Khảo cứu hai phiên bản bài "Lô nhang ký" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết trên lư hương thờ cụ Tổ ngoại Tiến sĩ Nhữ Văn Lan

Khảo cứu hai phiên bản bài "Lô nhang ký" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết trên lư hương thờ cụ Tổ ngoại Tiến sĩ Nhữ Văn Lan

ảnh chụp bài "Lô nhang ký" trong các cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả": cuốn A trái, cuốn B phải
      Bài “Lô nhang ký” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được dịch và lưu hành từ nhiều năm trước bởi những người họ Nhữ có tâm huyết và các chuyên gia nhiệt tình giúp đỡ. Đó là điều rất đáng trân trọng. Những ngày qua, xem lại bản chữ Hán, tôi thấy có sự khác nhau ở vài câu giữa các cuốn gia phả họ Nhữ có chép lại bài này. Bản dịch bài "Lô nhang ký" trong cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả" chữ Quốc ngữ đang lưu hành thiếu một câu, dịch thơ có nhiều câu là suy đoán của cá nhân người dịch, trong khi nghĩa đen thực sự của các câu thơ lại không dịch hoặc dịch chưa sát, làm lâu nay nhiều người chưa được cảm nhận hết nội dung bài sấm ký này. Bài khảo cứu này tôi trao đổi về các nội dung sau:
- Xuất xứ bài “Lô nhang ký”
- Các cuốn gia phả đang lưu hành có chép lại bài “Lô nhang ký”
- Khảo cứu một số từ khác nhau giữa các bản
- Dịch nghĩa bài Lô nhang ký (nghĩa đen)
- Vài chia sẻ về bản dịch và một số lời “sấm” dự báo trong tương lai của bài ký
      Xin trân trọng cảm ơn GS TS Đinh Khắc Thuân đã dịch giúp tôi câu số 9 và đã nhiệt tình đọc, đưa ra nhận xét về toàn bộ bản dịch bài ký.

      Xuất xứ bài Lô nhang ký:
      Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là con trai ông Nguyễn Văn Định (là nhà nho, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, sau được vua phong Thái Bảo), mẹ là bà họ Nhữ, hiệu Từ Thục (quê Tiên Lãng, Hải Phòng, sau được vua phong Từ Thục Thái Phu nhân). Bà Từ Thục Thái Phu Nhân là con gái quan Thượng Thư Nhữ Văn Lan (1443 – 1523).
      Sinh thời, Trạng Trình có sai cháu nội, con của ông Nguyễn Ngọc Liễn - người con trai thứ bảy, đội bát nhang sang lập nghiệp ở làng An Tử hạ (Tiên Lãng, Hải Phòng) để thờ phụng cụ Tổ Ngoại là Tiến sĩ, Thượng Thư Nhữ Văn Lan. Bát nhang được Trạng Trình đặt chế tác và viết lên đó bài ký, gọi là "Lô nhang ký". Bài ký là lời cung kính thờ cụ Tổ, đồng thời cũng đưa ra lời sấm báo cho con cháu nội ngoại sau này. Trong chiến tranh chống Pháp, do chạy loạn, Lô hương (bát nhang) đã thất lạc, hiện chỉ còn các bản chép lại trong các cuốn gia phả họ Nhữ.

      Các cuốn gia phả đang lưu hành có chép lại bài “Lô nhang ký”
      Hiện dòng họ Nhữ làng Hoạch Trạch là một trong các nhánh hậu duệ Tiến sĩ Nhữ Văn Lan và một số cá nhân đang lưu truyền ba cuốn gia phả mang tên "Hoạch Trạch Nhữ Tộc phả", còn có tên chữ là "Tư Hiếu thế lục" do Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1703 – 1773) tu chỉnh năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), đó là:
- Cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả" (chép tay - cuốn A), ông Nhữ Đình Tố có nhờ PGS TS Hà Văn Cầu dịch ra Quốc ngữ. Bản dịch đang lưu hành cơ bản theo bản dịch này. Cuốn này có phần "Phụ lục: theo Chính phả nguyên quán An Tử hạ xã". Bài "Lô nhang ký" chép trong phần Phụ lục này.
- Cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả" (chép tay - cuốn B), do ông Nhữ Đình Khánh sao chép năm Quý Hợi (1923). Cuốn này có chép bài "Lô nhang ký" trong phần Phụ lục.
- Cuốn "Hoạch Trạch Nhữ tộc phả" (chép tay, tên chữ là "Tư Hiếu thế lục") đang lưu trữ lại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội ký hiệu A.667 (1), được ông Nhữ Đình Văn đặt hàng sao có xác nhận. Cuốn này không có phần Phụ lục chép bài “Lô nhang ký”.

      Khảo cứu một số từ khác nhau của bài “Lô nhang ký” trong các cuốn gia phả
Phiên âm Hán Việt so sánh hai phiên bản A (trái, B (phải)

      Phiên âm Hán Việt cuốn (bản) A
思孝以奉先 Tư hiếu dĩ phụng tiên
永圓又復圓 Vĩnh viên hựu phục viên
來三三世後 Lai tam tam thế hậu
歷數數百年Lịch sổ sổ bách niên
世人逢缺裂 Thế nhân phùng khuyết liệt
周五復原全 Chu ngũ phục nguyên toàn (旋tuyền)
有昌乎人十 Hữu xương hồ nhân thập
有熾乎雙天 Hữu sí hồ song thiên
龍蛇安所遇 Long xà an sở ngộ
挺出子孫賢 Đĩnh xuất tử tôn hiền
内外交締拱 Nội ngoại giao đề củng
始終如一番 Thuỷ chung như nhất phiên
辰路玄微旨 Thần lộ huyền vi chỉ
出不獲已焉 Xuất bất hoạch dĩ yên
供爐香于祖 Cung lô hương vu tổ
見竜飛在天 Kiến long phi tại thiên

      Phiên âm Hán Việt cuốn (bản) B
願以此奉先 Nguyện dĩ thử phụng tiên
未圓後復圓 Vị viên hậu phục viên
來三三世後 Lai tam tam thế hậu
歷數數百年 Lịch sổ sổ bách niên
世人逢缺裂 Thế nhân phùng khuyết liệt
周五復原全 Chu ngũ phục nguyên toàn (旋tuyền)
有昌乎人十 Hữu xương hồ nhân thập
有熾乎雙天 Hữu sí hồ song thiên
竜蛇安所遇 Long xà an sở ngộ
挺出子孫賢 Đĩnh xuất tử tôn hiền
内外交締拱 Nội ngoại giao đề củng
始終如一番 Thuỷ chung như nhất phiên
辰路玄微肯 Thần lộ huyền vi khẳng
出不獲已焉 Xuất bất hoạch dĩ yên
供炉香于祖 Cung lô hương vu tổ
見竜飛在天 Kiến long phi tại thiên

      Bản A và B có các từ khác nhau ở các câu
      Câu1: Bản A: “思孝以Tư hiếu dĩ” (tâm tư/nghĩ/lo về hiếu thảo), cả câu: Tư hiếu dĩ phụng tiên - Lo điều hiếu để thờ (báo đáp) tổ tiên. Bản B là “願以此Nguyện dĩ thử” (lòng mong muốn...), cả câu: Nguyện dĩ thử phụng tiên - Lòng mong muốn được báo đáp tổ tiên. Ý tứ hai câu thơ là như nhau.
      Cầu 2: bản A: “永圓又Vĩnh viên hựu...” (mãi trọn vẹn...), cả câu: Vĩnh viên hựu phục viên – Mãi trọn vẹn lại càng thêm trọn vẹn. Bản B là “未圓後Vị viên hậu...” (chưa trọn vẹn...), cả câu: Vị viên hậu phục viên - Chưa trọn vẹn thì càng trọn vẹn.
      Câu 13: bản A có chữ “旨chỉ” (ý định, ý tứ), cả câu: Thần lộ huyền vi chỉ - Ý định chỉ ra con đường huyền bí, mầu nhiệm. Bản B là chữ “肯khẳng” (đồng ý/ để khảng định ý câu), cả câu: Thần lộ huyền vi chỉ - Đó là con đường huyền bí, mầu nhiệm
      “Lô nhang ký” là bài thơ Đường luật thể ngũ ngôn. Số câu thơ luôn chẵn là 4,8,12,16,20. Bản dịch đang lưu hành chỉ có 15 câu, rất dễ nhận ra là bị thiếu câu. Đó là câu thứ 14 “出不獲已焉- Xuất bất hoạch dĩ yên - Không có gì có thể đạt được (tất cả)”.
      Tác giả reo vần bằng “iên/yên” ở cuối câu 1,2,4,6,8... theo đúng luật thơ. Đó là các từ như: phụng tiên, phục viên, bách niên, song thiên, tôn hiền, nhất phiên, dĩ yên, tại thiên. Câu thơ thứ sáu là “Chu ngũ phục nguyên toàn – sau năm năm sẽ trở lại nguyên toàn”. Bản dịch đang lưu hành, phiên âm là “Chu ngũ phục nguyên tuyền”, trong khi cả hai cuốn gia phả đều viết chữ “全 toàn”, Theo luật reo vần, chữ “旋 tuyền” vần “yên” sẽ chuẩn luật thơ (chữ 旋 tuyền cũng có âm khác là “toàn”, đồng nghĩa. Chữ “全” Nôm âm là “tuyền” nhưng dị nghĩa). Hơn nữa chữ “旋tuyền” nghĩa là “quay lại”, “trở lại”..., không hề làm thay đổi nghĩa câu thơ. “Chu ngũ phục nguyên tuyền – Sau năm năm phục hồi nguyên trở lại”. Nguyên tắc khảo cứu, tôi giữ nguyên chữ “全 toàn”.

      Dịch nghĩa bài “Lô nhang ký” (bản A)
Bản phiên âm và dịch nghĩa bài Lô nhang ký (bản A)
      Tôi thấy việc dịch thật sát nghĩa đen của bài ký là rất cần thiết. Những suy đoán về ẩn ý, về tính dự báo, lời “sấm” thì để ở phần bình luận. Mỗi người sẽ có những suy đoán về lời “sấm” khác nhau, bản thân tác giả cũng không phải khi nào cũng hiểu hết ý mình viết ra, bởi phần nhiều lời “sấm”, lời “khải”, lời “giáng” thường được đọc ra, viết ra ở trạng thái “nhập”, “thiền”, đôi khi là lý trí chiêm nghiệm từ sự thông tinh lý số kết hợp sự mách bảo của thế giới xung quanh, cũng có khi là lời phán trong trạng thái vô thức.

      Chia sẻ về nghĩa đen bài ký và một số lời “sấm” dự báo trong tương lai
      Khổ 1 gồm 4 cầu đầu:
思孝以奉先 Tư hiếu dĩ phụng tiên (Lo điều hiếu để thờ tổ tiên)
永圓又復圓 Vĩnh viên hựu phục viên (Mãi trọn vẹn lại càng thêm trọn vẹn)
來三三世後 Lai tam tam thế hậu (Sau ba ba đời)
歷數數百年 Lịch sổ sổ bách niên (Trải vài trăm năm)
      Hai câu đầu là lời cung cúng, hai câu tiếp nhắc đến thời gian tương lai. Xưa quy ước đời cha sang đời con là một “thế”, sau 30 năm cũng được tính là một “thế”, “thế” cũng được hiểu là một thế hệ. “tam tam thế hậu” có thể hiểu là 33 đời, nhưng cũng có thể hiểu là 3x3=9 “thế”/đời, hoặc 3+3=6 “thế”/đời. Nếu lời "sấm truyền" linh ứng “sau 33 đời", thì là tương lai phía trước, hơn mười đời nữa, vì dòng họ tính từ cụ Nhữ Văn Lan đến nay được khoảng 22-23 đời. Nếu hiểu là 9 hay 6 đời thì dự báo đã qua rồi.

      Khổ 2 gồm các câu 5-8
      Cầu 5 “世人逢缺裂 Thế nhân phùng khuyết liệt”: chữ “khuyết”, “liệt” là các từ biểu đạt những biến cố rất lớn. Từ “缺khuyết” là suy vi, vở lở... từ “裂 liệt” là phá vỡ, phân tán, phân ly, xé ra... Câu này được dịch sát nghĩa là: “Người đời sẽ gặp suy vi, tan vỡ.”
      Cầu 6 “周五復原全 Chu ngũ phục nguyên toàn”: Nghĩa là “Sau năm năm sẽ trở lại nguyên toàn”
      Cầu 7 “有昌乎人十 Hữu xương hồ nhân thập”: Chữ “乎 hồ” đặt ở vị trí giữa câu làm thư hãm ý, nên dịch sẽ có chữ “độ”, nghĩa là “Có may (thành danh) độ mươi người”
      Câu 8 “有熾乎雙天 Hữu sí hồ song thiên”: “熾 sí” nghĩa là rực cháy, nồng cháy, rừng rực, đốt, cháy... chữ “雙 song” trong ngữ cảnh này được hiểu nghĩa là sánh với, ngang với. Dịch nghĩa là: “Có rực cháy tựa như mặt trời”. Phải chăng cụ Trạng đã dự báo về bom nguyên tử hay thiên thạch. Một tai họa hay nhân họa cực lớn.

      Khổ 3 gồm các cầu 9-12
      Cầu 9 “龍蛇安所遇 Long xà an sở ngộ”: “所遇 sở ngộ” nghĩa là gặp gỡ... Câu này quả là khó hiểu với tôi. GS TS Đinh Khắc Thuân đã chỉ giúp nghĩa là “Rồng rắn yên vị ở nơi gặp gỡ”.
      Câu 10 “挺出子孫賢 Đĩnh xuất tử tôn hiền”: Chữ “挺 đĩnh” có nhiều nghĩa khác nhau như: rút ra, đưa lên, gắng gượng, trội cao, không chịu khuất tất... tùy theo ngữ cảnh. “出 xuất” nghĩa mở ra, ra, rời bỏ, bỏ. Tạm giữ nguyên âm Hán Việt từ “đĩnh xuất” khi dịch câu này:“Đĩnh xuất nên con cháu hiền hòa”. “Đĩnh xuất” còn có nghĩa là “rời đi”, “đi về phía trước” phải chăng Trạng Trình đã tiên đoán con cháu họ Nhữ di cư về Hải Dương là sẽ phát tốt hơn ?
      Câu 11 “内外交締拱 Nội ngoại giao đề củng”: Nghĩa là “Nội ngoại thân giao cùng phụng thờ”. Tiên đoán này rất linh nghiệm khi nhiều trăm năm qua, và đặc biệt mấy chục năm gần đây, con cháu họ Nhữ, họ Nguyễn đã quây quần rất đông đủ trong những ngày tế cúng cụ Tổ. Nội ngoại rất thân giao, đàm ấm.
      Câu 12 “始終如一番 Thuỷ chung như nhất phiên”: Nghĩa là “Trước sau như một lần”.

      Khổ cuối các câu 13-16
      Câu 13 “辰路玄微旨 Thần lộ huyền vi chỉ”: Nghĩa là “Ý định chỉ ra con đường huyền bí, mầu nhiệm”
      Câu 14 “出不獲已焉 Xuất bất hoạch dĩ yên”: Nghĩa là “Không có gì có thể đạt được” (tất cả). Câu này cùng với câu liền kề phía trên là biểu đạt tương lai sẽ có may, có rủi, có tốt, có xấu, không thể có được mọi thứ như ý muốn.
      Câu 15 “供爐香于祖 Cung lô hương vu tổ”: Nghĩa là “Cúng lư hương thờ Tổ”
      Câu kết 16 “見竜飛在天 Kiến long phi tại thiên” nghĩa là “Thấy rồng bay trên trời”. Cụm hai câu: “Cúng lư hương thờ Tổ/ Thấy rồng bay trên trời” - điềm báo may mắn, tốt đẹp.

      Chữ Hán, phiên âm và bản dịch đầy đủ theo bản A:
思孝以奉先 Tư hiếu dĩ phụng tiên (Lo điều hiếu để thờ tổ tiên)
永圓又復圓 Vĩnh viên hựu phục viên (Mãi trọn vẹn lại càng thêm trọn vẹn)
來三三世後 Lai tam tam thế hậu (Sau ba ba đời)
歷數數百年 Lịch sổ sổ bách niên (Trải vài trăm năm)
世人逢缺裂 Thế nhân phùng khuyết liệt (Người đời sẽ gặp suy vi, tan vỡ)
周五復原全 Chu ngũ phục nguyên toàn (Sau năm năm sẽ trở lại nguyên toàn)
有昌乎人十 Hữu xương hồ nhân thập (Có may/thành danh độ mươi người)
有熾乎雙天 Hữu sí hồ song thiên (Có rực cháy tựa như mặt trời)
龍蛇安所遇 Long xà an sở ngộ (Rồng rắn yên vị ở nơi gặp gỡ)
挺出子孫賢 Đĩnh xuất tử tôn hiền (Đĩnh xuất nên con cháu hiền hòa)
内外交締拱 Nội ngoại giao đề củng (Nội ngoại thân giao cùng phụng thờ)
始終如一番 Thuỷ chung như nhất phiên (Trước sau như một lần)
辰路玄微旨 Thần lộ huyền vi chỉ (Ý định chỉ ra con đường huyền bí, mầu nhiệm)
出不獲已焉 Xuất bất hoạch dĩ yên (Không có gì có thể đạt được)
供爐香于祖 Cung lô hương vu tổ (Cúng lư hương thờ Tổ)
見竜飛在天 Kiến long phi tại thiên (Thấy rồng bay trên trời)
Nhữ Đình Văn

Ghi chú:
(1) Lời tựa cuốn gia phả ghi: “Tứ Bính Thìn khoa, Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Nhập thị Bồi tụng, Hình Bộ Tả thị lang, Bá Trạch hầu Nhữ Thượng Chân bái tự”, “Hoàng Triều Thành Thái vạn vạn niên chi thập bát tuế thứ Bính ngọc, trọng xuân, hạ cán, hậu duệ Nhữ Ngọc Bỉnh y bản phụng sao”. Các chức tước trong lời tựa đúng thời điểm mà tác giả được phong năm 1745)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn