoàn cảnh; thuyết “tính ác” yêu cầu con người phải hướng thiện với đồng thời sự nỗ lực của bản thân và sự giáo dục, chi phối từ bên ngoài. Nên, đích cuối cùng đều là thiện, dù bằng cách giữ gìn thiên lương hay nỗ lực hướng thiện. Vậy trong hai cuốn sách của tác giả Phan Thuý Hà, khi nào là cái thiện bị huỷ hoại do sự nghiệt ngã của ngoại cảnh, khi nào là cái ác được kích hoạt, cũng bởi chất xúc tác của ngoại cảnh? Tất cả đều có thể, cái ác luôn xuất hiện trong muôn vàn lí do và gương mặt!
Con người ta có thể trở nên độc ác khi có điều kiện thoả mãn ẩn ức thèm khát những cái không phải của mình, và khi thuận dòng, họ sẵn sàng đẩy con thuyền tham tàn của mình, cuốn trôi lương tâm và sự ấm áp tối đèn tắt lửa bao đời, hiện nguyên hình sự tham lam, vô sỉ, bạc bẽo, bất nhân. Đây là cận cảnh ghê sợ khi cái ác hiện ra như biểu hiện của tinh thần truy quét kiên định: “Sao nhà địa chủ không có gì. Họ đào bới nền nhà…. Họ đào bới dưới bàn thờ thành một hố sâu. Nhà địa chủ phải có vàng chôn dưới đất. Họ ra thềm nhà ngang, lật cái ổ chó nằm. Họ tức điên lên… Một gia đình mới được dọn đến ở trong trại nhà tôi. Cha đào trước, con đào sau, Người sau đào sâu hơn người trước. Kiếm tìm suốt cả tháng. Vườn nham nhở dấu cuốc xẻng.” (Gia đình – tr.34).
Hoặc một cảnh tượng khiến mọi lương tri xấu hổ: “Nhà tôi chẳng có của cải gì mà tịch thu. Trong bếp có vài cái nồi. Mở vung nồi ra thấy có cơm nguội…Họ vốc ăn hết ngay trong bếp. Ngoài vườn có cái sành đựng nước tiểu, họ đổ nước tiểu đi, lấy sành.” (Gia đình – tr.45)
Nếu ác do được thoả mãn lòng tham còn có thể hiểu, nhưng nhiều khi ác chỉ vì ác ý, ác tâm…, thì phải chăng, đó là cái ác bản năng theo lý thuyết Tuân Tử ? Đây là cảnh tượng khi đội “xử tội” người cha của cụ Trần Lệ: “Đội hỏi: Giờ theo bà con nên xử như thế nào? – Một cái mọ tro (viên đạn) cho xong! Tôi giật thót, quay xuống nhìn người vừa nói câu đó. Một người cùng làng. Anh ta có hận thù gì nhà tôi đâu.” (Gia đình – tr.35). Giá như người nói câu này do hằn thù, do bị kích động, do đố kị…, lí do dù phi lí và nhẫn tâm, nhưng sẽ giúp chúng ta bớt cảm thấy sợ hãi bởi sự trống rỗng của nhân tính lại kinh hoàng đến vậy!
Hoặc cái ác được kích thích do niềm phấn khích quái đản khi thấy mình là kẻ mạnh, an toàn và được cổ vũ trong đám đông, được thoả sức làm đau người khác: “Tôi đi ra đường bị đánh. Tôi đi học vỡ lòng bị đánh. Ê con địa chủ, con địa chủ. Mấy đứa lao vào tôi. Bọn con gái không đánh được thì giật tóc, gõ đầu, cấu véo… Hôm sau tôi chạy không nổi nữa, một thằng tóm được. Nó lấy một quả khế chấm vào phân trâu bắt tôi ăn. Tôi ngậm miệng, một đứa giữ đầu, một đứa banh miệng tôi ra, nhét miếng khế chấm phân trâu vào. Thằng con địa chủ, không ăn tao đánh chết.” (Gia đình – tr. 40). Nhiều khi, người ta độc ác tới mất hết nhân tính chỉ để lập một thành tích khi người khác không làm được: “Mẹ tôi nói rằng, khi đó người ta cố tình không bắn vào người cha. Ba phát đạn không trúng. Một du kích đã đến sát mặt cha, ấn súng từ cổ xuyên thẳng lên não.” (Gia đình – tr.177).
Cái ác muôn hình vạn trạng. Người ta ác khi hèn hạ từ chối tình thân, kiểu “Ông không phải là bố tôi” (nhan đề một vở kịch của Lưu Quang Vũ): “Anh tôi đang học ngành Y ở Thanh Hoá, đã gửi đơn về xã tuyên bố từ bỏ gia đình để đứng về phía giai cấp nông dân. Hôm nay đội gặp tôi để nhắn lại lời anh: Em hãy viết đơn từ bỏ gia đình, cùng nhau đứng về phía giai cấp nông dân.” (Đoạn đời niên thiếu – tr.144). Người ta hào hứng sáng tạo mọi cách để có thể lăng nhục người khác độc ác nhất, khi họ đã thất thế: “Hai đồng chí không được như đống phân. Đống phân còn có giá trị bón ruộng cho lúa tăng năng suất nuôi bộ đội ăn đánh giặc.” (Gia đình – tr.36); thậm chí khi họ đã chết: “Xác cha tôi bị kéo từ trường cơ bản xuống Bến Nại. Đoạn đường lởm chởm. Đá chọc vào da thịt. Da thịt găm vào mỏm đá sắc.” (Gia đình – tr.47); hoặc đã cùng đường tuyệt lộ: “Mẹ đưa các con vào núi. Mẹ nhìn lên trời cầu nguyện. Lạy chúa trời đất…Mẹ cuốc đất, tôi giẫm đất. Ruộng lúa được hình thành dưới chân đập Họ Võ…Bông lúa ba lá sắp chín cúi xuống sà sà sát mặt ruộng. Sáng sớm mẹ đi ra xem đã gặt được chưa. Mẹ đứng sững trên bờ. Nước đã dâng lên thành hồ. Ai đã vào tháo đập? Họ đã chờ cho tới ngày này. Lúa sắp thu hoạch được mới ra tay…Tại sao họ làm thế? Chúng tôi dã phải bỏ tất cả, đi vào đây. Mẹ tôi quỳ xuống lạy chúa trời đất. Lạy chúa trời đất.” (Gia đình – tr.51,52). Đọc đoạn này, tôi lau nước mắt uất hận khi nhận ra: người mẹ thực sự tuyệt vọng bơ vơ, bất lực giữa nhân gian không còn nhân tính, chỉ còn biết “lạy chúa trời đất” – Chúa trời đất ở đâu?
Người ta ác khi vong ân bội nghĩa: “Cha phải quỳ gối ngoài trời mưa cho người nông dân dứng trên thềm hành hạ. Người đứng trên thềm đấu cha là một anh từng chịu ơn cha tôi…” (Gia đình – tr.130). Người ta ác trong sự bất cận nhân tình: “Tôi có một cô bạn thân làm dân quân nhưng không nhờ cậy được. Lấy cớ là bạn, cô đến nhà tôi giám sát chặt hơn.” (Gia đình – tr.29); người ta ác trong những suy luận ngu xuẩn đến táng tận lương tâm: “Chị gái chồng tôi khóc cha tay phải che mặt không cho ai nhìn thấy. Khóc địa chủ là khóc địch. Chồng chị là thầy giáo, nếu biết vợ anh khóc thương địch, anh có thể bị đuổi dạy.” (Gia đình – tr.30); người ta ác một cách hồn nhiên: “Vào giờ sinh hoạt tổ, mỗi đứa phải nghĩ ra nỗi khổ của gia đình mình để quy tội cho địa chủ. Thời bấy giờ có nhà nào không nghèo không đói. Vì thế cứ chuyện đói, chuyện rét….có bà cố nông đang tố thì quên phải quay sang hỏi ông đội. Có bà bị ông đội bấm vào đùi ra hiệu khóc, thế là bà khóc lu loa nhưng không ra được giọt nước mắt.” (Gia đình – tr.88)
Cái ác nhiều khi còn mang hình hài của sự kém cỏi khó tin về ý thức và trí tuệ: “Đây rồi, hai tấm bia trong nhà thờ của chúng tôi. Một tấm lấp trong lùm cây. Một tấm lật sấp, kê thêm hai hòn đá thanh hai đầu để làm cầu cho nông dân lấy xe chở phân ra ruộng. Là sáng kiến của ai hay chỉ là đầu óc thực dụng bắc bia đá cho chắc chắn, bền vững. Bao nhiêu người dùi mài kinh sử, đỗ đạt làm vinh danh cho làng được vinh quy bái tổ, được khắc tên vào bảng vàng bia đá, một thời hiển vinh, nay phải úp mặt xuống cống rãnh.” (Gia đình – tr.241)…
Sau đợt sửa sai, rất nhiều người xấu hổ, ân hận, trả lại những đồ được chia quả thực hoặc cướp được trước đó; cũng có những người coi như chưa hề có cơn bão kinh hoàng vừa qua, cơn bão khiến những con quỷ trong tiềm thức bản năng của họ thoả thuê múa lượn, thoả thuê hành hạ, lăng nhục người khác. Các nạn nhân của họ cũng không bao giờ muốn nhắc lại quá khứ, có lẽ không hẳn vì sự bao dung mà cái chính là họ quá sợ hãi và tự thương xót cho chính mình, họ tuyệt đối không muốn nhắc, muốn nhớ, muốn chạm vào vết thương mãi mãi sưng tấy trong lòng mình, trên cơ thể mình, và có thể còn hằn in trên di ảnh cha mẹ sau khói hương!
Chỉ biết rằng, dù bão tan, sóng lặng, gió ngưng, dù cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù những gương mặt của cái ác có thể đã khuất sau cái bóng mờ của thời gian, nhưng có một sự thật nhân loại không thể quên: Hình như Tuân Tử đã đúng khi cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản ác”! Nhớ điều đó không phải để sợ con người, tránh con người, mà chỉ để “qua ruộng dưa đừng cúi xuống sửa dép” (Nguyên văn: "Qua điền bất nạp lý” – Tào Thực), đừng tạo điều kiện dung dưỡng cho con quỷ ác trong tiềm thức sâu xa của nhân gian bừng thức. Nó đáng sợ vô cùng, dù nhiều khi gương mặt đời thường của nó, rất hiền!
Hà Nội, 18/8/2023