"HẢI DƯƠNG PHONG VẬT KHÚC" - thơ ca ngợi các danh nhân làng Hoạch Trạch
Thành Hải Dương xưa
Tên đầy đủ của tác phẩm là: "海陽風物曲用國音歌 - Hải Dương phong vật khúc dụng quốc âm ca" của tác giả Hương cống, Trợ giáo Trần Huy Phác, sáng tác bằng Quốc âm (chữ Nôm) thời vua Gia Long, triều Nguyễn (đầu thế kỷ 19). Thể thơ song thất lục bát.
Đoạn viết về làng Hoạch Trạch khá đặc sắc, và là đoạn hay của tác phẩm. Trích đăng:
"Đất Hoạch Trạch thâu tàng tú khí
Đấng anh hùng tiêu chí càng cao.
Giá trong chẳng chút bợn nào,
Dẫu lời ngon ngọt lụa trao sá màng.
Dấu tràng áo chữ ban liêm tiết,
Tỏ dòng thanh thẹn hết tham ô.
Phong lăng ngất ngất sương thu
Quyền hào núp bóng, côn đồ bặt tăm.
Nhà họ Nhữ quan trâm kế thế,
Có tiếng hay chỉnh sự dậy dàng
Tụng tình soi sáng bằng gương
Hồn oan dưới tháp suối vàng còn ơn"
Một trang trong sách Hải Dương phong vật khúc
Hai câu song thất: "Đất Hoạch Trạch thâu tàng tú khí/ Đấng anh hùng tiêu chí càng cao" đúng là ca ngợi hết lời đất Hoạch Trạch địa linh nhân kiệt.
Đoạn tiếp theo: "Giá trong chẳng chút bợn nào/ Dẫu lời ngon ngọt lụa trao sá màng/ Dấu tràng áo chữ ban liêm tiết/ Tỏ dòng thanh thẹn hết tham ô/ Phong lăng ngất ngất sương thu/ Quyền hào núp bóng, côn đồ bặt tăm.Quyền hào núp bóng, côn đồ bặt tăm." là ca ngợi Hoàng giáp Vũ Tụ (1466 - ?), đỗ hoàng giáp năm 1493 đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến Tả thị lang bộ Hình (thứ trưởng thường trực, xưa có hai chức phó của Thượng thư là Tả/hữu thị lang). Ông nổi tiếng liêm khiết.
Khi vua cho người biếu lụa, thử các quan, các quan đều nhận cả, chỉ riêng ông không chịu nhận và đuổi về. Câu nỏi nổi tiếng của ông: "Người đời đục cả, chỉ mình ta trong. Ta há lại nghe lời nói ngọt của mày mà đổi tiết tháo đi ru". Phan Huy Chú trong Lịch triệu hiến chương loại chí có nhận xét ông là "tính liêm thẳng, làm quan trong sạch, cần kiệm, chưa từng lấy bậy của người". Ông được vua ban cho hai chữ "liêm khiết", cho dán vào cổ áo mỗi khi vào chầu. Người dân tôn gọi ông là Trạng liêm.
Chợ – Hải Dương – Marché (1911)
Khổ thơ: "Nhà họ Nhữ quan trâm kế thế/ Có tiếng hay chỉnh sự dậy dàng/ Tụng tình soi sáng bằng gương/ Hồn oan dưới tháp suối vàng còn ơn" là ca ngợi Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền (1659 - 1716), đỗ tiến sĩ năm 1680. Làm quan đến Bồi tụng, Thượng thư bộ Hình. Nổi tiếng chính sự lỗi lạc, xử án kỳ tài, với câu ca được Tiến sĩ Nguyễn Tiến ghi lại trong sách Đăng khoa lục sưu giảng: "Văn chương Lê Anh Tuấn - Chính sự Nhữ Đình Hiền" (Lê Anh Tuấn là Trạng Nguyên, làm quan cùng thời Nhữ Đình Hiền).
Ông nổi tiếng phá án kỳ tài vụ "giả giấc mộng lạ, tìm ra kẻ ác". Vụ án người phụ nữ trẻ mất tích đã nhiều năm không tìm ra thủ phạm, người chị ruột lại đang bị bắt tù oan. Về làm quan vùng đó, Nhữ Đình Hiền lấy địa đồ ra xem, thị sát hiện trường và thấy rằng đoạn đường cô gái đi qua và mất tích là đồng không mông quạnh, chỉ có một ngôi chùa. Ông qua chùa chơi, thị sát kỹ ngôi chùa, dò xét thái độ sư trụ trì, và xin ngủ lại. Tổng hợp mọi tình tiết, ông đánh giá thủ phạm không ai khác, chính là sư trụ trì. Sáng hôm sau, ông gọi sư ra và nói thác rằng: có người phụ nữ báo mộng bị nhà ngươi giết…, hãy khai ra ngay. Thủ phạm đã phải nhận tội và đưa ra chỗ tháp đào xác người phụ nữ bị hiếp và giết, đúng như tác giả thơ ca ngợi "hồn oan dưới tháp suối vàng còn ơn".
Làng Hoạch Trạch nổi tiếng vặt vật, nhiều anh tài nam nữ. Thật đúng như người xưa trong vùng ca ngợi "Hoạch Trạch khí tàng - Anh hùng xuất thế".
Nhữ Đình Văn sưu tầm