Tản mạn Thanh Hoá...




Chiều sông Lèn - ảnh Đ.V
   
   Theo truyền thuyết, Thanh Hoá thời xa xưa là tận cùng của giang sơn, nơi mà An Dương Vương* khi cùng đường, quẫn trí đã rút gươm chém công chúa Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự tử. Thời Bắc thuộc là đất của quận Cửu Chân, đầu triều Nguyễn vốn có tên là trấn Thanh Hoa, sau do kỵ huý tên của một bà Hoàng Thái hậu mà gọi chệch ra thành Thanh Hoá. Đây là một vùng đất nằm tiếp giáp giữa miền Bắc và miền Trung bởi vậy mà trong những câu vè, câu đồng dao dân gian, mọi người của quê hương này vẫn hát vui “khu bốn đuổi ra, khu ba đuổi vào…”, Thanh Hoá có sông rộng, có núi cao, có rừng già, có đồng bằng xanh mướt lúa ngô, có biển khơi vươn xa ra đại dương mênh mông, phía tây lại giáp nước bạn Lào, đây thực sự là một nơi trọng yếu, môt miền đất địa linh nhân kiệt, gắn chặt với sự nghiệp xây dựng và mở mang bờ cõi của quốc gia Đại Việt hàng nghìn năm qua.

   Thanh Hoá phiêu linh, huyền ảo qua sự tích chàng Từ Thức từ quan lên núi… tìm động, gặp Tiên, rồi đã từ bỏ quê hương, bản quán, người thân để lên trời theo tiếng gọi của tình yêu “Rằng xưa..., có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng... nhớ nhau…” (Tìm động hoa vàng - thơ Phạm Thiên Thu, nhạc Phạm Duy). Nơi người con nuôi của Vua Hùng là Mai An Tiêm đã tìm ra dưa hấu, một loại quả vừa ngon, vừa bổ và đặc biệt, thật mát ngọt, thật thú vị khi được ăn vào những ngày hè oi ả.

   Thanh Hoá là quê hương của Bà Triệu Thị Trinh, người phụ nữ đã “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Hình ảnh của vị nữ anh hùng đã được ca ngợi hết sức oai phong, lẫm liệt trong “quốc sử diễn ca”:
   “Cửu Chân có ả Triệu kiều
   Vú dài ba thước tài cao muôn người
   Gặp cơn thảo muội cơ trời
   Đem thân bồ liễn theo loài bồng tang
   Đầu voi phất ngọn cờ vàng
   Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha
   Chông gai một cuộc quan hà
   Dù khi chiến tử còn là hiển linh”

Quân Ngô (nước Ngô của Tôn Quyền, Tôn Sách thời Tam quốc) đã khiếp sợ qua câu ca:
   “Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện bà vương nan”

(Múa giáo đánh cọp dễ / Đối mặt Vua Bà thì thực khó)
Cuộc khởi nghĩa của bà đã tiếp nối truyền thống phụ nữ anh hùng của hai Bà Trưng và được nhân dân mọi miền hưởng ứng đi theo qua câu ca:
   “ Ru con con ngủ cho lành
    Để mẹ ngánh nước rửa bành ông voi
    Muốn coi, lên núi mà coi
    Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”

Hay:
   “Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt
    Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng”

Theo GS, TS, Thiền Sư Lê Mạnh Thát: Bà Triệu Ẩu đã không thua bởi tay Lục Dận, trái lại đã đánh bại viên tướng này… Bà đã giữ được độc lập đến năm 257 sau khi thua Đặng Tuân được Tôn Hựu sai sang đánh Giao Chỉ.

   Thanh Hoá là nơi sinh ra Hồ Quý Ly - Một vị quân vương kinh bang tế thế, mà tài năng của ông qua các cuộc cải cách chính trị, tư tưởng, giáo dục, y tế được nghi nhận là vượt thời đại, một Hoàng tử Hồ Nguyên Trừng – nhà công trình sư, nhà quân sự lỗi lạc, ông tổ của súng thần cơ.

   Lê Lợi, một hào kiệt của miền quê xứ Thanh nơi “đất lành chim tụ” đã phất cờ tụ nghĩa với câu sấm truyền “Lê Lợi vi Quân, Nguyễn Trãi vi thần”đứng lên đánh đuổi quân Minh giành lại giang sơn gấm vóc Đại Việt và mở ra triều đại nhà Lê kéo dài gần 400 năm.

   Thanh Hoá cũng là nơi phát tích của Nguyễn Kim, một dũng tướng tài ba đã theo chân để bảo vệ cho con cháu nhà Lê lánh nạn Mạc Đăng Dung tận đất Lào xa xôi để rồi lại đưa nhà Lê trung hưng, trở lại ngai vàng thêm hai trăm năm nữa. Nguyễn Hoàng - con trai của Nguyễn Kim - gặp phải sự hiềm khích của anh rể là Trịnh Kiểm, theo sự mách bảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với cấu sấm: “Hoành Sơn nhất đái / Vạn đại dung thân”, đã được gia tộc và nhân dân Thanh - Nghệ Tĩnh tin, tôn sùng là minh chủ, đi theo vào khai phá, mở mang bờ cõi lập ra một Đàng Trong mênh mông sông nước, lúa nhiều, đất rộng, hai trăm năm xây dựng cơ đồ Chúa Nguyễn rồi 150 năm Vua Nguyễn là cả một kỳ tích trong quá trình xây dựng và mở mang bờ cõi. Con dân đất Việt, dù ở phương Nam xa xôi, vẫn một lòng son sắc thuỷ chung với tổ tông, với cội nguồn con Lạc, cháu Hồng:
   “Từ độ mang gương đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
                             
(Nhớ Bắc - thơ Huỳnh Văn Nghệ)

   Trịnh Kiểm, người khai sinh ra tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh với hai trăm năm núp dưới danh nghĩa tôi, thần nhưng thực quyền thì lớn hơn cả vua Lê, họ Trịnh đã khuynh đảo chính trường Đàng Ngoài với câu sấm của Trạng Trình: “Lê tồn, Trịnh tại / Lê bại, Trịnh vong”, ngày nay vai trò của các chúa Trịnh cũng dần được nhìn nhận lại với các đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền.

   Thanh Hoá là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng lên Nhữ Bá Sỹ, một danh sỹ thời Minh Mạng, Một nhà thơ, nhà văn hàng đầu thời Nguyễn, một nhà nho đáu đáu lòng yêu nước, khi đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn cho người võng đến nơi tụ nghĩa, để phất cao ngọn cờ chống Pháp xâm lược.

   Thanh Hoá anh hùng, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm:
    "Ơi, sóng vỗ mái chèo...
     Ơi, núi sông quê nhà
     Hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng, hò ơi dô ơi...
     ... Ơi, đánh giặc đêm ngày
     Đạn bom khôn ngăn
     Tiếng ca yêu đời hò ơi dô khoan
                             
(Chào Sông Mã anh hùng - nhạc Xuân Giao)

 Bom đạn của kẻ thù đã trút xuống sông Mã, núi Hàm Rồng tưởng chừng như đất đá cũng phải tan tành thành khói bụi, nhưng không! con người nơi đây từ già đến trẻ vẫn kiên cường, anh dũng, sáng tạo chống lại kẻ thù. Truyền thống đánh giặc nơi đây đã được nhân cách hoá nên như một huyền thoại:
“Loa vang tin khắp nơi…, trên đất này…, có cụ già… bắn rơi máy bay… Ới dô, trên đất này… có cụ già, bắn rơi máy bay…” (Hát mừng các cụ dân quân - nhạc Đỗ Nhuận)
Một miền đất lắm bão, nhiều mưa, con người phải gồng mình lên chống chọi với thiên tai, địch hoạ, nhưng vẫn dạt dào các câu hò ca ngợi tình yêu lứa đôi:
   “Vắng cơm một bữa chẳng sao
    Vắng em một bữa lao đao cả ngày
    Vắng em chỉ một phiên đò
    Trầu ăn chẳng có chuyện đò thì không”...

                                                 (hò sông Mã)
Đình Văn (2013)

Ghi chú:
(*) Theo truyền thuyết, nơi An Dương Vương chạy giặc đến cùng đường, sau là giặc, trước là biển là vùng Tĩnh Gia - Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn