CẦU VÒM NHỊP LỚN NHẤT THẾ GIỚI: SƠ LƯỢC KẾT CẦU VÀ BIỆN PHÁP THI CÔNG (cỡ nửa số đồng nghiệp quen biết đã bỏ nghề, do khó sống và nghề này rủi ro cao, tui vẫn cố bám nghề và cũng còn chút yêu nghề - đó là lý do vẫn còn thói quen tìm đọc các tư liệu về nghề phu cầu, phu đường)
Cầu Bình Nam, Quảng Tây, Trung Quốc
Đó là cầu vòm Third Pingnan (cầu Bình Nam thứ ba, Quảng Tây, Trung Quốc). Khánh thành 28/12/2020.
- Nhịp vòm cầu chính dài 575m. Chiều cao vòm từ chân đến đỉnh là 119.11m. Cầu Vòm Bình Nam phá kỷ lục thế giới, trước đó thuộc về cầu vòm vượt qua cầu sông Chaotianmen Yangtze với nhịp chính dài 552 mét.
- Tiết diện (cắt ngang) vòm được tổ hợp từ 4 ống thép đường kính 1,4m ở bốn góc, liên kết với nhau thành khung bởi các ống thép đường kính nhỏ theo phương ngang, đứng và xiên. Kích thước đo từ tim các ống thép tại vị trí chân hxb là 16x4m, vị trị đỉnh vòm là 8x4m.
- Khoảng cách giữa hai khung vòm (thượng, hạ lưu) là 28,6m. Mặt cầu gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ…
- Khởi công tháng 6/2018, thời gian thi công khoảng 2,5 năm. Tổng chiều dài cầu là 1.035m. Tổng thép sử dụng là 15.000 tấn.
Theo ông Zheng Jilian, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Giáo sư Đại học Quảng Tây, lý do xây dựng cầu vòm là vì:
“Có chi phí thấp nhất. Thấp hơn cầu treo gần 100 triệu (tệ) và thấp hơn cầu dây văng 40 triệu (tệ). Độ bền, độ cứng lớn hơn những cây cầu kiểu khác, chi phí bảo dưỡng của các cây cầu kiểu khác cũng cao hơn cây cầu này. Có ít cầu phát huy hết ưu điểm của nó”
“Nhiều đột phá công nghệ quan trọng đã đạt được trong quá trình xây dựng Cầu Bình Nam thứ ba: Móng Trụ cầu (chân vòm) nằm trên đá, Trụ cầu phía đối diện nằm trên lớp đá cuội. Đến nay, chúng tôi đã quan trắc thấy móng trên lớp đá cuội chỉ chìm 5 mm. Cây cầu được xây dựng chỉ trong hai năm rưỡi, và tất cả các cuộc kiểm tra của chúng tôi đều tuyệt vời và không xảy ra tai nạn nào (trong quá trình xây dung)”
Rút ra vài điều hay ho khi xem ảnh thi công cầu Bình Nam:
- VỀ KIẾN TRÚC: Tất nhiêu cầu đẹp, thanh thoát, nhịp vòm 575m là một kỷ lục về XD. Hai mố chân vòm đặt trên hai bờ, không trụ cầu dưới sông nên gìn giữ được cảnh quan, không “xâm phạm” vào dòng chảy, vào môi trường tự nhiên.
- VỀ GIẢI PHÁP MÓNG HAI TRỤ CHÂN VÒM: Khá lý thú, khi một bên là móng nông, đào trần, đặt trên nền đá. Móng phía bên kia là một giếng lớn (hay cốc lớn) bê tông cốt thép, đặt trên nền sỏi cuội. Thi công đào trần. Hai thân trụ (thượng/ hạ lưu)-vị trí để chân vòm ngàm vào - là bê tông cốt thép được xây dựng lên từ đáy giếng và nằm gọn trong lòng giếng. Phần khoảng trống còn lại trong lòng giếng được đắp bằng đất. Giải pháp móng rất hữu hiệu để giảm chấn do động đất và lực đẩy rất lớn của 2 chân vòm.
- BIỆN PHÁP TỔ HỢP CÁC ĐỐT VÒM: Lắp hẫng từ hai chân vòm ra đỉnh vòm bằng hệ dây thiên tuyến và dây văng giữ ổn định. Đầu các ống thép của đốt vòm, phía trong ống được thiết kế khung thép hình côn nhô ra, có đai khoan lỗ để lắp bu lông ghép đốt mới vào khung vòm đã lắp trước đó. Một đoạn ống thép ngắn (hai mảnh) sẽ được hàn sau đó để liên kết 4 ống thép vòm với nhau tạo ra hệ khung vòm liên tục.
- HỆ GIẰNG GIÓ (liên kết ngang hai khung vòm thượng/hạ lưu): được thiết kế dạng khung phẳng, phương thẳng đứng… Mục đích để phù hợp giải pháp lắp ráp các cấu kiện mặt cầu qua hệ dây thiên tuyến (hệ tời, dòng dọc, múp sẽ cấp cấu kiện từ trên dây thiên tuyến xuống theo phương thẳng đứng)
(03.2021 Nhữ Đình Văn)