Tranh minh họa "khảo cây" - sưu tầm
Nhớ những Tết Đoan Ngọ ngày bé
Tên được dùng phổ dụng ngày đó là Tết “giết sâu bọ”.
Sáng dậy là đã thấy một mâm chè đỗ đen (đậu đen ninh + đường bánh) bố múc ra cho nguội và những đĩa mận chát và có năm còn thêm một chõ rượu nếp do mẹ ủ. Mọi người ăn chè, ăn mận chát, ăn rượu nếp như Bố nói để sạch ruột, tẩy giun. Anh chị em luôn nhắc nhau không được ngồi bậu cửa để tránh bị mụn mọc ở mông.
Nhà đông con, Bố năm nào cũng sẽ giết thịt 1 cặp vịt (2 con) để làm mâm cổ cúng thần linh, tổ tiên vào buổi trưa. Món khoái khẩu là tiết canh vịt và ốc nhồi nấu chuối, đậu.
Nếu có cây mít, hay cây gì sắp đến tuổi ra quả thì đúng 12 giờ trưa sẽ có màn kịch “khảo cây”. Một đứa leo lên cây, đứa dưới gốc cầm chày nện vào thân dăm cái rồi lớn tiếng quát:
- Cây mít mau trả lời- (cây/ người trên cây) Dạ dạ…- Khi nào ra quả ?- (cây) Dạ năm nay, năm nay- Bao nhiêu quả- (cây) Mười quả ạ- Nhớ đấy !
Khi quát nạt xong kiểu gì cũng nện thêm vài chuỳ nữa vào thân cây.
Những chỗ bị tổn thương ở thân thường “nghe lời” vì sợ mùa sau lại bị đánh đau, chồi ra những quả mít ngon thơm.
Thời gian trôi đi thật nhanh, vậy mà đã trên dưới bốn chục năm, Bố đã về với tổ tiên, còn mình cũng bước qua cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”.
Tết Đoan Ngọ năm Tân Sửu (2021)