Phát biểu tại buổi Giao lưu - giới thiệu và tặng cuốn sách Hoạch Trạch - vùng quê văn hiến

Ông Nhữ Đình Văn - đồng tác giả, phát biểu tại buổi giao lưu
     Tôi được Ban tổ chức giới thiệu phát biểu “tên sách, kết cấu nội dung và quá trình hoàn thành cuốn sách” – Điều đầu tiên xin chia sẻ là ấn phẩm “Hoạch Trạch vùng quê văn hiến”có nội dung là giới thiệu sơ qua về lịch sử, truyền thống văn hóa - văn hiến, truyền thống cách mạng xưa và nay của quê hương làng Vạc của chúng ta và các ảnh minh họa. Ấn phẩm này chưa phải là cuốn sách khảo cứu chuyên sâu. PGS TS Nguyễn Ngọc Thanh, chủ biên và tôi, người tham gia cộng tác biên soạn cảm nhận được sự động viên, kích lệ của Chi bộ Đảng, Lãnh đạo và nhân dân thôn Vạc khi đã tổ chức buổi “giao lưu tặng sách” rất long trọng, vượt tầm mà ấn phẩm văn hóa “Hoạch Trạch - vùng quê văn hiến” xứng đáng được nhận. Rất trân trọng về điều đó và xin được cảm ơn Ban tổ chức.
     Cuốn sách này là một trong các công việc mà TS Nguyễn Ngọc Thanh và cộng sự tâm huyết thực hiện trong năm vừa qua, đó là:
+ Sưu tầm các tư liệu, các ảnh, chụp và quay các di tích, các lễ hội, sự kiện của làng.
+ Đặt hàng nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ của ông Trần Văn Hào – có thêm một ca khúc viết về làng Vạc. Trước đây làng ta cũng đã có một số ca khúc hay do Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các nhạc sĩ khác về thăm quê và sáng tác.
     Ông Trần Văn Hào cũng có mặt tại buổi giao lưu hôm nay, Kính xin các quý vị dành một tràng pháo tay cổ vũ và cảm ơn tác giả phần lời ca khúc rất thú vị về làng Vạc: Về đây, làng Vạc quê minh.
+ Biên soạn một cuốn sách – dưới dạng một kỷ yếu về LS và truyền thống văn hiến
+ Viết kịch bản, xây dựng cuốn phim tài liệu về làng Vạc
Nhiều việc còn dở dang, viêc đã xong như cuốn sách thì chắc chắn còn nhiều hạn chế thiếu sót. Gọi là “cây nhà lá vườn” – rất mong bà con nhân dân đón nhận và thông cảm với các khiếm khuyết khó tránh.

Cuốn sách nhỏ này có nội dung gồm các phần sau:
Phần 1: gồm các nội dung
- Lịch sử - xã hội – con người (giới thiệu ngắn gọn về tên làng, quá trình hình thành làng, ngắn gọn về những nét đặc sắc của làng Vạc ta)
- Các thiết chế văn hóa tâm linh (Chùa, nhà tờ công giáo, đình, văn chỉ, nghè, miếu...)
- Truyền thống văn hiến – hiếu học (giới thiệu các danh nhân văn hóa làng Vạc)
Phần 2: Hoạch Trạch ngày nay
- Giới thiệu gia đình và dòng họ
- Nghề làm lược tre truyền thống
- Quê hương yêu nước – giầu truyền thống cách mạng
- Những lễ hội dân gian
- Hoạch Trạch ngày nay
- Tình cảm của bà con làng Vạc xa quê
- Các bài thơ của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên người làng Vạc viết về làng Vạc, ca khúc viết về làng Vạc.
     Làng Vạc của chúng ta là một làng quê văn hiến, giầu truyền thống cách mạng điều đó được khảng định qua các thư tịch cổ, qua các văn bia, được các nhà khoa học khảng định tại các hội thảo khoa học gần đây như Hội thảo khao học “Danh nhân văn hóa làng Hoạch Trạch” do Hội sử học Hải Dương tổ chức ngày 24/12/2012, Hội thảo “Tế tửu Quốc tử giám Nhữ Đình Toản – con người và sự nghiệp” tổ chức ngày 20/12/2013.
     Nếu như các hội thảo khoa học tập trung vào các nhân vật lịch sử lớn, tiêu biểu như Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, Truyền thống khoa bảng, Ông tổ nghề lược tre, Nhà thơ cổ đại Nguyễn Thị Điểm Bích, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc thì cuốn sách này ngoài giới thiệu các danh nhân tiêu biểu, chúng tôi còn đề cập và xâu chuỗi đến nhiều nhân vật khác được nhân dân ghi nhớ do có công trong quá trình lập làng, giữ nước, vun đắp truyền thống văn hóa.
     Giới thiệu về lịch sử hình thành làng xã, các di tích, các sự kiện, sự tích tốt đẹp xưa và nay, giới thiệu tính đa dạng, phong phú trong các thiết chế văn hóa tâm linh – Đề cập và đúc kết truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng nhân, tôn trọng các đức tin khác nhau trong cộng đồng – đó chính là truyền thống văn hiến của làng.
Khi biên tập cuốn sách nhỏ này, chúng tôi đã căn cứ các sách sử, văn bia, gia phả, sắc phong, thần tích, thần sắc, qua lời kể của các bậc cao niên v.v... tiêu biểu như:
· Về sách sử:
- Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” – đây là bộ lịch sử đồ sộ. Có 14 trường đoạn đề cập đến hoạt động của các danh nhân khoa bảng làng Vạc.
- Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú – sách có 2 bài viết về làng Hoạch Trạch và TS Nhữ Đình Toản.
- Sách “Quốc sử di biên” của Phan Thúc Trực, sách “Đăng Khoa lục sưu giảng” của TS Nguyễn Tiến, sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ” – các sách có nhiều các chương bài viết về các nhân vật lịch sử làng Vạc (đặc biệt Phạm Đình Hổ có viết về Phạm Cư sĩ, Đoàn Thượng là các vị Nhân thần – Thành Hoàng của làng Vạc..., viết về một bà Hoàng Thái hậu đi qua làng Vạc đã bỏ tiền ra xây lại mộ cho bà Cung phi Điểm Bích - nhà thơ người làng Vạc, giới thiệu nhiều trích thơ của Hoàng giáp Nhữ Công Trấn).
- Sách “Tam Tổ thực lục” – xuất bản lần đầu năm 1756 viết về ba vị tổ sư khai sáng phái Thiền tông Trúc lâm là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Nội dung sách có viết về bà Cung phi Điểm Bích được Vua Trần cử đi thử đạo hạnh của Trạng nguyên, Tiền sư Huyền Quang (sách ca ngợi, bà: “Tuổi dưới 20, nõn nà chẳng kém gì Phi Yến, khéo léo còn hơn cả Điêu Thuyền. Trường Thiên, Ngũ ngôn, hễ mở miệng là thành chương, nhưng sở trường nhất là thơ quốc ngữ”. “Vừa có nhan sắc lại có tài ăn nói, vừa thông hiểu sử kinh”).
· Về văn bia (văn khắc): Chúng tôi căn cứ các tư liệu như sách: “Văn bia Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội” của dịch giả, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh; Thư viện văn khắc trên trang web. của Viện nghiên cứu Hán Nôm; Sách “Di sản Hán Nôm Hải dương” của nhà sử học Tăng Bá Hoành – sách này dịch 25 bia và 01 cuốn Gia phả của làng Vạc. Một số bia hậu do chúng tôi tự khảo cứu, dịch.
· Các kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ yếu hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa làng Hoạch Trạch, Kỷ yếu hội thảo khoa học về TS Nhữ Đình Toản.
· Các sách viết về các danh nhân của nhà nghiên cứu: Như sách về các nhà khoa bảng, sách và các tác phẩm của nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, về nhạc sỹ Đỗ Nhuận.
· Các tư liệu thu thập ở quê hương: Như các cuốn gia phả chữ Hán của các dòng họ, Tài liệu biên khảo lưu hành nội bộ của các cụ trong làng như của cụ Nhữ Đình Rồng, Lời kể của các bậc cao niên, Khảo sát và đọc câu đối, đại tự các di tích trong làng. Ghi chép các hoạt động tại làng quê trong những năm gần đây.
     Viết về lịch sử, danh nhân, các vị Nhân Thần làng Vạc chúng tôi đã khảo cứu và viết khá đầy đủ, dày dặn có các trích dẫn, tham chiếu, lớp lang... Tuy nhiên do khuôn khổ và chủ trương xuất bản cuốn sách lần này chỉ giới thiệu ngắn gọn, nên chúng tôi đã lược bỏ. Hẹn vào dịp khác chúng tôi sẽ xuất bản sách khảo cứu chuyên sâu về danh nhân làng Vạc.

     Truyền thống văn hiến của làng Vạc là một dòng chảy liên tục, thế hệ sau tiếp nối và làm sâu đậm thêm truyền thống tốt đẹp đó. Cuốn sách chưa đề cập đến các cá nhân tiêu biểu đương thời, đó là các nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ xuất sắc như:
+ GS TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tài năng của NS Đỗ Hồng Quân mang tầm thế giới. Chúng ta thật tự hào khi các tác phẩm khí nhạc của ông được thế giới đón nhận, ca ngợi. Giao hưởng “Trổ một” viết theo chất liệu dân ca chèo, hay bản “Đối thoại” viết cho dàn nhạc giao hưởng và đàn bầu của Đỗ Hồng Quân được các dàn nhạc giao hưởng thế giới dàn dựng, có buổi khi trình tấu xong, nhạc sĩ sáng tác kiêm chỉ huy dàn nhạc ba lần quay lại sân khấu cúi chào người nghe mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt.
+ PGS TS Nguyễn Ngọc Thanh (TS Ngọc Thanh với tôi trước tiên là tình thầy trò, sau là đồng hương, năm 2001-2003 khi theo học lớp Cao cấp chính trị tại Học viện chính trị QG Hồ Chí Minh – Phân viện 1, thầy Thanh là Phó giám đốc Học viện, thầy đã đứng lớp dạy tôi môn xã hội học). TS Ngọc Thanh là một nhà giáo dục tài năng, tâm huyết.
+ PGS TS Nguyễn Văn Tài – Học viện Thủy lợi
+ Nữ nhà thơ trẻ Khánh Ly – Hội viên hội nhà văn Hải Dương
+ Nhiều các tiến sĩ khoa học, các vận động viên, các nhà quản trị, nhà lãnh đạo, nhà quân sự, bác sĩ v.v... là những tài năng nổi trội đang tiếp nối truyền thống quê hương, cống hiến tài năng cho cộng đồng.
     Mục đích của cuốn sách nhỏ này là tôn vinh truyền thống, khơi ngợi và mong muốn thế hệ trẻ ngày nay và mai sau phát huy và ngày càng làm sâu đậm truyền thống văn hiến của quê hương.
     Trước khi kết thúc lời phát biểu trong buổi gặp mặt đầy ấm cúng hôm nay, xin được trích đọc mấy tứ trong các bài thơ của nhà thơ Khánh Ly – một người con của quê hương:

“Áo Rối hoàng hôn rót ánh vàng
Mái đền cong vút gió mênh mang...”

“Tôi muốn một lần viết được những câu thơ
Về nơi tôi sinh Đồng Chua, Xóm Mới”

“Tôi ước mong những nghĩa nặng quê hương
Cất tiếng thành thơ như lời ru của Mẹ
Tên xóm tên làng rung trong tim khe khẽ
Dẫu chẳng cao sang, bay bổng mĩ miều”

“Đã bao lần đứng trước các anh linh
Nơi đài hương có sao vàng năm cánh
Con chữ rung lên trước hàng bia giá lạnh
Bi tráng liệt oanh, thơ bỗng nghẹn lời
Đã bao lần những câu thơ của tôi
Muốn cất cánh bay giữa quê mình như thế
Nhưng con chữ cứ nghẹn ngào ứa lệ
Những câu thơ không chở nổi tình người”.

     Cảm xúc của nhà thơ đã truyền tải tâm tư của những người làng Vạc xa quê chúng tôi.
     Xin kính chúc các vị đại biểu, Ban Tổ chức, các cụ, các ông bà, anh chị luôn luôn mạnh khỏe, an khang và thịnh vượng.
     Xin cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các quý vị








Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn