Cảm tình đạm liễu đắc gia tiền

 

(châm ngôn vui)

“RAU XÀO VỊ NHẠT CẦN THÊM MUỐI

TÌNH CẢM PHAI NHẠT PHẢI NÊM TIỀN”

Viết bằng chữ Nôm:

蒌 炒 味 溂 勤 添 㙁

情 感 拜 溂 沛 揇 錢

Câu châm ngôn vui này được dịch từ chữ Hán:

“菜 炒 淡 了 要 加 鹽

感 情 淡 了 得 加 錢”

“Thái sao đạm liễu yếu gia diêm

Cảm tình đạm liễu đắc gia tiền”

Tản mạn vài dòng về Chữ Hán và chữ Nôm:

Chữ Hán (chữ Nho): để ghi tiếng Hán, người Việt sáng tạo ra một phương ngữ (âm) riêng cho chữ Hán, cũng như tại TQ,  chữ viết thống nhất một "tự dạng", nhưng mỗi vùng một phương ngữ khác nhau, đọc chữ ra âm khác nhau. Ví dụ: “菜 炒 淡 了 要 加 鹽”, người Việt đọc là: “Thái sao đạm liễu yếu gia diêm” - đó là âm đọc chữ Hán của người Việt (âm Hán Việt), người TQ đọc khác (TQ có 5 phương ngữ chính). 

Người Việt dùng chữ Hán cả trên ngàn năm, nhưng chẳng bao giờ người Hoa đồng hoá được người Việt, bởi người Việt sáng tạo ra một phương ngữ, âm vị riêng của mình.

Chữ Nôm: để ghi tiếng Việt. Người Việt sáng tạo ra chữ viết riêng để ghi tiếng Việt, đó là chữ Nôm. Khi chưa có chữ Quốc ngữ ký âm theo ký tự La-tinh abc, chữ Nôm được gọi là Quốc ngữ/ Quốc âm.

Ví dụ: câu: “Rau xào vị nhạt cần thêm muối” chữ Nôm viết là: 蒌 炒 味 溂 勤 添 㙁. 

Những từ vay mượn từ chữ Hán, gọi là chữ Hán Việt, thì dùng ngay tự dạng của chữ Hán. Ví dụ: câu châm ngôn Hán và Việt ở trên, đều có chữ “tình 情”- chữ Hán, chữ Nôm viết như nhau.

Chữ Nôm đủ để viết tiếng Việt với mọi sắc thái âm điệu thi ca và đời thường. Những câu châm ngôn dí dỏm trên, hay cách chơi chữ lắt léo trong thơ Hồ Xuân Hương, đặc biệt, áng thơ bay bổng, trong sáng, giầu cảm xúc như Truyện Kiều của Nguyên Du là một ví dụ. 

Người Việt từ cả ngàn năm qua, đã là một dân tộc có chữ Viết riêng, là một nền văn minh có chữ Viết.

Nhữ Đình Văn 30.9.2024 

(tranh, câu châm ngôn chữ Hán sưu tầm trên mạng xh)


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn