Nghè là một hình thức của đền miếu, thờ thần
thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung
tâm nào đó. Nghè có thể thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của
một thôn trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh
khi ngôi đền chính khó đắp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật.
NGHÈ làng
Hoạch Trạch thờ các vị thành hoàng của làng, là công trình tâm linh trực
thuộc ĐÌNH làng, đáp ứng cho các thờ cúng thường nhật, tuần, rằm, lễ tết. Nghè làng
Hoạch Trạch vốn là ngôi đền có từ thời Lý – Trần, thờ các vị nhân thần có công với
nước, với quê hương. Cuối triều Trần, khi hình thành tín ngưỡng thờ thành hoàng,
các vị Nhân Thần đang được dân làng thờ phụng được trình vua phong là các vị Thành
Hoàng của làng.
Nghè làng Hoạch
Trạch vừa được công nhận là di tịch lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nghè thờ bốn vị
Thành Hoàng:
Thành Hoàng
Đông Hải Đại Vương Thượng đẳng thần: tức ngài Đoàn Thượng. Đoàn Thượng 段尚 (1181-1228) người huyện Thanh Miện, Hải Dương, là vị tướng cuối thời nhà Lý đời vua Lý
Cao Tông và Lý Huệ Tông. Ông là hào trưởng vùng Hải Dương
và là chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở lộ Hồng Châu, là một trung thần của nhà
Lý, và không thần phục sự chuyển giao từ Nhà Lý sang nhà Trần do Trần
Thủ Độ sắp đặt. Ngoài thờ ở Đình, Nghè, Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng còn
được thờ tại miếu Đông Hường (Đông Miếu). Đây là ngôi miếu trấn phía Tây của làng,
cửa miếu quay về làng, tức quay về hướng đông.
Thành Hoàng Hướng Thiện cư sĩ: Sách
Vũ Trung tùy bút của tác giả Phạm Hổ đã ghi lại sự kiện: ông Phạm Cư Sĩ người
huyện Đông Triều, làm mưu chủ cho tướng quân Đoàn Thượng, trong một trận chiến
chống lại quân nhà Trần, Phạm Cư Sĩ chống giữ mặt Cẩm Giàng, khi thua trận, chạy
xuống phía Nam, đến làng Hoạch Trạch thì vết thương nặng quá phát ra mà chết.
Làng Hoạch Trạch lập đền thờ Phạm Cư Sĩ và đưa chủ soái Đoàn Thượng vào phối thờ. Hướng Thiện Cư sĩ được phong: Hộ Quốc An Dân, Trung Chính
Túy Tinh Anh Nghị Diên Khánh, Chính Đại Minh Trực Đại vương...
Thành Hoàng
Nam Khê Hoằng Hợp Đại Vương: Tên thật là Phạm Sĩ, là mưu sĩ của Đoàn Thượng, tên hiệu là Nam Khê Đại Vương.
Nam Khê Đại Vương tuẫn tiết tại làng Hoạch Trạch, hiển linh, được nhân dân thờ phụng.
Nam Khê Đại Vương còn được thờ tại Tây miếu, sát cầu Sen cũ, ngôi miếu trấn giữ
phía đông của làng.
Thành Hoàng
Nguyệt Thai Công chúa: Theo
tư liệu, Nguyệt Thai Công Chúa là công chúa triều Lý, cùng với Hướng Thiện cư sĩ,
Nam Khê Đại vương đều tuẫn tiết ở làng Hoạch Trạch, hiển linh, được nhân dân thờ
phụng. Nguyệt Thai Công chúa được thờ tại ngôi điện riêng, trong khuôn viên nghè.
Hiện nay, trong Nghè có ban
thờ Ông Tổ làng nghề lược tre là Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền (1659 – 1716), Đỗ tiến sĩ
năm 1680, làm quan đến Bồi Tụng, Thượng Thư Bộ Hình, đi sứ Trung Quốc và mang nghề
lược tre (lược bí) về truyền dạy cho dân làng Hoạch Trạch.
Trong khuôn viên nghè, có điện
thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà bia, văn bia thờ các liệt sĩ người làng Hoạch Trạch.
Sau nhiều lần tu sửa, Nghè
làng Hoạch Trạch hiện hiện nay có quy mô kiểu chữ Nhị, bề thế theo phong cách cách
công trình tâm linh đồng bằng Bắc Bộ. Trong nghè, các ban thờ có cửa võng, hoành
phí, câu đối, bài vị, linh khí thờ tạo không gian thờ phụng linh thiêng.