茶 Trà/Chè - Thiên thu đại nghiệp nhất hồ trà

Giao lưu, chia sẻ về Trà/chè tại tiệc trà tất niên tại Vô Tứ Trà
     Trà/chè là đồ uống phố biến nhất của người Việt.
     Trà là âm Hán Việt, chữ Trà 茶 thuộc chữ biểu ý, thuộc bộ Thảo + chữ Nhân + chữ mộc
     Chè là âm thuần Việt, chữ Nôm viết chữ Chè cùng tự dạng với chữ Trà của âm Hán Việt.

     Theo cuốn sách khảo cứu rất công phu, rất có giá trị của Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng – trong sách “Văn Minh Trà Việt” – Theo ông, trà/chè không phải thức uống của Trung Quốc, mà là thức uống của người Việt, của cư dân Bách Việt.
     Khổng Tử viết: “Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà” (Khổng Tử - Thế kỷ 5 trước CN).
     Điều này là chính xác khi ta biết là cây chè chỉ phân bố ở địa bàn thuộc dân Bách Việt xưa kia và vùng Đông Nam Á.

     Theo nhà khoa học Trần Ngọc Thêm: cây chè có nguồn gốc từ Đông Nam Á cổ đại, thì có thể thấy rằng “chè” tiếng Việt là từ có nguồn gốc từ tiếng Đông Nam Á cổ, có quá trình tồn tại lâu đời, nên có phạm vi sử dụng vô cùng rộng rãi (được dùng để chỉ cả cây trồng, cả sản phẩm, cả các loại nước uống và các món ăn ngọt khác). Từ tiếng Đông Nam Á cổ, “chè” thâm nhập vào tiếng Hán, biến thành “trà”, rồi sau này “trà” tiếng Hán quay trở lại Việt Nam. Thành ra tiếng Việt ngày nay có cả hai từ “chè” và “trà”. Vì xuất hiện sau nên “trà” chỉ giới hạn trong phạm vi nghĩa chỉ sản phẩm, trong khi “chè” vì có trước nên đã mang luôn cả nét nghĩa của “trà”.

     Nhà Y học Tuệ Tĩnh – Thế kỷ 14 đã viết: “Trà làm cho tâm hồn sáng khoái thanh nhiệt cơ thể uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến” (Tuệ Tĩnh – Thế kỷ 14)

     Câu thơ nổi tiếng về tửu-trà (khuyết danh về trà):
"Vạn trượng hồng trần tam bôi tửu
Thiên thu đại nghiệp nhất hồ trà"
(Hồng trần cuồn cuộn ba chén rượu
Đại nghiệp nghìn thu một ấm trà)
     Sống thanh thản, buông bỏ mọi chuyện. Có người đã bình câu thơ trên như sau: “Những ưu tư trong chốn hồng trần sẽ rơi vào lãng quên trong vài ba chén rượu, tham vọng và cơ nghiệp vang danh trên thế gian đều tiêu tan trong tiệc trà chiều. Nhưng ấm trà này ta uống với ai đây? Chén rượu này để cho ai uống? Thấu hiểu được những điều này thì bạn có thể sống thanh thản cả đời.”
     Đầu năm 2020, khi dịch Covid19 bùng phát, ngồi nhà uống trà, lấy bút ra viết câu thơ trên, chụp ảnh đăng blog. Giờ lướt web. thấy được nhiều người lấy (chữ viết) để tiếp thị bán rượu, bán trà.

     Thơ của Thượng tướng Trần Quang Khải
Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan.

(Mùa hè lại, pha trà mời khách uống
Cơn mưa xong, gọi trẻ sửa chậu lan)

Một tác phẩm khác đến từ tác giả Bạch Hạc cùng ngẫu hứng với trà:
“Tĩnh toạ điềm nhiên với tách trà
Hương nồng nơi ấy quyện ngàn hoa,
Ung dung thư thái miền trần tục,
Ngẫm mình, ai đấy cõi ta bà?”

Bài thơ cổ hay về trà:
“Ngồi đây giữa buổi chiều tà
Ung dung ta rót chén trà nhâm nhi
Bao nhiêu sầu muộn quên đi
Gửi hồn theo gió bận chi chuyện đời.
Tặng mình đôi phút thảnh thơi
Uống trà thư giãn cho vơi muộn phiền
Đời này buồn khổ triền miên
Thẩm trà tìm lại an nhiên cuộc đời.”

Nhữ Đình Văn
(Chia sẻ tại tiệc trà tất niên - Vô Tứ Trà, 25 tháng Chạp năm Quý Mão)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn