Lời nói đầu
Tôi biết
nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 15 năm nay. Từ nhà tôi sang nhà anh không xa lắm.
Những khi rỗi rãi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay sang nhà nhau chơi.
Dịp Tết
Nguyên đán năm nay (năm Giáp Thân, 2004), Nguyễn Huy Thiệp có vẻ bồn chồn khác
thường. 29 Tết, Nguyễn Huy Thiệp sang nhà tôi, anh rủ tôi đi chợ hoa trên đê
Yên Phụ. Anh có vẻ thích mấy chậu hoa mai vàng Đà Lạt nhưng khi biết giá tiền,
anh lại tần ngần bỏ đi. Một chậu hoa mai vàng chơi được giá cũng phải tới 100
đô-la, số tiền này có vẻ xa xỉ với anh - một nhà văn quèn quen sống thanh đạm
(đấy là căn cứ trên sự quan sát của tôi).
Tôi nài
Nguyễn Huy Thiệp mua tặng tôi một cành đào Nhật Tân mà tôi lựa chọn. Anh đồng ý
nhưng không tỏ ra thích cành đào của tôi (thị hiếu thẩm mỹ của hai chúng tôi
khác nhau: anh thiên về vẻ đẹp thực dụng, còn tôi thì thích những vẻ đẹp tình
cảm). Chia tay nhau chúng tôi chúc nhau những điều tốt lành và hẹn gặp lại vào
năm mới, vào ngày mồng 3 Tết. Người bán hoa tặng anh một giò hoa thủy tiên vì
thấy anh mua cành đào cho tôi với giá hớ khác thường.
Sáng mồng
3 Tết, Nguyễn Huy Thiệp lại đến nhà tôi. Chúng tôi đi chơi xa, lên vùng núi Kim
Bôi - Hòa Bình, bỏ lại sau lưng cửa Đông Hoa chốn Kinh thành toàn là bụi bặm.
Trong chuyến đi, anh hầu như chỉ nói những suy nghĩ của anh về văn học. ít lâu
sau, tôi thấy những suy nghĩ đó được in trong bài Trò chuyện với hoa
thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn.
Cả Nguyễn
Huy Thiệp và tôi đều không ngờ bài báo (mà có người coi đó là những tiểu luận
văn học đặc sắc) lại gây ra một cuộc tranh luận văn học sôi nổi như vậy, trong
đó thấy có không ít những ý kiến phản bác lại anh. Trong mấy tháng trời, ở các
công sở và ở các quán cà-phê sành điệu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sáng
nào người ta cũng bàn tán về sự kiện hoa thủy tiên. Các bài viết
trên báo chí chính thống và trên mạng Internet được đưa ra phân tích, thảo
luận. Có thể nói, rất lâu trên lĩnh vực sinh họat văn học ở Việt Nam mới lại có
một cuộc ẩu chiến dữ dội đến thế. Nguyễn Huy Thiệp được đưa ra mổ xẻ. Bạn đọc
chẳng khó khăn gì không nhận ra những đường dao nhát kiếm đầy ác ý chĩa vào
anh. Một mặt khác, người ta cũng nhận ra những thiện ý và những lời trao đổi
tích cực đối với văn học.
Nguyễn
Huy Thiệp theo dõi tất cả những ý kiến quanh sự kiện hoa thủy tiên.
Tôi rất ngạc nhiên vì thấy anh luôn tỏ ra bình tĩnh, không hề tỏ ra khó chịu
trước những ý kiến phản bác lại mình. Anh nói:
- Trường
văn trận bút. Chuyện ấy là thường.
Tôi không
tán thành (có lẽ vì tôi còn trẻ và do đó, tôi khá nóng nảy), tôi chỉ ra những
đoạn tiểu khí và vu khống, ác ý trong nhiều bài viết, tôi đề nghị Nguyễn Huy
Thiệp trả lời nhưng anh chỉ cười, lắc đầu. Anh nói:
- Thực
ra, trong toàn bộ những ý kiến phản bác tôi... đa số đều tầm thường, không
ngại. Chỉ riêng ở trường hợp Trần Đăng Khoa thì có lẽ cần phải đối thoại.
Tôi hỏi
vì sao? Anh bảo:
- Anh hãy
tự nghĩ lấy.
Tôi về
tôi nghĩ như sau:
- Trần
Đăng Khoa là một thần đồng, anh là một nhà thơ có thiên nhãn. Cũng như Nguyễn
Huy Thiệp, có thể coi Trần Đăng Khoa là một người giời... ảnh hưởng xã hội của
Trần Đăng Khoa rất lớn. Thái độ của Trần Đăng Khoa với văn học có ảnh hưởng
nhất định đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Đáng lẽ, anh ấy không nên trò chuyện
với Nguyễn Văn Thọ về Nguyễn Huy Thiệp. Trần Đăng Khoa cũng không nên đứng
trong đội ngũ những người phản bác Nguyễn Huy Thiệp trong sự kiện hoa
thủy tiên mới phải.
Nguyễn
Huy Thiệp cũng ngại đụng chạm (ngay cả với Trần Đăng Khoa) nên
trước sau quanh sự kiện hoa thủy tiên anh nhất thiết không trả
lời ai. Tôi rất bất bình, thậm chí đôi khi còn nặng lời với anh rằng anh hèn,
rằng anh nhu nhược, dĩ hòa vi quý v.v... Nguyễn Huy Thiệp
trước sau chỉ cười. Tôi nhận ra một nỗi buồn tê tái trong ánh mắt anh khi ấy.
Quá bực mình, tôi về nhà ngồi viết vở kịch Mổ nhà văn, lấy bối cảnh
quanh sự kiện hoa thủy tiên. Tôi biết, Nguyễn Huy Thiệp sẽ trách cứ
tôi khi viết vở kịch này nhưng tôi mặc kệ - anh không phải là tôi, tôi không
phải là anh. Nguyễn Huy Thiệp bây giờ là một nhà văn danh tiếng, có thể có
những điều anh ấy phải giữ gìn, phải bảo trọng. Còn tôi, tôi chỉ là một fan của
anh, một người bạn, chúng tôi đã có 15 năm gần gũi thân thiết, tôi phải đứng ra
bảo vệ anh. Tôi nghĩ bảo vệ anh, cũng là bảo vệ những giá trị văn học chính
đáng, bảo vệ sự liêm sỉ của người cầm bút chân thực.
Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại cũng là lẽ thường. Ân oán phân minh là một
thái độ của người quân tử. Trường văn trận bút, khắc làm khắc chịu...
đấy cũng là bản lĩnh sống giữa mọi người. Về mặt xã hội, vở kịch của tôi cũng
chỉ là một cử chỉ bất bình hồn nhiên (giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha)
nhưng vì gắn với tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp, biết đâu người ta cũng sẽ chẳng
nhắc đến tên tôi sau này trong văn học sử?
Tôi không
mong điều ấy nhưng nếu được thế thì đây sẽ là một chuyện mua vui cũng
được một vài trống canh hi hữu.
Kìa tiếng
trống! Kìa tiếng chiêng! Vở kịch đã bắt đầu rồi. Xin mời bạn đọc xem bảng phân
vai nhân vật, biết đâu lại chẳng thấy mình trong đó?
Thích Thiện Ngân
NHÂN VẬT
1. Nhà văn vô danh: Người ta có thể nhận ra
thấp thoáng hình ảnh của vài nhà văn Việt Nam hiện đại. Tác giả vở kịch nghĩ
rằng ở ngòai đời nhân vật nhà văn vô danh hẳn sẽ sinh động và hóm hỉnh hơn ở
trên sân khấu.
2. Giám đốc Bệnh viện tình
thương một sếp
khá điển hình trong các tổ chức: nóng nảy, luôn tránh các trách nhiệm, thích
các chuyện hiếu hỉ. Không phải là người ham mê văn hóa nói chung, làm điều ác
hồn nhiên nhưng lại cứ tưởng mình làm việc thiện.
3. Những ông phu chữ và
những bác thợ đấu lực lưỡng: Trong khi thiên tài thường đi hoặc nhảy những bước nhẹ nhàng
(hoặc ra vẻ nhẹ nhàng) thì có rất nhiều tác giả văn học lại coi mình là những
người lao động hèn hạ của bộ môn nghệ thuật này. Họ gọi nhau là những
ông phu chữ và những bác thợ đấu lực lưỡng. Tôi cũng không muốn gọi họ là
những nhà văn nhà thơ. Lúc đầu, tôi định gọi họ là những người mơ mộng thực tế.
Số này khá đông, họ luôn có một cuộc sống gương mẫu hoặc luôn có ý thức để có
một cuộc sống gương mẫu thế nào đấy. Bảng màu trong tính cách của họ khá phức
tạp, nhiều khi đồi bại và gian dối nhưng họ lại luôn tỏ ra thực thà tựa như
trong tính cách ở họ chỉ có mỗi hai màu chủ đạo đơn giản là đen trắng hoặc xấu
tốt mà thôi. Bất chấp mọi thủ đoạn, phương pháp, họ tiến thân kiên trì như
những con rắn trườn trên mặt đất. Tôi luôn luôn bị bất ngờ vì họ, hoàn toàn
không thể lý giải về những hành động, việc làm của họ. Trong vở kịch này thì
Trần Mạnh Khảo nổi bật lên như một ngôi sao bởi sự hung hãn hiếm có. Cùng với
ông ta còn có rất đông những người như các vị Nguyễn Hàng Lươn, Lê Văn Ngọng,
Võ Khắc Điên v.v... Cũng có thể xếp cả các cụ Hoàng vô danh hoặc hữu danh, thêm
cô Hài Nhi, cụ Tú Vũ v.v... ở trong bảng phân loại này. Sở dĩ gọi họ là những
ông phu chữ và những bác thợ đấu lực lưỡng vì họ luôn luôn làm việc
với một tài năng trung bình, tầm tầm rất đáng sợ, họ luôn dọn được ổ cho cuộc
sống của mình dù cho cuộc sống ấy có khó khăn thổ tả thế nào đi nữa. Không thể
không khâm phục họ về đầu óc thực tế và khá lạnh lùng. Chúng ta luôn phải hoang
mang khi đặt vấn đề là họ sống đúng hay chúng ta sống đúng? Sự trung bình trong
nghệ thuật đông đúc và mẫn cán đến mức đôi khi giết chết nghệ thuật.
4. Vương trưởng giả: Nhà nghiên cứu phê bình
văn học, một gương mặt đáng kể về sự minh triết vừa phải trong khi công việc
của ông ta lại luôn đòi hỏi phải thái quá. Một người tốt vừa phải. Chỉ tiếc với
một con người như thế ông ta đáng lẽ phải làm được nhiều việc hơn nữa để có
được sự tôn trọng hơn nữa và sống lý thú hơn nữa. Vừa rồi, ông ta đã chọn một
diễn đàn không thích hợp và đấy là lý do mà tôi lôi ông ta ra khỏi tổ ấm trưởng
giả của mình để lên sân khấu làm hề.
5. K-Oa: Bẩm sinh là một nhà thơ,
một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi trường sống của anh ta không tốt,
anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng ngày, từng tí một. Một thiên thần
cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu nhưng thực tình, không ai muốn
thế. Tôi cũng không muốn thế.
6. Nghé ọ: Nếu gọi anh ta là một kẻ
cơ hội thì quá tầm thường với bản lĩnh của anh ta. Rõ ràng đây là một nghệ sĩ:
anh ấy không yên ổn từ trong nội tâm ra ngoài cuộc sống. Đã từng bị lỡ trớn, bị
thất bại, cuộc đời anh ấy không ngon trớn và anh ấy căm ghét mọi sự thành công
ở người khác. Anh ấy không biết rằng những người thành công cũng đã thất bại
nhiều lần, giá của sự thành công thường đắt hơn sự thất bại. Tôi tiếc anh ấy đã
không gặp gỡ tôn giáo, vì chỉ tôn giáo mới cứu rỗi anh ấy. Anh ấy không còn
nhiều cơ hội cho mình.
7. Những nhân vật khác:
- Trương
tuần 1 và trương tuần 2: Họ là những người mẫn cán hoặc vẫn còn đang mẫn cán.
- Các vũ
nữ, vũ công: Họ là những vẻ đẹp của đời sống tự nhiên, họ không thích đọc một
số sách báo nào đấy. Từ câu chuyện cuộc đời của họ có thể viết ra những cuốn
sách đầy ắp nụ cười và sự thông cảm. Nhiều khi tôi cũng hình dung họ giống như
một số tác giả trên mạng Internet, họ tham gia các cuộc tranh luận một cách vui
vẻ và không kém phần sâu sắc, hóm hỉnh, kiểu hôm nay trời mưa lưa thưa, Mèo con
đi học chẳng ưa thứ gì....
- Người đội mũ phớt, đeo kính, mặc áo bành tô: Thực ra tên của ông ta là Trật tự. Ông ta cần ở mọi sân khấu và ở mọi nơi. Rất đa nghi. Ông ta không phải nhà văn. Ông ta lên sân khấu diễn kịch nhưng cứ như thể một người đang đi làm nhiệm vụ.
Bối cảnh
Bối cảnh
ở Việt Nam, những năm chúng ta đang sống.
Cuộc sống
là tươi đẹp, dù cho thế nào đi nữa.
Hãy yêu
cuộc sống.
Văn học
đang tiến về phía trước và nền dân chủ ở Việt Nam cũng đang tiến về phía trước.
Hồi thứ nhất
"Bệnh
viện tình thương" là biển hiệu treo giữa một ngôi nhà trắng sạch sẽ, khang
trang. Giám đốc bệnh viện là một nhà thơ, vì vậy (theo kinh nghiệm của tôi) ông
ta hẳn là một tay oái oăm, tính nết thất thường. Những người dưới quyền giám
đốc không ai hơn được ông ta, bởi thế trật tự thiết lập ở sân khấu này kiểu gì
thì kiểu, hiển nhiên là một trật tự chỉ định.
Giám đốc (mặc áo blu đi ra, vẻ bứt rứt, khó chịu): Cần phải
mổ! Cần phải mổ một người nào đấy! Khổ lắm! Bệnh viện sinh ra là để mổ người.
Giáo sư để làm gì? Tiến sĩ để làm gì? Cần phải mổ! Người chết cũng được, người
sống cũng được! Cần phải mổ! Cần phải mổ một ai đấy. Bác sĩ Nghé ọ! Gọi cho tôi
bác sĩ Nghé ọ vào đây.
Nghé ọ vào. Đầu hói, gày gò, quyết liệt và đắc thắng.
Nghé ọ: Dạ thưa sếp! Nghé ọ đây! Nghé ọ đây!
Giám đốc: Cần phải mổ! Chú hiểu chưa? Cần phải mổ!
Nghé ọ: Vâng! Cần phải mổ. Em biết thừa! Em đã sắm bộ dao mổ ở Đức. Sáng
loáng! Cứ gọi là sáng loáng! Cứ gọi là chết tươi!
Giám đốc: Cần phải mổ, chú ạ! Không mổ tôi ức lắm! Dao gì cũng được, chẳng
cứ dao Đức. Bác sĩ K-Oa, chú có biết bác sĩ K-Oa không? Thần đồng đấy! Ông ấy
có thể mổ người bằng dao mổ lợn thông thường, thậm chí bằng dao thái khoai cho
lợn. Để chú với ông K-Oa làm thành một cặp, một ê-kíp. Cứ thế mà mổ! Cứ mổ bừa
đi!
Nghé ọ: Nhưng mổ ai? Ai cho mổ?
Giám đốc: Còn mổ ai nữa? Tốt nhất là mổ nhà văn! Tư tưởng! Chú hiểu chưa!
Mổ đầu nó ra! Giống như Hoa Đà mổ đầu Tào Tháo.
Nghé ọ: Hoa Đà mới định mổ đầu Tào Tháo chứ chưa kịp mổ...
Giám đốc: Mặc kệ họ! Mặc kệ lịch sử! Vấn đề bây giờ là tôi muốn mổ một ca!
Hoặc là sống hoặc là chết! Tùy các chú! Tôi muốn xem các chú mổ xẻ thế nào. Ai
cũng được! Nhưng thích nhất là mổ nhà văn. Chú hiểu không? Phải mổ một tay nhà
văn cỡ bự. ở đấy sẽ có bao nhiêu vấn đề... Và phải có máu. Tất nhiên rồi! Sẽ
phải có máu!
K-Oa ra. Chỉnh tề và lo lắng, bởi vậy chậm chạp.
K-Oa: Máu!
Sếp ơi! Thế là sếp lạc hậu mất rồi. Thời nay khác rồi! Thời đại @. Mổ thì cứ mổ
nhưng không có máu. Không có máu me gì hết! Tất cả hiện hữu là một ca mổ văn
minh. Công khai! Dân chủ! Cho cả bàn dân thiên hạ tỏ tường.
Nghé ọ: Đúng rồi! Hay quá! Có lẽ cũng cần phải văn minh thật. Chúng ta
sẽ mổ một tay nhà văn cơ mà.
K-Oa: Về
phương pháp, thực sự cũng chỉ là cổ điển mà thôi, nghĩa là chọc, xiên, đâm,
chặt, phanh thây... Mổ xẻ cơ mà! Có thể phải dùng cả búa...
Nghé ọ: Đúng rồi! Búa tạ!
K-Oa: Búa
gì thì búa... nhưng không đổ máu. Đổ máu thì còn ra thể thống gì...
Nghé ọ: Chết là cái chắc! Chết đến ba lần... A ha! Khoái tỉ quá! Chết
đến ba lần!
Giám đốc: Ba lần thì nói làm gì! Chết trăm lần! Chết bất đắc kỳ tử! Chết
mà không nói năng được gì... Mổ xẻ phải ra mổ xẻ: đầu ra đầu, nội hàm ra nội
hàm, ngoại diên ra ngoại diên... Mang ra ngoài chợ cho bề hội đồng. Quạ bay
hàng đàn... rợp trời.
K-Oa: Được rồi!
Sếp chẳng phải lo. Nếu tôi với Nghé ọ một kíp thì không phải lo ngại gì... Tôi
đã mổ xẻ vài lần. Tất tật... Nhà gì tôi cũng mổ được. Tôi đã thử rồi...
Giám đốc: Thôi thế nhé! Tôi tin các chú. Tôi đi đây! Tôi giao công việc
cho hai chú đấy... Giao cho các chú là tôi yên tâm...
Nghé ọ: Chẳng giao thì chúng tôi cũng cứ làm! Thật sự là thế! Đấy là do
nhu cầu nội tâm của chúng tôi. Dao kéo để làm gì? Tất cả là vì tình yêu đối với
văn học, có phải không ông bạn K-Oa?
K-Oa: Đúng
rồi! Tất cả là vì tình yêu đối với văn học.
Cả ba đi vào. Giám đốc đi trước. K-Oa và Nghé ọ đi sau, vừa đi vừa gật gù. Một vài cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu như vô tình. Màn hạ.
Hồi thứ hai
Vẫn là "Bệnh viện tình thương" ở giữa có kê bàn mổ. Các
dụng cụ mổ bày la liệt, có vẻ hơi giống dụng cụ tra tấn. K-Oa và Nghé ọ mặc áo
blu đang ngồi chờ bệnh nhân. Trong khi chờ đợi, họ nói chuyện vãn. Nghé ọ thỉnh
thoảng đứng lên đi đi lại lại.
Nghé ọ: Tại sao lại lâu thế nhỉ? Chẳng lẽ bọn trương tuần không bắt được
một tay nhà văn sống nào à?
K-Oa: Bọn nhà
văn sống là rất khó bắt. Nói thật với ông nhé! ở bệnh viện này các bác sĩ từ
xưa đến nay chỉ toàn mổ bọn nhà văn chết... Có nhiều tay chết đến mấy chục năm
vẫn bị đào xác lên mổ... Xác chết thì chẳng thể phân biệt được, chẳng ai biết đâu
mà lần, chẳng ai biết đâu là xương, đâu là da... bởi vậy khi mổ xác chết, rất
khó mà định ra được tay nghề, trình độ của các bác sĩ. Đánh bùn sang ao, như
nhau hết. Ông bảo, hai chữ song viết với song kiết thì nói là xương đùi cũng
được, xương sườn cũng được, có đúng không nào(1)?
Nghé ọ: Đúng rồi! Chỉ thấy nó đen đen, thui thui...
K-Oa: Trong
bệnh viện này, không thể nào phân biệt được trình độ chuyên môn... Ai cũng là
bác sĩ ráo, từ thằng đánh giày, thằng lính kèn cầu bơ cầu bất đến ông học giả
đạo mạo. Tuốt tuồn tuột!
Nghé ọ: Thế mới gọi là dân chủ chứ... Ha ha, thế mới gọi là dân chủ thái
bình.
K-Oa: Chỉ có
các bậc bô lão họp lại thành một hội đồng, gọi là hội đồng tiên chỉ mang tính
chất giới luật hương ước mà thôi!
Nghé ọ: Tiên chỉ... hay là chi tiền? Hôm nọ có một ông Mai tiên sinh nào
đấy mặc cả: Không có tiền là không có mổ xẻ gì đâu. Không có ngon trớn. Tất cả
là vì nhân danh tình yêu đối với văn học! Nếu tôi không yêu văn học thì tôi sẽ
chẳng vào đây làm gì, tôi đi buôn muối, tôi sướng chán!
K-Oa: Thì tôi
cũng thế... Nếu không vì tình yêu đối với văn học thì tôi đã đi bắt cua.
Nghé ọ: Thế mới biết văn học là thứ ghê thật. Theo ông nó là cái gì? Nó
là cái gì mà khiến cho cả tôi và ông đều vất vả, đều đầu tắt mặt tối, đều điên
lên vì nó?
K-Oa: Câu hỏi
ấy sao ông lại đi hỏi tôi? Câu hỏi ấy để tí nữa ta hỏi thằng nhà văn, cái thằng
mà ta sẽ mổ xẻ nó ấy. Khi ta mổ nó thì ta sẽ hỏi. Tôi với ông bây giờ là bác sĩ
mổ xẻ, chúng ta đứng cao hơn con bệnh của mình. Tôi là người trọng thực tiễn,
ông ạ. Tôi không phù phiếm, nhất là về tư tưởng. Chúng ta là những người lính,
chúng ta đang làm nhiệm vụ của mình. Đấy là tôi nhắc ông thế.
Nghé ọ: Ông không nhắc thì tôi cũng quên béng mất nguồn gốc nguyên thủy
của mình. Tôi cũng là một tên lính cựu. Có điều, tôi không phải là lính chuyên
nghiệp như ông. Tôi tuột xích, không biết đấy là một sai lầm hay một cơ may cho
số phận tôi... Tôi rất tự hào với lon trung úy. Hay thật, cả hai chúng ta đều
có chung nguồn gốc nguyên thủy. Chúng ta đều là lính, tức là những người rất
quyết đóan, rất nóng.
K-Oa: Cũng
chẳng phải vinh dự gì. Chuyên môn của chúng ta nói trắng phớ ra là giết người,
tức là đồ tể, đao phủ. Chúng ta sinh ra và sống trong một không khí sát nhân.
Nhân tiện tôi cũng muốn nhắc ông rằng trong quân đội từ đại úy trở xuống thì
chỉ biết gật chứ không biết lắc và như thế là ông tự hào nhầm về cái lon trung
úy của mình. Nhưng thôi! Chuyển đề tài đi. Tôi muốn nói một cái gì đấy thuộc về
văn học cho nó nhẹ nhàng, đại để như: Những gì đã cháy thì thành tro
rồi. Những gì còn lại thì thành thép tôi!(2).
Nghé ọ (mơ mộng): ừ, văn học... Những cái lá
rớt xuống, cong lên, như có biết bao con thuyền nhỏ bồng bềnh trôi theo dòng
nước mưa mùa hạ. Ta bỗng trong xanh như thời thơ ấu...(2). (Trở lại thực tiễn).
Thôi! Tôi đi chuẩn bị dao mổ đây... Hão huyền quá! Chúng ta phải làm việc, ông
K-Oa ạ, những công việc có ý nghĩa thực sự cho cuộc đời chúng ta...
K-Oa: Cuộc
đời gì? Cuộc đời là cái gì? (bỗng như sực tỉnh)... Ông vừa nói đến
cái cuộc đời quái quỷ nào thế?
Nghé ọ (láu lỉnh, bí hiểm): Ngồi xuống đi! Ông bạn vàng!
Đừng giật mình! Chỉ là một chút muối thôi cho mặn cái cuộc đời vô thường nhạt
nhẽo ấy mà.
Lại vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu như vô
tình. Màn hạ.
--------------------------------
Song viết: (Có người đọc là song
kiết) vốn là hai chữ nôm trong Quốc âm thi tập của
Nguyễn Trãi. Cuộc tranh luận về mấy chữ này (đọc thế nào, giải nghĩa ra sao)
đã diễn ra ở Việt Nam khoảng từ năm 1962 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong một
bài viết gần đây nhất in trên tập san Hồn Việt của Trung tâm nghiên cứu quốc
học (Tết Giáp Thân 2004), giáo sư Cao Xuân Hạo cho biết song
viết có thể hiểu tới 5 nghĩa khác nhau (tư nghiệp, tài sản, rông
vát, chơi nhởi, xuôi ngược). Thơ của Nguyễn Trãi có câu: Nghênh ngang
dặm liễu một con rìu/ Song viết nào hơn song viết tiều/ Một gác yên hà là của
cải/ Vài hàng thông trúc điểm đăm chiêu.... |
|
Trích trong bài Ngẫu hứng qua
mây gió của Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ trao đổi về tác phẩm của Nguyễn
Huy Thiệp nhân sự kiện hoa thuỷ tiên (Tạp chí Văn nghệ quân đội số 594 tháng
4/2004). |
Hồi thứ ba
Cảnh trí vẫn giống như hồi thứ hai. Nghé ọ đã đi chuẩn bị dụng cụ
cho ca mổ. Chỉ còn K-Oa ngồi lại.
K-Oa (xem
đồng hồ): Sốt ruột quá! Thời gian trôi đi đáng sợ thật. Cái tay Nghé ọ này,
lúc nãy hắn nói quái gì về cuộc đời vô thường nhỉ? Sao lại có muối với sự nhạt
nhẽo ở đây? Hay là bởi trước kia hắn đi buôn muối? Muối ngấm vào hắn, chỗ nào
cũng mặn (đứng dậy đi đi lại lại). Cuộc đời... Những gì đã có
thì đều ngu rồi. Những gì sẽ có cũng là ngu thôi. Mình còn phản tỉnh,
chứ cái tay Nghé ọ ấy, chẳng hề thấy hắn phản tỉnh cái gì...
Tiếng của Nghé ọ (từ trong vọng ra): Thế thì ông nhầm! Phản tỉnh là
đặc tính thứ nhất của lương tâm đấy, ông trẻ ạ. Thế ông định bảo tôi không có
lương tâm hay sao?
K-Oa (giật mình): Quái! Hắn ở đâu mà nghe thấy tiếng mình? (trở lại bình
thường). Ồ, cái ấy thì còn phải đợi sau ca mổ tay nhà văn mới biết chắc
được. Tôi chỉ muốn nói đến sự phản tỉnh như một yếu tố điềm đạm của tính cách
mà thôi. Lạy giời! Ông cũng không phải là người điềm đạm cho lắm!
Tiếng của Nghé ọ: Ông K-Oa ạ, chúng ta đều là bác sĩ, lại là văn nhân... Văn
nhân tương khinh, trọng là trọng, khinh là khinh... Đừng có coi thường
tay lính cựu này. Cùng kíp với nhau, cái gì cũng phải ngang bằng sổ thẳng.
K-Oa: Không...
Không! Không ai dám coi thường ông. Tôi với ông ở xa nhau. Ông ở đẩu ở đâu mà
vẫn nghe thấy tiếng tôi nói... Ông cũng là một con ma xó chứ còn gì nữa. Chơi
với ma, hỡi ơi, dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Thực ra, chính mình cũng là
một người có thiên bẩm, là một người có thiên nhãn nhưng không hiểu tại sao lại
đến cơ sự nông nỗi này? Hay là vì miếng cơm manh áo?
Một người đàn ông đi vào, để ria mép, tay bưng một chậu hoa nhỏ,
vừa đi vừa thổi phù phù. Đấy là ông Trần Mạnh Khảo. Đi cùng ông Trần là Nguyễn
Hàng Lươn, cũng để ria mép. Hai ông này đều có nét hao hao giống nhau, hệt như
hai thám tử trong phim hoạt hình Tin tin. Ông Nguyễn Hàng Lươn đẩy một xe cút
kít rơm. Cả hai ăn mặc như những thanh niên tình nguyện.
Trần Mạnh Khảo: Nở đi! Nở đi! Hoa vừa đi vừa nở... Cứ thế mà khoe sắc khoe màu.
Chèng đéc ơi! Nở đi! Chúa ơi! Nở đi! Lương tâm ơi!
Nguyễn Hàng Lươn: Chở rơm vào thành phố! Cứ thế mà đốt cho khói um lên... Ngọc
Hoàng mới hỏi: thằng nào đốt rơm? Thưa rằng giá áo túi cơm. Ví dầu thơm thối,
thối thơm có thừa... có thừa hay là cũng đành... chữ nào nên thơ hơn nhỉ?
Nên thôi hay nên xao đây 1?
K-Oa: Nào
nào... Hai ông A la hán. Đi đâu thế này? Đây là bệnh viện tình thương cơ mà?
Trần Mạnh Khảo: Còn đi đâu nữa? Đi mổ! Tôi được đặt hàng hẳn hoi. Mổ xẻ. Tan
xác! Vừa đi vừa nở. Chúa ơi! Vừa đi vừa mổ. Chèng đéc ơi!
Nguyễn Hàng Lươn: Còn tôi, tôi đi phụ mổ cho ông Trần đây... Bọn trẻ nghe tôi. Cứ
rơm mà đốt... Khói um lên... Như thui chó!
K-Oa: Thế hai
ông cũng là bác sĩ, là người đi mổ xẻ à?
Trần Mạnh Khảo: Chưa hẳn đã là bác sĩ... Nhì nhằng... Nghiệp dư thôi. Nhưng lòng
ham hố thì tôi có thừa... Tôi có nhiệt tình. Tôi yêu nước... Có người bảo tôi
thực sự vô học. Đúng là tôi thực sự vô học. Tôi là người bẩm sinh phản trắc.
Nhưng, tôi yêu nước, yêu Tổ quốc thì cần quái gì có học. Tôi yêu văn học! Chúa
ơi! Vừa đi vừa nở... Vừa đi vừa học vậy... Chèng đéc ơi!
Lại thêm mấy người lố nhố khác kéo ra: một cô gái (như thể phóng
viên báo) dìu một ông lão già yếu vào. Có vài người nữa, ai cũng vận com-lê
nghiêm chỉnh. Đám đông hơi lộn xộn.
Một ông: Nào! Nào! Xê ra cho tôi đi.
K-Oa: Ông là
ai?
Ông kia: Còn là ai nữa. Tôi là Lê Văn Ngọng. Tôi đi phụ mổ, giống như
trong dàn đồng ca.
Một ông khác: Còn tôi, tôi là Võ Khắc Điên, tôi cũng phụ mổ!
K-Oa (hỏi
cô phóng viên): Thế còn cô?
Phóng viên: Em là Hài Nhi, em đi theo cụ Hoàng hữu danh, giống như diễn viên
tung hứng... Em đi theo cả cụ Chu đặc công, cụ Vương trưởng giả nữa. Đâu có
tiền là em cứ đi...
K-Oa: Phiền
quá! (với cụ Hoàng) Này cụ, già cả đau yếu thế này sao không
biết nằm khoèo, không biết tránh mặt, không biết trốn đi, ra đây làm gì?
Cụ Hoàng (Cười): Ham vui! Có biết gì đâu... Cứ ham đánh nhau
từ bé. ở đâu hễ có đánh nhau là đến. Ham vui! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi. (Lại
cười như cụ cố Hồng trong truyện của Vũ Trọng Phụng). Ham vui cho đến hết
đời... Hồn nhiên. Giống ông Tú Vũ... Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
K-Oa: Tô
Vũ chăn dê à?
Cụ Hoàng: Không... Tú Vũ... Đại để như thế!
K-Oa (thở
dài): Chết thật! Ô hợp quá... Quân hồi vô phèng...
Trần Mạnh Khảo: Phèng phèng cái gì? Cứ là tự sát! Cứ là chết tươi!
Lê Văn Ngọng: Ô hợp cái gì? Cứ là thục mạng... Cứ là cơm toi!
Nghé ọ ra, ngạc nhiên vì đám đông nhưng vốn lịch sự, một phần vì
trải đời, một phần vì bản tính cũng phần nào lương thiện nên Nghé ọ không tỏ ra
khó chịu, thậm chí còn tỏ ra vui vẻ nữa.
Nghé ọ: Sao lại đông vui thế này? Chào các cụ, chào các chiến... hữu,
giai nhân, tài tử... Chào cả cộng đồng... Tất cả đều đến xem mổ đấy à?
Trần Mạnh Khảo: Không phải xem, mà đích thân chúng tôi sẽ mổ...
Nghé ọ (ngạc nhiên nói với K-Oa): Tưởng chỉ có tôi với ông
mới biết mổ mà thôi. Họ đều biết mổ cả à?
K-Oa: Nghiệp
dư! Thế mới chết! Mổ nhà văn đâu phải dễ dàng, có phải là ai cũng mổ được đâu!
Trần Mạnh Khảo: Có gì mà khó? Vừa đi vừa mổ... Có gì mà không mổ được... Tôi đã
được đặt hàng hẳn hoi. Chính tôi sẽ mổ đầu tiên ca này.
Cụ Hoàng (vỗ tay): Sân chơi là của chung! Văn hóa quần chúng!
Văn học quần chúng! Cứ mổ đi! Vui lắm!
Mọi người vỗ tay ồn ào.
K-Oa (lắc
đầu nói với Nghé ọ): Chịu! Thế này thì khó mà mổ cho nó ra trò. Đừng có
tưởng dễ. Tôi thấy đâm ra khó xử...
Nghé ọ: Thôi! Tôi với ông sẽ mổ riêng ra, ta sẽ mổ sau... Ta nhường
sân chơi cho họ... Chính tôi, tôi cũng thấy gờn gợn khó chịu khi hai chúng ta
phải ngồi cùng chiếu với những phường hoặc những ổ nhóm này...
K-Oa: Victor
Hugo nói rồi: Cùng lý tưởng nhưng khác hạng!. Giời ạ, chúng ta đi đi, ta nhường
sân chơi cho họ... Đời còn dài. Những gì đã thối thì thành phân rồi.
Những gì sắp thối cũng thành phân thôi.... Ăn cỗ đi trước, lội nước đi
sau... Mà đây đâu phải là đi ăn cỗ...
Lê Văn Ngọng: Ăn gì? Ăn gì? Cho tôi ăn với!
K-Oa: Không
có gì đâu, ông anh ạ! Chỉ có không khí mà thôi! Hão cả! Đừng có vội vàng.
K-Oa đi vào. Nghé ọ đi theo. Trong đám người lổn nhổn đứng trên
sân khấu, người ta thấy rõ chỉ có K-Oa là người nổi bật, có cá tính nhất, thực
sự là người khác thường. Chính tôi (tác giả của vở kịch này) cũng không hiểu
tại sao K-Oa lại có mặt ở trên sân khấu như vậy. Có thể, đây chính là nghiệp
chướng của số phận anh ta. Cả ông Vương trưởng giả nữa, ông ta ở đây làm gì?
Vẫn mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi tạt ngang qua như vô tình.
Màn hạ.
--------------------------------
Thôi xao: Điển tích văn học, nói về
sự cầu kỳ trong lao động chữ nghĩa của nhà thơ. |
Hồi thứ tư
Vẫn như cảnh cũ. Đám đông chắc đã mỗi người một nơi. Vẫn là Bệnh
viện tình thương. Hai trương tuần đội nón dấu, mặc áo nẹp dẫn một người bị trói
và bị trùm bao tải vào.
Trương tuần 1: Nào, ngồi xuống đây, thằng điên này!
Người kia: Thưa các ông, tôi bị oan!
Trương tuần 2 (cởi trói, cởi bao tải): Oan ức cái gì? Thế bọn chúng
ta mù à? Liệu lời mà nói. Hiểu chưa?
Người kia: Vâng! Vâng!
Trương tuần 1 (Ngồi vào bàn, lấy giấy bút): Thôi! Oan ức tính sau!
Nào! Bây giờ khai báo để làm thủ tục nhập vào bệnh viện.
Người kia: Vâng! Vâng! Thôi đành vậy.
Trương tuần 1: Tốt! Thế tên là gì?
Người kia: Thưa, tôi Vô danh.
Trương tuần 2: Đừng đùa, 15 năm nay ngang dọc ở trên văn đàn mà vô danh à?
Người kia: Quả thực vô danh.
Trương tuần 1: Về lý thì đúng tay này vô danh... Thế mới khó. Chẳng được giải
thưởng gì cả!
Trương tuần 2: Thôi thì cứ ghi vô danh. Gọi là vô danh, như thế sau này có xoá
tên hắn ở trong văn học sử thì cũng dễ dàng.
Trương tuần 1 (ghi chép, hỏi tiếp): Thế nghề nghiệp?
Vô danh: Dạ vô nghề nghiệp.
Trương tuần 1: Này đừng đùa dai. Thế có suy nghĩ gì không? Có trăn trở? Có thao
thức không?
Vô danh: Dạ có! Thỉnh thoảng cũng có nghĩ ngợi lung tung.
Trương tuần 2: Thế là trí thức chứ còn gì nữa. Mọi người đều ngủ, mình lại thao
thức, chong mắt ra nhìn. Có điên không đấy?
Vô danh: Dạ, lắm lúc cũng thấy điên điên. Đã đọc Nhật ký người
điên.
Trương tuần 1: Lỗ Tấn chứ gì? Có phải của Lỗ Tấn không?
Vô danh: Vâng. Rất sợ những ánh mắt chó nó lườm mình.
Trương tuần 2: Thôi được rồi. Ca này rất đặc biệt. Phải mổ thôi! Phải mổ là cái
chắc.
Vô danh: Thưa, nào tôi có bệnh tật, tội tình gì đâu mà mổ?
Trương tuần 1: Không mổ thì biết đâu được bệnh tật. Các cụ đều bảo chú mày đánh
mất mình, đấy là tội to chứ còn gì nữa. Cụ Tú Vũ nói thế...
Trương tuần 2: Chính tai tôi nghe thấy các cụ bảo tay này không lành mạnh. Hắn
đưa cứt tươi vào trong văn học, lại còn hạ bệ thần tượng.
Vô danh: Oan tôi quá!
Trương tuần 1: Oan cái gì... 15 năm rồi chứ có ít đâu.
Vô danh: Đánh mất mình. Dạ thưa, thế nào là đánh mất mình? Tôi vẫn đủ cả
chân tay, lục phủ ngũ tạng cơ mà?
Trương tuần 2: Cái ấy thì đi mà hỏi bác sĩ. Phải hỏi chuyên gia thì mới biết
được.
Trương tuần 1: Đánh mất mình là không được viết những gì kém hơn những cái kém
mà mình từng đã viết ra. Tức là xưa nay viết toàn thứ kém. Hôm nọ tôi đọc báo
thấy có một ông nói như thế. Hình như đấy là ông Vương trưởng giả, một người có
học, đứng đắn hẳn hoi cơ đấy.
Trương tuần 2: Thế đã hiểu chưa?
Vô danh: Cái này thì có vẻ hơi hàm hồ, dù có là ông Vương trưởng giả nói
đi nữa. Nhưng không sao, nghề văn chương... với cả chính trị, với cả tôn giáo
bản chất đích thực của nó là hàm hồ. Lời lẽ hàm hồ. Nghệ thuật ở chỗ làm sao
buộc cho đám đông thừa nhận sự hàm hồ. Người nào làm được thế là người ấy
thắng.
Trương tuần 1: Này! Nói năng linh tinh bừa bãi gì thế?
Trương tuần 2: Thôi nhé! Ghi số nhé. Đánh số từ 1 đến 798. Tôi ghi đây này: số
277, hạng mục: nhà văn hiện đại. Bị bắt vào mổ trong lúc đi lang thang mua hoa
thủy tiên ngoài chợ. Chuyển vào phòng gây mê cho bác sĩ mổ...
Trương tuần 1: Ghi cho rõ ràng vào: khi nào hết mê thì mổ.
Trương tuần 2: Được rồi... Khi nào hết mê thì mổ...
Có một vài đôi thanh niên nam nữ ôm nhau nhảy lướt qua sân khấu
như vô tình. Màn hạ.
Hồi thứ năm
Vẫn bối cảnh cũ. Không khí có vẻ bất thường. Sân khấu trống. Giám
đốc bệnh viện đi ra, vẻ bực tức. Có vài người đi theo: ông Trần Mạnh Khảo, Lê
Văn Ngọng... Lại còn cả ông Vương trưởng giả nữa.
Giám đốc: Trình độ kém quá! Mổ xẻ bậy quá... Tất cả những người theo dõi
ca mổ đều bảo chúng ta tiểu khí, tháu cáy, vu khống, thậm chí còn phản dân chủ,
vô học. Ông Trần lại còn đi mổ cả vào chân tay mình. Thật là nhục. Không ra cái
thể thống gì.
Lê Văn Ngọng: Chúng tôi đã cố hết sức. Mệt đứt hơi!
Giám đốc: Thôi ông im đi! Đã ngọng lại còn hay nói. Ông Trần Mạnh Khảo làm
gì thì ông làm thế, ông chỉ là một bản photocopy...
Trần Mạnh Khảo: Chúng tôi cũng không ngờ tay nhà văn này mình đồng da sắt. Khi
tôi mổ hắn lại cười sằng sặc...
Vương trưởng giả: Vì ông đã mổ không trúng. Ông gãi ghẻ, ông lại bảo người ta gãi
ghẻ. Ông lại mang chuyện chửi bới ra, ông nửa kín nửa hở làm ra vẻ như một mật
vụ, một thằng chỉ điểm, thế là ông đê tiện. Ông tháu cáy, ông vu khống. Có tay
Nguyễn Hoàng tiên sinh gì đó bình luận về ông là xác đáng đấy: đúng ra, ông
không có tư cách để cầm dao mổ.
Trần Mạnh Khảo: Nhưng chúng tôi yêu nước, yêu văn học. Làm gì chúng tôi cũng tra
từ điển.
Vương trưởng giả: Nhưng không thể nhân danh yêu nước, yêu văn học mà lưu manh với
vô học được, ông giời con ạ! Dù cho ông liên tục tra từ điển đi nữa.
Giám đốc: Ông Vương, thế ông có mổ ca này được không?
Vương trưởng giả: Chịu, ca này thì tôi xin chịu. Tay nhà văn này hơi khác thường.
Tôi với ông Lại tiên sinh cùng ê-kíp với tôi, chúng tôi chỉ quen mổ xác chết.
Hơn nữa, chúng tôi phải xác định tiêu chí khi mổ xẻ: mổ để làm gì, nó có ích gì
cho văn học không, cho không khí và môi trường văn học không? Nếu như mổ xẻ
nghĩa là để thịt một tác giả, một nhà văn thì thật ra chúng ta chỉ cần mời một
chú binh nhì trong đội thi hành án với giá 50 đô-la với một suất bánh mỳ kẹp
thịt là xong, một tay bắn tỉa...
Trần Mạnh Khảo: Thì mổ là thịt chứ còn gì nữa! Xưa nay vẫn thế.
Lê Văn Ngọng: Bùm! Ông Võ Khắc Điên bảo là dìm chết. Có tay nhà thơ ở Hải
Phòng khuyên nên đốt nhà... Tay nhà thơ này nói là bạn tri kỷ với nhà văn.
Vương
trưởng giả: Kể ra đời cũng đểu thật. Chính tôi cũng bị bất ngờ. Lòng người phản
phúc, chuyện ấy vẫn thường. Nhưng ở trường hợp tay nhà thơ ở Hải Phòng này thì
tệ quá, tri kỷ, tri bỉ. Tôi không làm sao hiểu nổi, họ vẫn thơ phú thù tạc với
nhau cơ mà?
Giám đốc: Ông Vương trưởng giả, ông cất cái cao đạo của ông đi, ông đã vào
trường văn trận bút, ông phải chịu trận. Thà mình phụ người chứ không để cho
người phụ mình. Hãy cất cái thói khiêm tốn vờ vịt của ông đi. Tay nhà thơ ở Hải
Phòng cư xử theo đúng với bản chất chỉ quen phụ người của hắn từ xưa tới nay.
Nếu ông cao đạo thì xin mời ông đi lên núi ở ẩn. Ông ở Thủ đô này theo đòi công
danh làm gì. Đấy là tôi nói toạc móng heo ra thế để cho ông hiểu. Còn đối với
tay nhà văn, tôi sẽ cho mổ lại. Nếu cần thì cho nó chết trong đám loạn quân.
Trần Mạnh Khảo: Hay lắm! Chết trong đám loạn quân. Tôi cũng đã mổ với tinh thần
như thế, tức là với tinh thần sát nhân. Tôi đã nói rằng tay nhà văn này không
ra gì, nó chỉ là một vết lở loét của thời hậu chiến, gãi ngứa. Nó không có tư
tưởng, khoái nhất là nó không có tư tưởng.
Vương trưởng giả: Cái này thì tôi sợ ông nhầm. Hắn có một cái gì đấy như sự siêu
việt.
Lê Văn Ngọng: Không có tư tưởng, không có đầu gì hết.
Giám đốc: Bệnh không có đầu là bệnh chung. Thực ra, không có đầu không
phải là bệnh. Các ông có thấy tôi có đầu đâu nào? Đúng không? ấy thế mà tôi vẫn
là sếp của các ông.
Lê Văn Ngọng: Tất cả chúng ta đều không có đầu. Cần quái gì có đầu, chỉ cần có
mồm... vì phải có mồm để ăn...
Trần Mạnh Khảo: Nhưng hình như tay nhà văn ấy có đầu... Nó khác với chúng tôi.
Vương trưởng giả: Ông nói ai là chúng tôi? Tôi rất khó chịu nếu ông coi tôi cũng
là chúng tôi với ông. Ông không có bản ngã gì mà lúc nào cũng xưng chúng tôi?
Trần Mạnh Khảo: Tôi vẫn hình dung chúng tôi là một cái làng, ông ạ! ở đấy có
những ông tiên chỉ, ông chánh tổng, ông lý trưởng, đám trương tuần, thằng mõ,
mẹ Đốp, thằng phải gió...
Vương trưởng giả: Như thế tức là một xã hội thu nhỏ mất rồi còn gì.
Giám đốc: Tôi không thích lối ví von như thế, dù thực sự tôi chỉ là một
thằng lý trưởng mà thôi. Lối ví von ấy kéo lùi chúng ta về những năm đầu thế kỷ
XX, thậm chí còn lùi xa hơn nữa. Chúng ta hãy trở về với thực tế, trở về với
chủ nghĩa hiện thực. Như thế tức là các ông Trần Mạnh Khảo, ông Lê Văn Ngọng...
đã thực hiện một ca mổ nhìn chung là chẳng ra gì, tay nhà văn vẫn sống nhăn
răng, chúng ta còn bị dư luận bôi bác.
Nguyễn Hàng Lươn ra, vẫn đẩy xe cút kít rơm.
Nguyễn Hàng Lươn: Sống là thế nào... Dở sống dở chết. Ca mổ, theo tôi vẫn là thành
công.
Trần Mạnh Khảo bắt tay Nguyễn Hàng Lươn.
Trần Mạnh Khảo: Cám ơn ông... Ông gần như là người duy nhất khen ngợi tôi. Trí
tuệ của chúng ta đều rất đáng nể...
Vương trưởng giả (giễu cợt): Theo tôi, các ông nên thay chữ trí tuệ
bằng chữ nhân cách nhưng mà hình như cả hai ông đều không có những thứ ấy.
Trần Mạnh Khảo: Thì cả trí tuệ, nhân cách cũng được chứ gì. Chúng tôi có tất cả
mọi phẩm chất.
Nguyễn Hàng Lươn: Mổ được như ông Trần cũng đã là giỏi. Không có văn học nghệ
thuật gì ráo trọi, cứ chụp cho vài cái mũ phản động với không lành mạnh là
xong, chuyển nó sang hình sự, chính trị, rồi khủng bố... thế là một ca mổ đẹp.
Lê Văn Ngọng: Đúng thế! Bây giờ nó đang ngắc ngoải.
Nguyễn Hàng Lươn: Để tôi sẽ đốt thêm vài đống rơm. Ta sẽ mổ vài nhát vào tác phẩm
nó, bảo là nó sùng ngoại với bắt chước bên ngoài. Ta mổ vào gia đình nó, vào vợ
con, vào Ôsin nhà nó, biến gia đình nó thành một địa ngục. Aha! Như thế gọi là
thui chó.
Vương trưởng giả: Có vẻ như là một trò ám sát tổng lực.
Nguyễn Hàng Lươn: Sao lại trò ám sát? Đây là một trận đánh, ông bạn ạ, một trận
đánh văn học nghệ thuật. Thực sự, cũng chỉ vì do tôi yêu văn học mà thôi nên
tôi mới có ý kiến như thế chứ thực tình tôi là người chất phác, cao thượng và
tốt bụng.
Giám đốc: Công việc của chúng ta là một công việc bẩn thỉu nhưng cao
thượng.
Trần Mạnh Khảo: Hay quá! Tuyên ngôn hay quá! Đúng là một công việc bẩn thỉu và
cao thượng.
Vương trưởng giả: Tôi đã bắt đầu thấy sợ nếu tính chất công việc của chúng ta đúng
là như thế.
Giám đốc: Nếu ông sợ thì mời ông lui ra. Tôi sẽ bảo hai ông K-Oa với ông
Nghé ọ vào mổ tiếp. Về đẳng cấp họ có vẻ hơn hẳn ông Trần...
Trần Mạnh Khảo: Hơn thế nào được tôi? Tôi là một cái gì đấy? Các ông hiểu chưa?
Tôi là một giá trị thế nào đấy.
Vương trưởng giả: Theo ông, ông là cái gì và giá trị của ông là gì? Chẳng lẽ ông
là thằng phải gió thật chăng? Ông điên hay là ông tỉnh?
Lại mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu. Màn hạ.
Hồi thứ sáu
Vẫn cảnh bệnh viện.
Nghé ọ và K-Oa đi ra, cả hai đều có vẻ phấn chấn.
Nghé ọ: Thực sự, ca mổ của hai ông Trần Mạnh Khảo và Lê Văn Ngọng với sự
phụ hoạ của bọn Nguyễn Hàng Lươn và dăm tờ báo lá cải chỉ là món khai vị. Tôi
với ông mới là những người mổ chính, phải không nào? Ngay từ đầu, tôi đã biết
chắc thế mà.
K-Oa: Những
gì đã thối thì thành phân rồi. Thôi được! Trước khi mổ, tôi với ông có
lẽ cũng phải thống nhất một số đường dao, nhát kéo thế nào đấy cho nhịp nhàng.
Nghé ọ: Thứ nhất, tay nhà văn này phùng thời. Vì sao nó phùng thời? Thứ
hai, tay nhà văn này có phải là một tác giả văn học, thậm chí ta có thể gọi là
tác giả số 1 trong văn giới bây giờ được không? Vân vân...
K-Oa: Ông
trọng lý lẽ quá và như thế nghĩa là ông vẫn còn có sự tử tế thế nào đấy. Chúng
ta xác định phải đóng ván thiên cho sự nghiệp của tay nhà văn này. Như vậy, sẽ
không có lý lẽ gì hết. Nó đồng nghĩa với việc không còn sự tử tế nào nữa. Ông
đặt vấn đề phùng thời thật là vớ vẩn, thiên hạ sẽ cười vào mũi ông: tất cả
những tài năng, tất cả những thành công trên đời này tất yếu sẽ phải phùng
thời. Ông không phùng thời nghĩa là ông đã kém tài năng - đơn giản chỉ là như
thế mà thôi. Lý lẽ không ổn. Thứ hai, để xoá tên tay nhà văn này trong văn học
sử thì không thể gọi nó là tác giả văn học được, ta chỉ nên gọi nó cùng lắm là
nhân vật văn học mà thôi. Ta sẽ chứng minh là tay này không biết tả cảnh, chẳng
biết tả người, truyện không có nhân vật, không có cốt truyện, không có tư
tưởng, đọc xong cả truyện mà chẳng hiểu gì. Tất cả những thứ mà hắn viết ra đều
là ma viết. Nó là thứ ma trơi trên đồng, đêm đến nó lẻn vào thành phố và chạy
vun vút trên các nóc nhà, vừa chạy vừa thở hổn hển, nó làm run sợ những kẻ yếu
căn cốt. Hắn không có tài năng, hắn chỉ là một sản phẩm nhôm kính, hắn không
thể sống lâu với thời gian được.
Nghé ọ: Tôi đồng ý với cách mổ xẻ của ông. ở đấy giấu một sự nham hiểm
hiền lành, nó lớn hơn lòng đố kỵ trắng trợn của tôi. Ông thực sự là một thần
đồng. Cả hai chúng ta đều rất yêu văn học, có phải không nào?
K-Oa: Ta phải
chứng minh rằng toàn bộ giá trị của hắn là phép nói ngược. Thế hắn mới chết. Cả
xã hội đi xuôi, cả một nền văn học đi xuôi... Chỉ có mỗi hắn là làm ngược lại,
đi ngược lại... và thế là hắn sẽ rơi vào tầm ngắm của những tay đi săn tư tưởng
thực thụ. Hắn có ba đầu sáu tay thì cũng không thể nào phân bua được với những
nòng súng săn có độ nhạy rất cao, lạnh lùng và rất chính xác. Thời gian trôi đi
như nước chảy dưới cầu và thế là (làm một cử chỉ tượng trưng) ông
có hiểu không? Những gì đã cháy thì thành tro rồi...
Nghé ọ: Tôi hiểu... Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao lại phải cầu kỳ như
thế, trong khi đáng lẽ ra khi đưa hắn lên bàn mổ, chúng ta chỉ cần một mũi kim
tiêm mà thôi? Chúng ta loạn óc rồi chăng?
K-Oa: Công
việc của chúng ta khác với công việc của kẻ phàm phu (nhưng về thực chất thì nó
giống nhau) bởi thế nên mới gọi là nghệ thuật. Đây cũng là điều kỳ diệu và đê
tiện của việc lập ngôn nếu so với cái đám mà ta gọi là lập đức hay lập công
(đây là đám người mà các giá trị của họ hay bị người ta hiểu nhầm nhất). Lập gì
thì lập nhưng có lẽ cũng không ngoài hai chữ danh lợi. Đối với tay nhà văn mà
ta sẽ mổ thì chỉ riêng việc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa của hắn đã là một công
án đáng đi đứt rồi.
Nghé ọ: Nhưng trong ngôn ngữ thì có trên 80% các danh từ ở ta đều có
nguồn gốc từ Tàu...
K-Oa: Mặc kệ!
Ta có truyền thống rất ghét bọn hàng xóm láng giềng! Ta cứ nói là dòng máu văn
hóa trong người của hắn là gốc dòng máu Trung Hoa, tất cả những độc giả có đầu
óc sô-vanh sẽ tức điên lên và nhổ nước bọt vào tác phẩm của hắn... Một ca mổ
thành công cũng cần rất nhiều nước bọt.
Nghé ọ: Thế là chúng ta cũng chẳng hơn bọn Trần Mạnh Khảo là Lê Văn
Ngọng chút nào.
K-Oa: Hơn rất
nhiều vì bọn kia chỉ là bọn lưu manh ở chợ, bọn mổ cá với vặt lông gà. Chúng ta
lịch sự hơn, văn minh và khoa học. Khẩu hiệu của chúng ta là vì tình yêu đối
với văn học. Chúng ta có cả một bệnh viện, thậm chí có vài chục bệnh viện...
Nghé ọ: Thì bọn kia còn giương cao ngọn cờ Tổ quốc lên cơ.
K-Oa: Không
ai nghe lời chúng, mặc dầu chúng nguy hiểm. ở trong chợ văn chương, hạng đầu
gấu có đầy. Chúng có thể cầm đủ loại cờ nhưng bi kịch là không ai tập hợp dưới
cờ của chúng. Tôi với ông khác chúng, chúng ta đã trở nên sạch sẽ, chúng ta đã
qua cái thời lê la ngoài chợ. Từ bé tôi đã được ngồi trên ghế bành.
Nghé ọ: Chỉ có mình ông được như thế mà thôi. Tôi vẫn ở ngoài chợ. Nhiều
khi tôi đói rã họng và nhìn chung cho đến bây giờ vẫn không khác gì một thằng
ăn mày. Số mệnh của tôi nó thế, tôi vẫn không sao thu xếp cho mình được một
chốn nào dung thân.
K-Oa: Đấy là
vì tham vọng của ông to lớn quá, ông đã không tự lượng sức mình. Nhưng thôi,
đấy là việc của ông. Cũng có thể ông muốn đóng vai Đông Ki Sốt? Trông ông cũng
hao hao giống Đông Ki Sốt phải không?
Nghé ọ: Còn ông thì tôi lại nhìn hơi giống Xăng-xô...
K-Oa: Thôi
đừng đùa nữa. Nếu cần thì ta sẽ bàn về Xéc-văng-téc. Ông ta là một thiên tài
i-nốc... Còn chúng ta thì đang chuẩn bị cho ca mổ một tay nhà văn nhôm kính. Về
nguyên tắc, những vấn đề cơ bản thì chúng ta đã thống nhất được. Khi nào mà tôi
thọc dao thì ông cắt tiết. Tất cả chúng ta đều vì văn học cả thôi.
Nghé ọ: 15 năm nay, lúc nào tôi cũng thấy ảnh hưởng của tay nhà văn ấy
lơ lửng trên đầu, hắn đã không làm cho ai viết như cũ được nữa. Mà không phải
chỉ có tôi... Tôi rất khổ sở. Dù thế nào chúng ta cũng phải công nhận tài năng
của hắn phần nào.
K-Oa: Giời ạ,
hắn không có tài năng. Ông điên rồi à? Chúng ta đã thống nhất như thế còn gì.
Nếu có tài thì phải phát lộ từ thời thơ ấu chứ?
Nghé ọ: Cần phải xem lại. Cần phải mổ. Dù sao tôi cũng còn một chút
lương tâm trong người. Có lẽ hắn cũng có tài năng thế nào đó thật. Tôi không
muốn kể ra bằng chứng ở đây.
K-Oa: Thôi
được! Nếu như đã phải công nhận tài năng của hắn thì ta sẽ gọi đó là tài năng
của một tâm thức bất định. Gọi như thế cũng là bằng không chứ còn gì nữa.
Nghé ọ: Nhưng tại sao có thể bất định trong 15 năm được hả giời? Hắn
chẳng lưu lạc gì cả, không bán mình, không vào lầu xanh, cũng chẳng tu hành gì
cả? Tác phẩm của hắn lúc nào cũng cười sằng sặc. Mà rất đểu nữa là đằng khác...
K-Oa: Thôi,
chúng ta không bàn luận nữa. Càng bàn luận thì càng mâu thuẫn. Ông chuẩn bị dao
kéo xong chưa?
Nghé ọ: Xong rồi!
K-Oa: Nếu thế
thì chúng ta đi làm việc thôi. Chúng ta sẽ hỏi cung nó trước khi mổ. Ông hỏi
chính hay tôi hỏi chính?
Nghé ọ: Ông hỏi đi. Ông có tư cách chính thống hơn tôi. Phải hỏi hắn văn
học là gì mới được. Hỏi xong câu đó là ta sẽ thọc dao liền.
Lại mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi ngang qua sân khấu. Màn hạ.
Hồi thứ bảy
Cảnh bệnh viện. Các dụng cụ mổ treo trên vách. Nhà văn Vô danh
ngồi ở ghế, mặc quần áo bệnh viện. K-Oa và Nghé ọ ngồi ở chiếc bàn đối diện. ở
một góc sân khấu, có một người đội mũ phớt, đeo kính đen, mặc áo bành-tô khoanh
tay ngồi yên lặng.
Nghé ọ: Chúng ta bắt đầu nhé! Có thể coi đây là một cuộc đối thoại cởi
mở, chính thức. Ông bạn nhà văn, thôi cứ xin gọi là Vô danh đi vì tôi thấy ở
trong phiếu mổ có ghi như thế, ông phải trả lời một cách thành thực những điều
mà chúng tôi hỏi ông. Sự hợp tác của ông chỉ có lợi cho ông, thậm chí nó quyết
định việc ông có phải mổ hay không hoặc nếu như phải mổ thì mổ kiểu gì. Cũng có
thể có khoan hồng...
K-Oa: Ông
phải cam đoan những lời ông nói là lời ông nói. Chúng tôi sẽ ghi âm lại.
Nghé ọ: Theo ông, văn học là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của
ông?
Nhà văn: Thưa, hồi nhỏ đọc sách, tôi thấy người xưa nói đại ý rằng: trăng
sao, mây gió, sấm chớp là văn của trời: quần áo, lễ nghi là văn của người...
như vậy nghiệm ra văn học chính là những giá trị bề mặt thiết yếu tạo nên cuộc
sống của con người.
Nghé ọ: Rất khó hiểu... Ông nói như thế nghĩa là ông văn tôi chăng?
K-Oa: Thôi!
Không lịch sự nữa. Vậy một thằng cởi truồng hắn có văn không?
Nhà văn: Thưa, ông không phải hỏi về Chử Đồng Tử đấy chứ, cái ấy phải xem
trong trường hợp nào. Giữa đám người mặc áo quần súng sính thì thằng cởi truồng
có văn nhưng giữa đám người cởi truồng thì có khi người mặc quần áo mới lại có
văn!
K-Oa: Lại nói
ngược! Ta biết ngay mà. Thế văn học có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của ông...
mà vừa rồi ông nói đến cái bề mặt nào thế?
Nghé ọ: Tôi nghĩ đấy là sĩ diện.
Nhà văn: Gọi là sĩ diện cũng được, nếu như ông muốn thế. Nó là toàn bộ
trạng thái tinh thần, tình cảm và vật chất của con người ta. Trong tác phẩm văn
học, nhiều khi nó là sĩ diện của cả một thể chế, một thời đại mà nhà văn ấy
sống, quan sát và ghi chép lại. Bởi thế mới có kiểm duyệt chính trị chứ? Việc
nhích dần đến dân chủ rất cần đến sự can đảm của các nhà văn.
K-Oa: Cũng
không khác gì cổ điển, phải không nào?
Nghé ọ: Tức là ông muốn nói đến ý nghĩa xã hội của văn học. Tôi nói như
thế có đúng hay không?
Nhà văn: Tuỳ ông thôi. Tôi thì tôi cũng không chú ý đến nó nhiều lắm.
Thực tình là thế.
K-Oa (nói
như học thuộc lòng): ý nghĩa xã hội của văn học là cốt tử. Văn học là nhân
học. Nhà văn là tấm gương phản ảnh xã hội, là con chim báo bão...
Nghé ọ (loay hoay): Chim báo bão... Sao tôi không thấy mình
có cánh nhỉ...
K-Oa: Đấy là
vì ông chưa có đủ tài năng để mọc cánh... (quay sang nhà văn). Này
ông nhà văn vô danh, thế ông có nghĩ rằng toàn bộ giá trị của ông chỉ là phép
nói ngược với làm lạ có phải hay không?
Nhà văn: Thưa, ngược xuôi, phải trái, đúng sai, xấu tốt, thiện ác, âm
dương... đấy là hai mặt nhưng cũng là một. Nếu các ông biết một chút về phép
suy luận triết học ở ta (thực ra thì tôi cũng chẳng thích danh từ này chút nào)
thì có lẽ các ông cũng chẳng cần phải đặt ra câu hỏi ấy làm gì. Còn làm lạ, thì
nghệ thuật sáng tạo tức là làm các phép lạ giống như Đức Chúa Giêsu đã làm các
phép lạ, có phải không nào?
Nghé ọ: Chữa bệnh, chữa người cùi, đi trên mặt nước, làm cho người ta
sáng mắt... Toàn là ma thuật! Ngày xưa người ta đã đưa lên giàn thiêu ối tay
phù thuỷ. Tay này đúng là một tay phù thuỷ.
K-Oa: Về
chuyện phù thuỷ ta sẽ hỏi sau... Này, thế có người nói rằng ông là nhà văn của
những mệnh đề đơn giản. Ông có công nhận đúng như thế không?
Nhà văn: Lạy giời, đấy là câu khen ngợi tuyệt vời nhất mà tôi muốn có.
Tôi luôn hướng tới sự đơn giản, đúng hơn là sự giản dị. Sự giản dị là điều kiện
thiết yếu của cái đẹp đạo đức. Lép Tônxtôi nói thế. Thưa các ông, còn lâu tôi
mới trở thành nhà văn của các mệnh đề đơn giản. Bây giờ, thực sự tôi mới chỉ là
một nhà văn danh tiếng. Một số báo chí phương Tây như Le Monde hay Libération gọi
tôi là nhà văn hiện đại lớn nhất Việt Nam. Tôi cũng không thích được gọi như
thế vì gọi như thế cũng chẳng khác gì ví tôi như con ễnh ương lớn nhất giữa bầy
ễnh ương!
Nghé ọ: Sao là ễnh ương mà không chão chuộc?
Nhà văn: ừ thì chão chuộc. Chão chuộc cũng được. Nhưng nếu là voi hay sư
tử thì khác.
K-Oa: Chỗ này
là ý thức dân tộc kém đây! Thôi được! Tại sao khi ông viết văn, người
ta cứ phải cầm lên và phải đọc bằng hết. Mặc dù, có cái đọc xong, thấy cũng
chẳng có quái gì cả. Chẳng có gì nhưng vẫn cứ phải đọc cho bằng hết(2). Thế
là cái gì?
Nhà văn: Thưa các ông, thế là văn học chứ còn gì nữa!
Nghé ọ: Thỉnh thoảng, ông lại còn nói như thánh phán. Đấy là tội chết.
Tình yêu là một hung thần. Ai bảo ông nói thế?
Nhà văn: Thì ông cứ yêu thử xem! Nhất là ở tuổi tôi với tuổi các ông...
Nghé ọ: Lại còn câu: Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế...
K-Oa: Ông có
công nhận ông viết và nói rất nhiều những câu linh tinh nhảm nhí có phải không
nào?
Nhà văn: Vâng! Phật tổ nói: Mở miệng là đã sai rồi.
Nghé ọ: Vậy sao biết thế mà lại cứ nói?
Nhà văn: Thưa, ngày xưa Phật tổ đắc đạo dưới gốc bồ đề, ngộ ra cái lý của
vũ trụ và sự vi diệu của đạo pháp. Người sợ chúng sinh mê đắm quá sâu, có đăng
đàn thuyết pháp cũng chẳng thấu, vô ích. Song các chư tiên, các đế thiên đế
thích đều khẩn thiết Người hoằng dương đạo pháp để cứu chúng sinh. Viết văn và
nói linh tinh có lẽ cũng giống như thế. Bất đắc dĩ phải viết, phải nói mà thôi.
K-Oa: Kiêu
ngạo quá lắm! Ông dám ví mình với Phật hay chăng?
Nhà văn: Không! Tôi chỉ là một người ngoan đạo và có Phật tính ở trong
thế giới Ta bà.
K-Oa: Ngoan
đạo! Văn chương du thủ du thực, trác táng. Rõ ràng ông là một tay lọc lõi, đồi
bại. Có phải không nào?
Nghé ọ: Chứ còn gì nữa! Mà cứ thỉnh thoảng lại còn hay cho nhân vật chết
nữa. Thế mới ác độc!
K-Oa: Lại còn
cứ hay cho thơ vào truyện.
Nghé ọ: Tóm lại, ông là một người rất nhiều tội lỗi.
Nhà văn: Vâng! Tôi luôn có ý thức sám hối những tội lỗi cho tôi, cho mọi
người.
K-Oa: Nếu
trích từng câu ra, tôi có thể nói rằng ông viết toàn thứ bậy bạ.
Nhà văn: Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Thưa, kinh mà
giải nghĩa từng chữ, từng lời thì oan cho chư Phật ba đời. Xin các vị xem ý tứ
ở trong cảnh giới thế nào cái đã. Ly kinh nhất tự, tất đồng ma thuyết.
Bỏ đi một chữ trong kinh thì tất thành điều ma nói. Có câu rằng: Phật
Phật Ma Ma. Ma Ma Phật Phật. Vậy xem xét văn chương thì cũng không nên chấp
nhặt vào lời và cũng không nên lìa lời để xét đoán chân lý.
Nghé ọ: Hừ! Rất khó chịu! Cứ hay lấy kinh Phật ra để giải thích! Tay này
có lẽ sẽ không mổ xẻ gì cả, ta chỉ có thể băm nhỏ hắn ra thành từng mảnh mà
thôi.
K-Oa: Thôi!
Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng, sau đó ta sẽ nghỉ ngơi một lát. Ông công nhận
rằng ông không có tài năng gì, có phải không nào? Nói thật đi!
Nhà văn: Vâng! Có tài mà cậy chi tài. Tài tình chi lắm cho trời
đất ghen. Vậy, xin các ông tuỳ tiện làm gì thì làm. Thôi cứ coi tôi là vô
tích sự cho xong. Còn tôi, bây giờ tôi không nói nữa.
Một màn múa của các vũ nữ và vũ công. Màn hạ.
--------------------------------
Trích trong bài Ngẫu hứng qua
mây gió của Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ trao đổi về tác phẩm của Nguyễn
Huy Thiệp nhân sự kiện hoa thuỷ tiên (Tạp chí Văn nghệ quân đội số 594 tháng
4/2004). |
Hồi thứ tám
Cảnh bệnh viện. Sân khấu trống trải, chỉ có nhà văn vô danh và
người đội mũ phớt, đeo kính đen, mặc áo bành tô ngồi đối diện nhau ở nửa sân
khấu. Hai viên trương tuần đứng như đứng gác ở nửa sân khấu còn lại.
Nhân vật người đội mũ phớt xuất hiện từ hồi thứ bảy của vở kịch,
bí hiểm, ông ta không tham gia vào vở kịch và sự im lặng của ông ta suốt hồi
kịch thứ bảy đã gây tò mò kinh khủng cho người xem.
Nhân vật nhà văn và người đội mũ phớt ngồi trên bục cao làm những
động tác như đối thoại nhưng không nói năng gì (giống như kịch câm). Bóng của
họ hắt lên tấm phông sân khấu đằng sau. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy cuộc
đối thoại ấy có khi gay gắt, có khi nhẹ nhàng. Đa số những cuộc nói chuyện đều
tuỳ tiện và có vẻ như chẳng ai chịu ai. Có lúc họ còn ném những vật trên bàn
vào mặt nhau. Về đại lược, cuộc nói chuyện là hoà bình, thân thiện, đối kháng
nhưng trong sự kiềm chế.
Phía trước sân khấu, các vũ nữ và vũ công trình diễn một màn múa
khá đẹp mắt, kể sơ lược lại lịch sử văn học Việt Nam.
- Những người nguyên thuỷ ca hát.
- Những bà mẹ kể chuyện cổ tích cho con.
- Các nhà sư đọc thơ tiếp sứ thần nước ngoài.
- Những cuộc thi tuyển chọn trạng nguyên.
- Những giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo và soạn chữ quốc ngữ.
- Những tờ báo đầu tiên.
- Những nhà văn hiện đại Việt Nam đầu tiên, người ta có thể nhận
ra vài ba người hao hao giống như Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn
Đoàn, Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, thậm chí cả Nguyên Hồng... còn lại thì
na ná đều giống nhau cả.
Âm nhạc khá độc đáo và sôi động. ánh sáng trên sân khấu được đặc
tả ở nhiều nhân vật rất có cá tính. Rõ ràng đạo diễn vở kịch này cần phải là
người rất am hiểu lịch sử văn học Việt Nam và có kiến thức văn hoá sâu rộng.
Hồi kịch này diễn ra trong chừng từ 7 đến 10 phút.
Màn hạ.
Hồi thứ chín
Bệnh viện tình thương. Trên sân khấu chỉ có hai viên trương tuần
đứng gác. Trần Mạnh Khảo đi ra, quần áo xộc xệch vẫn ôm chậu hoa và thổi phù
phù. Các vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh và các vũ công đang dọn dẹp trên sân
khấu. Họ hạ biển hiệu Bệnh viện tình thương xuống và xếp gọn các bàn ghế lại
một góc như để chuẩn bị cho việc diễn một chương trình khác hoặc như để kết
thúc vở kịch.
Trần Mạnh Khảo: Ô... Sao bảo ở đây vẫn còn đang mổ xẻ gì cơ mà? Thế là thế nào?
Ai cho phép thu dọn đồ đạc thế này? (Ông ta hỏi các vũ nữ và vũ công
nhưng họ đều tránh ra, không nói gì. Cuối cùng ông ta hỏi đến hai người trương
tuần). Các anh đứng đây mà để cho họ làm loạn thế à?
Trương tuần 1: Thế ông bảo chúng tôi làm gì họ được?
Trần Mạnh Khảo: Thế giám đốc bệnh viện đi đâu? Làm gì?
Trương tuần 2: Chịu! (Cười). Có khi ông ta đi hát karaôkê hay
đi đua xe cũng chẳng biết chừng?
Trần Mạnh Khảo: Thế không còn mổ xẻ gì à?
Trương tuần 1: Thôi từ lâu rồi!
Trần Mạnh Khảo: Ai cho thôi?
Trương tuần 2: Chậc! (lắc đầu, nhún vai chỉ lên trời).
Trần Mạnh Khảo: Thế các đồng nghiệp của tôi đâu cả? Họ đi đâu rồi?
Trương tuần 1: Biết thế nào được, ông thì về nhà lấy vợ. Ông thì về nhà bỏ
vợ... 50 ông xuống biển, 50 ông lên rừng.
Trần Mạnh Khảo: Thế này thì điên hết cả rồi à? Tôi không thể hiểu ra sao nữa cả.
Kết thúc không có hậu à? Chèng đéc ơi! Chúa ơi! (tỏ vẻ đau khổ, vò đầu bứt
tai). Kết thúc không có hậu à?
Trên sân khấu, các vũ nữ, vũ công đã dọn dẹp xong. Họ đang dàn
hàng để chuẩn bị cho một điệu nhảy mới.
Âm nhạc bắt đầu khe khẽ nổi lên. Các vũ nữ, vũ công khởi động chân
tay. Một vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh trông khá sếch-xy đến gần Trần Mạnh
Khảo, lịch sự đỡ lấy chậu hoa cất đi.
Vũ nữ: Ông
anh! Em mời ông anh một điệu nhảy có được hay không?
Trần Mạnh Khảo (cười ngượng ngập rồi cười vui vẻ, thoắt cái đã trở thành
một con người khác): Được chứ!
Trần Mạnh Khảo quăng áo vét-tông khoác ngoài, bên trong là y phục
của một nghệ sĩ. Hai tay vỗ vào nhau, ông ta giậm chân nhảy một điệu claket
ngắn khá sành điệu rồi chuyển sang các điệu dân vũ như của Nga và của Tây Ban
Nha. Ông ta đã trở nên một nghệ sĩ thực thụ. Tất cả các vũ nữ, vũ công nhảy
điệu lăm-ba-đa. Trên sân khấu, Trần Mạnh Khảo rõ ràng là một vũ công giỏi nhất
trong các vũ công. Đôi lúc ông ta lại còn dùng đầu mình làm trụ, xoay tròn như
chiếc com-pa, giơ hai chân lên trời hệt như diễn viên ở trong phim chưởng Hồng
Kông, khiến ai cũng phải giật mình, bất ngờ, thích thú.
Vở kịch kết thúc trong sự du dương của âm nhạc và của màn múa đặc
sắc khiến cho người xem không còn muốn đứng lên rời chỗ nữa. Màn hạ.