Cầu HÀM RỒNG (Thanh Hoá):
“Ai xui ta nhớ Hàm Rồng
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây” (Tản Đà)
Cầu khánh thành năm 1904, là cầu hỗn hợp đường bộ QL1a và đường sắt Bắc Nam.
“Khung cầu còn cứ như tranh
Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi!” (Tản Đà)
Kết cấu nhịp gồm 01 vòm thép 3 khớp, nhịp 160 m (nhịp lớn ở thời điểm đó, so sánh: nhịp dàn cầu Long Biên là 75m, nhịp vòm giữa cầu Đông Trù là 120m...).
Cầu bị đánh sập năm 1947 để ngăn chặn quân Pháp. Sau đó không được khôi phục lại.
Kết cấu vòm được thi công bằng hệ thiên tuyến. Khâu đóng khớp giữa hợp long vòm là khó khăn và cực quan trọng với loại kết cấu này. Theo lưu truyền, ông thợ cả người Việt tên Viên đã thực hiện công đoạn này.
Theo thi sĩ Tản Đà, cầu được sơn mầu đỏ, rất ấn tượng:
“Sơn cầu còn đỏ chưa phai?
Non xanh còn đối? sông dài còn sâu?”
Với kết cấu vòm thép 3 khớp và khẩu độ nhịp 160m, cầu Hàm Rồng là một công trình rất đáng ghi nhớ trong lịch sử ngành cầu Việt Nam
(Thơ Tản Đà)
NHỚ CẢNH CẦU HÀM RỒNG
“Ai xui ta nhớ Hàm Rồng
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây
Từ ta trở lại Sơn Tây
Con đường Nam Bắc ít ngày vãng lai
Sơn cầu còn đỏ chưa phai?
Non xanh còn đối? sông dài còn sâu?
Còn thuyền đánh cá buông câu?
Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?
Lấy ai viếng cảnh bây giờ?
Mà hay cảnh có đợi chờ cùng nhau?
Ước sao sông cứ còn sâu
Non xanh còn cứ giữ mầu xanh xanh!
Khung cầu còn cứ như tranh
Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi!
Xuân sang cỏ cứ xanh rì!
Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung!
Sơn Tinh, Hà Bá hay cùng
Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta
Có ngày xe lửa đi qua
Trong xe lại có Tản Đà đứng trông
Lại vui cùng núi cùng sông
Người xưa cảnh cũ tương phùng còn lâu
Nhắn non, nhắn nước, nhắn cầu!
Nhữ Đình Văn