MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM

Theo: Bài viết của tác giả Phan Lan Hoa trên facebook

Có lẽ khi viết xong những câu Thơ Kiều cuối cùng, Nguyễn Du cũng đã đoán trước được tác phẩm của mình là một thiên tuyệt bút. Dẫu vậy, cái lo lắng cho ba trăm năm sau của đại thi hào thì lại chứng minh Nguyễn Du không hề lường hết được tác dụng lớn lao của Thơ Kiều đối với đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Đức hạnh của nàng Kiều, đời sau có người khen kẻ chê. Kẻ chê, ấy là họ lấy cái nhìn đời nay áp đặt vào cái sự đã rồi của đời xưa nên có phần xô lệch. Nhưng thông qua Truyện Kiều, những dòng thơ lục bát mà Nguyễn Du để lại cho đời, thì có thể ví đẹp như một nàng Kiều bất tử, có sức quyến rũ xuyên thời đại.

Từ sự yêu mến một thiên tuyệt bút, dân Việt Nam đã triển khai ra hàng loạt trò chơi dân gian lành mạnh và nho nhã. Có thể nói Thơ Kiều – Nguyễn Du và những những người hâm mộ Thơ Kiều đã tô điểm thêm một lớp phấn hồng, làm sáng tươi nhan sắc dòng thơ lục bát, phết một nét duyên đậm đà, độc tôn không pha trộn của nền thi ca Việt Nam.

Cổ nhân Việt Nam có thú chơi trí tuệ khác thiên hạ, đó là thú chơi chữ. Trong thú chơi chữ lại phân thành những thú chơi riêng: chơi đố chữ, chơi đối chữ, chơi nói lái chữ, chơi thơ. Trong chơi thơ lại có chơi thơ Quốc Âm và chơi Thơ Kiều. Thú chơi Thơ Kiều có lẽ là đệ nhất chơi trong thiên hạ về tầm lôi cuốn. Ai đã từng mê Kiều, đều biết đến các thú chơi Kiều. Khi “trà dư” thì lấy Tập Kiều, triết lý Kiều mà ngẫm; Khi chén tạc chén thù thì Lảy Kiều, Vịnh Kiều mà chơi; Khi sấp ngửa đường đời, thì lấy Thơ Kiều mà gieo quẻ rủi may tìm kiếm lời khuyên nhủ; Khi muốn khen chê ai đó một cách lịch lãm thì lấy Thơ Kiều mà ví von; Khi muốn thử thách ai đó để tìm tri kỷ, tri âm, người ta cũng lấy Thơ Kiều ra mà đố, đối. Thơ Kiều còn đóng vai trò thay lời muốn nói trong lòng dân, từng có đơn kiện và xử kiện bằng Thơ Kiều trong lịch sử. Thời gian gần đây, các nghệ sĩ cả nước còn đem Thơ Kiều phổ nhạc, ứng dụng đủ tất cả các làn điệu dân ca ba miền Bắc Trung Nam.

Cũng đã có một vài nhà thơ đời nay lấy làm bực tức khi cái bóng của Nguyễn Du quá to lớn, khiến cho thơ Lục bát bị nhốt trong sự hào hoa của ngôi nhà thơ mang tên Truyện Kiều – Nguyễn Du. “Nói thật mất lòng”, chứ thật ra thì không chỉ Thơ Kiều, mà toàn thể dòng thơ Quốc âm ở Việt Nam đều chưa có ai ở thời nay đánh đổ được người xưa. Không chỉ Nguyễn Du mới là tượng đài, mà còn cả trăm tượng đài khác chữ nghĩa để đời. Và tôi xin đưa ra một lời khuyên chân thành, muốn “con hơn cha” thì con phải khiêm tốn học cha. Cần phải nghiêm túc xem xét thành tựu của cha để lại, nắm lấy cái gốc để vun xới, mới hòng có cái cành nở hoa. Chứ như bây giờ, có người lý thuyết thơ còn chưa vững mà đã đòi thi thố thơ với Đại thi hào, thì đúng là ngông cuồng lắm thay?

Thơ Kiều không sơ đẳng ở tầm đủ Thanh-Điệu-Vận, mà Cung-Thương-Giốc-Chủy-Vũ biến thiên Quân-Thần-Dân-Sự-Vật, nhân sinh quan, vũ trụ quan đều tụ cả vào trong lời thơ. Có khi chỉ cần hai câu mười bốn chữ là đủ để gom cả vũ trụ vào bức tranh mùa xuân của đất trời.

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Mười bốn chữ khác vẽ xong một kinh thành tráng lệ

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

Mười bốn chữ lột tả được cảnh đời phong trần của một con người

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Và cũng chỉ mười bốn chữ để cắt nghĩa đạo lý

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Mười bốn chữ để làm lời kết, đưa ra cái bắt tay bang giao giữa hai quốc gia Việt - Mỹ đầy nhân văn, đầy xúc động lòng người

“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

Chỉ sáu câu lục bát, Nguyễn Du vẽ xong nhan sắc hai thiếu nữ đẹp tuyệt trần. Chữ ít, tứ nhiều, ai chê thơ Nguyễn Du dở thì xin mời thử thách xem có làm đặng?

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da,

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn

Thơ hay cốt ở tứ thơ cao vời, hay nói cách khác chữ ít, tứ nhiều, âm thanh vũ trụ biến thiên, đó là loại thơ của bậc thánh thi.

Nó phải có cơn cơ thế nào, Thơ Kiều mới nằm lòng trong dân chúng Việt Nam như ngày nay. Đâu chỉ khi miệng lưỡi một ai đó bực tức thì thành ra dân Việt Nam cả ngàn năm nay đều không biết thưởng thơ, thật là lố bịch ?

THƠ KIỀU LÀ LOẠI THƠ DỤNG ĐỂ THAY LỜI MUỐN NÓI

Ngàn lẻ một tình huống trong cuộc sống, người Việt Nam quen dùng Thơ Kiều để “thay lời muốn nói”, tôi xin đưa vài ví dụ:

VÍ VON HỌC TRÒ

- Quay bài bị bắt: Mặt trông đau đớn rụng rời / Oan này còn một kêu trời nhưng xa

- Trước ngày đi thi: Tửng bưng trời mới bình minh / Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường.

- Trong phòng thi: Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần

- Thi xong: Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

- Đợi điểm: Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê

- Được tin đỗ: Nghe tin nở mặt nở mày / Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng.

- Chia tay bạn bè: Người về chiếc bóng năm canh / Kẻ đi muôn dặm một mình xa xăm.

- Nhập trường: Từ đây góc bể chân trời / Nắng mưa thui thủi quê người một thân.

DỤNG THƠ KIỀU ĐỂ MIÊU TẢ SỰ VẬT, SỰ VIỆC

- Tả cảnh thả diều: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm

- Tập Kiều tả cảnh lái xe ô tô:

Thênh thênh đường cái thanh vân

Một xe trong cõi hồng trần như bay

Ào ào đổ lộc rung cây

Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài

- Tả cây đèn cầy cháy: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

TẬP KIỀU

Tập Kiều là thú chơi lựa trong 3254 câu Kiều, chọn những câu cần thiết, ghép lại thành một bài thơ mới, nhằm chuyển tải ý người muốn nói. Thú chơi này chả khác nào biến Truyện Kiều thành cuốn từ điển tiếng Việt bằng thơ. Kể cả các nhà thơ lớn như Nguyễn Bính, Tản Đà, Phan Bội Châu… đều có bút tích Tập Kiều để lại.

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1965), Nguyễn Bính làm bài Tập Kiều:

Cảo thơm lần dở trước đèn

Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa

Trăm năm trong cõi người ta

Một thiên tuyệt bút gọi là để sau

Khen tài nhả ngọc phun châu

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình

Mấy lời kí chú đinh ninh

Rằng tài nên trọng, rằng tình nên thương

Khen rằng đáng giá thịnh đường

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai

Bài Tập Kiều của cụ Phan Bội Châu khi bị giam lỏng ở Huế:

Ví chăng xét tấm tình si

Thiệt đây mà có ích gì đến ai

Vội chi liễu ép hoa nài

Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi

Sinh rằng từ thuở tương tri

Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Tờ đơn khiếu kiện viết bằng Tập Kiều:

Chuyện kể rằng khoảng đầu thế kỷ XX, có một chị quê ở Ninh Bình, cha mẹ mất sớm để lại ruộng đất, tiến bạc, nhà cửa cho chị. Mụ Điều là hàng xóm bên cạnh ý đồ muốn cướp đoạt tài sản, bèn ngon ngọt dỗ chị làm lẽ cho chồng mình. Nào ngờ khi về nhà chồng, chị phải chịu cảnh ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài, nhà chồng chiếm đoạt hết tài sản, rồi đày chị lên Lạng Sơn buôn bán. Chị bèn viết đơn khiếu kiện lên quan át sát tỉnh Lạng Sơn. Nội dung như sau:

Lần thâu gió mát trăng thanh

Bà Điều Ngoan ở bên thành sang chơi

Ngọt ngào nói nói cười cười

Nghe xong thì cũng ra người bao dung

Đêm thâu vằng vặc năm canh

Gió đưa chiếc bách lênh đênh giữa dòng

Người vào chung gối loan phòng

Con ra tựa bóng đèn chong canh dài

Ngày ngày dở tỉnh dở say

Làm cho bể ải khi đầy khi vơi

Bề ngoài thơn thớt nói cưới

Mà trong nham hiểm giết người không dao

Con sinh ra hận má đào

Sa cơ nên phải lụy vào tôi ngươi

Xui con vò võ phương trời

Bán buôn thành Lạng kiếm lời cầu may

Xem gương ba bốn năm nay

Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già

Lừa con lấy sạch cửa nhà

Một mai đất khách làm ma không chồng

Cúi đầu quỳ trước cửa công

Dám xin một lá phiếu hồng thôi ra.

Trước tờ đơn độc đáo gây chú ý, quan án sát tỉnh Lạng Sơn bèn cho điều tra cụ thể, xét xử cho chị ta được li dị chồng và buộc nhà chồng phải trả lại tài sản cho chị.

ĐỐI KIỀU

Xóm hồng lâu, buổi tối nọ xảy ra một tấn bi hài kịch: hai cha con chạm trán nhau. Hai thế hệ không biết làm thế nào để thoát hiểm mà khỏi thương tổn đến thể diện, liền cùng quay lại quy hết lỗi cho giai nhân.

Người con mắng:

“Chẳng hổ mình sao, dám đem trần cấu dự vào bố…”

Bố cũng mắng lại:

“Tuồng gì hoa thải, mượn màu son phấn đánh lừa con…”

Tư tưởng thì quả là chẳng đáng mặt trượng phu tí nào, khi trút hết tội lỗi cho giai nhân như thế. Nhưng xét về đối đáp thì thật là nhất khí, vì mỗi vế lấy ngay ở hai câu 6-8 liền nhau:

Nghĩ mình chẳng hổ mình sao

Dám đem trần-cấu dự vào bố kinh.

***

Tuồng gì hoa thải hương thừa

Mượn màu son phấn đánh lừa con đen. 

ĐỐ KIỀU, VÍ KIỀU, ĐỐI ĐÁP KIỀU

Các cụ đồ nho xứ Nghệ xưa say hát ví phường vải đến độ:

Hát cho đổ quán xiêu đình

Cho lăn lóc đá, cho rung rinh trời

Say như ong say mật, như bướm say hoa, đến độ bất chấp:

Hát cho trời rạng đông ra

Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành.

Chỉ là một môn hát thôi, có gì mà lại khiến cho các cụ ta say đến vậy?

Thưa rằng, môn hát ví phường vải không đơn thuần chỉ là môn hát dân gian như các làn điệu dân ca khác. Hát chỉ là phương tiện để thể hiện, thực chất nội dung là một cuộc đối chất trí tuệ giữa các bậc văn nhân nho sĩ và các cô phường vải thông minh xinh đẹp. Cuộc đấu trí này có khi kéo dài cả tháng. Trong nhóm kép nam có tên tuổi cả những vị tiến sĩ, hoàng giáp tiến sĩ, những vị anh hào, các nhân vật lịch sử tiếng tăm mà ta có thể kể tên như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu...

Nguyễn Du từ chỗ mê say hát phường vải mà thành kép hát ở Phường vải Trường Lưu. Đến Thơ Kiều được đưa vào hát ví phường vải là cả một câu chuyện dài kỳ thú vị chẳng lời nào mà tả cho hết. Thôi thì mời quý vị coi ở các ví dụ cụ thể dưới đây để biết:

VÍ KIỀU

Vừa ra khỏi nhà, gặp cô phường vải xinh tươi giữa đường, anh đồ nho cất tiếng:

Ở nhà dời gót ra đi

Vừa trong tuần trẩy hội gặp Kiều nhi giữa đường

Rồi anh ví von:

Vừa ra vừa gặp người xinh

Cũng bằng Kim Trọng tiết Thanh minh gặp Kiều

Rồi anh thổ lộ:

Bước xuống sông Lam tìm con cá lội

Trèo lên Ngàn Hống hái một trái sim

Có thương nhau anh mới đến đây tìm

Bây giờ kháp mặt như Kim kháp Kiều

Cùng một tâm trạng đó, các cô phường vải cũng đánh tiếng:

Bóng ai thấp thoáng vườn hoa

Hình như Kim Trọng đến nhà Kiều Vân

Các cô gửi niềm mong chờ một cách đầy ý tứ:

Đêm khuya sương xuống đất im

Tai nghe tiếng nhạc chàng Kim đến gần

Các chàng đồ nho cũng thừa hiểu là các cô đang chờ mình. Nhưng vào được trong sân trình để “kháp mặt người xinh” quả là không dễ chút nào. Cái ngõ vào nhà phường vải được khoá bằng thơ, bằng tích Kiều, nên anh chàng nào chưa có thứ chìa khoá ấy trong tay, thì nên quay về mà lo đèn sách mới hòng. Cái sự khó ấy thế nào, thì tôi xin được rút trích một số tình huống đối đáp trong hát ví phường vải để minh chứng:

Phường vải

Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh kể được một câu năm người?

Đồ nho

Này chồng, này mẹ, này cha

Này là em ruột, này là em dâu.

Biết là anh đồ cũng khá, các cô nâng dần độ khó:

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh kể được một dòng chữ Nho

Anh đồ nho cũng thể hiện trình độ:

Hồ công quyết kế thừa cơ

Lễ tiên, binh hậu khắc cờ tập công.

Biết tài anh đồ rồi, các cô vẫn cứ cắc cớ:

Đồn rằng anh thuộc truyện Kiều

Thuyền quyên xin hỏi mấy điều phân minh

Năm nào Kiều lấy Thúc Sinh?

Năm Nào kiều phải bán mình chuộc cha?

Nguyễn Du nào có cho biết năm nào Kiều lấy Thúc Sinh? Bên nam bèn gỡ rối bằng đòn “gậy ông đập lưng ông” thách đố lại:

- Thiếp hỏi chàng thế thì cũng phải

Chàng hỏi thiếp Từ Hải con ai?

Lẽ ra Kiều ả Vân em

Cớ sao lại gọi là Kim – Vân – Kiều?

Khúc cuối của chặng đối đố trong hát ví phường vải thường là vừa đố, nhưng vừa ướm lời tỏ tình, lúc này phường vải thường dùng Tập Kiều để hát đối đáp cùng các văn nho:

"Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"

Phải đâu mèo mả, gà đồng

Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau:

"Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri"

Thế còn một đạo làm chi?

Trai anh hùng giải được, gái nữ nhi chịu tài.

Khi đó các chàng nho sĩ cũng phải trả lời theo ý tứ đó:

Vì ai chiếc lá lìa cành

Khi săn như chỉ, khi mành như tơ

Trót công rày đợi mai chờ

"Phải người trăng gió vật vờ hay sao"

"Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri

Ắt còn một đạo binh uy

Ở nhà giữ chốn biên thùy cho nghiêm

Anh hùng tỏ với thuyền quyên

"Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng"!

“Đối ra đáp đã nên lời…”, đã cảm phục tài lẫn nhau. Ở phần hát xe kết và hát tiễn, hai bên nam nữ đều chọn những câu với nội dung tỏ rõ tình yêu son sắt thuỷ chung để bày tỏ.

Phường vải

Bây giờ gặp gỡ nhau đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai

Khăng khăng cửa đóng then gài

Nhị đào chờ đợi con người tình chung.

Đồ nho

Hai ta quyết chí hai ta

Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều

Tóc tơ căn vặn hết điều

Hôm sau hẹn gặp Kim Kiều kết giao.

 

NGÀN LẺ MỘT KIỂU ĐỐ KIỀU

Đố xem mức độ thông thuộc truyện Kiều đến đâu.

Thường thì người đố chọn những chỗ lắt léo trong Truyện Kiều, những câu chữ có thể phịa ra những tình huống hóm hỉnh, không có thực trong Truyên Kiều như:

Đố:

Tiện đây hỏi thật một điều

Em đây chưa biết nàng Kiều ai sinh?

Đáp:

Hổ sinh ra phận tơ đào

Nàng Kiều… hổ đẻ, chứ nào ai sinh!

Đố:

Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đố anh biết được cô nào sinh đôi?

Đáp:

Đầu lòng hai ả tố nga

Hai con đầu cả…ắt là sinh đôi!

Đố tìm một chữ trong truyện Kiều:

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh kể được hai dòng năm “cho”?

Đáp:

Làm cho cho mệt cho mê

Làm cho đau đớn ê chề tấm thân

Đố:

Truyện Kiều anh đã thuộc làu

Đó anh đáp được một câu bốn “mình”?

Đáp:

Oan kia theo mãi với tình

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Đố Kiều gắn với thời đại mới:

Thời Kiều đã có ngân hàng

Em đây chưa tỏ, xin chàng chỉ cho?

Đáp:

Nhà băng… đưa mối rước vào

Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong?

Câu đố chiết tự chữ Hán

Tuần sau bỗng thấy hai người

Giang tay về chốn trướng mai tự tình

Đố là Là chữ gì?

Đáp: Chữ Thiên (gồm chữ nhị và chữ nhân cấu thành)

 

Đời người đến thế thì thôi

Ba thu dồn lại một ngày dài ghê

Đáp: Là chữ Xuân (gồm chữ tam, chữ nhật và chữ nhân cấu thành)

 

Kể chuyện đố Kiều, đối Kiều thì dài lắm. Bút giấy nào mà ghi cho hết. Tôi xin ghi lại một Giai thoại khá thú vị về ba anh đồ Nghệ tán gái. Chuyện rằng ba anh đồ Nghệ đi chơi, thấy một cô phường cấy rõ xinh đang cấy lúa dưới ruộng, bèn thách nhau làm sao để mời được cô này lên bờ nói chuyện. Một anh lém lỉnh cất tiếng ngâm nga câu ví:

Đến đây hỏi thật Thuý Kiều

Có thương Kim Trọng ít nhiều chi không?

Cô gái tủm tỉm:

- Các thầy hỏi như rứa, giừ em xin nhờ một việc. Con cò bên ruộng kia đang lò dò sang ruộng em đấy, các thầy làm sao đọc một câu Kiều mà nó bay đi được thì em xin lên bờ hầu chuyện. Ba thầy nho nhìn nhau một lúc rồi một thầy cất tiếng:

Lần lần tháng trọn ngày qua

Nỗi gần ai biết đường xa thế này

Lâm Tri từ thủa uyên bay!

Thầy nho cố gắng hét to chữ “bay”, nhưng con cò vẫn tỉnh bơ như không. Thầy nho thứ hai bèn ra oai:

Cùng nhau theo gót sai nha

Song song vào trước sân hoa lạy quỳ

Trông lên mặt sắt đen sì!

Thầy nho ráng “sì” một tiếng dài để đuổi cò, nhưng con cò vẫn không nhúc nhích. Nhiệm vụ nặng nề dồn hết vào thầy nho thứ ba. Cò mà cứ ở lỳ thì bay đi là trình tán gái của các thầy.

Mảnh trăng đã gác non đoài

Một mình luống những đứng ngồi chưa xong

Đùng đùng gió dục mây vần

Một xe hay cõi hồng trần như bay!

Quyết không để mất cơ hội giao lưu với người đẹp phường cấy, lần này thầy nho vừa dậm chân, khua tay, lấy hết sức bình sinh, hét to thất thanh hai tiếng “đùng đùng” và "bay", khiến con cò giật mình bay lên. Dù vậy, chấm điểm thuộc Kiều của các thầy nho, cô gái chịu lên bờ tiếp chuyện ba thầy. Qua đây cũng thấy rõ một điều, ở thế kỷ 18 -19, người ta coi chuyện thuộc Thơ Kiều cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ thông chữ của Đồ Nho.

 

BÓI KIỀU

Vào khoảng thập kỷ 50 – 60, trong dân gian nước ta vẫn còn lưu truyền nhiều thầy bói chuyên bói bằng Thơ Kiều. Thường thì mỗi thầy bói tự lập cho mình một bộ thơ bói. Mỗi trang có một bài Tập Kiều. Mỗi bài Tập Kiều có nội dung tập trung về một chủ đề nào đó. Người chơi bói cầm cuốn sách của thầy bói lên và khấn:

Lạy vua Từ Hải,

Lạy vãi Giác Duyên,

Lạy tiên Thúy Kiều

Cho con xin một quẻ về... (điều muốn bói)

Khấn xong thì mở tự nhiên một trang bất kỳ, không được đọc trước rồi mới mở. Mở xong thì nghe thầy bói giảng Kiều xem với bài Tập Kiều mình bắt được hên xui thế nào.

 

Chưa thể kể hết những giá trị của Thơ Kiều chỉ bằng một bài viết. Thơ Kiều là ca dao, là dân ca, là từ điển tiếng Việt, là nhân sinh quan, vũ trụ quan; Là tâm tình thay lời muốn nói, là phép đối nhân xử thế trong thiên hạ; Là khi vui buồn có thể lấy làm chỗ dựa tinh thần và gần đây nhất, các vị Tổng thống Mỹ trong những chuyến ngoại giao với Việt Nam, họ đã sử dụng hữu hiệu Thơ Kiều để lay động trái tim người Việt Nam.

 

Tổng thống Bill Clinton : “... Chỉ sau một ngày ở thăm đất nước các bạn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản người dân Việt Nam giành lấy cơ hội nhận biết tiềm năng tràn đầy của mình. Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác.” và ông ấy đọc Thơ Kiều để kết thúc bài phát biểu:

“Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Tổng thống Obama: “Mai này, khi người Mỹ – Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn” và ông kết thúc bài diễn văn cũng bằng hai câu Thơ Kiều:

“Rằng trăm năm cũng từ đây.

Của tin gọi một chút này làm ghi”

Trong chuyến công du Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Để chúc mừng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 20 năm chính thực bình thường hóa (1995 – 2015), Joe Binden bấy giờ là Phó Tổng thống Mỹ, đã đọc hai câu Thơ Kiều:

“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

Tùy từng thời điểm lịch sử khác nhau trong mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ, các vị Tổng thống Mỹ đã lựa chọn những câu Thơ Kiều đầy ngụ ý. Họ thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết Văn hóa Việt Nam. Họ mượn lời người Việt để tỏ tình hữu nghị với người Việt. Thật tốt đẹp lắm thay!

Thơ Kiều đóng vai trò ngoại giao, Nguyễn Du chắc chắn đã không hề tiên lường được điều này. Sức sống tuyệt diệu của Thơ Kiều là như vậy!

Thơ Kiều của Nguyễn Du là bất hủ. Nguyễn Du là Thánh thi Việt Nam. Trên thế giới chưa hề có một cuốn thi ca nào chứa đựng nhiều giá trị ứng dụng đời sống được như Thơ Kiều của Nguyễn Du. Xin đừng ai có tham vọng lật đổ tượng đài sẽ tự biến mình thành lố bịch…

 

***

TƯ LIỆU THAM KHẢO VÀ SỬ DỤNG:

- Thơ văn Tập Kiều - NXB Ty văn hoá Hà Tĩnh 1965

- Đố Kiều nét đẹp văn hoá - Phạm Đan Quế 2003

- Lãng nhân chơi chữ - Ấn phẩm SG 1961

- Hát ví phường vải Nghệ Tĩnh - Ninh viết Giao 2002

- Nghệ thuật chơi chữ - Triều Nguyên

- Hình minh họa rút từ bộ lịch Kiều 9 năm 2018 - 2026

Nguồn: fb LanHoa Phan

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn