(theo Phụng Ngọc Kha)
Mỗi cuộc chiến tranh đều là sự bắn giết của những người lính không biết mặt nhau để phục vụ cho ý đồ của một vài vị tướng biết rõ mặt nhau.
------------
Đây là tấm ảnh chụp trong tháng 3 năm 1946 ở Hà Nội, vườn hoa canh nông (ngày nay là nơi để tượng đại cụ Lê, tượng đài tử sỹ hồi đó cũng mới bị ông Trần Văn Lai hạ xuống bán đồng nát), ngay sau hiệp định sơ bộ “Hồ Chí Minh – Stainteny”. Ảnh có rất nhiều chi tiết đáng chú ý:
- Đứng hàng đầu, trên thảm đỏ là tướng 4 sao Philippe Leclerc de Hautecloque (Lơ-C-Lè). Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương năm 1945-1946. Thời đó ông là sỹ quan uy tín nhất quân đội Pháp bảo vệ một phương án chính trị ở Đông Dương, tuyệt đối tránh chiến tranh. Quan điểm của ông lúc đó không được phía chính trị gia chấp nhận. Đáng tiếc cho dân tộc ta. Tướng Lơ-C-Clè bị gọi về Pháp giữa năm 1946 và không còn bất kể vai trò gì sau đó ở Đông Dương vì năm 1947 ông đã chết trong một tai nạn máy bay.
- Đứng hàng đầu, cạnh Lơ-C-Lè là ông Võ Nguyên Giáp. Thời đó, ông chưa là đại tướng, mà là bộ trưởng bộ nội vụ của chính phủ. Nhiệm vụ của ông Giáp vào thời điểm đó là đại diện chủ tịch Hồ Chí Minh và triển khai tổ chức cuộc đàm phán Đà Lạt với phía Pháp. Cuộc đời ông Giáp thì chắc chẳng mấy ai là không biết. Đỉnh cao nhất thời binh nghiệp của tướng Giáp là chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954.
- Đứng sau Lơ-C-Lè, đeo hai sao trên mũ, là tướng Raoult Salan (Xa-Lăng, cấp lữ đoàn trưởng lúc đó). Xa-Lăng là phó của Lơ-C-Lè và cũng là người đại diện phía Pháp tổ chức đàm phán Đà Lạt. Như vậy, hai ông Giáp và Xa-Lăng cộng tác nhiều với nhau thời đó. Tháng 3 năm 1946 cũng là thời điểm ra đời cô Dominique, ở Hà Nội, con gái tướng Xa-Lăng. Ông Giáp là một trong những người đầu tiên đến thăm và chúc mừng gia đình! Có vẻ như thời gian này đã làm hai người đó khá hiểu nhau. Từ 1947, hai ông trở thành kẻ thù trực tiếp. Tướng Xa-Lăng làm tư lệnh Bắc Kỳ rồi tổng tư lệnh Đông Dương, đối mặt với tướng Giáp, tổng tư lệnh QDND. Tuy vậy, theo lời kể của chính con gái tướng Xa-Lăng, năm 1984, một vòng hoa của tướng Giáp được đại sứ Việt Nam gửi đến viếng tướng Xa-Lăng ở bệnh viện quân y Val-de-Grâce (Paris). Lịch sử không nói rõ tướng Giáp có phải người thực sự gửi không (vì thời đó ông đang bị thất sủng ở vị trí kế hoạch gia đình) hay đó là một động thái của cụ Duẩn muốn mở một đường ngoại giao với Pháp (lúc đó Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận).
- Đứng sau ông Giáp là Jean Sainteny (Xanh-Tơ-Ny), quần áo trắng, cao uỷ bắc kỳ và là người ký hiệp định sơ bộ với cụ Hồ. Hiệp định thể hiện quan điểm tiến bộ của nhân vật chính trị này: công nhận VNDCCH và mở đường độc lập. Nỗi khổ của dân tộc ta là quan điểm này không phải là quan điểm của Mao và Stalin… Ông Xanh-Tơ-Ny là con rể của Albert Sarraut, toàn quyền Đông Dương một thời và cho tên một trường ở Hà Nội mà khối người trong nhóm ta là cựu học sinh. Năm 1956, ông Xanh-Tơ-Ny là đại diện ngoại giao Pháp đầu tiên ở Hà Nội, khởi đầu sự quay lại nối kết hoà bình giữa Pháp và Việt Nam.
- Đứng sau ông Xanh-Tơ-Ny, bên phải là một sỹ quan cũng có tầm quan trọng trong lịch sử Việt Nam: đó là nam tước Christian de la Croix de Castries. Tên dài như vậy nhưng mọi người thường biết ông với cái tên Đờ-Cát. Thời đó, ông là trung tá. Khi khởi đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, Đờ-Cát là đại tá tư lệnh pháo đài và được phong thiếu tướng vào đầu tháng 5 năm 1954, vài ngày trước khi bị bắt bởi quân lính của ông Giáp, đứng trước Đờ-Cát trong ảnh này! Tướng Đờ-Cát, sau năm 1954, chỉ ở lại quân đội vài năm rồi giải ngũ. Ông ta chẳng mấy khi đả động đến những gì diễn ra trong mùa xuân năm 1954.
- Bên trái ông Giáp là một tiểu đội cảnh vệ của VNDCCH. Lực lượng đó dưới quyền ông Giáp. Điều đáng chú ý là vũ khí: các binh lính sử dụng súng trường Arisaka (Type 38) của Nhật (nhận dạng: lưỡi lê có cái móc hình chữ U). Loại này là súng trường cực kỳ hiệu quả của Nhật trong đại chiến thứ 2. Các binh lính mặc quần sooc, sỹ quan mặc quần dài.
- Bên phải tướng Lơ-C-Lè có cờ VNDCCH. Cờ đỏ sao vàng.
- Chi tiết chứng minh là lúc đó ông Giáp không phải một quân nhân: tất cả các quân nhân trong ảnh đều chào, chỉ có hai ông Giáp và Xanh-Tơ-Ny là không.
Phung Ngọc Kha